Vị thầy trẻ nói về trải nghiệm “đến để mà thấy” của sinh viên Văn Lang
Sáng 19/12, bầu không khí trong lớp học Tình Thương tại làng bè hồ Trị An (Đồng Nai) trở nên sôi động và đầy ắp tiếng nói cười hơn mọi ngày.
Hôm ấy, không chỉ là một ngày đến lớp để học tập và vui chơi cùng nhau mà các em nhỏ còn chào đón các thầy cô, anh chị sinh viên từ Sài Gòn về thăm, mang theo nhiều niềm thương yêu để trao gửi.
Trải nghiệm để yêu thương
6h sáng đoàn đi từ trường Đại học Văn Lang (Bình Thạnh, TP.HCM), có ĐĐ.Thích Tuệ Đạt, Chủ nhiệm Quỹ Bảo trợ giáo dục Vicaris; Thạc sĩ Trần Hoàng Thị Thu Thuỷ, Thạc sĩ Đặng Thị Hồng Nhung - giảng viên trường Đại học Văn Lang; PGS.TS Kim Youngkeun (Đại học INJE, Hàn Quốc) và hơn 40 sinh viên trường Đại học Văn Lang, INJE cùng các Phật tử.
Nói về ý nghĩa chuyến đi, ĐĐ.Thích Tuệ Đạt chia sẻ: “Khoảng 7 năm trước tôi được biết đến thầy Thích Chơn Nguyên, người đã khởi hạnh nguyện Bồ-tát sáng lập ra lớp học Tình Thương và là người thầy khả kính với bà con Làng Bè. Lớp học Tình Thương vừa là nơi giúp xóa mù chữ cho các em nhỏ, vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, nuôi dưỡng đời sống tinh thần, hướng thiện cho hơn 45 hộ dân tại đây, từ đó giúp bà con tìm thấy niềm hạnh phúc bình dị, yêu thương, đùm bọc nhau dù cho đời sống còn muôn nỗi khó khăn”.
Vậy nên, lần này, thầy hướng dẫn các bạn sinh viên đến đây có một ngày trải nghiệm và chia sẻ yêu thương với mong ước sẽ gieo vào trong trái tim của các bạn những hạt giống thiện lành, trân quý những hạnh phúc đang biểu hiện và để các bạn lấy đó làm nền tảng vun bồi học thức và đời sống tinh thần của mình một cách quân bình.
Thầy Tuệ Đạt nói thêm: “Các bạn sinh viên mang trong mình rất nhiều hoài bão, lý tưởng nhưng những hoài bão, lý tưởng đó phần nhiều đứng trên khía cạnh vun bồi tri thức. Qua những hoạt động trải nghiệm giúp các bạn được đến để mà thấy, bắt đầu đi vào những nơi khó khăn, vượt qua những sóng nước vào sâu trong lòng hồ, các bạn xúc chạm được với những nụ cười, những lời nói, những ánh mắt nên thơ của các em, trái tim của các bạn sẽ được đánh động”.
Theo vị Đại đức Chủ nhiệm Quỹ Bảo trợ giáo dục Vicaris, từ đó, trong lòng các bạn sẽ chế tác ra được tình thương, không phải do một người khác nói, mà chính do các bạn thể nghiệm được tình thương đó từ trong chính lòng của mình.
“Vậy nên, mỗi chuyến đi, mỗi hoạt động trải nghiệm đều cho các bạn một cái thấy mới trong đời sống, trong sự mở mang tri thức và nhân sinh quan của mình. Và đâu đó thì những sự bình dị nhất khi tiếp xúc và trao đi được tình thương giữa người với người, giữa “lá lành” để ôm ấp cái chiếc “lá rách”, thì lúc đó các bạn sẽ khơi gợi làm biểu hiện được tình thương có sẵn trong trái tim của mình”.
Theo thầy Tuệ Đạt, nhờ những chuyến trải nghiệm, các bạn tự nhận chân về lòng biết ơn và trân trọng đời sống của mình trong hiện tại, với những điều kiện sung túc, thuận lợi trong việc học tập và sinh hoạt ở thành phố. Đặc biệt khi trái tim được mở rộng ra, các bạn sẽ biết thương yêu, chăm sóc bản thân từ những chất liệu tốt lành và thúc đẩy các bạn thực tập một nếp sống chân thành, giản dị, biết đủ, dễ dàng tha thứ và chấp nhận được những khó khăn xảy đến.
“Tôi tin, các bạn qua đó sẽ thương được mình và thực tập có hoa trái như vậy thì tình thương đó chan hòa giúp cho đời sống của các bạn hạnh phúc trong từng khoảnh khắc trôi qua, không cần đi tìm một hạnh phúc ở phía trước, khi tốt nghiệp đại học hay khi có một công việc tốt lành thì mới có hạnh phúc, mới đạt được lý tưởng, mà lý tưởng ngay trong lúc các bạn sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc”, Đại đức Tuệ Đạt gửi gắm.
Cho đi là nhận lại thật nhiều
Bạn Võ Ngọc Diễm, sinh viên năm 1 ngành Tâm lý, trường Đại học Văn Lang chia sẻ: “Lúc tham gia hoạt động em nghĩ mình sẽ là người mang tới cho các bạn nhỏ một điều gì đó, truyền đạt cho các bạn một điều gì đó nhưng khi đến đây rồi mình cảm thấy là mình không chỉ truyền thôi mà mình còn nhận lại từ các bạn những bài học tốt đẹp”.
Theo Ngọc Diễm, mỗi em nhỏ đều có những tính cách và cách hành xử khác nhau, điều đó khá ấn tượng với bạn. Trước đây Diễm nghĩ trẻ em đều có một tâm lý hơi chung chung nào đó, “nhưng các bạn đều như người lớn chúng ta, các bạn đều mang những tâm lý rất là khác biệt”.
Còn với Huỳnh Tấn Phát, sinh viên năm 2 ngành Tâm lý, trường Đại học Văn Lang tiết lộ, lúc đầu mang theo tâm thế đi để vui chơi nhưng trong lúc hoạt động diễn ra bạn cảm nhận đã học được nhiều thứ từ các bé và các cô.
“Các bé dạy em cách để xử lí tình huống, các cô chỉ em đổ bánh xèo. Em thấy các bé ở đây với các bé ở chỗ em thì khác nhau về mọi thứ nhưng ai cũng có điểm mạnh. Các bé ở đây nỗ lực học hỏi”, Tấn Phát nói.
Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Như Ý, sinh viên năm 1 ngành Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn - ĐHQG TP.HCM, thành viên Quỹ Vicaris chia sẻ: “Trong hành trình sống của con, con luôn từng ngày học cách quán chiếu để thân tâm vững vàng, từ đó mà nhìn sâu, hiểu thấu. Nhìn sâu để thấy con còn may mắn hơn nhiều so với các em. Vì con còn được học, được đến trường và được có cơ hội phát triển tương lai như bao đứa trẻ khác. Nhưng khi con nhìn sâu vào đôi mắt long lanh của các em, cái hồn nhiên vô lo ấy khiến con lại càng trăn trở. Chẳng biết khi các em lớn lên, các em sẽ đối diện ra sao trước những tháng ngày tương lai mù mịt”.
Tuy nhiên, Như Ý cũng kịp nhận ra, các em đã được soi chiếu bởi ánh sáng của tình thương và lòng nhân ái khi được đỡ đần, được giáo dục bởi sự tận tụy của thầy Thích Chơn Nguyên. Chính lòng từ bi và sự kham nhẫn của thầy đã soi sáng cho tương lai của những đứa trẻ tội nghiệp.
“Con mong sao các em sẽ có một cuộc đời tươi sáng hơn, đủ đầy hơn, được che chở bởi tình thương và sự giáo dục. Mong rằng một ngày, các em sẽ được có cơ hội cắp sách đến trường, được phát triển tương lai một cách trọn vẹn và bình đẳng. Sẽ thật hạnh phúc khi những đôi mắt hồn nhiên, trong sáng, thơ ngây của các em được lấp đầy tình yêu thương và sự hạnh phúc, các em xứng đáng được nhận một cuộc sống trọn vẹn và yên bình”, Như Ý bày tỏ.
Đây có lẽ cũng là ước mong của tất cả những ai đang cúi xuống những cuộc đời bé nhỏ với hạt mầm yêu thương nẩy nở trong lòng.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vị thầy trẻ nói về trải nghiệm “đến để mà thấy” của sinh viên Văn Lang
Phật pháp và cuộc sống 23:29 24/12/2024Sáng 19/12, bầu không khí trong lớp học Tình Thương tại làng bè hồ Trị An (Đồng Nai) trở nên sôi động và đầy ắp tiếng nói cười hơn mọi ngày.
Giáo sư góp 1 tỷ tiền hưu trí cho đồng bào bị thiên tai được tuyên dương
Phật pháp và cuộc sống 11:59 24/12/2024Một trong những nhân vật nổi bật được tuyên dương tại sự kiện "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả" là GS.TS Lê Ngọc Thạch, người đã trao sổ tiết kiệm trị giá 1 tỉ đồng để ủng hộ đồng bào miền Bắc chịu ảnh hưởng của bão lũ.
Tình huynh đệ trong thiền môn như giọt nước trong veo
Phật pháp và cuộc sống 10:14 24/12/2024Tình huynh đệ trong thiền môn là một kho báu quý giá, nơi mỗi cá nhân tìm thấy sự nâng đỡ và tình thương yêu không điều kiện.
Ham muốn là cội nguồn của khổ đau
Phật pháp và cuộc sống 09:49 24/12/2024Ham muốn, một trạng thái tâm lý tự nhiên của con người, từ lâu đã được nhận diện là cội nguồn của khổ đau trong nhiều triết lý và tôn giáo, đặc biệt là trong Phật giáo.
Xem thêm