Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 02/03/2017, 14:03 PM

Xây dựng hạnh phúc gia đình (P.2)

“Hoa thơm nhờ nhụy, người có giá trị nhờ đạo đức”. Đạo đức không phải có từ nơi tài năng, tiền của, danh vọng, mà nó có từ nơi tâm linh qua nếp sống, qua phong cách, qua ngôn ngữ, qua thái độ tư tưởng của mỗi người. Gia đình chúng ta sống bằng cách nào để cho mọi người nhìn đến đều quý mến và cũng làm bằng cách nào để cho mọi người khi thấy cha mẹ mình, dòng họ mình đều kính trọng. Chúng ta thể hiện tối thiểu được một trong hai điều kiện nói trên cũng là biết sống tình yêu lý tưởng, nghĩa là biết thánh thiện hóa giá trị lập gia đình.

IV. XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH TRÊN TINH THẦN LỤC HÒA

Sự quan hệ của tinh thần duyên sinh đối với sự sống còn của một con người đã được giới thiệu qua, giờ đây chúng ta bước sang lĩnh vực xây dựng hạnh phúc gia đình trên tinh thần Lục Hòa của Phật giáo. Lục Hòa là sáu pháp hòa kính, nghĩa là sáu nguyên tắc sống của một tập thể để được thanh tịnh và an lạc.

Theo Phật giáo, chữ Hòa nghĩa là hòa hợp như keo sơn và hòa không có ranh giới giống như sửa hòa trong nước. Đây là chỉ cho sự hòa hợp của tâm linh con người. Con người với con người sống chung phải hòa hợp tâm linh thì mới có thể hạnh phúc an lạc. Đất, nước, gió, lửa là bốn loại mâu thuẩn chống trái với nhau như mặt trời mặt trăng mà còn biết hòa hợp để cùng nhau xây dựng nên thân thể con người thì tại sao tâm linh của hai người không biết hòa hợp để cùng xây dựng hạnh phúc chung cho nhau.

Gia đình là một tập thể nhỏ, mỗi người trong gia đình sống chung muốn nắm lấy được hạnh phúc thật sự thì cần phải nương theo tinh thần Lục Hòa để cùng nhau xây dựng. Lục Hòa nghĩa là sáu phương pháp hòa kính và sáu phương pháp này gồm có: thân hòa cùng chung ở, miệng hòa không tranh cải, ý hòa cùng hoan hỉ, giới hòa cùng tu tập, kiến hòa cùng giải bày, lợi hòa cùng chia sẻ. Ý nghĩa sáu phương pháp hòa kính được giải thích như sau:
 
1. Thân hòa cùng chung ở (Thân hòa đồng trụ)

Thân hòa cùng chung ở nghĩa là cùng nhau sống chung trong một gia đình thì phải hòa hợp, phải chung lưng đâu cật, đùm bộc lẫn nhau, không nên dùng bạo lực lấn áp nhau. Muốn được như thế, trong một gia đình, chồng vợ, con cái, cha mẹ, anh em sống chung phải có những luật lệ như sau:

A. Đối với gia đình

1. Thánh thiện hóa giá trị lập gia đình

Thánh thiện hóa giá trị lập gia đình, nghĩa là lập gia đình nhằm xây dựng tình yêu lý tưởng. Tình yêu lý tưởng không phải là tình yêu thể xác chỉ biết thỏa mãn dục vọng. Tình yêu lý tưởng ở đây là tình yêu có ý nghĩa cao cả. Xây dựng tình yêu lý tưởng có hai mục đích: truyền thừa sự nghiệp gia bảo của tổ tiên dòng họ và thể hiện đạo đức của gia tộc.
 
a. Truyền thừa sự nghiệp gia bảo của tổ tiên dòng họ, nghĩa là phải có con cái để nối dõi tông đường, đừng để dòng họ phải bị tuyệt tự và làm thế nào dòng họ của mình càng ngày càng chặt chẽ lớn mạnh qua gia đình mình và con cháu của mình. Muốn có con cái nối dõi tông đường, đôi chồng vợ phải áp dụng những nguyên tắc sau đây:

1- Chồng vợ phải biết tiết dục, nghĩa là tiết chế ái dục. Tiết chế ái dục là hạn chế ái dục, nghĩa là tình yêu nam nữ phải có chừng mực, đừng xài phí bừa bãi theo dục vọng của mình. Đức Phật chỉ dạy: người xuất gia sống phải diệt dục và người phật tử tại gia sống phải tiết dục. Chồng vợ tiết dục nhằm mục đích giúp cho máu huyết của hai người đầy đủ chất lượng tốt để sinh ra đứa con được lành mạnh toàn diện. Hạt giống lúa nuôi dưỡng không đủ chất lượng và gặp phải phân đất không được tốt,..v.. v.... thì cây lúa sinh ra không được lành mạnh. Súc vật còn biết ái dục có mùa thì con người cần phải biết tiết chế ái dục đúng lúc để sinh con. Đôi chồng vợ nên luôn luôn tâm niệm với nhau rằng: chúng mình lập gia đình nhằm mục đích sinh con để nối dõi tông đường mà không phải để thỏa mãn sinh lý.

2- Người vợ khi có thai trong bụng, theo tinh thần Kinh Đại Niết Bàn phải giữ gìn bào thai trong tư thế an lạc thanh tịnh cho đến khi sinh ra đứa con. Muốn giữ gìn bào thai trong tư thế an lạc thanh tịnh, người vợ phải áp dụng triệt để những điều kiện sau đây:

* Không được gần gủi với người chồng trong lúc mang thai. Đôi chồng vợ gần gủi nhau trong lúc mang thai vô tình hai ông bà trút vào tâm của đứa bé trong bào thai tràn ngập nghiệp ái dục và khiến cho nó sau này lớn lên không thể kềm chế nỗi bệnh ái dục kích thích.

* Không được ghen tương phiền não..v..v.... khiến cho đứa con trong bào thai bị ô nhiễm bởi chất độc ngu si đần độn từ nơi cha mẹ và còn làm cho nó trong bào thai bị đau đớn bởi các cơ năng của người mẹ cọ sát vào khi ghen tương phiền não.
 
* Không được đi đứng hấp tấp, không được tâm trạng băn khoăn lo lắng khiến cho bào thai bị kinh động bất an làm trở ngại không tốt cho Tâm Thức A Lại Da đang xây dựng hệ thống thần kinh của đứa bé trong bào thai.

* Ăn uống những món ăn khinh nhẹ, không có những chất độc hại để xây dựng thân thể đứa con lành mạnh tráng kiện. Thí dụ khi có thai, người mẹ ăn uống toàn những chất phong, như ăn tôm cua..v..v... tạo cho thân thể đứa con mang bệnh dị ứng,..v..v....

3- Người vợ khi có thai muốn con mình sinh ra được tướng hảo tốt đẹp, theo tinh thần Duy Thức Học, nên đi thỉnh tượng Phật thật đẹp đem về thờ trong nhà của mình, mỗi tối thành tâm cầu nguyện quán tưởng hình tượng đức Phật đó thì sẽ được toại nguyện. Nguyên vì tâm của chúng ta như cái máy chụp ảnh, chúng ta thấy người nào thì hình ảnh (form) người đó đã vào tâm của chúng ta, chúng ta yêu mến người nào thì hình ảnh (form) người đó từ trong tâm của chúng ta xuất hiện ra.

Khi người mẹ có thai, Tâm Thức A Lại Da trong bụng người mẹ liền chọn sẳn hình ảnh đã có trong tâm người mẹ để làm kiểu mẫu cho việc xây dựng đứa con ra đời, trong lúc đó người mẹ nếu như nhớ hình ảnh của người nào khác nữa thì Tâm Thức A Lại Da lại tiếp tục lấy hình ảnh vừa mới nhớ của người mẹ đem ráp vào với hình ảnh kiểu mẫu đã chọn liền sửa đổi canh tân (Modified) lại cho thích hợp để xây dựng thành hình đứa con trong bụng theo ý người mẹ muốn trong lúc đó. Cũng từ giá trị này, người mẹ muốn đứa con mình sinh ra cho đẹp, liền mua những hình ảnh đẹp đem về nhà cầu nguyện.

4- Mỗi gia đình phải có gia phả để biết người nào là bà con gần xa của mình và phải tạo niềm thân thương gắn bó với nhau trong bà con dòng họ bằng cách giải thích cho con cháu được biết những thành tích tốt đẹp của bà con dòng họ để chúng nó học hỏi.

b. Gia đình sống phải hiễn vinh dòng họ muôn đời với tổ tiên, nghĩa là mỗi người trong gia đình sống phải thể hiện được đạo đức của gia tộc. Đạo đức là giá trị tinh thần của con người đúng như câu tục ngữ thường nói: “Hoa thơm nhờ nhụy, người có giá trị nhờ đạo đức”.

Đạo đức không phải có từ nơi tài năng, tiền của, danh vọng, mà nó có từ nơi tâm linh qua nếp sống, qua phong cách, qua ngôn ngữ, qua thái độ tư tưởng của mỗi người. Gia đình chúng ta sống bằng cách nào để cho mọi người nhìn đến đều quý mến và cũng làm bằng cách nào để cho mọi người khi thấy cha mẹ mình, dòng họ mình đều kính trọng. Chúng ta thể hiện tối thiểu được một trong hai điều kiện nói trên cũng là biết sống tình yêu lý tưởng, nghĩa là biết thánh thiện hóa giá trị lập gia đình.

c. Nguyên tắc thiết lập một gia đình lý tưởng của đôi trai gái mà ông bà chúng ta đã chỉ dạy qua hai câu ca dao như sau:

“Trai khôn tìm vợ chợ đông, Gái khôn tìm chồng giữa đám ba quân”.

+ Chợ Đông: có nhiều nghĩa, nhưng nghĩa ở đây là chỉ cho chỗ hội chợ đông người. Các cô gái thường tập trung nơi chỗ đông người như hội chợ,.. v..v... thì những đặc tính của mỗi cô biểu lộ rõ nét hoặc tốt hoặc xấu khi trao đổi qua lại với nhau.

+ Ba Quân: nghĩa đen là chỉ cho ba đội quân lính: Đội quân trung ương, gọi là Trung Quân, Đội quân bên tả gọi là Tả Quân và Đội quân bên hữu gọi là Hữu Quân, mỗi đội quân gồm có 12.000 quân lính. Ba quân nói chung là toàn thể quân đội, nhưng ở đây là ám chỉ cho chỗ tập trung tất cả thanh niên trai tráng. Các thanh niên có dịp tập trung vào chỗ đám đông thì tính tình của mỗi chàng trai đều bộc lộ rõ nét hoặc tốt hoặc xấu khi trao đổi qua lại với nhau.

+ Các thanh niên nam nữ muốn chọn ý trung nhân thì nên đến chỗ đông người đó để quan sát tìm hiểu. Nguyên tắc để chọn ý trung nhân làm bạn đời thì đừng đòi hỏi đối phương hoàn toàn tốt trăm phần trăm điều đó khó thành công, chỉ cần nơi họ có những đặc tính tương đồng với mình ước lượng khoảng sáu chục phần trăm là đủ tiêu chuẩn và phần còn lại khi nào sống chung với nhau mới huấn luyện sau, giống như câu ca dao đã chỉ cách huấn luyện: 

“Dạy con dạy thuở còn thơ, Dạy vợ (chồng) dạy thuở ban sơ mới về”.

Những điều trình bày trên là những nguyên tắc căn bản tương đối để chọn những người yêu và xây dựng tình yêu lý tưởng. Những ai thực hiện đúng những điều căn bản này chính là người đó biết cách thánh thiện hóa giá trị lập gia đình.

2. Tôn trọng và kính nể lẫn nhau

Con người đối xử với nhau có kính nể mới có tôn trọng và con người muốn được kính nể thì người đó phải thể hiện trọn vẹn phong cách đạo đức tốt của một con người, như lịch sự, khiêm cung, lễ độ, linh hoạt,..v..v..... bao nhiêu đó cũng đủ tư cách biểu tượng cho họ kính nể và từ kính nể đó đi đến tôn trọng. Nhưng trên thực tế, theo Phật giáo, con người là kết tinh của tất cả nghiệp báo của kiếp trước và hiện đang bị tất cả phiền não, như tham, sân si,..v..v..... đang lên ngôi chỉ đạo cho lẽ sống, nghĩa là ai cũng có những tật xấu đang tiềm ẩn trong tâm thức của họ.

Khi chưa sống chung, những tật xấu của mỗi người thường tìm ẩn bên trong nội tâm để chờ cơ hội lên ngôi và khi hai người sống chung với nhau thì những tật xấu của mỗi người hội đủ điều kiện lên ngôi để tạo sự mâu thuẩn trong cuộc sống tập thể. Những bạn trai bạn gái khi chưa lập gia đình thường hay lý tưởng người yêu của mình có những cá tính thuần lương, nhưng khi sống chung với nhau những lý tưởng đó đều sụp đổ và cả hai bên đều hoàn toàn thất vọng. Vì hoàn toàn thất vọng, họ tỏ ra bất kính với nhau và cũng từ đó họ có những thái độ không tôn trọng danh dự cho nhau.

Nên biết rằng trong một gia đình, chồng và vợ ai cũng có tự ái cá nhân, đã sống chung với nhau đừng chà đạp danh dự của nhau trước con cháu, trước bạn bè, trước quần chúng đông người, nghĩa là đừng cho con cháu hoặc bạn bè biết những tật xấu của chồng mình hay của vợ mình, đừng đánh đập cấu xé lẫn nhau, đừng nói những lời thô tục, chửi mắng nguyền rủa, bêu xấu cho nhau, cho đến đừng hổn láo đem cả dòng họ cấp trên ra lăng mạ cho thỏa mãn nư giận cá nhân.

Đã sống chung với nhau, chồng và vợ phải biết kính nể và tôn trọng danh dự cho nhau bằng cách thông cảm và che chở cho nhau, đừng có thái độ đưa người yêu mình vào đường cùng, theo tâm lý có một ngày họ sẽ phản ứng lại rất mạnh làm nguy hại đến hạnh phúc lứa đôi, đúng như câu tục ngữ thường nói: “Nhân cùng tắc biến, vật cùng tắc phản”, nghĩa là đưa người vào đường cùng thì họ trở mặt biến đổi, đưa con vật vào đường cùng thì con vật đó trở lại phản mình. Đây là nguyên tắc thứ hai mà mỗi người sống chung trong một gia đình cần phải giác ngộ để cùng tạo dựng nền tảng hạnh phúc gia đình.

3. Xây dựng đức tin cho nhau

Đôi chồng vợ mới cưới, hai người chỉ có niềm tin với nhau mà họ chưa có đức tin chân thật khi đôi bên thực sự sống chung. Đôi bên chỉ có niềm tin với nhau trên lời nói và hành động, nhưng trên tư tưởng chưa được dung thông thực sự. Giữa hai người, niềm tin của họ còn chút nghi kỵ ở trong tâm, nghĩa là hai người luôn luôn theo dõi những hành động của nhau, điển hình như một người nào đó khi có việc phải đi ra ngoài một mình thì thường bị người ở nhà gọi điện thoại theo dõi, điều đó chứng tỏ họ còn chút nghi kỵ, thiếu sự tin tưởng lẫn nhau. Hai chồng vợ sở dĩ thiếu sự tin tưởng lẫn nhau là do lúc sơ giao hai bên đều dấu kín những tật xấu của mình không cho đối phương biết được và chỉ đem những tính tốt để trau đổi tâm tình. Khi sống chung với nhau, những tật xấu của hai người bắt đầu xuất hiện tạo nên sự mâu thuẩn bất ổn trong gia đình, từ đó hai bên trở nên nghi kỵ lẫn nhau trong sự sống chung.

Muốn xóa bỏ những tâm trạng nghi kỵ của hai người, đôi chồng vợ trước hết phải áp dụng những nguyên tắc căn bản sau đây để xây dựng đức tin chân chính:

a. Nguyên tắc thứ nhất:

* Người chồng muốn tiếp bạn gái phải hẹn khi có mặt người vợ ở nhà.

* Khi tiếp bạn gái, người vợ phải đóng vai chính trong việc tiếp khách và người chồng chỉ đóng vai phụ tá.

* Người vợ muốn tiếp bạn trai phải hẹn khi có mặt người chồng ở nhà.

* Khi tiếp bạn trai, người chồng phải đóng vai chính trong việc tiếp khách và người vợ chỉ đóng vai phụ tá.

Nên biết rằng, theo Phật giáo tình yêu bao giờ cũng có mặt trái của nó, nghĩa là yêu không được thì thù hận và thương không được thì ganh ghét. Mình đã được một người nào để yêu thì người đó cũng đã được nhiều người khác đã chọn, nhưng mình lại được người yêu đó đồng tình mà những người khác lại bị thất vọng thì họ nhất định sẽ tìm mọi cách phá hoại hạnh phúc của mình, cho nên mình phải đề phòng những hiện tượng trên sẽ xảy đến gia đình của mình, nếu như hiện tượng đó không có xuất hiện thì mình được phước báo đấy. Để ngăn ngừa những hiện tượng trên mang đến bất an trong gia đình, mình nên áp dụng nguyên tắc thứ nhất đã trình bày trên.

b. Nguyên tắc thứ hai:

Những tật xấu nói trên của đôi chồng vợ là thuộc về tâm bệnh mà không phải thân bệnh. Thân bệnh thì phải nhờ y dược trị liệu, nhưng tâm bệnh thì phải nhờ đến pháp dược trị liệu; thân bệnh thì phải nhờ đến Bác Sĩ cứu chữa, còn tâm bệnh thì phải nhờ đến Phật giáo hóa giải. Để bồi dưỡng tâm linh, đôi vợ chồng cần phải chuyên cần tu tập pháp Phật để thanh lọc những phiền não trong tâm tư của mình cho được thanh tịnh. Đây là những điều kiện xây dựng đức tin cho nhau.

4. Quan tâm chăm sóc nhau

Đôi chồng vợ trong một gia đình, thân thể thì sống chung với nhau, nhưng tâm hồn thì sống riêng rẻ biệt lập nhau, chồng sống theo kiểu của chồng và vợ sống theo kiểu của vợ mỗi người sống một ốc đảo riêng không bao giờ quan tâm chia sẻ với nhau huống chi là chăm sóc. Thí dụ người chồng đang làm công việc gì đó tại nhà thì người vợ nên quan tâm đến hỏi: anh làm có mệt không, có cần em giúp gì không? Cũng thế người vợ đang làm công việc nhà thì người chồng cũng đến hỏi: em làm chi đó có cần anh giúp không? Chỉ có những câu hỏi như thế cũng đủ tạo nên sự đậm đà tình cảm với nhau.

Mỗi người sống theo chủ nghĩa cá nhân trên hết, nhìn nhau như bạn đời qua đường không cho nhau chút tình cảm, khi cần thì dùng đến và hết cần thì quên đi, chỉ biết có lợi cho mình là đủ rồi, lạnh nhạt với kẻ khác không chút cảm thông. Mỗi người sống như vậy làm sao có hạnh phúc được. Những nguyên tắc quan tâm chăm sóc nhau đại khái như sau:

a. Người vợ phải biết tâm trạng của người chồng muốn gì và những điều ước muốn đó không xâm phạm đến sự sống chung, không tổn thương đến hạnh phúc gia đình thì đừng khắc khe trói buộc để cho chồng làm tròn nghĩa vụ của kẻ nam nhi; người chồng cũng phải biết tâm trạng của người vợ muốn gì và những điều ước muốn đó không xâm phạm đến sự sống chung, không tổn thương đến hạnh phúc gia đình thì phải cởi mở để cho người vợ của mình khơi dậy niềm vui an lạc trong tâm hồn.

Thí dụ người vợ muốn đi chùa lễ Phật, người chồng đừng có ích kỷ nên để cho người vợ có niềm vui lý tưởng liền sẵn sàng đưa vợ đến chùa lễ Phật, nên biết rằng điều ước muốn đó của vợ mình không tổn hại đến hạnh phúc gia đình mặc dù đối với đạo Phật mình không có niềm tin.

b. Hai chồng vợ mỗi người làm việc mỗi sở khác nhau. Chiều đến, sau khi tan sở, người chồng về đến nhà trước và người vợ về đến nhà sau. Khi người vợ về đến nhà, người chồng phải chạy ra cửa chào đón thăm hỏi và tiếp tay với người vợ mang đồ vào nhà. Còn người vợ về đến nhà trước và người chồng về đến nhà sau. Khi người chồng về đến nhà, người vợ cũng phải chạy ra cửa chào đón thăm hỏi và tiếp tay với người chồng mang đồ vào nhà. Đó là một trong những cử chỉ quan tăm châm sóc lẫn nhau. Đôi chồng vợ đã sống chung không nên đưa mắt nhìn lơ khi người chồng hay người vợ bước vào nhà mà không cần quan tâm thăm hỏi, hoặc có thăm hỏi nhưng chỉ hỏi cho qua loa không có chút tâm tình, hoặc có ra giúp đở nhưng chỉ hành động như một cái máy không có chút tình cảm.

Tục ngữ có dạy: “Tiếng chào cao hơn cổ”, nghĩa là lời chào hỏi quý trọng hơn mâm cao cổ đầy. Đôi chồng vợ muốn gia đình được hạnh phúc cần phải chú ý ở điểm này.

c. Người chồng hoặc người vợ, nếu ai về nhà trước người đó phải vào bếp chuẩn bị cho bửa cơm tối. Người nào không biết nấu nướng, nhưng phải chuẩn bị những phần căn bản trước chờ chồng hay vợ về đến sẽ bổ túc sau cho bửa cơm đầy đủ để cùng nhau ăn uống, hoặc hai người về đến nhà cùng một lúc thì cả hai cùng nhau vào bếp để giải quyết cho xong bửa cơm tối, rồi sau đó mới làm những công việc khác trong gia đình, không nên người này làm còn người kia làm biếng ngồi chơi xem báo. Trường hợp hai người làm việc khác giờ khắc, công việc ban ngày hoặc công việc ban đêm, người làm việc ban ngày cũng phải chuẩn bị bửa cơm cho người làm việc ban đêm. Nên biết rằng cả hai người đều mệt nhọc ở nơi sở làm cả, phải thông cảm và chia sẻ mệt nhọc với nhau. Đã sống chung với nhau, tất cả mọi việc trong gia đình đều phải bình đẳng chia nhau cùng làm.
 
d. Khi ra khỏi sở, người chồng hay người vợ phải đi thẳng về nhà rồi sau đó muốn đi đâu sẽ đi. Hai chồng vợ nên biết rằng, chồng hay vợ mình ỏ nhà đang trông chờ mình về để cùng nhau ăn uống tâm sự trao đổi những công việc ưu khuyết thành bại trong ngày cho nhau kinh nghiệm, vì thế khi ra khỏi sở làm, mình không được chạy vòng quanh tìm bạn bè ăn chơi giải trí khiến cho những người ở nhà trông đợi, băn khoăn lo lắng buồn phiền, không lợi cho việc xây dựng hạnh phúc gia đình.

e. Nếu công việc làm cùng ngày và nghĩ cùng giờ, người nào về nhà trước phải chờ đợi người về nhà sau để cùng nhau ăn bửa cơm chung, không nên mỗi người tự cầm tô cơm ăn riêng mỗi nơi mỗi gốc nhà hoặc vừa ăn vừa xem truyền hình và cũng không nên mình tự ăn trước không chờ đợi người sau cùng ăn. Trường hợp suốt tuần lễ, chồng vợ không có ngày nào được ăn chung thân mật thì ít nhất cuối tuần chồng vợ cũng phải dành một ngày tổ chức ăn chung tình nghĩa bao gồm chồng vợ con cháu, nếu như có con cháu.

Bửa ăn chung tình nghĩa là bửa ăn tâm tình thân mật cảm thông, nghĩa là bửa ăn từ trường tâm linh của mỗi người quấn quít hòa quyện gắn bó lấy nhau. Còn như mỗi người ăn cơm riêng rẻ khiến cho từ trường tâm linh rẻ sang lối khác và cùng lúc từ trường tâm linh nghịch biến tự động xô đẩy sức hút của từ trường tâm linh đối phương, tình trạng đó kéo dài lâu ngày tình cảm gia đình trở nên hao mòn lạnh nhạt. Những dữ kiện vừa trình bày trên chính là những nguyên tắc quan tâm chăm sóc nhau.

5. Hòa hợp trong việc xây dựng gia đình
(đồng lòng tác biển đông mới cạn)

a. Người chồng hay người vợ muốn làm việc gì phải có sự đồng ý của nhau, nghĩa là phải đem việc đó thảo luận với nhau trước khi hành động, không nên tự ý quyết định mà không có sự tham khảo trước. Việc làm đó mặc dù mình nhận thấy hợp lý nhưng chồng hay vợ chưa thông cảm thì phải để qua một bên, chờ khi nào hai người tán thành thì mới đem ra áp dụng, nghĩa là mình phải thuyết phục đến khi nào người chồng hay người vợ của mình tán thành thì mới đem ra thực hiện. Thí dụ mình muốn mở một xí nghiệp gì đó làm ăn trước hết phải thuyết phục người chồng hay người vợ của mình tán thành thì mới thực hiện, không nên tự động thực hiện riêng mà không có sự đồng ý của người chồng hay của người vợ.

b. Khi thực hiện một công việc làm ăn gì đó cả hai người phải cùng nhau xây dựng, không nên giao hết cho người chồng hay người vợ chịu trách nhiệm lấy và người kia không cần biết đến, không chịu tiếp tay chia sẻ, hoặc giả trong lúc đó người kia lại tự động mở một công việc làm ăn khác qua mặt người chồng hay người vợ. Hai chồng vợ hợp tác với nhau trong một công việc, trong một nhiệm vụ, trên mặt tình cảm chính là hai người đã chia sẻ với nhau trong một nhiệm vụ, cảm thông nhau trong một hoàn cảnh và gắn bó đậm đà với nhau trong một nếp sống hạnh phúc. Sự quan tâm của người chồng hay của người vợ trong một công việc hay trong một nhiệm vụ là điều khích lệ lớn nhất cho nhau, là niềm an ủi trên hành trình xây dựng hạnh phúc gia đình.

c. Trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình, cả hai người cùng nhau phải chịu trách nhiệm chung trong việc gánh lấy thành công hay thất bại trong cuộc đời mà không nên phó thác hay đổ lỗi cho ai cả. Sự nghiệp nếu được thành công thì cả hai cùng hưởng, nhưng nếu như thất bại thì cả hai cùng chịu đựng và cùng nhau dũng cảm đứng lên tìm mọi cách gở rối cuộc đời, không nên buông trôi theo dòng nước rồi chỉ biết than trời trách đất. Ở đời không có việc gì tuyệt đối cả, có ngày thì có đêm, có tối thì có sáng, có nước ròng thì có nước lớn, có rủi ro thì có may mắn, có thất bại thì nhất định sẽ có thành công, chúng ta nên đặt trọn niềm tin vào đó để tiến lên trên đường đời. Chúng ta nên biết rằng theo tinh thần Phật giáo chính mình tự khai thông sinh lộ cho mình mà không có ai trải thảm cho mình đi cả.

Trích trong: Xây dựng hạnh phúc gia đình
Tác giả: Thích Thắng Hoan
Còn nữa...
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm