Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 10/02/2023, 10:06 AM

Về Hải Phong Tự nghe kinh vãn chùa

Sáng tháng Chạp heo hút chanh chao theo từng ngọn gió bấc. Chùa Hải Phong vẫn một cõi thanh cao tịch mịch. Từ trong thinh không vắng lặng, con giật mình nghe tiếng chuông thâm trầm ngân vang trong sương mù. Nam Mô A Di Đà Phật, con xin nguyện quay đầu từ cõi mơ, thoát khỏi sân si phiền não.

Hải Phong Tự là một phần ký ức đặc biệt trong cuộc đời con, vừa thiêng liêng bao la khó lòng tỏ tường giác ngộ, vừa giản dị gần gũi mà chỉ vài bước chân là có thể đi đến. Hải Phong Tự là một ngôi chùa nhỏ nằm cách nhà con không xa, chỉ cần đứng tựa cổng trông ra đã thấy thấp thoáng chốn cổ kính linh thiêng. Chùa nằm lặng lẽ giữa con đường quê nối xóm An và Ninh, bao quanh là cánh đồng lúa thênh thang, cảnh sắc thanh bình yên ả. Dù cho bốn mùa xuân hạ thu đông tiếp nối dập dìu, dù cánh đồng lúa vẫn thay màu đổi sắc triền miên, giống như vòng lặp bất tận của sinh tử luân hồi -  thì ngôi chùa vẫn cứ ở đây, vẫn thong dong một cõi an lành không suy xuyển, mọi thanh âm cảnh sắc trần tục đều được bỏ lại sau cánh cửa tam quan. Khuất trong hàng cây mít cây đề mươi năm tuổi, chùa Hải Phong u tịch hiền từ như nụ cười vô ưu vô ngã của Đức Thế Tôn.

Có một phần cuộc đời của con đã gắn chặt ở đây, là nơi dõi theo từng bước chân khôn lớn của con, cũng là nơi con chứng kiến sự suy vi, điêu tàn của từng viên gạch mái ngói bị thời gian thiêu đốt, nhưng vẫn không thể vùi lấp sự linh thiêng của ánh sáng Đạo Phật khi tiếng kinh kệ ngày ngày vẫn cứ vang lên. Trải qua hơn hai thập niên, chùa Hải Phong càng nhuộm đầy màu cổ kính và thanh tịnh như một bậc chân tu đã đắc đạo. Sực nhớ vậy là bấy nhiêu năm con được nghe tiếng chuông thỉnh kinh buổi sáng, đêm rằm hằng tháng cúi mình sửa tâm trong kinh pháp, tháng 7 được cài hoa hồng đỏ lên ngực, sáng mùng 1 Tết mặc áo dài cùng với nội đi chùa kính Phật cầu an .

Ngôi chùa nhỏ không bề thế nhưng lại có kiến trúc mang đậm chất Phật giáo Việt Nam, với cấu trúc khu điện thờ trải dài theo chữ nhị liền nhau. Đi qua cổng tam quan, nhìn theo hướng tả đã thấy ngay Đức Quán Thế Âm Bồ Tát tay cầm bình cam lộ, đi sâu vào qua khoảng sân lát gạch là chánh điện của phật Thích Ca, men dọc hành lang đi xuống là nhà thờ tổ. Hai chái tả hữu là nhà tăng và khu nhà bếp, phía sau cùng là những luống rau cải lúc nào cũng xanh mướt nhờ bàn tay chăm bón của các thầy và cô.

Tuy đơn sơ là vậy, nhưng chùa Hải Phong chính là nơi quan trọng để người dân, Phật tử của 3 xóm Hạ, Ninh, Đông sinh hoạt đời sống tâm linh, tìm về với cõi thiện lành giữa cuộc đời còn nhiều nhọc nhằn khó khổ vì gánh nặng mưu sinh và nghiệp quả. Bao đời nay, người người đi, lớp lớp ở, thế sự xoay vòng là vậy, duy chỉ có Hải Phong Tự giống như tâm của một hình tròn, luôn ở đó vững chãi để làm điểm tựa tinh thần cho chúng sanh. 

Ngôi chùa thường ngày nép mình sau hàng cây u tịch, cho đến những ngày đầu và giữa tháng là nô nức tiếng Phật tử từ các xóm tề tụ về viếng Phật đọc kinh. Phật tử đến chùa đa số đều là những ông bà cô chú trung lão niên và cũng không ít các bé nhi đồng. Không gian yên ắng nơi cửa chùa lại được vang dậy tiếng kinh kệ như lời sấm truyền của Đức Thế Tôn được sướng lên, nhắc nhở chúng sanh luôn phải sống đời tỉnh thức, tích cực tu tấn để thoát khỏi trầm luân bể khổ. Tiếng kinh của thầy, của Phật tử cùng hòa thanh vào nhau có sức lan tỏa mạnh mẽ để truyền đi xa hơn, lay động tâm can con người, gột rửa linh hồn bớt bụi sân si thế tục, giúp chúng sanh tỉnh cơn mê muội mà sống lánh tham tìm an.

Mấy mươi năm được làm người, hân hoan hạnh phúc cũng có, trầy trụa bi ai cũng lắm. Vậy mà chỉ có những khi cõi lòng nặng trĩu đau thương con mới tìm về với Phật pháp. Giữa cuộc đời cuồng điên náo động này, luôn còn một thứ có thể níu chân con lại, đưa con thoát khỏi mê muội để có thể giữ được một đời chính tâm an lạc, đó là những khi con chậm rãi xuyên qua còn đường mòn vào trong cửa chùa, nương náu nơi vòng tay Phật pháp. 

Bước qua cổng tam quan, dường như một cuộc sống hơn thua bị bỏ lại, chỉ có một cõi an lạc hiện hữu ngay trước mắt. Ngoài cha mẹ, không ở nơi đâu con tìm được sự bình yên, sự chấp nhận vô điều kiện như khi dừng chân sau cánh cửa chùa. Nhiều nơi con đến, nhiều nơi con sống, chỉ vì “khác máu tanh lòng” mà người ta luôn đối đãi với nhau bằng sự tính toan tỵ hiềm. Tâm hồn con cũng đã nhiều lần bị xé rách, khánh kiệt đến cùng cực bởi sự đa đoan của người đời. Duy chỉ có khi ở dưới chân Phật, ánh mắt người hiền từ nhìn xuống vạn chúng sanh như một, con thấy lòng mình đã được cởi nút thắt, tâm can con hiền hòa nhẹ nhàng trở lại. 

Snip_TEMP0001

Chùa Hải Phong bao nhiêu năm vẫn nằm ở đó, như bậc giữ đạo, như kẻ truyền tin, như người thắp lửa, để gìn giữ Phật pháp luôn ở gần với con người, tránh để chúng sanh xa rời Chánh đạo mà sống đời sa ngã lầm lạc. Mỗi lần quay trở lại ngôi chùa gắn liền với con nửa đời người, lòng lại dâng lên một niềm biết ơn khôn tả. Trong làn sương mờ buổi sáng mùa đông giá rét của miền Trung, Hải Phong Tự càng thêm liêu trai cổ kính, dáng Thầy Thích Vạn Nhẫn trong màu áo nâu sồng lại lặng lẽ trên chiếc xe máy cũ kỹ xuyên qua làn sương để đi gieo duyên thuyết pháp, phụng sự cho đời. Con xin kính chúc Thầy thật nhiều sức khỏe!

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Nguyễn Thị Thanh Hân; địa chỉ: Lộc An – Lộc Hạ – Phước Thuận – Tuy Phước – Bình Định.

Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024

Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.

Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy

Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024

Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.

Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”

Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024

Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.

Cuộc đời màu nhiệm của cô gái 9x Hà thành

Đạo Phật trong trái tim tôi 12:00 05/10/2024

Tôi biết tác giả Thanh Cầm qua một nhóm những người yêu văn chương và rất ấn tượng với những truyện ngắn em viết cho thiếu nhi. Ngôn từ đẹp, cách xây dựng nhân vật gần gũi và nội dung luôn mang những thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn.

Xem thêm