Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 15/10/2016, 10:11 AM

Xác ướp 164 tuổi tỉnh giấc, đi lại trong tu viện ở Nga?

Báo Dân Việt đăng lại một trang tin từ nước ngoài với tựa đề “Xác ướp 164 tuổi tỉnh giấc, đi lại trong tu viện ở Nga?”. Bài viết không xác định sự việc đúng hay sai, nhưng có trao đổi lại thuật ngữ mà từ lâu, báo chí thường áp dụng cho những nhục thân của một số Thiền sư lưu lại sau khi viên tịch, người cầm bút chưa hiểu về Phật giáo, gọi là "xác ướp", ám chỉ như bao nhiêu xác ướp của thế gian muốn lưu xác. 

Thế nào là một xác ướp? 

Xác ướp có 2 dạng - một là tự nhiên - một là nhân tạo. 

Xác ướp tự nhiên có nghĩa hoặc do thời tiết, do địa lý, do khí hậu vùng miền. Vùng Bắc và Nam cực, nhiệt độ dưới 0 thì các xác vùi sâu dưới lớp tuyết sẽ khó mà tan rã, vùng có nhiệt độ cao có khí hậu ôn đới. Hoặc vùng sa mạc hay vùng thiếu không khí, ví dụ dưới đầm lầy. Cũng có những vùng cao ráo mà xác không bị hủy do khu vực đó nhiễm hóa chất, nhưng trường hợp này, khi đem lên khỏi mặt đất, xác sẽ bị phân hủy. 

Xác ướp nhân tạo là xác được bảo quản bằng kỹ thuật cổ truyền, bằng hợp chất nhân tạo như thời Ai Cập cổ đại. Tân Cương, Trung Quốc, Nga và Việt Nam cũng dùng hóa chất tẩm ướp lưu giữ xác của lãnh tụ và người thân. Việc ướp xác theo khoa học ngày nay khá tốn kém, dân thường ít có khả năng thực hiện. Trường hợp này, nhà kỹ thuật ướp xác phải thường xuyên làm vệ sinh và tiếp thuốc định kỳ, tuy nhiên, một lúc nào đó, một số bộ phận của xác cũng bị rụng rời, khó mà giữ nguyên vẹn như lúc đầu. 

Cho dù nhân tạo ướp thế nào cũng phải loại bỏ phần nội tạng, khác với xác được ướp theo thiên nhiên. Cổ xưa, Trung Quốc ướp xác trong quan tài bằng gỗ cây bách cũng như một số cổ thụ có dược tính. Trong nhân gian, có trường hợp ướp xác bằng trà, một vài trường hợp sư sãi miền Tây Nam bộ được đệ tử thực hiện một cách tôn kính mà không cần bóc bỏ nội tạng. 

Ngày nay, khoa học đã sử dụng cách ướp xác bằng cách bơm hóc môn sau khi rửa sạch xác chết. Chất này làm cho các vi rút, vi khuẩn không thể phát triển trong thời gian thuốc còn hữu hiệu. 

Lưu xác là một trạng thái trong Phật giáo sau khi một thiền sư viên tịch, để lại xác thân bất hoại với nhiều thế kỷ. Không phải bất cứ tu sĩ nào cũng lưu lại xác sau khi hóa sinh. Cách lưu xác như thế, Thiền sư đã đạt được nhiệt lượng từ lửa Tam muội. Chính nhiệt lượng của lửa tam muội mà đức Phật đã phát sinh để thiêu báu thân khi mà không ngọn lửa nào do đệ tử tiếp kích được. Khi đức Phật diệt độ, Ma Ha Ca Diếp đứng ra lo việc hỏa táng. Trên giàn hỏa là gỗ thơm chiên đàn, thế mà nhiều lần châm đốt, lửa vẫn không cháy, đại chúng có mặt lúc bấy giờ phủ phục cầu nguyện, bỗng nhiên, ngọn lửa từ quả tim Ngài phát ra để thiêu cháy toàn thân, đó là lửa Tam muội của Phật. 

Tam muội chân hỏa của người tu đạt đến lục thông, đắc quả A la hán mới có. Khác với lửa ngũ dục của phàm phu đốt cháy huệ mạng con người, lửa tam muội là quá trình kết tụ của thiền định thẩm thấu và hóa giải "thất đại" vật lý. Người tu đạt được sơ quả cũng có lửa Tam muội, nhưng vi tế phiền não, vi tế ngã vẫn chưa đoạn tận nên dễ làm bùng khởi lửa dục mà ta thường thấy một số vị tu ngoại đạo bị dục lạc lôi kéo, mặc dù có đắc pháp. 

Bước sơ khởi, người tu Thiền "sổ tức" cũng cảm nhận được nhiệt lượng nội thân phát ra khi thiền quán, mồ hôi ra nhiều, trạng thái này trong "Tứ Gia Hạnh Bị" gọi là noãn pháp, tức là nhiệt độ của các loài ấp trứng để nở con. Noãn pháp này điều hòa nhiệt độ bên ngoài trời lạnh hoặc nóng, hành giả vẫn không bị ảnh hưởng. Do vậy, trên núi tuyết Hy Mã, Chư tăng Tây Tạng vẫn chịu được nhiệt độ dưới âm mà không cần đồ ấm. Thậm chí có những cuộc thi cho một số tu sĩ ngồi giữa tuyết lạnh, y áo tẩm nước và băng tuyết, không lâu sau đồ khô ráo.

Chuyện kể: - Vào một đêm trăng sáng, gió thổi mạnh các Yogi (Yogi là người luyện tập Yoga) tự nhận là có thể chịu được những thử thách khắc nghiệt, đã cùng với minh sư của mình lặng lẽ đi về phía bờ sông băng giá. . . các Yogi tham dự cuộc thi mình trần, ngồi xếp bằng trên mặt nước đóng băng. Người ta khoét một lỗ băng rộng bằng cái mâm, nhúng những cái chăn xuống nước, đợi cho tới khi đông cứng mới kéo lên. Mỗi người dự thi nhận một chiếc chăn, cuốn vào mình rồi làm cho nước đá tan ra và chiếc chăn dần dần trở nên khô kiệt. Lúc này người ta lại lấy chăn ra nhúng nước và người dự thi lại cuộn lên mình. Cứ như thế cuộc thi kéo dài cho đến lúc mặt trời mọc. Ai là người làm khô được nhiều chăn nhất sẽ là người thắng cuộc và được vinh dự mang danh hiệu: KẺ NẮM VỮNG BÍ PHÁP LỬA TAM MUỘI. 

Lửa Tam muội được hoạt dụng từ tinh khí thần trong nhân thân, theo pháp luyện của Đạo gia. Khi "thủy hỏa ký tế" hoàn hảo thì hoạt dụng lửa tam muội ấp dưỡng Thánh thai để phát sinh tuệ giác, thần thông từ đó xuất hiện, trong nhà Phật gọi là nhập được đại định thì trí tuệ phát sinh. Chân tiên bí truyền Truyền Hỏa Hậu Pháp có viết:

- Tâm là quân hỏa, nên gọi là thượng muội
- Thân là thần hỏa nên gọi là trung muội
- Bàng quang là dân hỏa nên gọi là hạ muội
- Tam khí tụ nên sinh ra lửa gọi là lửa Tam Muội. 

Đạo gia cũng như Yoga mà các chân sư Ấn và một trường phái Tây Tạng chịu ảnh hưởng thì cho rằng lửa Tam muội được rút từ Prana của thiên nhiên, tập luyện nội thể, biến thành một năng lượng vi tế, một loại tâm nhiệt thần diệu. Tâm nhiệt này có diệu dụng khi hành giả diệt được bản ngã, nếu không, tâm nhiệt đưa đến tẩu hỏa, nhẹ thì sân hận, cố chấp, tự ngã, nặng thì tẩu hỏa nhập ma. Cũng có những hành giả phát quang lúc thiền định. 

Lửa Tam muôi được biết với nhiều tên gọi khác nhau như: - Hỏa Diệm tam muội - hỏa sinh tam muội - hỏa quang tam muội. . . Người tu có năng lực của đại định, lửa tam muội hóa giải nghiệp chướng và hàng phục ma quân. Yoga thiền định cũng hướng đến lửa tam muội nếu đi đến tuyệt đỉnh. lửa tam muội không phải lửa thân hay lửa tâm mà là do tác ý tâm nhiệt phát khởi. 

Cũng từ lửa tam muội, có những quan điểm khác nhau như: Ấn độ gọi là Kundalini, Trung Hoa còn gọi là luồng hỏa hầu như con rắn cuộn từ luân xa một lên đến luân xa 7, thông qua các luân xa được khai mở, hành giả đắc được tuệ giác, thần thông. 

Theo một số tài liệu của Phật giáo, lửa tam muội là hiện tượng sinh nhiệt trong cơ thể, nhiệt độ có thể lên đến cực cao. Khoa học cũng đã lý giải hiện tượng này dưới cái tên năng lượng hoặc điện từ. 

Vật thể là năng lượng, Albert Einstein đã khẳng định rằng Vật chất là Năng lượng mà công thức E = mc2 là bằng chứng. Con người là một Vật thể mà Vật thể tức là Năng lượng. 

Khi Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu, Ngài vận dụng lửa Tam muội để duy trì độ rắn của quả tim mà 4000 độ nhiệt điện nung vẫn không hủy hoại được. Một người bình thường, muốn thân nhiệt tăng, cần phải vận động cơ thể, nhưng các thiền sư không cần như thế, chỉ dùng tâm mà phát nhiệt. Tuy nhiên, tại Ấn, môn huyền học có trường phái trao cho đệ tử câu thần chú có thể phát nhiệt khi ở độ cao của núi tuyết, phát nhiệt này do năng lực thần chú chứ không phải lửa tam muội tự thân điều tiêt. 

Trở lại vấn đề lưu lại xác thân. Một hành giả nắm được bí quyết hành hoạt lửa tam muội, họ có thể bỏ xác hoặc lưu mạng sống theo ý muốn từ lửa tam muội. Có những Tiên nhân, theo truyền thuyết, có thể sống hàng trăm năm. Trong Phật giáo còn lưu truyền Ngài đại Ca Diếp vẫn còn duy trì sinh mạng tại núi Kê Túc đợi đức Phật Di Lạc ra đời. Thật ra, những ai đã thủ đắc được lửa tam muội tức đã có tuệ giác, không ai muốn duy trì thân xác trong cỏi ô trược nữa, các ngài thuận theo lẽ vô thường, có vị vừa chứng đắc đã dùng lửa tam muội bỏ xác nơi rừng sâu. Đối với các hành giả chứng đắc, chuyện sống chết nhẹ như lông hồng, làm chủ được sinh tử tức chủ động việc hủy bỏ xác thân. 

Những thiền sư lưu xác do dùng lửa tam muội đốt cháy mọi uế tạp trong cơ thể, làm khô cháy chất lỏng nội tạng thì không một vi khuẩn nào có thể tồn tại để làm mục rữa xác thân. Việt Nam đã có 4 thiền sư lưu xác, Thái Lan cũng có một thiền sư Việt Nam. Trên thế giới còn rất nhiều vị lưu lại xác thân bằng lửa tam muội chứ không chỉ ở Nga, mà không do một sự bảo quản nào từ bên ngoài can thiệp, thế thì không thể gọi là ướp xác. Từ "ướp xác" chỉ áp dụng cho những ai dùng hóa chất, dùng vật liệu để duy trì thân xác. Hãy hiểu và dùng cho đúng khi nói đến những báu thân bất hoại của nhà tu Phật giáo. 

Còn vấn đề "Xác ướp 164 tuổi tỉnh giấc, đi lại trong tu viện ở Nga?" - huyền thoại hay sự thật, hãy để khoa học xác chứng. 

Minh Mẫn
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm