Trong cộng đồng dân cư người Hoa ở Nam Bộ, một trong những tục thờ “nhân thần” được duy trì, lưu giữ qua nhiều thế hệ là tục thờ bà Thiên Hậu.
Ông Huỳnh Văn Nguyệt, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (VHDG) tại Cần Thơ cho biết: “Sỡ dĩ gọi là “nhân thần” bởi nhân vật này hoàn toàn có thật nhưng được thêm thắt nhiều chi tiết thần thánh hóa mang tính tâm linh đã trở thành “thần” trong tâm thức người dân”.
Về nhân vật bà Thiên Hậu, nhiều tư liệu lịch sử thể hiện: Bà Thiên Hậu có tên thật là Lâm Mặc Nương, sinh ngày 23/3/1044, tại đảo Mi Châu, Phúc Kiến. Bà được mẹ mang thai đến 14 tháng mới sinh bà ra đời (?). Điều lạ là câu chuyện khá hoang đường nhưng rất được nhiều người tin tưởng. Tương truyền khi còn nhỏ, Lâm Mặc Nương bộc lộ khả năng thiên bẩm của mình ở lĩnh vực thiên văn khi thường xuyên nhìn sao trời đoán thời tiết, giúp đỡ dân chúng ngư phủ trong vùng không ra khơi đánh bắt để tránh giông bão.
Trong một lần cha và hai anh trên thuyền để đi bán muối ở tỉnh Giang Tây, nửa đêm đó thuyền của bà Nương gặp nạn, cha bà và hai anh bị sóng biển cuốn trôi. Lúc này bà liền xuất thần để cứu được hai anh, còn cha thì bị cuốn đi mất dạng. Từ đó, nhiều ngư dân thường xuyên khấn vái bà và 2 người anh trong những lúc tàu thuyền gặp nguy nan, sóng gió.
Tuy nhiên đến nay có nhiều tư liệu cho rằng bà Lâm Mặc Nương sinh năm 960. Năm 16 tuổi, Lâm Mặc Nương lượm được 2 miếng "Đồng phù" ở dưới giếng nước và tập luyện theo, nên trở thành có phép lạ và nổi danh từ đó qua những sự việc cứu được người vượt biển, thu phục và cảm hóa các vị ác thần là Thuận Phong Nhĩ và Lí Thiên Nhãn. Ngoài ra bà còn thường dùng năng lực thần thánh của mình để cứu giúp dân, dạy dân dùng rau rong biển cứu đói, cầu mưa, treo chiếu làm buồm, giải trừ thủy tai – quái phong…( ?) Theo tư liệu này, bà mất ngày 9 tháng 9 năm 987 ở tuổi 28.
Triều đình nhà Tống cũng nghe danh về sự linh ứng và quyền năng thần tiên của bà liền sắc phong cho bà là "Thần nữ", "Nam Hải thần nữ". Đến đời Tống Cao Tông, Hoàng đế đã sắc phong bà là "Sùng Linh Huệ Chiêu Ứng Phu nhân". Đời Nguyên Thế Tổ phong bà là "Hộ Quốc Linh Trước Thiên Phi". Sau gia phong "Thiên Hậu" vào đời Khang Hy (nhà Thanh).
Cũng chính vì được triều đình sắc phong như thế nên từ đó muôn dân càng thêm tin tưởng về sự huyền diệu của Thiên Hậu. Ai ai cũng sùng bái bà và lập nhiều miếu thờ. Họ còn tổ chức nhiều lễ hội thường niên để cảm tạ công ơn của bà. Lâu dần, thờ phụng Thiên Hậu trở thành tín ngưỡng dân gian nổi tiếng nhất Trung Hoa. Nó đã tồn tại trong mối dung hòa với Đạo giáo, Phật giáo và quan hệ với Nho giáo.
Thời nhà Minh – Thanh, tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu đã theo chân những người Hoa đầu tiên di dân xuống phương Nam theo đường biển và du nhập vào miền Nam Việt Nam. Hiện nay hầu hết các địa phương đều có đền thờ bà Thiên Hậu với qui mô lớn như: TP.HCM, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ…
Về tên gọi cũng có nhiều tên khác nhau như: Chùa Bà, Chùa Thiên Hậu, Thiên Hậu Cung hay miếu Thiên Hậu. Riêng vùng Bạc Liêu, Cà Mau còn gọi Thiên Hậu là Mã Châu (Mazu), do vậy miếu Thiên Hậu còn gọi là chùa Bà Mã Châu. Vùng Sóc Trăng thì gọi Thiên Hậu theo cái tên nguyên thủy là Ma Tổ. Tượng thờ bà ở đây cũng mang đậm nét ảnh hưởng từ Macau và Đài Loan với gương mặt đen, tay cầm lệnh bài đưa ngang vai.
Ngày vía của bà vào tháng 3 âm lịch với nhiều công đoạn cầu kỳ như tục tắm tượng, thay xiêm y cho Thiên Hậu, rước kiệu Bà, múa lân, múa rồng, hát Triều, hát Quảng, biểu diễn côn khúc. Riêng miếu Tuệ Thành ở Sài Gòn tổ chức thêm lễ khai ấn để cầu quốc thái dân an trong năm mới. Hay tại miếu Thiên Hậu ở Bình Dương, người Hoa Phúc Kiến có tổ chức múa hẩu. Có nhiều người duy trì tục vay tiền “bà” để mua may, bán đắt.
Trải qua năm tháng thăng trầm đến nay, tục thờ cúng bà “Thiên Hậu” vẫn được xem là một trong những nghi lễ long trọng nhất của cộng đồng người Hoa ở Nam Bộ, được lớp cháu con luôn tôn tạo, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của người Hoa.
Trần Trấn Giang