Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 15/12/2020, 08:15 AM

Tư tưởng Thiền học của đức vua Trần Thái Tông (II)

Tâm tức Phật, không cần tu thêm nữa, niệm tức là bụi đời, không vướng mắt một điểm nào, trần và niệm vốn tịnh, nên nói là như như bất động. Đó là Phật thân, tức là thân ta vậy, không có hai tướng. Tướng và tưởng không phải là hai, lặng lẽ thường hằng, tồn tại mà không biết, đó là Phật sống.

Nội dung sách Khoá Hư Lục của vua Trần Thái Tông: “Khoá Hư Lục” là tập bài giảng về lẽ hư vô gồm có những bài văn, bài kệ nói về cảnh đẹp núi rừng, những bài bàn về đạo Phật, đạo Thiền và các lời tựa của những quyển sách khác. Theo cố Hoà Thượng Thích Thanh Kiểm trong bản dịch Quốc ngữ thì sách này gồm có 2 quyển: -quyển Thượng gồm có 21 bài; - quyển Hạ gồm có 9 bài. Trong quyển “Khoá Hư Lục Giảng giải”, Saigon 1996, Hoà Thượng Thích Thanh Từ đã thay đổi thứ tự đề mục trong sách chữ Hán: những phần dễ để trước, phần khó để sau, cốt hướng dẫn độc giả nhận được yếu chỉ của Thiền tông.

Triết lý chứa đựng trong Khóa Hư Lục là triết lý “hư không”, hay triết lý “tánh không”: tất cả sự vật đều do nhân duyên hoà hợp với nhau nên chúng không có tự tánh.

Trong mục này chúng ta sẽ tìm hiểu:

1.- Ý nghĩa của triết lý tánh không.

2.- Vấn đề sanh tử.

3.-Vài bài tựa của những sách không còn.

Điện thờ đức vua Trần Thái Tông.

Điện thờ đức vua Trần Thái Tông.

Tư tưởng Thiền học của đức vua Trần Thái Tông (I)

Ý nghĩa của triết lý tánh không

- Sunyata (tĩnh từ là Sunya), các Đại sư Trung Hoa phiên âm là Thuấn-nhã-đa, dịch là hư không, hay không, ngày nay thường dùng là Tánh Không (Emptiness/ Voidness, tĩnh từ là Empty/Void); Sunya nguyên nghĩa là số không (zero), không có gì (nothing).  Svabhava dịch là tự tánh (nature of its own/ own being/ inherent existence/intrinsic existence/ self - nature).

Trong sự diễn tiến (evolution) của tư tưởng Phật giáo theo dòng lịch sử, ý nghĩa triết học của Sunyata cũng có thay đổi. Theo Phật giáo nguyên thủy (Original Buddhism) và Thượng Tọa Bộ (Theravada Buddhism) thì Sunyata (Pa. Sunnata) ý chỉ về Vô ngã (Srt. Anatman, Pa. Anatta, Av. not-self) hay sự thiếu mặt của ngã (Srt. Atman, Av. Self) đối với bản tánh của ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành và thức) và 18 giới.

Ngũ Uẩn (Srt. Panca Skandha, Av. Five Aggregates) có nghĩa là “5 nhóm kết hợp lại” để tạo thành con người: -phần vật chất có hình dáng gọi là Sắc uẩn; -phần tâm lý không có hình dáng, gồm có 4 uẩn là: Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn. (Xem thêm: bài Ngũ Uẩn của NVT trong quyển Triết Học Phật giáo và những Luận đề, Toronto, 2020)

18 giới vực (Eighteen Constituents) gồm có 12 xứ (twelve Sources)[là 6 căn và 6 trần] + 6 thức (six Sense of Consciousnesses):

6 căn (six Organs):

-Nhãn (eye)= mắt dùng để nhìn.

-Nhĩ (ear)= lỗ tai dùng để nghe.

-Tỷ (nose)= lỗ mũi dùng để ngửi.

-Thiệt (tongue)= cái lưỡi dùng để nếm.

-Thân (body)= da thịt bọc ngoài xương con người dùng để biết cảm giác nóng lạnh, cứng mềm…

-Ý (mental sense/mind)= tư tưởng dùng để phân biệt.

6 trần còn gọi là cảnh (six Objects):

-Sắc (màu sắc, colors; hay hình dáng, forms): do mắt nhận được.

-Thanh (sounds): âm thanh phát ra do lỗ tai nhận được.

-Hương (odors): mùi thơm, thúi… do mũi ngửi được.

-Vị (tastes): chất do lưỡi nếm được: đắng, cay, ngọt, mặn… -Xúc (tangible objects): cảm giác do thân thể nhận được như cứng mềm, nóng, lạnh…

-Pháp (Phenomena/ Objects of mind): những hình ảnh, màu sắc, hương vị, cảm giác được lưu lại từ 5 trần nói trên.                   

6 thức (six Consciousnesses):

- Nhãn thức (eye/color consciousness): ý thức về màu sắc, về hình dáng.

- Nhĩ thức (ear/sound consciousness): ý thức về âm thanh.

- Tỷ thức (nose/smell consciousness): ý thức về mùi thơm, thúi…

- Thiệt thức (tongue/taste consciousness): ý thức về các vị đắng, cay…

- Thân thức (body/touch consciousness): ý thức về những gì thân thể nhận được như nóng lạnh.

- Ý thức (mind consciousness/ mental phenomena consciousness): ý thức về tất cả các hiện tượng vật chất và tinh thần.

Tất cả sự vật đều do nhân duyên hoà hợp với nhau nên chúng không có tự tánh.

Tất cả sự vật đều do nhân duyên hoà hợp với nhau nên chúng không có tự tánh.

Theo Phật giáo Đại thừa/ Phật giáo Phát triển thì Sunyata là sự vắng mặt của tự tánh (Srt., Svabhava, Av. Inherent Existence) hơn là sự vắng mặt của Ngã (Srt. Atman, Av. Self) như quan niệm của Tiểu thừa Phật giáo. Các nhà tư tưởng Phật giáo Đại thừa đã dùng lăng kính nhận thức này để nhìn tất cả các hiện tượng - các sự vật, các sự kiện-, và họ cho rằng tất cả các hiện tượng đều không có tự tánh/tự thể:

- All things are empty of inherent existence.

- All dharmas are sunya/ all phenomena are empty, they are without inherent existence.

Nói cách khác, “tánh không” không có nghĩa đơn giản là không tồn tại/ không hiện hữu, “tánh không” có ý chỉ là sự không có tự tánh. (Emptiness does not mean simply non existence, emptiness implies the emptiness of inherent existence). Điều này nhấn mạnh rằng chúng ta không nên hiểu rằng tất cả các hiện tượng chẳng phải không có mặt/không tồn tại mà chỉ nên hiểu rằng tất cả các hiện tượng không có tự tánh. Như Bát-nhã Tâm kinh nói: “Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý” thì không nên hiểu rằng “không có con mắt, không có lỗ tai, không có lỗ mũi, không có cái lưỡi, không có thân xác và không có ý” mà chỉ nên hiểu rằng “không có” ở đây là “không có tự tánh”. Thử rờ vào mắt, vào mũi …, chúng ta thấy rõ con mắt có tồn tại, tương tự cái mũi cũng tồn tại v…v… Mắt là do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp thành, rồi mỗi thành phần này đều do những yếu tố như nguyên tử luôn luôn chuyển động v…v…do đó mắt không có tự tánh, lý luận tương tự cho tai, mũi v…v… Mỗi uẩn trong 5 uẩn thì tùy thuộc lẫn nhau cho nên mỗi uẩn đều không có tự tánh. Vậy ngũ uẩn là Không bởi vì ngũ uẩn là các sự vật tùy thuộc lẫn nhau, chúng không có tự tánh. (the five skandhas are empty, since they are interdependent dharmas and have no self qualities.)

- Ý nghĩa triết học của tự tánh (Srt. Svabhava, Av. Self-nature of its own/ own-being, inherent existence/intrinsic existence):

Theo nghĩa thông thường thì tự tánh có nghĩa là đặc tính (characteristics) của một sự vật (thing), của một đối tượng (object). Thí dụ củi đang cháy là một vật, còn sức nóng là tự tánh/đặc tính của nó. Như vậy, tự tánh là thuộc tính của một vật, nó gắn liền với vật ấy mà không đi theo một vật nào khác.

Theo nghĩa trong hệ thống triết học Bát-nhã/ triết học tánh Không của Phật giáo Đại thừa thì tự tánh có nghĩa là “cái gì đó” chỉ quan hệ với chính nó (own-being) chứ không có quan hệ với bất cứ cái gì ở bên ngoài nó. Điều này có nghĩa là tự tánh không lệ thuộc vào duyên khởi/ nhân quả, nó không tùy thuộc vào một thực thể khác (Srt. Bhava, Av. entity), nó không biến đổi, nó thường hằng, vĩnh cửu. Như vậy, theo định nghĩa này thì không có một thực thể hiện hữu/tồn tại (an existent entity) nào có thể tìm được tự tánh riêng biệt của nó. Nói cách khác, sự hiện hữu của tự tánh là chuyện không thể có được. Suy ra: tất cả các hiện tượng/sự vật/sự kiện thì có hiện hữu/có tồn tại, nhưng hoàn toàn không có tự tánh. Đây là mấu chốt của các kiến giải của triết lý tánh không về tất cả các pháp (dharmas).

Trong tiếng Sanskrit phiên âm bởi mẫu tự Latin thì Dharma, viết D hoa có nghĩa là Phật Pháp, còn dharma viết d thường có nghĩa là hiện tượng, sự vật.

Vấn đề sanh tử là một vấn đề quan trọng trong đời người, ai cũng thắc mắc về vấn đề sống chết.

Vấn đề sanh tử là một vấn đề quan trọng trong đời người, ai cũng thắc mắc về vấn đề sống chết.

Chúng ta là người bình thường, tất cả các sự vật xuất hiện trước mắt chúng ta thì chúng ta cho rằng nó hiện hữu/tồn tại biệt lập tự nó. Các đối tượng ấy thì biệt lập khỏi tâm trí chúng ta, và phân biệt với những sự vật hay những hiện tượng khác (other phenomena). Vũ trụ hiện hữu gồm có những đối tượng không có dính liền với nhau và chúng hiện hữu tự chính nó (their own side). Các đối tượng hiện hữu tự chúng nó: thí dụ như cái bàn, các ngôi sao, các hành tinh, các ngọn núi, các nhân vật khác v… v…; tất cả các sự vật, các sự kiện này được nhận biết bởi chúng sanh có ý thức. Thường thường thì chúng ta không có can thiệp vào sự hiện hữu/tồn tại của các sự vật, các sự kiện hay các hiện tượng. Mỗi sự vật, mỗi hiện tượng hiện hữu/ tồn tại hoàn toàn không tùy thuộc vào chúng ta, và không tùy thuộc vào các đối tượng khác. Tuy nhiên nếu chúng ta quán chiếu qua các yếu tố cấu tạo của nó thì chúng ta sẽ thấy rằng các sự vật, các hiện tượng thiếu vắng tự tánh. Thí dụ: khi nhìn cái bàn qua nhận thức thông thường thì cái bàn là vật biểu lộ trước mắt chúng ta, nhưng nếu vượt qua cái nhìn này để phân tích các yếu tố kết hợp nên cái bàn thì chúng ta sẽ nhận thức rằng: “cái bàn thiếu vắng tự tánh của nó” [the table lacks intrinsic existence/ inherent existence (Srt. Svahava)]. (Xem thêm quyển Bát Nhã Tâm Kinh –Chú giảng của NVT, Toronto, 2018)

Vua Trần Thái Tông trong Khóa Hư Lục đã giảng: “Do không khởi vọng, vọng thành sắc, sắc tự không. Thị vọng tòng không, không hiện vọng, vọng sinh chúng sắc”.

Dịch nghĩa: “Từ chỗ hư không khởi lên vọng động, vọng động thành các sự vật, các sự vật từ hư không mà ra. Sự vọng động của tâm đi theo trạng thái hư không, hư không biểu hiện ra vọng động, vọng động sinh ra nhiều sự vật”.

Vấn đề sanh tử

Vua Trần Thái Tông trong bài “Nói về 4 núi”, tượng trưng cho bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông tương hợp với quan niệm của Phật giáo là “sanh, lão, bệnh, tử”. Khi mê lầm, tâm bị vọng động thì thấy có phân biệt sanh tử, khi đã giác ngộ thì thấy không có sự phân biệt.

Vấn đề sanh tử là một vấn đề quan trọng trong đời người, ai cũng thắc mắc về vấn đề sống chết. Vua Thái Tông đã trải nghiệm việc mất cha mẹ hồi còn niên thiếu, Ngài đã tìm giáo lý nhà Phật để trình bày quan điểm của mình về “sống và chết”. Theo Trần Thái Tông, còn âu lo về sinh tử là còn mê vọng,hết mê vọng thì hết âu lo về sanh tử. “Tử” tức là chuyển dòng sanh mạng từ giai đoạn này qua giai đoạn khác. Như vậy, sống chết có liên hệ mật thiết với nhau chứ không phải hai chuyện khác nhau. Trong điều kiện thời gian và không gian thì thấy có “sống và chết”, nhưng vượt ra ngoài thời gian và không gian thì không có “sống và chết”. Cuộc đời là tuồng ảo hoá, trăm năm nào có gì đâu? Chỉ cần “làm trong sáng cái tâm” (“biện tâm”) là đạt giác ngộ, là đạt chân lý:

“Giữa dòng sanh tử, có không,

Đến đi nhàn tịnh lòng trong thư nhàn”

(Trần Thái Tông, Phổ Khuyến Phát Bồ-đề tâm, bản dịch thơ của Thích Giác Toàn)

Do đó vua Trần Thái Tông tỏ ra lạc quan, yêu đời:

-Nguyên văn chữ Hán: 

四山偈

四山峭壁萬青叢

悟了都無萬物空

喜得驢兒三腳在

驀騎打趁上高峰

-Phiên âm Hán Việt:

Tứ Sơn Kệ

“Tứ sơn tiêu bích vạn thanh tùng,

Ngộ liễu đô vô vạn vật không.

Hỷ đắc lộ nhi tam cước tại, 

Mịch ký đả sấn thượng cao phong.”

(Trần Thái Tông, Kinh Phổ Thuyết Tứ Sơn)

-Dịch thơ:

Bài kệ bốn núi

Bốn non cao, xanh rậm rừng thông,

Tỉnh ngộ bừng xem vạn vật “không”.

Nếu vui, hãy cỡi lừa ba cẳng,

Lên đỉnh núi cao cho thoả lòng.”

Khi tâm giác ngộ, tâm sáng tỏ thì hết còn thấy ảo ảnh:

“Thanh sơn để xử kiến thiên thoát,

Hồng ngẫu khai thời văn thuỷ hương.”

-Dịch nghĩa:

"Núi xanh thấp xuống thấy trời bao la,     

Sen hồng nở hoa, nước nực mùi thơm”.

Chúng ta là người bình thường, tất cả các sự vật xuất hiện trước mắt chúng ta thì chúng ta cho rằng nó hiện hữu/tồn tại biệt lập tự nó.

Chúng ta là người bình thường, tất cả các sự vật xuất hiện trước mắt chúng ta thì chúng ta cho rằng nó hiện hữu/tồn tại biệt lập tự nó.

Khi còn nghiệp thì còn vọng động, còn luân hồi, còn nhân quả: động tác hiện tại là nhân của động tác tương lai là hậu quả. Muốn có hậu quả tốt cần phải ra công thực hành điều thiện để giải nghiệp.

Hành động không có chủ ý thì hành động không có chỗ phản ứng một hậu quả, tức là hành động để hành động không có sự suy tính lợi hại, chỉ thực hành điều thiện để giải những nghiệp bất thiện đã có, để giải những hậu quả xấu đi.

Vua Trần Thái Tông còn là một anh hùng dân tộc, với tinh thần đem đạo vào đời, vừa nối liền đời sống nhập thế với đời sống xuất thế. Ngài không ngồi một chỗ chỉ để tham thiền nhập định mà bằng hành động dấn thân vào việc phụng sự dân tộc. Đây là một kiểu mẫu nhân bản của Thiền học đời Trần vào đầu thế kỷ 13.

Trong lời tựa “Thiền Tông Chỉ Nam”, vua Trần Thái Tông viết: “giáo lý của đức Phật ta phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời”, đây là phản ánh chính sách chính trị văn hoá giáo dục của triều đình nhà Trần. Như vậy Nho giáo đã phục vụ cho Phật giáo từ lâu, ngược lại Phật giáo cũng phục vụ cho Nho giáo.

Vài bài tựa của những cuốn sách không còn

a.-Kinh Kim Cương Tam muội: Sách này đã mất chỉ còn lại “bài tựa Kinh Kim Cương Tam Muội”. Vua Trần Thái Tông đã đọc tụng Kinh Kim Cương, đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” đã giúp Ngài “ngộ” được lý nghĩa của Kinh này. Câu này là cốt lõi của cuốn Kinh Kim Cương. Vua Trần Thái Tông đã viết lời tựa sau khi Ngài đọc và giải thích xong quyển Kinh Kim Cương Tam Muội.

Ngài đã giải thích bản tánh của Kim Cương: “Bản tánh yên tịnh mà nhiệm mầu, chân tâm trong trẻo, lặng lẽ không dấy động” và rằng : “Có không đều hợp nhất, có không ngoài không, không cũng không ngoài có, người xuất gia và tại gia đều bình đẳng. Ai cũng có cái “ bản tánh chân tâm”: Có không chung lại, đạo lục san bằng.”

Trước đó vào thời Lý, Đạo Hạnh thiền sư ( ?  - 1115) cũng đã có nhận xét sâu sắc về có-không tức là về tánh không”:

-Nguyên tác Chữ Hán:

有空

作有塵沙有

為空一切空

有空如水月

勿著有空空

-Phiên âm Hán Việt:

Hữu Không

Tạc hữu trần sa hữu,

Vi không nhất thiết không.

Hữu Không như thuỷ nguyệt,

Vật trước hữu không không.”

-Dịch thơ:

Có Không

Có thì có tự mảy may,

Không thì cả thế gian này cũng không.

Kìa xem bóng nguyệt dòng sông,

Ai hay không có có không thế nào.”

(Cố H.T Thích Mật Thể dịch)

-Dịch nghĩa:

Có Không

Nếu “Có” thì hạt bụi, hạt cát đều “Có”,

Còn “Không” thì cả vũ trụ này cũng “Không”.

“Có và Không” tương liên như dòng sông và ánh trăng

Đừng để mắc kẹt vào cái “Không” và cái “Không” của cái “Có”.

Như vậy “bản tánh Kim Cương” không bị vô thường sanh diệt ảnh hưởng mà “bản tánh kim cương” còn bao hàm tất cả cái vô thường sanh diệt. Chỉ cần làm sáng tỏ cái tâm” (biện tâm) thì sẽ ngộ được “bản tánh Kim Cương.”

Vua Trần Thái Tông đã vận dụng tư tưởng Phật giáo trong việc thực hành Thiền đạo, Ngài còn viết sách để khuyến cáo dân ta trong nếp sống đạo.

Vua Trần Thái Tông đã vận dụng tư tưởng Phật giáo trong việc thực hành Thiền đạo, Ngài còn viết sách để khuyến cáo dân ta trong nếp sống đạo.

b.-Khoa Nghi sáu thời Sám Hối:  Sách này không còn, chỉ còn bài tựa ghi lại trong sách Khóa Hư Lục.

 -Sám (Srt. Ksama) có nghĩa là chịu đựng, ý nói lời yêu cầu người mình đã xúc phạm đến và đang chịu đựng những lỗi lầm do mình gây ra, mình xin lỗi về việc xúc phạm đó.

- hối là bản thân nhận thức những sai lầm do mình làm ra, và cương quyết thay đổi các hành vi đạo đức không tốt để chúng không bao giờ tái phạm nữa.

-Sám hối tức là ăn năn hối cải về những lỗi lầm đã làm ra và nguyện không bao giờ tái phạm.

Vua Trần Thái Tông đã vận dụng phương pháp tu tập của Thiền tông để khuyến cáo những người rãnh rỗi ngày đêm thực hành 6 thời để sám hối các lỗi lầm của 6 căn, để 6 căn được thanh tịnh.

Vua Trần Thái Tông chia ngày đêm làm sáu thời: sáng, trưa, chiều, tối, đêm, sớm để thực hành sám hối: 1.-Thời buổi sáng dành sám hối nhãn căn (cơ quan mắt); 2.-Thời buổi trưa dành sám hối nhĩ căn (cơ quan tai); 3.-Thời buổi chiều dành sám hối tỷ căn (cơ quan mũi); 4.-Thời ban đêm dành sám hối thiệt căn (cơ quan lưỡi); 5.- Thời nửa đêm dành cho sám hối thân căn (cơ quan xúc giác, thân); 6.-Thời buổi sáng sớm dành cho ý căn (cơ quan ý thức).

6 thời sám hối có mục đích làm tỉnh thức những lỗi lầm do 6 căn đem đến.

Thường thường các thiền viện chỉ dùng một thời sám hối để duyệt qua các lỗi lầm của 6 căn, các giờ khác thì các thiền sư dùng để ngồi thiền, thiền định.

Có nhiều cư sĩ chỉ dùng 3 thời sám hối.

Tóm lại, Khi thực hành về sám hối thì hành giả phải tập trung suy nghĩ về các lỗi lầm của mình để ăn năn hối cãi.

Vua Trần Thái Tông kết thúc quyển “Khoa Nghi Sáu Thời Sám Hối” bằng câu thơ:

“Hậu chi minh nhãn giã, 

Vô dĩ nghi văn kiến tiến.

Tuy nhiên như thị:

Bất nhân tử bách khoa khai tảo,

Tranh đắc hoàng oanh hạ liễu điển.”

-Dịch nghĩa: -Người sáng mắt đời sau (ý nói những người ngộ đạo lý vào đời sau).  -Chớ thấy nghi thức văn sám hối này mà cười (ý nói người đạt đạo rồi thấy nghi thức sám hối cho là nghi lễ hình thức không cần thiết, xin các vị chớ có cười). - Tuy là một hình thức bề ngoài như vậy nhưng mà: không có người và không có hoa nở sớm thì đâu có chim Hoàng Oanh đậu trên cành liễu xanh. (ý nói nếu bên những con đường hẹp không có hoa nở sớm thì đâu có chim Hoàng Oanh đậu trên cành liễu xanh [bách = là con đường hẹp])

Hai câu này có nghĩa là nếu không có nghi lễ sám hối thì làm gì “ngộ” được “bản tâm thanh tịnh” , làm gì “làm sáng tỏ được cái tâm” [biện tâm].

c.-Thiền Tông Chỉ Nam:

Sách này không còn, chỉ còn lời tựa ghi trong sách Khoá Hư Lục. Chúng tôi đã tìm hiểu tư tưởng Thiền học của sách này ở phần trên.

Kết luận về Trần Thái Tông: Vua Trần Thái Tông đã vận dụng tư tưởng Phật giáo trong việc thực hành Thiền đạo, Ngài còn viết sách để khuyến cáo dân ta trong nếp sống đạo. Ngài đã chủ trương: “Phật tức tâm”, “tâm tức Phật” hay “Phật tại tâm”, do đó cần phải “làm sáng tỏ cái tâm” để kiến tánh, để giác ngộ Phật tính.

Hành giả cần phải thực hành sám hối song song với việc thực hành thiền định. Có như thế con người sẽ giác ngộ, sẽ ngộ Phật tính ngay trong cõi đời này.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo

Nghiên cứu 09:45 19/10/2024

Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.

Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội

Nghiên cứu 09:30 06/10/2024

Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.

Xem thêm