Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 18/01/2022, 21:27 PM

Về giữa núi đồi

Tôi chờ đợi giây phút này từ mấy tháng nay rồi. Từ tối mai, tôi sẽ có cơ hội nhập thất trong bốn tuần.

Tôi chờ đợi giây phút này từ mấy tháng nay rồi. Từ tối mai, tôi sẽ có cơ hội nhập thất trong bốn tuần. Tôi bắt đầu thấy mình cần dành thời gian cho bản thân khi nhận ra không gian dành cho những tương tác thường ngày với mọi người xung quanh đang dần co rút lại trong tôi. Tôi trở nên dễ bực bội và hay phán xét hơn. Có những điều, chỉ mấy tháng trước đây, không hề là chuyện gì to tát, bây giờ đòi hỏi nhiều không gian hơn trong tâm tôi. Tôi cũng nhìn ra mình bắt đầu cảm thấy tách biệt và xa cách hơn với những người xung quanh.

Cách đây vài năm, chuyện này có lẽ sẽ làm tôi lo lắng. Tôi sẽ tự chất vấn xem mình đã làm gì sai hay mình có cần phải cố gắng ra khỏi cái vỏ của mình nhiều hơn không. Nhưng tôi đã học để mỉm cười với cái tập khí cố hữu này. Mỗi khi cảm thấy “đầy”, thay vì dành cho mình thời gian và không gian để nhìn ra vấn đề và để tự chữa trị, tôi sẽ dẹp hết những cảm xúc, tình cảm của mình sang một bên và tham gia vào các hoạt động, chuyện trò với người khác thậm chí còn nhiều hơn bình thường. May thay, chỉ chút ít trải nghiệm đã có thể đem lại một sự khác biệt lớn. Tôi mỉm cười với mình. Chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ để nhắc cho tôi rằng tôi cần dừng lại, nhìn sâu vào nội tâm mình.

Một kỳ nhập thất không hẳn là thời gian nghỉ ngơi. Tuy vậy, khi nó kết thúc, tôi luôn có cảm giác rất sâu là mình đã tìm lại được sức mạnh, và một nguồn năng lượng mới hùng hậu trào dâng trong tôi. Nhưng nghỉ ngơi không phải là thứ làm tôi thích thú nhất trong những đợt nhập thất như thế này. Luôn khám phá ra một điều gì đó của tự thân mà tôi không hề ngờ tới mới là điều thú vị nhất. Đôi khi đó là một cảm xúc sâu sắc về lòng biết ơn và niềm vui. Trong những khoảnh khắc ấy tôi có thể tận hưởng được phần nào những hoa trái của sự tu tập. Nhưng nhiều khi, đó có thể là một vết thương tôi đang mang trong mình hay tâm trạng buồn chán, cô đơn. Những giây phút ấy, tôi thấy mình chạm tới một cái gì đó bấy lâu nay đã được nuôi dưỡng trong chiều sâu tâm thức của mình. Và khi tôi bắt đầu mở lòng ra để thừa nhận sự có mặt của nó, của cả lớp khổ đau này, tôi luôn cảm thấy bị cuốn hút và kinh ngạc nhận ra rằng hình như nó luôn thường trực có mặt đó thông qua mỗi hành động của tôi trong đời sống hàng ngày. Nó giống như một bức toan, trên đó tôi không ngừng vẽ lên mỗi ngày mọi trải nghiệm buồn vui của mình.

Khi chia sẻ với bạn như vậy, tôi có thể cho bạn cảm tưởng các khóa nhập thất của tôi không dễ chịu chút nào, giống như khi phải làm các việc vặt, nhưng sự thực hoàn toàn ngược lại. Ngay từ lần đầu tiên tôi đã nhận ra rằng chạm vào được gốc rễ của khổ đau là một trải nghiệm vô cùng bổ ích, rất đáng làm. Mỗi kinh nghiệm đi qua đem tới cho tôi thật nhiều năng lượng, đầy hy vọng và cảm hứng để tiếp tục thực tập. Có vẻ hơi lạ khi nói điều này, nhưng đây thực sự là những gì tôi thấy. Tôi có cảm giác là trong cuộc sống hàng ngày, tôi thường rời xa trái tim mình. Và những giây phút im lặng của kỳ nhập thất đã giúp tôi về yên lại chính nơi tâm mình. 

Tôi đã luôn là một người phức tạp. Từ khi là một đứa trẻ tôi đã rất hiếu động, ít khi hài lòng với những điều mà đa số những đứa trẻ khác đều có thể chấp nhận bằng một thái độ vui vẻ và trân trọng. Ở tuổi thiếu niên, tôi có cảm giác mình không có chỗ đứng trong thế giới này và mọi thứ trong xã hội dường như đều đi ngược lại với những nguyên tắc của tôi. 

Là một tu sĩ trẻ, tôi cũng cảm thấy có gì đó còn thiếu trong cuộc sống của mình, nhưng rồi giáo pháp đã từ từ thấm vào trái tim tôi. Kể từ đó, mặc dù tôi nhận thấy thân tâm mình không có sự thay đổi nào rõ nét – tôi thấy tôi chẳng khác gì nhiều so với chàng thanh niên đầy hoang mang của 10 năm về trước khi đến tu viện lần đầu, nhưng vì một lý do nào đó, tôi không còn tin vào lý lẽ của anh chàng lãng tử trong tôi nữa. Đôi khi, anh chàng hiện hình và tìm cách sáng tạo ra một câu chuyện gì đó, khi ấy tôi nhìn chàng rồi thong thả hỏi: “Này, anh từ đâu đến vậy?”. Có đôi khi, tôi nói: “Trông anh mệt rồi đấy, sao anh không đặt vali xuống, nghỉ ngơi một chút trước khi tiếp tục cuộc hành trình bất tận của mình?”. Thời gian trôi qua, dần dần anh chàng trở thành bạn với tôi. Tôi vui mừng chào đón sự trở lại của anh dù anh có khuynh hướng xuất hiện tuy chẳng được mời, lại đúng vào những thời điểm không mong đợi. Thực sự là ngay bây giờ, anh chàng đang ngồi đây cùng tôi, khi tôi đang viết những dòng này và đang tự hỏi chuyện gì sẽ diễn ra trong những tuần tới. 

Về-giữa-núi-dồi1-1024x683

Ban đầu, tôi đi tu với ý định “quay lưng lại với xã hội”. Đời sống xuất sĩ kỳ thú cuốn hút tôi đến độ tôi nghĩ mình có thể quên hết mọi nhu cầu, mọi ước vọng về tình yêu, sự thừa nhận xã hội cũng như mọi tiện nghi về tình cảm. Nhưng bây giờ, kể cả khi đã là một tu sĩ rồi, tôi biết rằng rất khó để vượt qua những nhu yếu này. Đương nhiên, chúng không còn thô như khi chúng ta theo đuổi cuộc sống ở bên ngoài nhưng hương vị của chúng thì vẫn dễ dàng nhận ra được trong đời sống hàng ngày.

Đôi khi, tôi chăm sóc một sư em trong đại chúng, đây là việc một vị giáo thọ thường làm. Tuy vậy, nếu tôi thật sự trung thực với mình, tôi cần thừa nhận là tôi không chỉ quan tâm tới những tiến bộ trong thực tập và hạnh phúc của các sư em. Một phần trong tôi tìm kiếm sự công nhận trong mắt các sư em. Tôi luôn cần được thương và được hiểu. Tôi không thể ngăn mình mong ước những điều này. Lần đầu tiên nhìn ra chuyện đó, tôi đã rất choáng váng, tôi phản ứng lại chính mình bằng một năng lượng vừa căm ghét vừa xấu hổ. Không cần nói hẳn bạn cũng biết là những phản ứng này không hề giúp tôi cảm thấy dễ chịu hơn và cũng không đem thêm chút nào cảm thông và chấp nhận trong đời sống của tôi.

Thật may mắn, tiếng gọi “Hãy thương chính mình”, như gàu nước lạnh, đã được dội xuống tôi hết lần này tới lần khác. Và rồi một ngày kia, tôi đã có can đảm lắng nghe tiếng nói ấy. Tôi không nhớ giây phút này đã diễn ra lần đầu tiên vào lúc nào nhưng, theo dòng thời gian, có gì đó đã thay đổi rõ nét trong tôi. Bây giờ mỗi khi tôi giật mình nhận ra mình đang đi theo “lối cũ” – đang đi vào lối mòn của căm ghét và mặc cảm hay đang đòi hỏi tình thương và sự công nhận, tôi thường nghĩ tới hình ảnh một cái thất nhỏ nằm giữa những đỉnh núi đầy tuyết phủ. Tôi chưa bao giờ tới đó nhưng tôi biết nơi ấy gìn giữ Tâm ban đầu của tôi. Đó là biểu tượng của niềm mong ước sâu xa về tự do tuyệt đối, về sự vượt thoát nhu yếu rất con người trong tôi là được chấp nhận, được thương yêu và chăm sóc.

Đó là một căn nhà đơn sơ bằng đá có cửa ra vào bằng gỗ và cửa sổ nhìn xuống thung lũng. Bước vào trong, sẽ chỉ có một lò củi nhỏ, một bục gỗ làm giường, một cái bàn và kệ gỗ để ngồi đặt ngay trước cửa sổ, nơi mỗi ngày tôi có thể ngắm mây trời đến đi trên thung lũng.

Nơi ấy, cuối cùng, tôi có thể bình thản khóc cười với buồn vui của chính mình mỗi ngày. Tôi đã tiếp xúc và nuôi dưỡng những tâm nguyện của mình như thế. Đó là nơi tôi trở về nương náu khi lo lắng, cô đơn và bất an có mặt trong tôi.

Một vị thiền sư Trung Hoa đã viết bài thơ này vào một ngày hè, khi ngài đang sống ở một tu viện nằm trong lòng một thành phố đông người:

三面僧鄰一面牆 

更無風路可吹涼

 他年捨此歸何處

 青壁紅霞裹石房

Tam diện tăng lân nhất diện tường

Cánh vô phong lộ khả xuy lương 

Tha niên xả thử quy hà xứ 

Thanh bích hồng hà khoả thạch phòng 

(Thiền sư Tề Kỷ)

Ba hướng tăng nhân, một bức tường 

Nẻo nào cho gió thoảng thanh lương 

Bỏ hết, mai ta về đâu nhỉ 

Thạch thất đồi xanh quyện ráng hồng 

(Bản dịch của thầy Nguyên Tịnh)

Về-giữa-núi-dồi-1087x1536

Khi đọc bài thơ này tôi đã mỉm cười! Tôi nghĩ tới tác giả và tự nói với mình: “Không lạ lùng sao? Hơn một ngàn năm trôi qua rồi vậy mà cuộc sống của tôi và của Ngài thật giống nhau quá!”. Niềm vui của tôi, trong một thoáng bất ngờ, đã biến thành tình bằng hữu, thành sự tương giao vượt thoát không gian và thời gian. Tôi nghe lòng mình mở ra. Thoáng chốc, dòng chảy sự sống cuồn cuộn trôi trong cả châu thân.

Mỗi khi có thể tiếp xúc với không gian nội tâm này, tôi thấy thật lạ là tôi thường muốn được chia sẻ với ai đó. Nó giống như một hành động hiến tặng sự tử tế và tình thương. Khi trẻ tuổi hơn bây giờ, tôi đã từng làm như thế nhưng khi đó tôi thấy điều mầu nhiệm này đã xẹp xuống như một quả bóng bị châm kim. Tôi nhận ra rằng có những điều không thể nói bằng lời. Trong cuộc sống, được gặp gỡ hai hay ba người bạn có thể hiểu chúng ta chỉ sau một thoáng nhìn, ta có thể coi như mình là một trong số những người may mắn. Không phải lúc nào tôi cũng có mặt trong số này nhưng tôi biết chừng nào tôi còn giữ được sự ấm áp cho thạch thất của mình thì chừng đó tôi còn có đủ năng lượng để đi tới, để tiếp tục thử nghiệm.

Tôi hy vọng là bạn sẽ tạo dựng cho mình một thiền thất như thế, nằm bên một hồ nước trong xanh hay bên một thác nước cuộn chảy đêm ngày. Biết đâu, một ngày, tôi sẽ tới thăm bạn. Ban đầu, có thể bạn sẽ không biết tôi tới nhưng nếu bạn để cửa ngỏ, tôi sẽ nhẹ nhàng bước vào. Tôi sẽ nhìn bạn viết sổ công phu hay đọc kinh cho tới khi bạn nhận ra sự có mặt của tôi và mỉm cười với tôi. Có thể chúng ta sẽ giữ im lặng, có thể chúng ta sẽ vui vẻ nói với nhau về chuyện này chuyện kia. Thực ra,  điều đó không có gì quan trọng bởi hai chúng ta đều biết rằng chẳng có điều gì thực sự cần phải nói. Có thể tôi đã quen biết bạn từ trước. Chúng ta đã cười với nhau mà không cần biết mỗi chúng ta đang mang điều gì trong lòng. Cũng có thể là bạn còn chưa ra đời và còn cần cả nghìn năm nữa để cho cha mẹ bạn gặp nhau. Thêm một lần nữa, điều ấy cũng không thực sự quan trọng. Khi tôi viết ra thế này, tôi có cảm giác rất thật là tôi đang nắm tay bạn. Sau cùng, khuôn mặt và nụ cười bạn soi bóng xuống mặt hồ, in dấu trong những hàng cây, đồng cỏ bên ngoài cửa sổ và trong cả ánh mặt trời vừa hiện ra sưởi ấm ngày đầu tiên trong kỳ nhập thất của tôi.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Nếu không có sự cảm thông và thấu hiểu thì đừng thị phi thêm dầu vào lửa

Góc nhìn Phật tử 11:45 18/04/2024

Mỗi người có quyền riêng tư và sự riêng tư này phải được tôn trọng. Khi ta không biết rõ về người đó và cuộc sống của họ, ta không nên kể những câu chuyện của họ cho người khác.

Chết có đáng sợ hay không?

Góc nhìn Phật tử 07:33 18/04/2024

Chúng sanh ai cũng sợ chết nhưng mong muốn khỏi già, khỏi chết là những sự kiện không thể có được như Đức Phật đã dạy:

Linh bất linh tại ngã

Góc nhìn Phật tử 16:51 17/04/2024

Trong một lần học đạo với thầy (cố HT.Thích Thái Không), tôi hỏi: Thầy có tin chuyện linh ứng, mầu nhiệm không? Thầy cười khà khà nói, có câu “Linh bất linh tại ngã”, rồi giảng rằng: Linh ứng hay không là do ở bản thân mình.

Trong ta có Phật

Góc nhìn Phật tử 13:30 17/04/2024

Trong đau khổ tuyệt vọng / Tiến thoái chẳng còn đường/ Chỉ muốn chết cho xong/ Trong tâm mà có Phật/ Việc gì rồi cũng qua...

Xem thêm