Vài luận ý về “phương tiện” trong Phật giáo Đại thừa
Chỉ với đôi dòng định nghĩa “Phương tiện” được trích lược trong Kinh điển Đại thừa, có lẽ chưa đủ để nói hết những ý nghĩa, nội hàm của đức Thế Tôn, nhưng tạm gói gọn trong bốn trang giấy cũng phần nào minh định
Vốn dĩ, “phương tiện” đều được sử dụng trong các tôn giáo, giáo phái, tín ngưỡng khác nhau, không riêng gì Phật giáo. Ngay đến, xã hội cũng luôn dùng hai chữ phương tiện như cách nói chỉ sự tạm thời, trong từng hoàn cảnh, mức độ đạt được tương tự như cách nói “tùy duyên”.
Trong Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Đại thừa thì ý nghĩa và tầm quan trọng của “phương tiện” được hiểu, nhìn nhận như thế nào? Bài viết có mục đích phân tích, làm sáng tỏ những hàm ý về thuật ngữ và nội hàm của “phương tiện”.
Từ điểm khởi đầu của phật pháp, xuất hiện ở Ấn Độ với không ít những thiên kiến riêng của ngoại đạo, Phật giáo ra đời và có lối đi riêng, gọi là lộ trình trung đạo. Phải chăng, điều đức Phật muốn chỉ bày, chúng sinh tự thấy quá xa vời, vì vốn đã đắm chìm trong tà kiến, hoài nghi, sợ hãi, phiền não ngăn che mà đức Thế Tôn đành tùy phương tiện, giảng giải phù hợp với khế lý, khế cơ của chúng sinh?.
Tất cả cuộc đời của Như Lai cũng đã là phương tiện, từng câu nói, hành động, tâm ý, đều thương tưởng đến chúng sinh mà tuyên thuyết chỉ dạy. “Phương tiện” là chỉ cho sự áp dụng một số phương pháp nào đó tiện lợi để đạt cứu cánh. Trong nhà Phật thường dùng hai từ cứu cánh và phương tiện. Cứu cánh đã hiển bày. Vì Phẩm Tựa đã cho chúng ta thấy rõ đức Thế Tôn nhập vô lượng nghĩa xứ, phóng luồng bạch hào tướng quang hiện “chân cảnh diệu minh”, ý muốn cho chúng hội lĩnh hội hiện tiền, khỏi phải dùng ngôn ngữ chuyển đạt. Nhưng vì “Tri kiến Phật” thậm thâm vi diệu khó nghĩ, khó bàn, đại chúng chưa nhận ra “bản giác diệu minh” ly ngôn thật tướng”[1].
Kinh Pháp Hoa là một trong những bộ kinh thuộc hệ thống giáo điển Đại thừa chỉ rõ phương tiện là cách chư Phật mười phương đều sử dụng để độ chúng sinh trong ba cõi, như nhân duyên nơi một Phật thừa mà phân biệt nói thành ba. Ngay phẩm “phương tiện” thứ hai của kinh đã hiển bày những tâm ý của Phật, suốt tám mươi năm không từng ngơi nghỉ tìm phương cách độ chúng sinh.“Phật ra đời cố dắt dìu chúng sinh đạt tới mục đích ngộ nhập Phật tri kiến. Tất cả những gì đức Phật nói ra cho chúng ta nghe nhưng chưa đạt đến chỗ Phật tri kiến thì không gọi là phương tiện. Phương tiện gắn liền với mục đích.
Cái gì đạt được mục đích thì cái đó mới gọi là phương tiện. “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” nhằm chỉ dạy cho chúng sinh. Đức Phật ra đời, đời này là đời cuối cùng, đem giáo lý để dạy chúng sinh giác ngộ giải thoát sinh tử luân hồi. Câu nói đó vừa là hàng phục, vừa là đối trị. Đối trị ngoại đạo, phá thành kiến. Đệ nhất nghĩa tất-đàn: Ta là tối thượng, là thoát ly sinh tử, phương tiện bằng cái hiện thân và cái ngôn ngữ. Phương là giáo lý chân chính, tiện là ngôn ngữ xảo diệu. Giáo lý thậm thâm mà không dùng lời xảo diệu thì mới vô thuyết tâm, nhờ ngôn ngữ xảo diệu mà từ giáo lý vô ngôn trở thành đa ngôn”[2].
Chúng sinh phàm phu, thân nghiệp chướng bất tịnh, hoại diệt, tâm vô thường, phiền não bủa vây, nô lệ cho thân, bị dẫn dắt chi phối mỗi sát na không dừng nên có ba nghiệp ác. Việc nhớ niệm quán tưởng thân đức Như Lai là một trong những phương cách để nhiếp thân khẩu ý nghiệp, sau mới lần lần mong chặt đứt gốc rễ vô minh, phiền não trói buộc.“Thân Phật là thân Kim cang bất hoại cô động bởi vô lượng công đức và là sự thể hiện của Bồ Đề Niết Bàn vô thượng. Đó là phương tiện về tư tưởng trong sự nghiệp giáo hóa độ sinh”[3].
Ngang qua một vài trích lược trong kinh điển, có thể so sánh “phương tiện” trong Phật giáo, mục đích thiết thực được hiển bày. Vậy thiết thực là gì mà khác? Đó chính là lợi ích an ổn cho chúng sinh ở hiện tại và tương lai. Về phương diện giải thoát không thể tìm được nền giáo lý hoàn thiện nào ngoài Phật giáo. Cũng bởi giá trị thiết thực hướng thượng mà có muôn ngàn con đường đi tới, được đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện diễn giảng sự sâu xa nhiệm màu, nghĩa thú giải thoát “nếu Ta không dùng phương tiện thời không thể độ chúng sinh được. Phương tiện (Upaya) là thân kim sắc, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình, vô lượng hào quang, thần thông biến hóa, có thể dùng một ngón tay làm chuyển động mười phương ba ngàn đại thiên quốc độ, dùng Phạm âm thuyết pháp, có sắc thân xem không nhàm chán, có mười trí lực, bốn điều không sợ, mười tám pháp không chung, giải thoát vô ngại, trí Nhất thiết chủng (sarvath-jđna), đại từ đại bi… Đầy đủ vô lượng Phật pháp như vậy, vậy sau có thể giáo hóa chúng sinh, chúng chắc chắn tín thọ. Được lực như vậy, giả sử nói dối người còn tin theo, huống gì nói thật? Như kinh nói: Ta tuy biết thật tướng các pháp Ta có thể vào Niết-bàn, nhưng vì chúng sinh nên Ta tu Thí ba-la-mật… như trong kinh nói rộng, cho đến không thể đem việc gì khác độ sinh”[4].
Tương tự như ông trưởng giả có trí lực mạnh có thể cứu được các con trong nhà lửa, nhưng vì nhiều đứa con, cứu một lúc bằng lực của mình lại không thể, nên đành dùng trí, dẫn dụ các con tự chạy ra ngoài bằng các loại xe quý giá theo ý từng người, nhưng sau lại bình đẳng cho cùng một loại xe đẹp nhất. Không phải bởi người Cha có lỗi hư vọng mà vì, dù có nhiều loại xe khác nhau, về tên gọi, hình thức, thì chất liệu cũng từ những thứ quý giá, không sai khác mà cho đều các con. Đức Phật cũng vậy, chân lý Pháp trong vũ trụ đều là một, đã được tìm thấy, thấu tỏ được rõ ràng, ngay ngày Thành đạo, đã lo lắng giáo Pháp thậm thâm khó có thể lãnh hội, mà nhờ lời thỉnh cầu của Phạm thiên nên chuyển bánh xe Pháp. Phương tiện từ đây được thiết lập vì hết thảy chúng sinh nhưng không phải cứu cánh, chỉ là Hóa thành tạm thời, là tầng bậc đi đến quả Giải thoát.
Nhân duyên và mục đích trong giáo pháp của đức Phật toàn hảo cả ba phần đầu, giữa và cuối. Cho nên nói, ba thừa hay nhất thừa đều chỉ là phương tiện, đều quy tụ về sự tối hậu giác ngộ, thành Phật. Đến đây, định nghĩa về “phương tiện” được hiển bày rõ ràng, đồng thời cũng mang ý nghĩa về tính thống nhất tư tưởng Phật giáo.
Ý nghĩa pháp phương tiện và chân thật theo kinh Pháp hoa
Dù trải qua những biến động lịch sử, phân chia các tông phái thì vẫn không thể nào bỏ qua tính giải thoát như sự xuôi dòng của các con sông đều hướng ra đại dương. Từ ý nghĩa và giá trị quan trọng của phương tiện, đã và đang thực sự hữu dụng được chư Bồ Tát và Phật dùng vì lợi ích chúng sinh khắp chốn. Điều này, có phải khiến cho giáo Pháp bị hạn cuộc trong xã hội ngày nay không? Chắc chắn là không, bởi vì đến như các bác sĩ, y tá trên các tuyến đầu, khi dịch bệnh Covid bùng phát nguy hiểm hơn trong thời điểm hiện tại thì những hành động quên mình vì người của họ cũng được ví như hạnh “Bồ Tát giữa đời thường”. Những anh hùng thầm lặng của đất nước, không phải chỉ cầm gươm, đao, giáo, mác mà là sự hi sinh thời gian bên gia đình, hi sinh cả tính mệnh để thực hiện đúng trách nhiệm cứu người như nghĩa vụ bản thân tự nguyện là điều không dễ làm được. Cũng qua thực tế, đã cho người viết nhận định về bài học phương tiện, có thể noi theo hạnh của chư Phật, Bồ Tát. Đó không còn là lý tưởng cao vời, diệu vợi vượt ngoài tầm tay, mà đều có thể thực hành như một cách tu hành, không chỉ dưới hình thức tụng niệm, ngồi thiền… với một phát tâm dõng mãnh, Bồ đề, bất thoái. Sự kiên trì qua thời gian cũng là một trong những điều kiện cần yếu hun đúc lên một vị Phật tương lai.
Chỉ với đôi dòng định nghĩa “Phương tiện” được trích lược trong Kinh điển Đại thừa, có lẽ chưa đủ để nói hết những ý nghĩa, nội hàm của đức Thế Tôn, nhưng tạm gói gọn trong bốn trang giấy cũng phần nào minh định. Từ định nghĩa đến tầm quan trọng đã nêu bật mục đích cứu cánh của nền giáo dục vĩ đại Phật Đà. Dù hai từ “phương tiện” đơn giản, nhưng bao hàm giáo nghĩa vô cùng, suốt cuộc đời độ sinh của Phật đồng thời giúp tăng, ni sinh nhận thức những bài học rút ra về sử dụng, phương tiện như mục tiêu hướng tới mục đích tạm thời, có hạn lượng, mà vẫn đảm bảo được tính giải thoát, lợi lạc quần sinh, không vì cho mình. Đến một mức độ tương đối thì phương tiện đó lại được bỏ đi, để đến mục đích cao hơn dưới dạng hình thức khác mà không mất đi tính rốt ráo là thành Phật. Đây mới thực sự là ý nghĩa, giá trị thực của “phương tiện”, đồng thời cũng là bài học cứu vãn tình hình nhập thế đến độ biến tướng và mất đi mục đích của đạo Phật trong xã hội hiện đại.
Chú thích:
[1] Hòa Thượng Pháp Sư – Thích Thiện Trí, Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa – Giảng Nghĩa, Phẩm Phương Tiện – Thứ Hai, Huyền Trang Tịnh Thất – Hồ Chí Minh, 2016, Trang 11.
[2] Thích Thiện Siêu, Lược Giảng Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương Tiện, Tôn Giáo, Hà Nội, 2003, Trang 174.
[3] Pháp Sư Thích Từ Thông, Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, Chương Thứ Hai : Phương Tiện, Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, Trang 37.[
4] Thích Thiện Siêu, Luận Đại Trí Độ 5, Giải Thích Phẩm Phương Tiện Thứ 69, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2001, Trang 64.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Vài suy nghĩ về quyền động vật trong kinh, luật Phật giáo
Nghiên cứu 19:05 21/09/2024Cảnh giới trí tuệ của chư Phật đã thấy và biết như thật rằng “tất cả mọi loài chúng sanh đều có tính Phật”, do đó, họ cần phải được tôn trọng, bảo tồn và thương yêu bình đẳng. Nói cách khác, từ tuệ giác của Đức Phật, Ngài đã thừa nhận “quyền động vật” nói riêng và muôn loài chúng sanh nói chung.
Xem thêm