Tuệ Trung thượng sĩ: Trao tâm ấn Phật Hoàng
Trong lịch sử thời Trần, Phật giáo Việt Nam đã tự xây dựng cho mình một thiền phái mang đặc trưng riêng – thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị sơ tổ thiền phái. Tư tưởng của Điều Ngự giác hoàng Trần Nhân Tông là tiếp nối của Tuệ Trung thượng sĩ (1230-1291).
Dù chỉ là một cư sĩ, nhưng đương thời, nhiều bậc xuất gia cao đạo vẫn thường phải tới tham vấn thiền với Tuệ Trung thượng sĩ…
Đôi nét thân thế ngài Tuệ Trung thượng sĩ
Khi viết về Tuệ Trung thượng sĩ, Tồn Am Bùi Huy Bích (1744-1818) trong cuốn “Hoàng Việt văn tuyển” có viết Tuệ Trung thượng sĩ là Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tảng, con lớn của Trần Hưng Ðạo. Có lẽ khi viết như vậy, Bùi Huy Bích chưa đọc cuốn “Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục”. Đây là cuốn sách viết thời Trần do chính Phật hoàng Trần Nhân Tông khảo đính, thiền sư Pháp Loa biên tập, và Trần Khắc Chung đề bạt. Khi đọc phần “Thượng sĩ hành trạng” do chính Phật hoàng Trần Nhân Tông viết, chúng ta biết: Tuệ Trung thượng sĩ tên thật là Trần Tung, là con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Ðại Vương Trần Liễu, tức là anh của Trần Quốc Tuấn, và là anh của Hoàng Thái Hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Khi Tuệ Trung thượng sĩ mất, hoàng đế Trần Thái Tông cảm nghĩa phong cho thượng sĩ tước Hưng Ninh Vương.
Phật hoàng Trần Nhân Tông viết: “Thượng sĩ lúc nhỏ nổi tiếng bẩm chất cao sáng thuần hậu”. Khi trưởng thành, Tuệ Trung được cử trấn giữ quân dân đất Hồng Lộ (nay thuộc vùng đất Hải Dương, Hưng Yên). Trong ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược thì ông tham gia tới hai lần. Lần 2 năm 1285 và lần 3 năm 1287-1288. Tháng 10/1285, Tuệ Trung thượng sĩ cùng Hưng Đạo Vương đem hơn 2 vạn quân giao chiến với tướng nhà Nguyên là Lưu Thế Anh, đánh đuổi Thoát Hoan chạy về sông Như Nguyệt (sông Cầu). Còn tại cuộc kháng chiến lần thứ 3, ông còn được cử làm nhà ngoại giao đến đồn trại giặc thương thuyết.Kháng chiến thành công, Tuệ Trung được phong chức Tiết độ sứ cai quản phủ Thái Bình. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, vị tướng võ Tuệ Trung lại xin triều đình cho lui về ấp Tịnh Bang (tương truyền nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) lập Dưỡng Chân trang vui với thiền.
Năm 1291, Tuệ Trung thượng sĩ thoát trần.
Tuệ Trung Thượng Sĩ luận về chuyện sống chết
Tư tưởng thiền của Tuệ Trung thượng sĩ
May mắn sao, đời sau này chúng ta còn được hiểu một phần nào tư tưởng thiền của Tuệ Trung thượng sĩ qua cuốn “Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục”. Sách viết, thượng sĩ khí lượng uyên thâm, phong thần nhàn nhã. Tuổi còn để chỏm, ngài đã mến mộ cửa Không (cửa Phật). Tuy mến mộ, nhưng ngài lại không xuất gia. Vẫn lấy vợ sinh con và làm tướng.
Tuệ Trung thượng sĩ nhận thiền sư Tiêu Dao là thầy. Tiếc là sách vở không còn nên ngày nay chúng ta không rõ thân thế sự nghiệp của thiền sư Tiêu Dao như thế nào. Chỉ biết thiền sư Tiêu Dao là đệ tử cư sĩ Ứng Thuận, tu ở Tinh xá Phúc Đường. Trong 50 bài thơ còn lại của Tuệ Trung thượng sĩ, còn bài “Thướng Phúc Đường Tiêu Dao thiền sư kỳ nhất” nghĩa: Đến Phúc Đường của thiền sư Tiêu Dao bài 1.Tư tưởng thiền nhập thế thời Trần cũng là tư tưởng mà Tuệ Trung thượng sĩ hành thiền. Khi đất nước có chiến tranh thì đứng lên đánh giặc, hòa bình rồi thì lui về tu thiền. Tuy là cư sĩ, không xuất gia tu tại chùa nhưng Tuệ Trung thượng sĩ được nhiều thiền sư tham vấn. Điều này tạo nên sự khác biệt giữa Phật giáo Việt Nam và Ấn Độ, Trung Hoa cũng như Thái Lan. Ở các nước này, những vị truyền giáo là những người xuất gia. Còn tại sao ở Việt Nam lại không cần?. Sở dĩ như vậy vì chính pháp của Phật lấy sự giác ngộ làm nền tảng. Các vị xuất gia cũng như thiền sư, cư sĩ Việt Nam chú trọng vào sự giác ngộ. Có giác ngộ mới làm Phật làm Bồ tát. Thế nên, dù là cư sĩ nhưng giác ngộ thì vẫn được tham vấn hơn là người xuất gia.
Một lần, vua Trần Thánh Tông mời Tuệ Trung vào cung vấn thiền. Vua Trần Thánh Tông thấy phong cách ngôn ngữ của ngài rất siêu thoát, nên tôn làm sư huynh tặng hiệu là Tuệ Trung thượng sĩ. Thượng sĩ là kẻ bậc thượng, là hàng Bồ tát. Rồi hoàng hậu là em gái ngài mở tiệc thịnh soạn tiếp đãi. Tiệc này có cả chay lẫn mặn. Có lẽ thức ăn dọn bên chay bên mặn, ngài ngồi ở giữa nên gắp cả hai bên. Hoàng hậu lấy làm lạ hỏi: “Anh tu thiền mà ăn thịt đâu được thành Phật?”. Ngài cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh, anh chẳng cần làm Phật, Phật chẳng cần làm anh”.
Tại sao Tuệ Trung thượng sĩ nói vậy? Là vì người ta mắc định kiến tu và không sát sinh, không ăn thịt thì sẽ thành Phật. Và tu là để cầu bỏ đi con người phàm chuyển thành con người Phật. Như vậy phàm và Phật là hai. Đâu biết rằng tính Phật có trong người phàm. Chỉ cần loại bỏ được tính phàm là Phật tính hiện ra. Thế nên, khi Tuệ Trung thượng sĩ ăn thịt nhưng lòng không khao khát thèm thuồng thì có khác gì ăn rau. Và ngay bản thân rau, cây cỏ cũng có Phật tính. Chỉ là nó không “kêu, la” được mà thôi.
Vua Trần Thánh Tông nhờ Tuệ Trung thượng sĩ dẫn dắt thái tử Trần Nhân Tông học thiền. Vào tuần tang của Đinh Nguyên Thánh mẫu hậu, Tuệ Trung thượng sĩ có trao cho thái tử hai quyển lục Tuyết Đậu và Dã Hiên. Thái tử Trần Nhân Tông nhân đó hỏi rằng: “Chúng sinh do nghiệp uống rượu ăn thịt, làm sao thoát khỏi tội báo?”. Thượng sĩ nói: “Giả sử có người đứng quay lưng lại, chợt có vua đi qua sau lưng, người kia thình lình hoặc cầm vật gì ném trúng vua, người ấy có sợ không? Vua có giận chăng? Như thế nên biết, hai việc này không liên hệ gì nhau.” Thấy thái tử chưa hiểu, thượng sĩ liền đọc bài kệ để dạy:
Vô thường các pháp hạnh
Tâm nghi tội liền sinh
Xưa nay không một vật
Chẳng giống cũng chẳng mầm
Thái tử vẫn chưa hiểu, thượng sĩ đọc tiếp:
Ngày ngày khi đối cảnh
Cảnh cảnh từ tâm sinh.
Tâm cảnh xưa nay không
Chốn chốn ba-la-mật.
Thái tử Trần Nhân Tông lãnh hội ý chỉ hai bài tụng, nhưng giây lâu lại hỏi: “Tuy nhiên như thế, vấn đề tội phước đâu đã rõ ràng”. Thượng sĩ lại dùng kệ để giải rõ:
Ăn rau cùng ăn thịt
Chúng sinh mỗi sở thuộc.
Xuân về trăm cỏ sanh
Chỗ nào thấy tội phúc?
Trần Nhân Tông thưa: “Chỉ như gìn giữ giới hạnh trong sạch, không chút xao lãng lại thế nào?”. Thượng sĩ cười không đáp. Trần Nhân Tông lại thỉnh cầu, thượng sĩ bèn đọc kệ:
Giữ giới cùng nhẫn nhục
Chuốc tội chẳng chuốc phước
Muốn biết không tội phước
Chẳng giữ giới nhẫn nhục.
Tuy nói “Giữ giới cùng nhẫn nhục; Chuốc tội chẳng chuốc phước” nhưng Tuệ Trung lại dặn nhỏ: “Chớ bảo cho người không ra gì biết”. Tại sao lại phải dặn nhỏ cho Trần Nhân Tông? Bởi vì, với người giác ngộ, trì giới và nhẫn nhục không còn là điều ràng buộc, và cũng không chấp vào sự ràng buộc này để tu. Nhưng với người phàm, đã luôn mê đắm tham sân si tạo nghiệp mà được cổ vũ “Giữ giới cùng nhẫn nhục; Chuốc tội chẳng chuốc phước” thì sẽ càng phá tợn.
Thái tử Trần Nhân Tông thực sự giác ngộ khi tham vấn thiền thượng sĩ “bổn phận tông chỉ” là gì? Thượng Sĩ đáp: “Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được” (Phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tùng tha đắc). Trần Nhân Tông viết trong sách Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục: “Nghe xong, tôi thông suốt được đường vào, bèn vén áo thờ ngài làm thầy”.
Tư tưởng thiền của Tuệ trung thượng sĩ như xa, như gần, như cao, như thấp, như trước, như sau, không thể nào đo, đếm được. Tư tưởng ấy không bị bó buộc, mà thanh thoát, vừa có chất “Thiền” vừa có chất “Trang”, hòa bụi cùng sáng. Đọc bài “Phóng cuồng ngâm” mới thấy cái hay, cái lạ, cái phóng khoáng bay thoát của Tuệ Trung thượng sĩ. Xin trích vài câu: “Trời đất không vời chừ, sao mênh mang; Chống gậy rong chơi chừ, cõi vô vật; Hoặc cao cao chừ, trên mây núi; Hoặc sâu sâu chừ, dưới biển khơi; Đói ta ăn chừ, cơm nhà Phật; Mỏi ta ngủ chừ, không quê hương; Khi hứng ta thổi chừ, sáo không lỗ; Cảnh tỉnh ta đốt chừ, nhang thoát khổ; Mệt nghỉ chút chừ, mảnh đất vui; Khát uống no chừ, nước tiêu dao…”. Với tư tưởng này, vua Trần Nhân Tông đã viết: “Khi thượng sĩ đàm luận về cái lẽ cao siêu huyền diệu thì như gió mát trăng thanh”.
Khi bệnh trọng ở Dưỡng Chân Trang, Tuệ Trung thượng sĩ sai kê một chiếc giường gỗ ở giữa nhà trống để mình nằm. Ngài nằm theo thế kiết tường, nhắm mắt để tịch. Các người hầu và thê thiếp trong nhà khóc rống lên. Thượng sĩ mở mắt ngồi dậy, đòi nước súc miệng rửa tay, rồi quở nhẹ: “Sống chết là lẽ thường, đâu nên buồn thảm luyến tiếc, làm nhiễu động chân tính ta.” Nói xong, Ngài an nhiên thị tịch, thọ sáu mươi hai tuổi.
Được truyền nối pháp, Phật hoàng Trần Nhân Tông sai họa sĩ vẽ chân dung của Tuệ Trung thượng sĩ để cúng dường. Phật hoàng còn làm bài tụng để tán thán Tuệ Trung thượng sĩ rằng:
Càng trông càng cao
Càng khoan càng cứng
Thình lình phía sau
Liền thấy phía trước
Cái đó đúng là
Thiền của Tuệ Trung thượng sĩ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ni trưởng Diệu Không và một đời bát kỉnh thị y
Chân dung từ bi 16:39 23/10/2024Ni trưởng Thích nữ Diệu Không là một trong những bậc danh Ni thời hiện đại của Phật giáo Việt Nam. Tuy xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, nhưng Sư trưởng đã một lòng xả tục cầu chơn, xuất gia đầu Phật, hành Bồ-tát đạo.
Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn và sự nghiệp “trồng người”
Chân dung từ bi 09:20 23/10/2024Vốn là một bậc thầy mô phạm của nhiều thế hệ Ni lưu suốt những năm tháng dài tại thế, Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn (1919-2003) được biết đến như một ngôi sao sáng của Ni bộ Bắc Tông giữa thế kỷ XX.
Giáo sư Angraj Chaudhary: Ngài Thích Minh Châu mà tôi biết
Chân dung từ bi 10:45 22/10/2024Thư của Giáo sư Angraj Chaudhary được dịch và đọc tại Hội thảo về Trưởng lão HT. Thích Minh Châu (1918-2012) vào ngày 20/10/24 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, nhân dịp Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989-2024) vào ngày 19-20/10/2024.
Nhớ về Hòa thượng Thích Minh Châu - Đường Tăng của Việt Nam
Chân dung từ bi 08:05 19/10/2024Những ngày này tôi dành trọn thời gian để đọc lại, tư duy, suy ngẫm, trải nghiệm một số bản Kinh trong Nikaya gồm Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ và Tiểu Bộ.
Xem thêm