Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 10/03/2014, 11:39 AM

Tư tưởng Phật học của Tổ sư Minh Đăng Quang trong bộ Chơn Lý

Qua sự tu chứng của bản thân, Tổ sư Minh Đăng Quang đã khéo léo tùy thuận vào hoàn cảnh của đất nước và con người mà khai sáng một hệ phái Khất sĩ mang đậm bản sắc đạo Phật của đất nước và con người Việt Nam.

Từ hàng ngàn năm qua, sự ra đời của tôn giáo được xem là một trong những là hình thái biểu hiện ý thức phát triển xã hội. Chính vì vậy mà ngoài việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của một bộ phận quần chúng, tôn giáo còn đóng vai trò quan trọng bởi ảnh hưởng trực tiếp đến các giá trị văn hóa, đạo đức, nếp tư duy và phương cách sống của con người. Ở nước ta, tôn giáo rất đa dạng, phong phú, mang đậm dấu ấn tâm linh đặc thù của dân tộc, nhất là các tôn giáo  trong lòng dân tộc. 

Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, chiến tranh liên tục, dân chúng lầm than, lòng người hoang mang trước một triều đình thối nát lúc bấy giờ. Xen vào đó là những tư tưởng nô dịch của bọn thực dân Pháp càng làm cho lòng người sợ hãi, mất ý chí, bỏ mặc số phận, sống cầu an với thân phận của một người dân trong một đất nước đang bị nô lệ.

Lúc này, người dân chỉ biết gởi gấm niềm tin vào đấng thiêng liêng để cầu nguyện sự bình an, từ đây nhiều hình thức mê tín, dị đoan xuất hiện, nhiều người lợi dụng vào niềm tin này mà tạo ra nhiều mê hoặc để mưu cầu cá nhân trong đó có cả nhà sư: “Thầy chùa không hiểu đạo Phật, khinh thường giới luật, có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu, sóc vọng, cũng sám hối như ai, nhưng lại thủ dị cầu kỳ, học thêm bùa ngãi, luyện roi thần, làm bạn với thiên linh cái, đồng nhi, ông lên bà xuống, ngắp vắn, ngắp dài, thư phù niệm chú, gọi là cứu nhân độ thế, nhưng thật ra lợi dụng lòng mê muội của thiện nam tín nữ, mở rộng túi tham, quơ vét cho sạch sành sanh”.

Trong hoàn cảnh đau khổ như vậy, thì có sự xuất hiện của các bậc chân tu, huyên thâm phật học như: Thích Chí Thành, Thích Thanh Kế, Khánh Anh, Khánh Hòa, Thiện Chiếu và cư sĩ Nhật Sắc… đã mang lại phần nào niềm tin Phật chánh tín cho người dân nói chung và miền Tây Nam bộ nói riêng trên tinh thần của phật giáo nhập thế.

Như cư sĩ Nhật Sắc - Thiện Thành (Nguyễn Sinh Sắc) đã nói: “Tu là phải nhập thế, phải xả thân cứu đời mới phát triển đạo được. phật dạy, tu là cứu khổ, cứu nạn chúng sinh. Cái nạn lớn nhất là mất nước, là đem thân làm nô lệ ngoại bang. Chúng sinh hiện đang lầm than, rên siết, đã là người chân tu thì phải ra tay cứu dân, cứu nước…” . 

Nếu như các tôn giáo khác phát triển trên nguyên tắc và truyền thống giáo điều, thì sự phát triển của Phật giáo lại khởi nguồn từ nền tảng tư tưởng đạo đức truyền thống đặc trưng của dân tộc kết hợp hài hòa với giáo lý Phật-đà. Trong bối cảnh xã hội vào những thập niên 40 của thế kỷ trước, dù ở nước ta đã có mặt các tôn giáo nội sinh nhưng sự xuất hiện thêm một tôn giáo nội sinh mới nữa, đó chính là Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập vào năm 1944, mà ngày nay chúng ta gọi là Hệ phái Khất sĩ. Vậy sự ra đời của đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam mang ý nghĩa như thế nào? 

Theo nhận định chủ quan của chúng tôi thì Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam vừa là tôn giáo nội sinh của dân tộc, vì nó phát khởi trong lòng dân tộc, lại vừa là một nhánh đạo phát sinh ngay trong lòng Phật giáo tại Việt Nam, điều đặc biệt là nó không xuất phát từ Phật giáo Bắc tông, cũng không phải xuất phát từ Phật giáo Nam tông, đã vậy nó còn kết hợp và ứng dụng hiệu quả hai nền tảng giáo lý vào con đường tu hành của hệ phái một cách hài hòa.

Chính vì nét đặc thù này đã khiến cho Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam mang nhiều ý nghĩa sâu xa và thực tiễn, trước hết là nó đáp ứng được nhu cầu tu nhân học Phật của một bộ phận quần chúng ở miền Nam nước ta, thứ nữa nó đã góp phần bổ sung cho một số tôn giáo nội sinh đương thời, đồng thời định hướng cho tín đồ dễ dàng hơn trong việc hướng đến con đường giác ngộ giải thoát của đạo Phật.

Sự ra đời của Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam là sự vận dụng một cách sáng tạo từ hai nguồn giáo lý Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông trong sứ mạng hoằng pháp độ sanh của Đức Tôn sư Minh Đăng Quang. Sự vận dụng linh hoạt sáng tạo này đã tạo thành nét đặc thù rất độc đáo của đạo Phật tại Việt Nam.
 
Sau ngày hình thành, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam không ngừng lớn mạnh và phát triển vượt bật để rồi trở thành Hệ phái Khất Sĩ, một trong những thành viên sáng lập của GHPGVN. Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển trong suốt 70 năm qua, Hệ phái Khất Sĩ đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp chấn hưng Phật pháp, vào công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam.

Những kết quả vô cùng khả quan này đã chứng tỏ chánh kiến, định hướng và phù hợp với nhu cầu học Phật thực tiễn của một bộ phận quần chúng ở nước ta. Từ sự phát triển không ngừng cả số lượng lẫn chất lượng của Tăng ni Phật tử trong Hệ phái Khất Sĩ và nhất là từ những kết qủa đã đạt được trong suốt 70 năm qua, chúng ta có thể mạnh dạn nói rằng, Hệ phái Khất sĩ đích thực là một tổ chức Phật giáo có khuynh hướng phát triển và rất đặc trưng của Phật giáo tại Việt Nam.

Nhân dịp “Đại lễ tưởng niệm 60 năm Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng”, Hệ phái Khất sĩ phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập”. Để bày tỏ lòng biết ơn đối với Tổ sư Minh Đăng Quang đã tạo nên một truyền phái Phật giáo mang đậm bản sắc dân tộc Việt, cũng như ghi nhận những đóng góp của ngài nói riêng, của Hệ phái Khất sĩ nói chung với Đạo pháp và Dân tộc, chúng tôi mạo muội đóng góp cùng hội thảo bài tham luận “Tư tưởng Phật học của Tổ sư Minh Đăng Quang trong bộ Chơn Lý”. 

Trước khi nói đến “Tư tưởng Phật học của Tổ sư Minh Đăng Quang trong bộ Chơn Lý”, thiết nghĩ chúng ta cũng nên khái quát đôi dòng về tư tưởng Đại thừa của Tổ sư Minh Đăng Quang. 

1. Vài nét về tư tưởng Đại thừa của Tổ sư Minh Đăng Quang

Như chúng ta đã biết, bổn hoài của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chính là độ thoát chúng sanh ra khỏi vòng luân hồi sinh tử. Trên quan điểm Phật giáo Đại thừa thì sự thành đạo của đức Phật là kết qủa của một quá trình trải qua hằng hà sa số kiếp không ngừng tu tập và thành tựu hạnh nguyện Bồ Tát “vì xót thương chúng sinh”. Trong khi đó, Tổ sư Minh Đăng Quang ngay từ khi bắt đầu khai sáng Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, ngài cũng đã đề cao mục đích độ sanh với tâm nguyện “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”. Đây là mục đích tối hậu để hình thành nên Hệ phái Khất sĩ ngày nay. Qua đó chúng ta có thể khẳng định tư tưởng vì lợi lạc quần sanh, với tâm nguyện noi gương Phật tăng xưa “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”, chính là tư tưởng Đại thừa của một bật Tổ sư khai sáng. 

Xuất phát từ tâm nguyện “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”, cùng với sự hình thành của giáo đoàn Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, là sự ra đời của bộ Chơn Lý, gồm 69 tiểu phẩm, nội dung chứa đựng sự hài hòa phối hợp giữa hai luồng tư tưởng Phật học Bắc truyền và Nam truyền Phật giáo. Đồng thời sự vận dụng linh hoạt tư tưởng Đại thừa vào đời sống tâm linh của giáo đoàn Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ trong quần chúng Phật tử và trong giới học Phật đương thời về một bậc Tổ sư xuất hiện tại Việt Nam trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo ở nửa đầu thế kỷ XX.

Tư tưởng Đại thừa nối truyền Thích Ca chánh pháp nhằm lợi lạc quần sanh của Tổ sư Minh Đăng Quang ngày càng phát triển sâu rộng trong đời sống tâm linh của Phật tử và Tăng Ni trong Hệ phái Khất sĩ. Ở đây chúng ta có thể nói ngắn gọn, tư tưởng Đại thừa của Tổ sư Minh Đăng Quang đã được thể hiện một cách sống động qua hai nội dung căn bản của Hệ phái Khất sĩ, đó chính là “Pháp” và “Tăng”. “Tăng” đó là sự kế thừa hành trạng của Phật Tăng xưa, hội nhập và phát triển không ngừng để rồi trở thành Hệ phái Khất sĩ ngày nay. Còn “Pháp” được xem là tư tưởng Đại thừa được dàn trải đều khắp trong bộ Chơn Lý. Cũng ngay trong bộ Chơn Lý, Tổ sư Minh Đăng Quang đã rất coi trọng Pháp bảo: “Pháp bảo là thầy của Phật, là thầy của Tăng và chúng sanh. Vậy nên chúng ta mau mở trí ra mà chứa đựng Pháp bảo. Vì trong đời Pháp bảo là qúy hơn hơn hết” . Đây cũng là nội dung chính mà chúng ta sẽ bàn sâu vào trong phần kế tiếp của tham luận này. 

Tư tưởng Đại thừa thường được thể hiện qua tâm lượng, hạnh nguyện và việc làm cụ thể trong qúa trình nhập thế độ sanh. Do vậy một khi nói đến tư tưởng Đại thừa của Tổ sư Minh Đăng Quang, chúng ta không thể không nói đến hành trình dấn thân nhập thế độ sanh của ngài.

Như chúng ta đã biết, vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, đất nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, chiến sự triền miên, lòng người ly tán, trình độ dân trí của quần chúng chưa cao, hiện tượng mê tín dị đoan phát triển tràn lan, trong bối cảnh đó thì tại các tỉnh Nam bộ xuất hiện các tôn giáo nội sinh chủ yếu khuyên răn người đời làm lành lánh dữ, ăn chay niệm Phật, đan xen với xu hướng tâm linh chưa nhất quán rạch ròi là những tư tưởng nô dịch của thực dân Pháp, điều này khiến cho lòng người thêm hoang mang mơ hồ, mờ mịt không chỗ dựa. Trước tình cảnh điêu linh thống khổ này thì Tổ sư Minh Đăng Quang xuất hiện và Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam đã ra đời.

Sự có mặt kịp thời của Đạo Phật Khất Sĩ do Đức Tôn sư Minh Đăng Quang khai sáng vào thời điểm này, trước hết nó đã định hướng phương thức tu nhân học Phật một cách cụ thể, phù hợp với căn cơ trình độ của đại đa số quần chúng đang khao khát con đường giải thoát, khai thông sự bế tắc trong đời sống tâm linh, tạo được niềm tin và sự phấn khởi của quần chúng Phật tử đối với đạo Phật đương thời, điều này đã góp phần to lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ.

 Tinh thần vì lợi ích tha nhân mang hạnh nguyện nhập thế độ sanh của tư tưởng Đại thừa Phật giáo từng được đức Phật chỉ dạy các vị Tỳ kheo trong giáo đoàn của ngài: “Này các Tỳ kheo, hãy đi khắp nơi vì lợi lạc và hạnh phúc của số đông, do lòng từ bi đối với cuộc đời, vì lợi lạc và hạnh phúc của trời và người” . Minh chứng về tư tưởng Đại thừa của Tổ sư Minh Đăng Quang, chúng ta có thể nhận thấy trong qúa trình hoằng pháp lợi sanh, dù chỉ thời gian rất ngắn ngủi, vỏn vẹn 10 năm (1944 - 1954) vậy mà Đức Tôn sư Minh Đăng Quang đã thành tựu nhiều Phật sự rất đáng trân trọng. Xuất phát từ tư tưởng Đại thừa, với tâm niệm “Nối truyền Thích Ca chánh pháp” rộng mở đạo tràng, phổ độ thế nhân vào con đường chánh pháp, giáo đoàn du Tăng khất sĩ đã theo gót chân ngài tỏa đi khắp mọi nơi, đến nơi nào thì thâu nhận thêm môn đồ đệ tử nơi đó, cứ thế chỉ trong một thời gian ngắn, đoàn du Tăng càng ngày càng phát triển lên đến cả trăm người, hệ thống tịnh xá được xây dựng khắp cả miền Nam và mở rộng ra đến các tỉnh miền Trung. Có thể nói, sự hình thành nhanh chóng của giáo đoàn du Tăng khất sĩ và quần chúng Phật tử nương theo chư Tăng Khất sĩ tu học phát triển một cách rộng khắp là một minh chứng hùng hồn và thuyết phục về tinh thần nhập thế độ sanh của tư tưởng Đại thừa Phật giáo.

Thứ nữa, các đặc điểm của hệ phái Khất sĩ thông qua phương cách tổ chức, điều hành giáo đoàn, công tác Phật sự, nghi thức hành lễ, sinh hoạt tu học cho đến các chi tiết nhỏ như cách ăn mặc, pháp phục… là cả một sự vận dụng uyển chuyển linh động rất tinh tế, vừa mang tính kế thừa chân truyền của Phật Tăng xưa, lại vừa mang tính sáng tạo năng động phù hợp với điều kiện thực tế và hoàn cảnh thời đại. Đây là nét độc đáo của tư tưởng Đại thừa mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã ứng dụng rất thành công trong Hệ phái Khất sĩ.

Do vậy, trước sự lớn mạnh không ngừng của Hệ phái Khất sĩ trong suốt 70 năm qua đã cho chúng ta thấy rằng, Tổ sư Minh Đăng Quang là một nhân tố Đại thừa rất tích cực trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, nhất là trong giai đoạn Phật giáo nước nhà đang gặp khó khăn do hoàn cảnh lịch sử và do cả yếu tố chủ quan ngay trong lòng Phật giáo thời bấy giờ.

Nói đến Đại thừa Phật giáo, thiết nghĩ chúng ta cũng cần làm rõ thuật ngữ này một cách chuẩn xác sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Như chúng ta đã biết, vào năm 1950, Đại hội Phật giáo Thế giới khai mạc ở Colombo đã chính thức đưa ra quyết định xóa bỏ hẳn danh từ Phật giáo Tiểu thừa, vì nó không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của đạo Phật tại một số nước như Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Lào… Tuy nhiên kể từ đó đến nay, trong sinh hoạt Phật giáo, chúng ta vẫn còn sử dụng thuật ngữ Phật giáo Đại thừa một cách rộng rãi trong giáo lý và trong nội dung hoằng pháp.

Do vậy sự tồn tại của cụm từ Phật giáo Đại thừa chúng ta nên hiểu, đó không phải để so sánh hay đối lập với cụm từ Phật giáo Tiểu thừa, mà nó hàm ý chỉ về sự dấn thân nhập thế độ sanh theo khuynh hướng phát triển. Bởi hai chữ Đại thừa ở đây nó mang ý nghĩa là tâm lượng lớn, tầm nhìn lớn, hạnh nguyện lớn.

Tất cả những phẩm chất cao qúy này đều có sẵn và luôn có cơ hội phát triển trong tâm thức của mỗi người con Phật dù họ đang có duyên gắn kết với bất kỳ một tông phái nào trong ngôi nhà Phật giáo.
 
Xuất phát từ khái niệm trên, chúng ta có thể hiểu theo một cách nhìn khác súc tích hơn, Đại thừa chính là sự khéo léo tùy duyên, thuận theo tình cảnh mà linh hoạt diệu dụng để làm tốt hơn nữa sứ mạng hoằng pháp lợi sanh. Và điều này Tổ sư Minh Đăng Quang đã rất thành công trong việc tổ chức, điều hành, phát triển giáo đoàn trong suốt thời gian ngài còn tại thế.

Thật vậy, khi nhìn vào những đặc điểm nổi bật trong tổ chức cũng như qúa trình phát triển giáo đoàn của hệ phái Khất sĩ, chúng ta cũng không thể ngờ trước sự vận dụng rất sáng tạo và kết hợp hài hòa giữa hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông của Tổ sư Minh Đăng Quang.

Chẳng hạn đối với việc kế thừa truyền thống Phật giáo Bắc tông, Tổ sư Minh Đăng Quang đã thực hiện việc ăn chay nhằm tăng trưởng lòng từ bi thương xót muôn loài cũng như trợ duyên cho công phu tu tập, trong công tác tổ chức giáo đoàn ngài đã thâu nhận đệ tử nữ giới, cho họ xuất gia hình thành đoàn Ni giới của hệ phái. Về mặt giáo lý, ngài đã tận tâm thuyết giảng kinh Pháp Hoa, kinh A Di Đà… để triển khai về các khái niệm Chân như, Phật tính.

Đối với việc kế thừa truyền thống Phật giáo Nam tông, ngài đã chọn hình thức y bát, khất thực, ăn đúng giờ ngọ theo truyền thống Phật Tăng xưa như thời Phật còn tại thế. Về mặt giáo lý, ngài đã nêu cao tinh thần y bát chơn truyền, cũng như chú trọng đến con đường tu tập hướng đến đạo qủa tối thượng là A la hán.

Một đặc điểm nổi bật nữa, đó là sự thực hành Tứ Y Pháp Trung Đạo, nghĩa là người xuất gia chỉ được ăn thực phẩm khất thực được, tuy nhiên vẫn có thể được thọ thực tại tịnh xá vào những ngày lễ hội hay thuyết pháp, người xuất gia đúng Luật khất sĩ thì chỉ dùng y bát, tuy nhiên vẫn có thể tùy nghi nhận pháp phục nếu có người dâng cúng, người xuất gia phải nghỉ dưới cội cây, nhưng vẫn có thể cư ngụ nơi am cốc nếu có thí chủ cúng dường, người xuất gia trong khi đau vẫn được dùng thuốc men nếu có người cúng.

Tuy nhiên do hoàn cảnh và điều kiện xã hội ngày càng phát triển, tinh thần Tứ Y Pháp Trung Đạo ngày nay đã mai một, nhưng chính sự cách tân để thuận theo thời đại cũng đã nói lên hướng tích cực nhạy bén của tư tưởng Đại thừa, đó chính là sự uyển chuyển linh động để phù hợp với tình hình thực tiễn, nhằm đáp ứng nhu cầu tu hành và hoằng pháp lợi sanh. 

 2. Tư tưởng Phật giáo Đại thừa trong bộ Chơn lý

Trước hết chúng tôi xin đưa ra nhận định, bộ Chơn Lý là bộ giáo lý đầu tiên của Phật giáo Khất Sĩ tại Việt Nam hoàn toàn được Việt hóa, là bộ giáo lý đầu tiên đã kết hợp và dung hòa được hai nền tảng giáo lý Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông. Đây là nét độc đáo đầu tiên về mặt giáo lý của Hệ phái Khất sĩ.   

Như chúng ta đã biết, Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập Đạo Phật Khất Sĩ trong bối cảnh đất nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, lòng người ly tán, trình độ dân trí của quần chúng còn thấp kém, hiện tượng mê tín dị đoan phát triển tràn lan… Thập niên 30 - 45 là thời kỳ mà đất nước ta chịu dưới hai tầng áp bức nửa thực dân, nửa phong kiến, các nhà địa chủ, cường hào ác bá ra sức áp bức bóc lột những người làm thuê, làm mướn. Trong hoàn cảnh cơ cực như thế chỗ dựa tinh thần duy nhất cho mọi người là tôn giáo.

Nhưng trong giai đoạn này, Phật giáo Việt Nam cũng suy vi đến mức độ cùng cực: “Các cảnh chùa trong nước đã trở thành là những cảnh gia đình riêng, không còn gì là tính cách đoàn thể của một Tôn giáo nữa. Họ sống trong Phật giáo chỉ còn là dốt và quên! Quên để khỏi biết đến bổn phận, bổn phận chơn chánh của một người tăng đồ…” ;  “ Phật giáo hiện thời đã có phần chấn hưng, nhưng có một trở lực mà chưa có Hội nào, hay một Sơn môn nào giải quyết, đó là cổ động thì hội nào cũng cổ động bằng quốc văn là nền văn phổ thông, nhưng kho tàng, kinh điển triết lý nhà Phật thì con  nằm nguyên khối bằng Hán văn.

Vả lại dấu tích điêu tàn của ngày qua hiện nay vẫn còn lưu hành rõ rệt và có thế lực, nên thật ra cả mấy hội Phật học ấy ngoài mấy việc xây hội quán, làm chùa và cổ động một số đông người quy y, còn chưa hội nào làm được việc gì vĩ đại có vẻ đỉnh cách cho nền Phật giáo cả. Trong lúc này, đại đa số tăng đồ trong các sơn môn vẫn đương mơ màng thiêm thếp, chưa làm một việc gì tỏ rõ là người thức tỉnh. Cho nên, tuy hiện giờ có phong trào chấn hưng mà kỳ thật mới là chấn hưng hình thức và danh hiệu” .

Trong hoàn cảnh như vậy, bộ Chơn Lý đã được Tổ sư Minh Đăng Quang hướng đến những mục tiêu gắn liền với yêu cầu nhận thức và tu tập của giáo đoàn, đồng thời định hướng cho đa số quần chúng có nhu cầu tìm hiểu về giáo lý nhà Phật dễ dàng cảm nhận những tinh hoa của Phật pháp.

Mặt khác, hệ thống giáo lý Phật đã thông qua bộ Chơn Lý đã được cô đọng một cách súc tích bằng lối diễn đạt gần gũi, dễ hiểu, mà không làm lệch đi chánh kiến cũng như không mất đi chánh nghĩa, vì vậy mà bộ Chơn Lý sớm trở thành kim chỉ nam tu hành cho chư Tăng ni cùng Phật tử của Hệ phái Khất sĩ trong suốt gần bảy thập niên qua. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà bộ giáo lý của hệ phái Khất sĩ có tên Chơn Lý.  

Như chúng tôi đã trình bày, tư tưởng Đại thừa là tư tưởng vì lợi ích tha nhân, là tư tưởng xuất phát từ hạnh nguyện độ sanh và hoằng dương chánh pháp, mà tư tưởng này lại luôn sẵn sàng trong hành trang của mỗi người con Phật, do vậy không riêng gì đối với hệ phái Khất sĩ mà đối với tất cả tông phái khác cũng luôn hướng đến mục đích “Cứu khổ chúng sanh là cúng dường chư Phật” và lấy đó làm lý tưởng sống đạo.

Mặt khác, tư tưởng Đại thừa nay đã không còn đối tượng Tiểu thừa để so sánh hay biện chứng, chính vì điều này mà chúng ta nên tìm hiểu về tư tưởng Phật giáo Đại thừa trong bộ Chơn Lý ở góc độ những nét đặc thù của nội dung giáo lý Phật đà đã được Tổ sư Minh Đăng Quang chuyển ngữ thành công trong bộ Chơn Lý và nhất là mục đích vì lợi ích cho tha nhân.    

Trên tinh thần vận dụng rộng rãi giáo lý Phật Đà theo nguyên tắc khế lý khế cơ, nghĩa là trên hợp với Phật lý, dưới ứng với căn cơ của các tầng lớp quần chúng khác nhau trong đời sống xã hội, không ngoài mục đích dẫn dắt người đời quay về nẻo giác, do vậy trong bộ Chơn Lý, Tổ sư Minh Đăng Quang đã phủ nhận ngay những ý niệm phân biệt, phân chia giữa các tôn giáo có nền móng từ bản ngã, đồng thời nêu cao tinh thần hòa hợp vì mục đích lợi tha, tư tưởng Đại thừa này đã được Tổ sư khẳng định: “Đạo là con đường của tất cả chúng sanh chứ không có tên gì cả. Giáo là sự dạy học để tu hành chứ không phải tôn giáo gì cả. Phái là sự làm việc, giúp ích cho nhau chứ không phải phái gì cả” .

Tầm nhìn xa trông rộng và với tấm lòng tha thiết độ sanh xuất phát từ tư tưởng Đại thừa, ngay từ những ngày đầu hành đạo, Tổ Sư đã mong mỏi sự thống nhất trong ngôi nhà Phật giáo ngõ hầu lợi lạc quần sanh: “Sự thống nhất Tăng đồ nhà Phật trên thế giới lại, để cứu thế, lập niết bàn hiện tại cho phải dịp… không có Đại hay Tiểu thừa gì, không có chia rẽ hơn thua chi chi nữa”.

Tư tưởng Đại thừa trong bộ Chơn Lý càng thể hiện rõ nét hơn khi Tổ sư đưa ra nhận định về Chơn lý: “Chơn lý là trường học chung của tất cả, không phải là đời hay đạo, không phải là tôn giáo, đảng phái, chủ nghĩa giáo phái nào cả”. Khi nói về đạo Phật, thông qua “Quyển Đạo Phật”, ngài diễn đạt rất ngắn gọn nhưng đã nói lên đầy đủ ý nghĩa, mục đích cũng như bản chất của đạo Phật: “Quyển Đạo Phật này có ra là để chỉ rõ con đường giác ngộ, bởi giác ngộ mới là Đạo Phật. Quyển Đạo Phật này ra đời với tính cách siêu nhiên, không cần dư luận, không thiên tư, không chỉ trích. Mà chơn lý, công lý, chỉnh đốn chấn hưng, giác ngộ, khuyến khích theo ý muốn của khắp người người” .

Thật ra tinh thần Đại thừa là kế thừa nền tảng căn bản của giáo lý và vận dụng nó một cách trí tuệ để khơi nguồn tuệ giác tuôn chảy vào đời sống nhân gian, chứ không phải cải biên, thay đổi hay hiện đại hóa, vì lẽ đó cho nên những lời dạy vàng ngọc của đức Phật đã được bảo lưu toàn vẹn trong suốt trên 2550 năm qua, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu tu tập cho Tăng ni trong giáo đoàn, Tổ sư Minh Đăng Quang đã khéo léo trong việc truyền đạt nội dung, chẳng hạn đối với giới xuất gia, khi định nghĩa về Khất sĩ, ngài đã sử dụng ngôn ngữ thật bình dị, dễ hiểu nhưng vẫn lột tả được tinh thần giải thoát của Khất sĩ: “Các Ngài nói mình Khất sĩ là để giữ cái gốc vốn chơn như không tham vọng. Các Ngài nhớ mình Khất sĩ là để cho ý muốn tham chẳng còn sanh. Các Ngài thực hành Khất sĩ là để cho thấy rõ cái không không của tham vọng. Khất sĩ là giải thoát trói buộc, phiền não vô minh vọng động, để sống bằng chơn như, trí tuệ, an lạc, thong thả, rảnh rang không còn tạo nghiệp thì luân hồi sanh tử, khổ não mới đặng dứt”.

Cũng nói về Khất sĩ, nhưng trong một đoạn khác, ngài đã nêu lên hành trạng và bản hoài của hành giả Khất sĩ rất sâu sắc: “Người thật hành đúng theo chơn lý gọi là Khất sĩ. Khất ấy là xin, sĩ đây là học. Xin ấy rồi lại cho, học đây rồi lại dạy, xin thực phẩm để nuôi thân giả tạm, cho sự thiện lành bằng phước đức để bảo giữ sự sống dài lâu” . Còn đối với giới cư sĩ tại gia, ngài đã khuyên răn họ đừng qúa chạy theo đời sống vật chất thế gian mà hãy thực hiện một đời sống tri túc: “Ở đời có vật chất cũng chết khổ, không có vật chất cũng chết khổ.

Trong lúc đang làm cũng chết khổ, lúc chưa có cũng chết khổ. Chi bằng chúng ta hãy làm để đủ nuôi sống vừa thôi, mới là không chết khổ”.

Ở đây chúng ta nhận thấy rằng, dù là dạy cho giới cư sĩ tại gia, nhưng ngài đã khéo léo gieo vào tâm thức họ hạt giống xuất gia rất tinh tế và gần gũi với đời sống, bởi “tri túc” là một trong những phẩm hạnh của giới xuất gia, như trong kinh Di Giáo, đức Phật đã giáo huấn chư vị Tỳ kheo về hạnh “biết đủ” như sau: “Các thầy Tỷ kheo, muốn giải thoát khổ não thì các thầy hãy cứu xét sự biết vừa đủ.

Chính sự biết vừa đủ là giàu sang, vui thú và yên ổn. Biết vừa đủ thì nằm trên đất cũng thấy vui thích, không biết vừa đủ thì ở thiên đường cũng vẫn bất mãn. Không biết vừa đủ thì giàu mà nghèo, biết vừa đủ thì nghèo mà giàu. Không biết vừa đủ thì luôn luôn bị cả năm thứ dục lạc lôi kéo, làm cho người biết vừa đủ phải xót thương. Đó là hạnh biết vừa đủ” . Cũng qua lời dạy về hạnh biết đủ, Tổ sư Minh Đăng Quang như ngầm nhắc nhở các vị Tỳ kheo trong giáo đoàn, nếu đã xuất gia rồi mà còn mải mê tạo tác thì cũng không khác gì người chưa xuất gia.

Giới luật là nền tảng căn bản của đạo Phật, giới luật còn thì Phật pháp còn, điều quan trọng này đã được Đức Phật căn dặn chư vị Tỳ kheo trong kinh Di Giáo: “Giới thì chính thuận với căn bản của sự giải thoát, nên Như Lai mệnh danh Ba la đề mộc xoa.

Nhờ giới mà phát sinh thiền định, và trí tuệ có năng lực hủy diệt thống khổ. Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy giữ tịnh giới, đừng cho vi phạm, thiếu sót. Ai giữ tịnh giới thì người đó có thiện pháp. Không có tịnh giới thì mọi thứ công đức không thể phát sinh.

Do đó mà biết tịnh giới là chỗ yên ổn nhất, làm nơi trú ẩn cho mọi thứ công đức… Các thầy Tỷ kheo, sau khi Như lai diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy.

Nếu Như lai ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy…” . Nhận thấy sự hệ trọng của giới luật, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của Phật pháp nói chung và của Hệ phái Khất sĩ nói riêng, nên ngay khi thành lập giáo đoàn, Tổ sư Minh Đăng Quang đã thiết lập hệ thống giới luật Khất sĩ, giúp cho các mặt hoạt động Tăng đoàn sớm đi vào nề nếp ổn định và làm nền tảng để phát triển hệ phái một cách bền vững.

Luật Khất sĩ gồm có Giới bổn Tỳ kheo Tăng, Giới bổn Tỳ kheo Ni, giới Phật tử (thường gọi là giới Bồ tát), Bài học Sa di (môn oai nghi và những bài kệ chú nguyện), Pháp học Sa di (Kệ giới, Mười giới tập sự Sa di, Tứ y pháp Trung đạo), Bài học Khất sĩ (Nghi thức thọ trai và Nghi thức tụng kinh đều được Tổ sư biên soạn, tất cả đều lấy theo tinh thần của Luật Đàm Vô Đức bộ), Tỳ kheo Tăng 250 giới, Tỳ kheo Ni 348 giới… 

Thông qua hệ thống giới luật Khất sĩ trong bộ Chơn Lý, chúng ta thấy rất rõ là Tổ sư Minh Đăng Quang rất chú trọng đến giới luật, điều mà chúng ta cần bàn ở đây, ngài vừa kế thừa nền tảng giới luật Phật tổ đã để lại một cách cẩn trọng nghiêm túc, lại vừa uyển chuyển để phù hợp với căn cơ cũng như hoàn cảnh của người học Phật thời nay. Cách Việt hóa bộ luật thành chữ quốc ngữ và chọn lọc sắp xếp gọn gàng dễ hiểu cũng là nét đặc biệt đã chứng minh khuynh hướng Đại thừa rất khế cơ khế lý mà Tổ sư đã thể hiện sinh động trong bộ Chơn Lý. 

Trong sự nghiệp tu hành của bất kỳ hành giả nào trên con đường giác ngộ thì qủa vị luôn là mục đích tối thượng. Trong bộ Chơn Lý, Tổ sư Minh Đăng Quang đã làm rõ các khái niệm Chơn Như, Phật Tánh, đồng thời cũng rất chú trọng đến con đường tu tập hướng đến đạo qủa A La Hán. Khi nói về qủa vị A La Hán, trong bộ Chơn Lý, ngài đã diễn đạt: “A La Hán là bậc mà không còn sự vui khổ của bên ngoài trần thế, là bậc mà tâm sống với cái thật, cái không vọng động, vô vi của bề trong.

Cái sống ấy mới thật gọi là bền vui và có được” . Trong khi đó, trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã nêu lên ý nghĩa giải thoát của các bậc A La Hán: “Các vị đó đều là các bậc A La Hán, các lậu đã hết, không còn phiền não, việc lợi mình đã xong, dứt sự ràng rịt trong các cõi, tâm được tự tại”.

Ở đây chúng ta nhận thấy, trạng thái giải thoát của các bậc A La Hán mà Tổ sư Minh Đăng Quang diễn tả rất gần gũi với đời sống con người mà không mất đi chánh nghĩa như trong kinh văn mà Đức Phật đã tuyên thuyết. Còn nói về Chơn Như Phật Tánh, trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã dạy: “Tri kiến của Như Lai rộng lớn sâu xa, đức vô lượng vô ngại lực, vô sở úy, thiền định, giải thoát tam muội, đều sâu vào không ngằn mé, trọn nên tất cả pháp chưa từng có”.

Đức Phật cũng đã nói về Chơn Như, Phật Tánh, trong một đoạn kinh khác: “Pháp đó không phải là suy lường phân biệt mà có thể hiểu được, chỉ có các Đức Phật mới biết được đó. Vì sao? Các Đức Phật Thế Tôn, chỉ do một sự nhơn duyên lớn mà hiện ra nơi đời…” .

Trong khi đó, Tổ sư Minh Đăng Quang đã đề cập đến ý nghĩa Chơn Như Phật Tánh như sau: “Thấy tánh thành Phật. Mà thấy tánh là thấy cái chơn như, không vọng động, thấy cái giải thoát các pháp, các sở chấp, do sự giác ngộ trí huệ là Phật của mình; chớ chẳng phải thấy bằng nói, nghe, chữ viết, suy gẫm tưởng tượng” . Ở đây chúng ta nhận thấy, những điều mà Tổ sư Minh Đăng Quang nói về Phật Tánh Chơn Như, ngài cho rằng “chớ chẳng phải thấy bằng nói, nghe, chữ viết, suy gẫm tưởng tượng”, đó là một cách diễn đạt lại lời Phật dạy trong kinh Pháp Hoa: “Pháp đó không phải là suy lường phân biệt mà có thể hiểu được”…  
 
Về vấn đề xoay quanh các khái niệm về Thiên đường, Tây phương, Tịnh độ, Tịnh thổ, Niết bàn. Thời bấy giờ, mọi người đều cho các khái niệm trên là một, có thể dùng lẫn nhau. Phải nói là trong thời buổi nhiễu nhương, đói khổ, mọi người đều ngưỡng vọng về một thế giới ấm no, hạnh phúc, nên gần như không quan tâm nhiều đến các khái niệm xa vời thực tế này. Nhưng theo các nhà Phật học đương thời, thì đó là các khái niệm khác nhau.

Một số nhà nghiên cứu gọi Thiên đường là Niết bàn, gọi địa ngục là ngục tối, cách gọi này cũng dễ khiến người ta ngộ nhận, dễ dẫn đến mê tín, ảo tưởng. Trong khi các nhà Phật học tiến bộ đã phê phán và đưa ra luận điểm của mình, nhưng vẫn còn nhiều tranh luận về Thế giới Cực lạc thực chất đó là gì? Nó có ở đâu? Con người làm thế nào để đạt tới?... 

Thật ra khi đề cập đến thế giới Tây phương Cực lạc, đó là một vấn đề vô cùng nhạy cảm chỉ có ở những người vốn có niềm tin tâm linh sâu sắc mới có thể tin nổi, còn người chưa thấu tỏ giáo lý Đại thừa thì e rằng khó có thể tin được, thế nhưng đây lại là thế giới chính kim khẩu của đức Phật Thích Ca đã nói ra, mà lời dạy của đức Phật thì chơn thật bất hư, cho nên để cụ thể hóa thế giới này thật gần với đời sống con người, sao cho thật dễ hiểu để dễ tu tập, do vậy Tổ sư Minh Đăng Quang đã viết trong bộ Chơn Lý: “Thế giới Tây phương Cực lạc của chư Phật cũng là một qủa địa cầu tứ đại, cỏ cây, thú, người thân, sắc có đủ y như các qủa địa cầu thế giới khác. Nhưng chỉ có tâm của các hạng bậc ấy là không giống với tâm của chúng ta thôi. Tâm chúng ta nơi đây thì khổ, còn tâm các ngài nơi đó lại vui. Cái vui của các ngài là do kỷ luật, giới răn, còn cái khổ của chúng ta là tại tuôn trào, lướt bụi đầu đuôi bất kể”. 

Như vậy với Tổ sư Minh Đăng Quang, Tây phương Cực lạc là một xứ sở, ở đó con người sống có giới luật, giới năng sanh định, định năng minh tâm, minh tâm thì kiến tánh, mà kiến tánh tức là thành Phật. Một cách giải thích hết sức hợp tình, hợp lý, không những khế cơ, khế thời mà khế lý, nhất là giúp cho mọi người tin Phật sớm nhận được tự tánh của chính mình là cảnh giới cực lạc, để họ nỗ lực, tinh tấn xây dựng cõi nhân gian đầy khổ đâu thành thế giới an lạc, đúng với câu: “Phật hiệu Di Đà, pháp giới toàn thân tùy xứ hiện. Quốc danh Cực lạc, Tịch Quang chơn cảnh cá trung huyền”.

Sinh thời, Tổ sư Minh Đăng Quang chủ trương nối truyền Thích Ca Chánh pháp, nên tinh thần lục hòa cộng trụ của Phật Tăng xưa rất được ngài chú trọng áp dụng vào sinh hoạt của giáo đoàn, chính vì vậy mà Tổ sư đã kêu gọi các đệ tử: “Nên tập sống chung tu học, Đạo của sống là xin nhau sống chung, Đạo của biết là học chung, Đạo của linh là tu chung” . Đặc biệt, phẩm chất đạo đức và giới hạnh luôn được ngài xem trọng, có thể nói đây là vấn đề hàng đầu trong đời sống chư Tăng, Ni và phật tử; chính vì vậy mà trong bộ Chơn Lý, đức Tổ sư đã dạy: “Chỉ có đạo đức mới có hòa bình, bằng không đạo đức thì chẳng có hòa bình, mà là những hòa bình tạm dối, không bền chặt” . Qua đó, ngài khẳng định muốn đem lại sự hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc thì phải có sự góp phần của những nhà đạo đức chơn chánh, và đây chính là nguyên lý tất yếu.

Ngài dạy: “Trong trường hợp Tăng già chia rẽ…, thì lột áo Tăng già, ấy không phải là vì ghét giận. Trong trường hợp Tông phái phân ranh…, thì việc đốt bàn thờ tông phái, không phải là vì ghét giận. Trong xã hội cũng vậy, một xã hội loạn ly, không thiện lành trong sạch, đàn áp phá sản thì chuyện bàn tay bóp chặt lọc dính lại, ấy không phải là sự ghét giận, mà là để chỉnh đốn xã hội tiến bộ…” ,  hay: “Thế thì nào tài trí, đức hạnh há phải chỉ đứng bên ngoài hay sao?”.

Qua đó cho thấy tư tưởng tiến bộ của Tổ sư, người đã cho thấy được một luận cứ vừa khế cơ, vừa khế lý, đặc biệt là kêu gọi sự sống chung hòa hợp, đoàn kết, không phân biệt tông phái để góp phần đem lại sức mạnh, vừa trang nghiêm Tăng đoàn, vừa thanh lọc xã hội, qua đó góp phần giành lại độc lập tự do cho dân tộc bằng đạo đức, bằng sự chấn hưng Phật giáo.

Một điều cũng cần lưu ý nữa, đó là trong bối cảnh xã hội thời bấy giờ, Phật giáo đang phải đối diện với quan điểm “Thượng Đế là đấng sáng tạo ra vạn hữu” nghĩa là con người sống hoàn toàn không có khả năng giác ngộ, giải thoát, mà lệ thuộc vào đấng tối cao. Trên quan điểm này, Tổ sư Minh Đăng Quang đã đưa ra định nghĩa về Phật rất cụ thể và rất thuyết phục như sau: 

                                        “Thân trong sạch ấy là xứ Phật. 
                                          Miệng trong sạch ấy là pháp Phật. 
                                          Ý trong sạch ấy là con Phật. 
                                          Tâm trong sạch tức là đức Phật. 

Như thế thì ai ai cũng sẽ là Phật hết. Phật ấy tức là tam nghiệp trong sạch, cho nên tu là trả nghiệp, tu là đoạn nghiệp” .

Qua đoạn văn trên, Đức Tổ sư đã khẳng định Đức Phật không phải là một vị thần, mà Đức Phật là một người tu tập trong sạch ba nghiệp, dứt sạch tam nghiệp tham, sân, si nên gọi là Phật. Từ khái niệm trên đã cho chúng ta thấy quan điểm về giáo lý Phật đà của Tổ sư Minh Đăng Quang thật là sáng tỏ, không những phù hợp với những luận điểm Phật học cấp tiến cùng thời, mà còn phù hợp với chân lý Phật pháp. Đặc biệt quan điểm này đã giúp cho nhiều người đương thời ý thức được trách nhiệm trong việc trau dồi nhân cách, hoàn thiện bản thân, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng thành viên trong môi trường Phật giáo, giác ngộ tỉnh thức trước những quan niệm sai lệch của các tôn giáo ngoại lai, góp phần vào công cuộc đấu tranh giành lại độc lập tự do cho dân tộc. 

 3. Thay lời kết      

Nhìn lại hành trạng của Tổ sư Minh Đăng Quang và tư tưởng Đại thừa trong nội dung bộ Chơn Lý, chúng ta càng thấy rõ Tổ sư Minh Đăng Quang qủa là bậc cao Tăng thạc đức, nơi ngài, không chỉ hàm tàng kiến thức Phật học uyên thâm mà phương cách vận dụng rất sáng tạo, phản ảnh đúng nghĩa tinh thần và hạnh nguyện Đại thừa của một bật Tổ sư thâm chứng Phật pháp. Điều này thật phù hợp với tinh thần Đại thừa như trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã dạy: “Thanh tịnh bản nhiên, tùy thuận chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng”. 

Thật vậy, qua sự tu chứng của bản thân trên con đường thực nghiệm tâm linh tầm cầu tuệ giác, Tổ sư Minh Đăng Quang đã khéo léo tùy thuận vào hoàn cảnh của đất nước và con người mà khai sáng một hệ phái Khất sĩ mang đậm bản sắc đạo Phật của đất nước và con người Việt Nam.

Xin nhắc lại, cái gọi là tư tưởng Đại thừa của ngài ở đây là không phân biệt Đại thừa hay Tiểu thừa mà là sự tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa giáo lý, giới luật, kinh điển và cách hành sự Tăng đoàn giữa hai trường phái Nam và Bắc truyền để nhằm tôn vinh đời sống tuệ giác của đức từ phụ Bổn sư cách đây đã hơn 25 thế kỷ.

Tư tưởng, đời sống phạm hạnh của đức Tổ Sư chẳng những đã góp phần to lớn vào công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt trong nửa đầu thế kỷ XX, mà còn làm cho bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam ngày càng lung linh, nguy nga, tráng lệ, đa dạng và phong phú. Hào quang của ngài không chỉ tỏa sáng trong thời kỳ ngài hành đạo, mà còn tiếp tục lan rộng trên khắp các vùng, miền đất nước Việt Nam thân yêu.

Thật vậy, chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy thế kỷ, đạo Phật Khất sĩ Việt Nam đã nhanh chóng lớn mạnh và hòa nhập vào dòng chảy của lịch sử Phật giáo Việt Nam qua từng thời kỳ ổn định và phát triển.

Đặc biệt là sự kiện lịch sử thống nhất Phật giáo toàn quốc năm 1981, tổ chức hệ phái Khất sĩ của Tổ sư Minh Đăng Quang đã trở thành một trong chín tổ chức thành viên thống nhất trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần đáng kể tô điểm cho trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam càng rực rỡ trên con đường hoằng dương chánh pháp, vươn tới tương lai. 

Tạm kết bài tham luận này, chúng tôi một lần nữa khẳng định, tinh thần Đại thừa là tinh thần nhập thế, hạnh nguyện đại thừa là hạnh nguyện độ sanh, khuynh hướng đại thừa là sự kế thừa và phát huy những truyền thống đã có, uyển chuyển linh hoạt trong mọi hoàn cảnh để thăng hoa và phát triển. Tất cả những thuộc tính cao qúy mang lại lợi ích thiết thực cho chúng sanh, đều dàn trải bàng bạc trong toàn bộ nội dung bộ Chơn Lý.

Đó chính là tư tưởng Đại thừa “Nối truyền Thích Ca chánh Pháp”, noi theo gương Phật tăng xưa, dấn thân nhập thế phụng sự đạo đời của Hệ phái Khất Sĩ Việt Nam.

Thượng tọa Thích Huệ Thông
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Bộ sách tỉnh thức của bác sĩ Nguyễn Bảo Trung

Sách Phật giáo 17:31 21/03/2024

Bác sĩ Nguyễn Bảo Trung (sinh năm 1980) đang công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM, là tác giả của các tựa sách được nhiều bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt, khởi đầu là tác phẩm Vô Thường (2016), với những câu chuyện đời thường nhưng phảng phất tinh thần Phật giáo sâu sắc.

Theo dấu chân Phật

Sách Phật giáo 22:10 20/03/2024

Tôi đã hai lần thăm viếng đất Phật trước khi viết bộ đại sử Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt. Tôi chỉ đến những địa danh lịch sử quan trọng để tạo cảm xúc cho trang viết của mình.

Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức nói về "Trọn vẹn từng khoảnh khắc"

Sách Phật giáo 14:00 05/03/2024

Dưới đây là bài viết nhận xét về nội dung cuốn sách "Trọn vẹn từng khoảnh khắc" - tác giả Thy Lâm, Nxb Công Thương - của Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh).

Tất cả đều trống rỗng

Sách Phật giáo 10:30 04/03/2024

Một bà lão mộ đạo từ một tỉnh kế cận đến chùa Pah Pong (Thái Lan) hành hương. Bà thưa với Thiền sư Ajahn Chah rằng bà chỉ có thể ở đây một thời gian ngắn thôi vì bà còn phải trở về chăm sóc mấy đứa cháu của bà.

Xem thêm