Phong cách thiền nhập thế siêu việt của Tuệ Trung Thượng Sĩ (II)
Qua cuộc đời Tuệ Trung Thượng Sĩ, chúng ta thấy ngài ngộ đạo rất sớm, song bổn phận một công dân thời chiến, vẫn phải hai lần cầm quân đánh giặc Nguyên để cứu nước. Đến khi đất nước thanh binh, ngài mới về nơi thôn dã tu hành. Thế là đời đạo vuông tròn.
Kỳ nhân - dị nhân- thiền thi Tuệ Trung Thượng Sỹ với Phóng cuồng ca
Tuệ Trung một cư sĩ siêu xuất độc đáo
Theo sử liệu, Tuệ Trung Thượng Sĩ học Đạo với Thiền sư Tiêu Dao ở tịnh xá Phước Đường là đồ đệ của cư sĩ Ứng Thuận, thiền phái Vô ngôn thông. Vì ngộ đạo rất sớm, Thượng Sĩ lấy thiền duyệt làm vui không thích công danh, lui về chốn thôn dã để tu tỉnh. Với Tuệ Trung, tuy yêu cửa “không” nhưng không quên “tứ trọng ân” trong lẽ sống ở đời. Với Thiền sư Tiêu Dao, tình thầy trò luôn hiện rõ. Như thế đủ biết, dù Thượng Sĩ đạo mầu là bậc cao tột, nhưng không quên tình thầy trò một thủa. Dưới đây là bài thi tụng “Lễ thiền sư Tiêu Dao ở Tịnh xá Phước Đường” của Thượng Sĩ (bài tụng này gồm 20 câu xin được trích):
“Hèn lâu xa ánh sáng
Ở gửi chốn hoang thôn
Thân tuy ngoài cõi xâm với thương
Ý vẫn trong gương loan và phượng
Nhàn nhã ngâm khúc vô sanh
Hầu đáp ơn thầy mớm sữa
Trộm có lời thơ tụng
Cúi dâng lên pháp tòa:
Tuy thân cục mịch ngụ quê này
Vốn trọng ân nào dám lãng khuaay
Ý vụng sớm nhờ thêm ý khí
Lòng tàn riêng giữ chút lòng ngay
Xuân về ngắm lững hoa đào nở
Gió động nghe hờ khóm trúc lay.
Vẫn hay Phật sáng trong đời có
Đừng lạ sen bừng giữa lửa lên
Trân trọng dâng theo lời tụng viếng
Có gì lễ mọn chút quà riêng”.
(Trúc Thiên dịch)
Hai phen dẹp giặc Nguyên cứu nước. Đến khi đất nước bình an Thượng Sĩ trở về thôn dã lập Dưỡng Chân Trang là nơi tu Thiền nói Đạo. Theo sử liệu, không thấy nói Thượng Sĩ đăng đàn thuyết pháp, có lẽ là vì giới luật của hàng cư sĩ? Nhưng thực tế, Thượng Sĩ với bạn đạo (kể cả xuất gia và tại gia) đâu đâu cũng tìm đến tham vấn (hỏi) đạo pháp Thượng Sĩ. Phải chăng đây là trường hợp đặc biệt và ngoại lệ?
Trả lời câu hỏi này, trong bài viết “Con người Tuệ Trung Thượng Sĩ” tại cuốn Thiền học đời Trần (Nxb.Tôn giáo - 2003) tác giả Minh Chi cho rằng, đây không phải là ngoại lệ, bởi Ấn độ đã từng có Trưởng lão Duy Ma Cật là (cư sĩ) nhưng với đạo pháp ông đã triệt ngộ được lý sinh tử và giải thoát theo pháp môn thiền tông nên được Thế Tôn ấn chứng! Và tại (Đại hội kiến giải pháp môn thiền tông) này, Duy Ma Cật đã được đức Thế Tôn suy cử (đăng đàn) thay lời Như Lai trình bày trước hội chúng về sự ngộ đạt giải thoát giới của mình và trả lời các câu hỏi của hội chúng đặt ra tại núi Linh Sơn. Trong buổi đăng đàn diễn ra hôm ấy, có cả các tăng sĩ tên tuổi như A Nan Đà, Ca Chiên Diên, Xá Lợi Phật…và đông đảo cư sĩ nam nữ và hội chúng đều có lời tán thán. Và ở Trung Quốc có Huệ Năng, được tổ thứ 5 là Hoằng Nhẫn (thiền tông Trung Hoa) truyền y bát nối dòng thiền tông này khi (Huệ Năng) chưa xuất gia.
Phong cách thiền nhập thế siêu việt của Tuệ Trung Thượng Sĩ
Còn ở nước ta, trong dòng thiền Vô Ngôn Thông, như cuốn “Thiền uyển tập anh” đã ghi rõ, thế hệ thứ 7 của dòng thiền này có một người là Lý Thái Tông, học trò đắc pháp của thiền lão là ông vua chưa từng xuất gia. Thế hệ thư 13 có cư sĩ Thông Thiền, thế hệ 15 có cư sĩ Ứng Vương. Ngoài ra, các vua Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, cư sĩ Ngô Ích đều được xem như là người đắc pháp. Và đến đời Trần, ta thấy (ông nội của Trần Nhân Tông) là Trần Thái Tông tuy không xuất gia nhưng được mọi người công nhận là một thiền sư xuất sắc của Phật giáo đời Trần. Cuốn “Khóa Hư Lục” nổi tiếng của Trần Thái Tông có câu: “Mạc vấn đại ấn, tiểu ấn, hưu biệt xuất gia, tại gia, bất câu tăng tục, chỉ yếu biện tâm. Bản vô nam nữ hà tu trước tướng?”. Có nghĩa là: chẳng kể là sống giữa thành thị hay lánh trên rừng núi, chẳng kể là tại gia hay xuất gia, tăng hay là tục, điều cốt yếu là biện tâm, vốn không có nam, nữ sao còn chấp tướng? Với Trần Thái Tông chủ yếu là “biện tâm”, tức là hiểu rõ tâm mình, làm sáng tỏ tâm minh, gạt bỏ khỏi tâm mọi phiền não, mê lầm, chuyển vọng tâm, vọng tưởng thành Bát nhã trí tuệ.
Với giáo lý đạo Phật, hay nói khác là thiền “biện tâm” nhập thế như vậy, nên quân dân Đại Việt thủa ấy chống giặc xâm lăng thì cang cường dũng mãnh không phiền não lo sợ; khi giặc tan (giáo gươm buông bỏ) lòng người lại sống trong Bi trí theo giáo lý nhà Phật. Chính vì điều này mà thời Trần kinh tế - xã hội hương vượng, Phật giáo phát triển rực rỡ.
Trở về với Dưỡng Chân Trang, mặc dù với vai trò là cư sĩ Phật giáo, nhưng Tuệ Trung Thượng Sĩ vẫn thực hiện Giáo hóa và coi việc phổ đạo tới mọi người là Hạnh nguyện Bồ-tát giữa thế gian. Trong Ngữ Lục ta thấy có ghi nhiều cuộc tham vấn giữa Thượng Sĩ với các chúng Phật tử và môn đệ. Ở đây chỉ xin nêu một trường hợp qua câu chuyện thưa hỏi của một vị tăng với Thượng Sĩ. Dưới đây là nội dung cuộc thưa hỏi này:
Tăng thưa: Bạch Thượng Sĩ, tôi vì việc lớn sinh tử vô thường nhanh chóng, song chưa biết rõ thân này từ đâu ra? Chết rồi sẽ đi về đâu?
Thượng Sĩ đáp:
Giữa trời phỏng có đôi vành chuyển
Biển cả ngại gì hòn bọt con.
Tăng lại hỏi: Cổ đức nói: “Không tâm là đạo” có đúng chăng?
Thượng Sĩ đáp:
“Không tâm chẳng phải đạo
Không đạo cũng không tâm”.
Hỏi tiếp: Nếu nói “không tâm là đạo” thì tất cả cây cỏ đều là đạo cả sao? Bằng ngược lại nói: “không tâm cũng chẳng là đạo, thì nói có không làm gì? Nghe tôi nói kệ đây (tức Thượng Sĩ nói kệ).
“Vốn không tâm không đạo
Có đạo chẳng không tâm
Tâm đạo vốn hư tịch
Chỗ nào mà đuổi tâm”.
Vị tăng chợi nhận ra ý chỉ, lễ bái rồi lui.
Qua đây chúng ta thấy, không hạn cuộc trong hàng cư sĩ hay tăng sĩ mà tất cả đều hỏi đạo Thượng Sĩ.
Vai trò nổi bật của Tuệ Trung mặc dù chỉ là cư sĩ trong giới Phật giáo đời Trần, nhưng với tinh thần đạo nhập thế (dấn thân) siêu phóng trác tuyệt như thế, khiến nhiều người nể trọng và kinh ngạc về đạo pháp của Thượng Sĩ. Với Trần Nhân Tông cương vực là vậy, nhưng cũng có lời nhận định tán thán Thượng Sĩ như thế này:
“Tôi (tức Trần Nhân Tông) biết môn phong của Thượng Sĩ cao ngất. Ngày kia tôi thỉnh hỏi ngài về phần gốc của Tông chỉ thiền. Thượng sĩ dạy:
“Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” nghĩa là (xem lại chính mình là việc bổn phận, chẳng từ nơi khác mà được). Tôi bỗng nhiên được con đường vào, bèn kính thờ ngài làm thầy.
Ôi! Tinh thần và sắc vận của Thượng Sĩ thật trang nghiêm và cung kính làm sao! Hình dung cử chỉ thẳng ngay làm sao! Những lời nói huyền bàn diệu của ngài, cũng những câu chuyện gió mát trăng thanh, đương thời hàng Thạc đức đâu cũng đều tôn trọng, cho Thượng Sĩ là người tin sâu biết rõ, ngược xuôi khó mà lường được”.
Phải chăng, vì Thượng Sĩ dạy thiền cho Trần Nhân Tông từ nhỏ mà Trần Nhân Tông gọi Thượng Sĩ là thầy. Không phải, chúng ta chỉ cần nghiên tầm và suy nghĩ kỹ bài thơ mà Trần Nhân Tông tán thán, cũng như bài “Thượng Sĩ hành trạng” của Nhân Tông viết về Thượng Sĩ thì ta hiểu rõ được lòng tôn kính của Sơ tổ Trúc lâm đối với Tuệ Trung. Dưới đây là bài thơ:
“Càng nhìn càng cao,
Càng khoan càng bền.
Chợt phía sau đó,
Ngắm nghía trước liền.
Cái này tên gọi,
Là Thượng Sĩ thiền”.
Ý tứ của bài thơ là: Thiền học tức đạo học của Thượng Sĩ cao vời vợi và rắn chắc khôn lường.
“Bỗng nhiên ở đằng sau
Lại thấy ở đằng trước.
Ở đây có thể hiểu theo hai nghĩa: một là Tuệ Trung có tài biến hóa khôn lường (thần túc thông), hai là hành trạng của Thượng Sĩ là siêu việt, mà người bình thường, không thể nào lường xét được. Đây thật sự là một lời ca ngợi chân xác.
Đọc bài thơ tán thán Tuệ Trung và bài “Thượng Sĩ hành trạng” của Trần Nhân Tông nêu trên, không chỉ người viết bài này, mà hầu hết các tăng ni, học giả đều cho rằng: Mặc dù Trần Nhân Tông là vua, còn Tuệ Trung là tôi, và Trần Nhân Tông là Tăng sĩ, đứng đầu phái thiền và giáo hội Trúc lâm, còn Tuệ Trung chỉ là cư sĩ, nhưng Trần Nhân Tông suy tôn Tuệ Trung là thầy của mình, đây không phải ông thầy thế học, mà là bậc thầy trong đạo. Một đạo sư đích thực. Đó là vì Trần Nhân Tông đã nhận Chân rõ Tuệ Trung là bậc chân tu.
Ngang đây, bỗng chúng ta thấy một điều căn bản đó là, dòng thiền tông này khi truyền pháp (tức truyền đời tổ nối tiếp nhau) không câu lệ là người xuất gia hay cư sĩ tại gia. Tổ Huệ Năng là trường hợp dễ thấy giúp chúng ta nhận rõ về dòng thiền này, và ngoài trường hợp trên, với 28 đời tổ thiền tông ở Ấn Độ cũng cho chúng ta thấy một số đời tổ truyền pháp cho nhau cũng là (cư sĩ) và sau khi nhận pháp mới xuất gia. Với Chân đạo cao tột siêu xuất như chúng ta đã thấy ở Thượng Sĩ, thì việc tôn xưng ông là thầy không phải là điều khó hiểu đối với dòng thiền thanh tịnh này.
Để chúng ta hiểu rõ thêm về dòng thiền nhập thế Trúc lâm, trong bài viết “Tính nhập thế của Phật giáo Việt Nam qua thiền phái Trúc lâm Yên Tử” của HT-Tiến sĩ Thích Gia Quang trên (Nội san nghiên cứu Phật học số 6-1992) khi đề cập về tính nhập thế của phái thiền này tác giả cho viết: “Chắc có nhiều người cho rằng đạo Phật là đạo xuất thế, tại sao tôi (tức tác giả) lại nói rằng Phật giáo Việt Nam là đạo nhập thế? Xin thưa rằng xuất thế có nghĩa là siêu xuất, siêu việt hơn đời chứ không phải là ra ngoài đời như nhiều người đã tưởng. Tổ Huệ Năng vị tổ thứ 6 phái Thiền tông Trung Hoa đã nói: “Phật pháp tại thế gian / Bất ly thế gian giác / Ly thế mịch Bồ-đề / Kháp như cầu thố giác”. Có nghĩa là, Phật pháp trên thế gian này không thể tách khỏi thế gian mà tìm cầu giác ngộ thì không khác gì đi tìm lông rùa sừng thỏ”.
Cũng trên nền tảng tư duy này, theo quan điểm của Trần Nhân Tông: “Sống mà không giúp gì cho đời là điều đáng hổ thẹn của kẻ trượng phu” (thơ văn Lý Trần).
Trần Nhân Tông có lẽ đã chịu ảnh hưởng không ít tư tưởng thiền của Tuệ Trung vì theo như lời Trần Nhân Tông: “Thượng Sĩ đã trộn lẫn với thế tục, hòa cùng ánh sáng chứ không trái với người đời, Thượng Sĩ luôn nhập trần-khoát lộ nhập trần lai tức (rộng bước đi vào chốn cát bụi). Đối với ông (tức Thượng Sĩ) dưỡng chân tính chính ở nơi cuộc đời trần tục, nơi góc bể chân trời, ông cho rằng phiền não, bồ đề nguyên bất dị, nếu bỏ phiền não mà lấy Niết bàn thực chẳng khác trốn hình trong nắng chói” (thơ văn Lý Trần)
Chính vì thế mà Trần Nhân Tông luôn cảnh tỉnh mọi người đừng bỏ phí thời gian, phải làm việc gì có lợi cho Đạo cho Đời. Trong buổi đại tham ở Kỳ Lâm, Ngài đã kêu gọi “Hỡi các người, quang ân qua mau quá, đời người trôi không dừng! Làm sao các người ăn cháo, ăn cơm mà không tìm hiểu chuyện cái bát, cái thìa?”. Cũng chính vì vậy mà chúng ta hiểu được vì sao trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời Ngài đã dặn hai đệ tử Từ Doanh và Hoàn Trung những người đã dìu Ngài lên đỉnh Ngọa Vân “Các ngươi hãy xuống núi lo tu hành, đừng coi sinh tử là việc nhàn”. Đó là Sơ tổ Trúc lâm nói với những người còn rải đãi tu hành và những ai còn tham đắm ái dục, vọng tưởng chưa thấy đạo tế vi sâu mầu. Còn với Thượng Sĩ đã triệt ngộ sinh tử, tự tại thì ngài lại nói trong bài thi tụng của mình là “Sống chết nhàn thôi vậy”. Tiếp phần cuối bài viết này, chúng ta đọc và suy ngẫm bài thi tụng trọng yếu dưới đây của Thượng Sĩ mà người viết lấy làm đề mục:
“Sống chết nhàn thôi vậy”
“Tâm mà sanh chừ sanh tử sanh
Tâm mà diệt chừ sanh tử diệt
Sanh tử xưa nay vốn tánh không
Thân hư rối này rồi cũng diệt
Phiền não Bồ-đề bỗng mất tiêu
Địa ngục thiên đường đều khô kiệt
Lửa bỏng nước sôi thoát mát liền
Núi kiếm rừng dao chốc gãy hết
Thanh văn ngồi thiền ta không ngồi
Bồ-tát nói pháp ta nói thật.
Chết là dối chết sanh dối sanh
Bốn đại vốn không nương đâu dậy
Chớ như hươu khát đuổi bóng nước
Nắm đông bắt tây không ngớt chạy
Phán phân không lại cũng không qua
Chân tánh chẳng phải cũng chẳng quấy
Đến nhà thôi chớ hỏi đường chi
Thấy nguyệt tìm gì ngón tay ấy
Kẻ ngu sống chết mãi lo âu
Người trí rõ thông nhàn thôi vậy.”
(Trúc Thiên dịch)
Như chúng ta thấy, việc sống chết là điều trọng đại của người đời. Vì thế khi sinh ra thì vui vẻ hớn hở ăn mừng, khi tử biệt sinh ly thì lo âu sợ hãi. Chẳng những hàng phàm tình lo sợ sinh tử, cho đến bậc tu hành như Thanh văn vẫn thấy sinh tử là việc lớn (sinh tử sự đại) phải cần kíp thoát ra. Vì các ngài dẫu ở hàng Thanh văn còn thấy sinh tử là bể khổ. Nhưng với Thượng Sĩ thấy “sống chết nhàn thôi vậy”, quả thật tinh thần siêu phóng cao vút không ai sánh kịp. Chỗ mà người đời sợ hãi kinh hoàng, người tu vội vàng chạy thoát, Thượng Sĩ thì tiêu dao tự tại nhìn nó tức (cái chết) như chờ đón cơn gió mát lúc trưa hè. Để thấy rõ thái độ thong dong nhàn nhã ấy, chúng ta nhìn sâu từng câu thơ của Thượng Sĩ dưới đây:
“Tâm mà sanh chừ sanh tử sanh
Tâm mà diệt chừ sanh tử diệt”
Hai câu này nói rõ sanh tử gắn liền với tâm người (nhất thiết duy tâm tạo). Bởi tâm ta ái luyến bám chặt thân này (ái ngã) nên mất thân này chụp thân khác liên miên không dứt. Tâm ái luyến này là ái, thủ trong 12 nhân duyên, nó là cội gốc của phiền não hiện tại, tạo dựng nên đời sau (kiếp sau). Nếu tâm ái luyến này diệt thì vòng sinh tử ngang đây cắt đứt. Bởi nhân không thì quả cũng không.
“Sinh tử xưa nay tánh vốn không
Thân hư dối này rồi cũng diệt”.
Bởi từ lũy kiếp, chúng ta quen nhìn theo con mắt phàm phu coi sinh tử là trọng đại, rồi khổ đau với nó. Nếu dùng trí Bát nhã quán sát lý nhân duyên thì ta sẽ thấy sinh tử là không có thực thể cố định chỉ là sự hợp tan của nhân duyên mà thôi; bởi không có thực thể cố định nên thân này là tạm có (vài chục năm) không có gì bảo đảm lâu dài. Đây là một quy luật không thể khác, bởi “có hợp thì phải có tan” kể cả thân Phật, Bồ-tát đều chụi sự chi phối của tam giới theo chiều cuốn hút của vật lý âm dương nên thân nào rồi cũng diệt.
“Phiền não Bồ-đề bỗng mất tiêu
Địa ngục thiên đường tự khô kiệt
Lửa bỏng nước sôi thoát mát liền
Núi kiếm rừng dao chốc gãy hết”.
Người tu sợ phiền não thích Bồ-đề. Vì phiền não là cội nguồn sinh tử, là gốc rễ của mọi khổ đau; Bồ đề là giác ngộ giải thoát là mát mẻ an lạc. Đây là lối nhìn theo đối đãi (nhị biên) nên mắc kẹt hai bên. Còn mắc kẹt trong vòng đối đãi, là còn sanh tử luân hồi khổ đau. Theo giáo lý nhà Phật chấp giả làm thật là mê lầm (vô minh). Một khi tỉnh giác, thấy mọi cái đối đãi đều không thật thì “Phiền não Bồ-đề bỗng mất tiêu, Địa ngục thiên đường tự khô kiệt”.
Thế nên, với cái nhìn thiền tông lấy (kiến tánh) làm chủ đạo Thượng Sĩ phá chấp:
“Thanh văn ngồi thiền ta không ngồi
Bồ-tát nói pháp ta nói thật”.
Theo cách nhìn “nhất tự “ của Thiền tông, Thanh văn là hàng nhị thừa, còn thấy sinh tử, Niết bàn là hai thực trạng đáng sợ và đáng yêu tức còn (yêu ghét). Cho nên các ngài cấp thiết xa lìa khổ sanh tử, mong cầu an vui Niết bàn. Muốn được Niết bàn thì tọa thiền nhập định là chánh nhân chủ yếu. Nhưng Thượng Sĩ thực hành theo Bồ-tát hạnh, nguyện đem ánh sáng giác ngộ chúng sinh. Sự giáo hóa này dù trải qua bao nhiêu kiếp cũng không chán ngán mỏi mệt, nên ngài thuyết pháp thật. Ngài linh động trong cuộc sống (nhập thế) để giáo hóa mọi người, chứ không chịu chết chìm trong diệt tận định như Thanh văn.
“Chết dối chết sanh dối sanh
Bốn đại vốn không nương đây dậy
Chớ như hươu khát duổi bóng nước
Ngắm đông bắt tây không ngớt chạy”.
Sinh tử là duyên hợp- duyên tan làm sao thật? Đủ duyên hợp lại gọi là sinh, thiếu duyên tan rã gọi là tử (chết). Bốn đại là nhân hợp làm thành cái thân này. Bốn đại giả hợp không thực, vậy thân do bốn đại hợp thành có thực không?
Theo các tổ thầy dạy, cái không thật ấy mà chúng ta cứ tưởng là thật, rồi ôm ghì bám chặt vào nó giống như con nai khát nước, nhìn ngoài sa mạc thấy ánh nắng phản chiếu chập chờn tưởng là sóng nước cắm đầu chạy tìm, khi đến nơi, nào thấy chi đâu. Nó xoay nhìn hướng khác cũng thấy như thế, lại một phen bỏ chạy, rốt cuộc cũng ôm nỗi thất vọng. Nên Thượng Sĩ nói, chạy Đông, chạy Tây khổ công nhọc sức cuối cùng chỉ mang về nỗi tuyệt vọng chán chường. Sự đau khổ của con nai (hình ảnh dụ) bởi cái tưởng sai lầm và khát ái gây nên mà thôi. Con người cũng như thế, sanh tử không thật mà vì tâm ái ngã sâu đậm, bám chặt thân sanh tử tưởng là thật; tìm mọi cách giữ gìn nó, nhưng cuối cùng không thể giữ được, nên khổ đau tuyệt vọng.
“Pháp thân không lại cũng không qua
Chân tánh chẳng phải cũng chẳng quấy
Đến nhà thôi chớ hỏi đường chi
Thấy nguyệt tìm gì ngón tay ấy”.
Triết lý tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông qua bài thơ Xuân muộn
Theo các tổ thầy dạy: Pháp thân là một trong ba thân Phật-Pháp. Pháp thân là thể, Báo thân là tướng, Hóa thân là dụng. Tuy nói ba mà không cách biệt không rời nhau, như nước sóng trôi chảy. Báo thân và hóa thân có hình tướng có sinh hoạt nên thuộc sinh tử. Pháp thân không hình tướng, không sinh diệt, nên không giới hạn, không biến đổi làm gì có qua lại phải quấy. Chân tánh là cái thể chân thật không sanh diệt không bỏ dời là pháp thân vậy.
Khi người tu ngộ đạo thể nhập pháp thân, giống như kẻ phiêu bồng lang bạt hồi tỉnh biết tìm về quê cũ, đã về đến nơi đến chốn rồi còn hỏi đường sá chi nữa. Chỉ có kẻ lang thang chưa tìm được lối về, mới tìm người này người kia hỏi.
Cũng vậy, người tu muốn thấy tánh ngộ đạo, nhưng mình còn mịt mùng ngơ ngác không biết tìm nơi nào, bỗng gặp được kinh điển của Phật, tận tâm nỗ lực tìm hiểu rồi đến một ngày nào đó bỗng dưng thấy tánh ngộ đạo. Ngộ đạo rồi, kinh điển chỉ là phương tiện như ngón tay chỉ trăng. Khi thấy mặt trăng rồi, mới biết ngón tay không phải trăng.
Người tu khi nhận được pháp thân thì đâu còn lầm chấp hai bên là thật. Khi thể nhập pháp thân thì mọi nghi ngờ đều dứt bặt. Vậy, Thượng Sĩ mới viết:
“Kẻ ngu sống chết mãi lo âu
Người trí rõ thông nhàn thôi vậy”.
Hai câu kết thúc này cho thấy, hàng phàm phu chúng ta cho sống chết là hết, là “trắng tay”, nên kinh hãi khiếp sợ. Người trí như (Tuệ Trung) thấu suốt sống chết không thật, nên chỉ cười nụ, nhìn sự hợp tan của nó mà bình thản, bởi người trí nhận được nơi mình vốn sẵn có pháp thân chẳng sanh chẳng diệt trùm khắp hiện hữu. Chính vì điều này mà thượng Sĩ nhìn sự sống chết thảnh thơi nhàn hạ; mặc dù là (cư sĩ) ngay giữa lòng đời lăng xăng bận rộn (thê thiếp) nhiều vướng mắc; nhưng Thượng Sĩ vẫn ung dung tự tại. Đây quả thực là tinh thần siêu phóng phi thường. Để minh định sự - lý viên dung, chúng ta cùng cảm niệm phút giây viên tịch của Thượng Sĩ sẽ thấu hiểu tinh thần triệt ngộ sinh tử và giải thoát giới nơi ngài được sử liệu ghi lại dưới đây:
“Thượng Sĩ bệnh sơ sài, không nằm ở phòng riêng, nằm ở Dưỡng Chân Trang. Tại đây giữa nhà trống, ngài kê một giường gỗ và nằm theo hướng kiết tường, nhắm mắt liệm, Các người hầu hạ và thê thiếp khóc rống lên, Thượng Sĩ mở mắt ngồi dậy, sai lấy nước rửa tay súc miệng, đoạn cuối nhẹ - nói rằng: “Sống chết là lẽ thường nhiên, sao buồn thảm luyến tiếc làm náo chân tánh Ta”. Dứt lời, Thượng Sĩ nằm êm ả mà tịch. Bấy giờ nhằm niên hiệu Trùng Hưng thứ 7 năm Tân Mão (1291) ngày mùng 1 tháng 4, Thượng Sĩ thọ 62 tuổi”.
Để kết thúc bài viết này, xin mượn lời của sư ông Trúc lâm Thanh Từ nói về Thượng Sĩ - thay lời tri ân hồi hướng: “Qua cuộc đời Tuệ Trung Thượng Sĩ, chúng ta thấy ngài ngộ đạo rất sớm, song bổn phận một công dân thời chiến, vẫn phải hai lần cầm quân đánh giặc Nguyên để cứu nước. Đến khi đất nước thanh bính, ngài mới về nơi thôn dã tu hành. Thế là đời đạo vuông tròn. Ở trong hoàn cảnh một cư sĩ giao duyên bận rộn, Thượng Sĩ vẫn tu đạt đến triệt ngộ sanh tử tự tại, thật là ít có. Chứng tỏ dù ở hoàn cảnh nào, người quyết chí tu hành đều đạt được đạo quả. Thượng Sĩ là người sú cơm mớm sữa cho Sơ tổ Trúc lâm (Trần Nhân Tông) của một phái thiền Việt Nam. Một phái thiền đời đạo hài hòa, từ bi và hùng dũng trác việt.
Chúng ta là người Việt Nam, lại là người tu theo Phật giáo Việt Nam, thì phải không thể nào quên được những bước đi rạng rỡ sáng ngời của người xưa còn lưu lại, cần phải chân thành noi theo”.
Tài liệu tham khảo:
- Thơ văn Lý-Trần (Nxb. KHXH-1972).
- Thiền học đời Trần - Nhiều tác giả - NxbTôn giáo- 2003).
- Thiền uyển tập anh và một số tài liệu liên quan khác.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Xem thêm