Ý nghĩa Kinh Pháp Hoa đối với người tu hành
Không phải ngẫu nhiên Kinh Pháp Hoa được xếp vào hàng “Vua trong các Kinh”, bởi Kinh thuộc giáo nghĩa tối thượng thừa mà Đức Phật nói ra để đưa hàng đệ tử đến Nhất thừa đạo, chứng quả vị Phật thừa.
Đức Phật dạy: “Nhất Phật thừa là giáo lý cao siêu, chỉ dành cho hàng căn cơ thuần thục”. Cho nên, ai viết chép, thọ trì, giảng nói được Kinh này phải biết người ấy có công đức vô lượng. Nếu không nhờ có lòng tin lớn, gieo trồng căn lành từ vô lượng kiếp thì khó mà thành tựu được. Trong Kinh Pháp Bảo Đàn có đoạn nói: Có vị thầy Pháp Đạt một hôm đến tham bái lục Tổ Huệ Năng, vị đó đỉnh lễ Tổ ba lạy mà đầu không sát đất, Tổ nói rằng:
“Lạy là để phá trừ kiêu mạn, tỏ lòng cung kính, lạy mà đầu không chấm đất chi bằng đừng lạy”. Trong tâm ngươi hẳn có điều gì chất chứa, hãy nói ra xem? Pháp Đạt thưa: Tôi niệm Kinh Pháp Hoa đã tới ba ngàn bộ. Tổ nói: “Nếu nhà ngươi niệm đến muôn bộ, hiểu được ý Kinh, nhưng chẳng cho đó là hơn người, thì cùng đi một đường với Ta. Nay nhà ngươi ỷ vào việc tụng Kinh, nên chẳng biết lỗi”.
Rồi Tổ nói kệ:
“Lễ vốn diệt kiêu mạn
Sao đầu chẳng sát đất
Chấp ngã, tội liền sinh
Quên công, phúc cao ngất”.
Pháp Đạt nghe kệ xong, hối lỗi mà tạ rằng: “Từ nay về sau, xin khiêm cung với tất cả”.
Kinh Pháp Hoa cũng dạy một hạnh khiêm cung, nhẫn nhục qua hình ảnh Bồ Tát Tường Bất Khinh, gặp ai cũng cung kính chắp tay nói: “Tôi không dám khinh Ngài, vì trước sau Ngài cũng sẽ thành Phật”. Có người nghe sinh hoan hỷ, có người mắng nhiếc, nhưng Ngài vẫn giữ một tâm niệm khiêm nhường như thế. Vì ngài biết rõ, mọi người ai cũng có Phật tính và khả năng tu hành thành Phật. Tất cả chúng sinh, hoặc trong hiện tại hay vị lai, nếu đã từng một lần được nghe Kinh Pháp Hoa nhất định sẽ thành Phật.
Hình ảnh Bồ Tát Thường Bất Khinh giúp người tu hành dẹp bỏ được tâm ngã mạn trên đường tu. Nên Phật dạy, người trì Kinh Pháp Hoa, ví như người đào giếng trên cao nguyên, là việc làm vô cùng khó khăn, cao nguyên ví như đồng hoang sinh tử. Nước trên đó chỉ cho nguồn tâm thanh tịnh sẵn có nơi mỗi chúng sinh. Nhưng vì vô minh che lấp nên nguồn tâm ấy không hiển lộ. Như người có trí ra sức đào mãi, nhất định cũng đến phần đất ướt, cứ như vậy mãi cũng phải đến mạch nước ngầm, tức là thấy Đạo, đào tiếp cho đến khi nước phun lên là thể nhập Phật tính, là thành tựu Phật quả.
Song, việc đào giếng có thể một năm, hai năm hay vài mươi năm rồi cũng hoàn thành, nhưng việc tu tập và hành trì theo Kinh Pháp Hoa để ngộ nhập Phật Tri Kiến “Nhất Thiết chủng trí” là sự nghiệp cửa cả một đời, nhiều đời hay nhiều A tăng kỳ hiếp cũng chưa chắc đã thành tựu, nếu ta cũng không dõng mãnh, tinh cần.
Việc hành trì theo Kinh Pháp Hoa là rất khó, bởi nghĩa lý vô cùng thâm sâu. Nên người muốn thọ trì Pháp Hoa được viên mãn, trước hết phải hội đủ ba điều kiện căn bản như phẩm Pháp Sư Công Đức nói là: “Ở nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai”.
Hành giả muốn thụ trì Kinh Pháp Hoa phải sống trong nhà Như Lai. Tức là phải có tấm lòng từ bi với chúng sinh như mẹ thương con. Nếu thiếu tâm từ, chúng ta không thể hành trì được Pháp Hoa, Như tiền kiếp Ngài Di Lặc Bồ Tát là Cầu Danh, nhờ phát tâm Tam Muội, mang tên Từ Thị, sau được Phật thọ ký thành Phật. Do đó, người tu phải lấy từ bi làm nhà, cứu khổ ban vui cho tất cả chúng sinh khiến họ đi đến giải thoát giác ngộ. Cũng vậy, Phật xem tất cả chúng sinh như con ruột, luôn trải tâm từ và mang lại an lạc cho chúng sinh. Chúng ta là những người con Phật, nên phải thực hành theo những gì Phật đã làm, đi trên con đường Phật đã đi mới mong thành tựu được đạo quả.
Muốn thụ trì Pháp Hoa hành giả phải mặc áo Như Lai, nghĩa là trang nghiêm thân tâm bằng hạnh nhu hòa, nhẫn nhục. Chỉ có tâm từ thôi chưa đủ, mà phải dùng những ngôn từ yêu thương để hóa độ chúng sinh. Chúng sinh đối với Phật Pháp như đứa trẻ vậy. Nên biết, thuốc Pháp Hoa là liều thuốc Tối thượng thừa, nếu không bọc một lớp đường nhu hòa, từ ái, nhẫn nhục thì chúng sinh không thể uống được. Nhưng nhẫn nhục mà Đức Phật dạy ở đây là nhẫn nhục trong trí tuệ sáng suốt, nhẫn để giáo hóa. Như khi Đức Phật hỏi lại kẻ đã mắng nhiếc mình: “Nếu ngươi mang lễ vật đến biếu người, người không nhận. Lễ ấy thuộc về ngươi đúng không?” Đức nhẫn này rất cần thiết để vượt khỏi khó khăn trên con đường thuyết pháp độ sinh.
Người nói Pháp Hoa là phải ngồi tòa Như Lai. Ngồi là “An trú”, tòa Như Lai nghĩa là vị Đại Bồ Tát quán: “Nhất thiết pháp không như thật tướng” chẳng điên đảo, chẳng động, chẳng nói, chẳng chuyển như hư không “Không” đây có nghĩa là vô tự tính của các Pháp. Vì các pháp là vô tự tính, nên bất khả đắc. Đức Phật an trú trong Chân Không ấy nên gọi là ngồi tòa Như Lai. Kinh Kim Cương nói:
“Như thị diệt độ vô lượng, vô số vô biên chúng sinh thực vô chúng sinh đắc diệt độ giả”.
Trọn đời Đức Phật độ sinh mà Ngài nói Ta không thấy có chúng sinh nào được độ, nên sự thuyết pháp độ sinh mới viên mãn. Đức Phật ở trong vô tự tính, nên không còn thấy tướng chúng sinh. Với tất cả chúng sinh đều bình đẳng nói pháp, vì thuận theo pháp nên chẳng nói nhiều. Hành giả trì Kinh Pháp Hoa tại gia hay xuất gia nên sinh lòng từ lớn, còn hàng Bồ Tát sinh lòng bi lớn. Kinh Pháp Hoa này là tạng bí mật của các Đức Như Lai, Vì Kinh chỉ bày Tri Kiến Phật, nên chỉ cho người rất khó, vì nó không có tướng mạo, vượt ngoài ngôn ngữ. Song, nó hằng hiện hữu nơi chúng ta.
Ở nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai là ba đức tính, ba điều kiện căn bản để việc đọc tụng, giảng nói Kinh Pháp Hoa được rốt ráo viên mãn. Người hộ trì, giảng nói Kinh Pháp Hoa, trước phải giữ gìn giới luật, tức là an trú bốn pháp: 1. Hành xứ: An trụ trong nhẫn nhục, hòa dịu chẳng Kinh sợ; 2. Thân cận xứ: Không gần gũi vua quan và ngoại đạo… những đối tượng này nếu phải thuyết pháp thì không nên thân cận. Quán các pháp không như thật tướng, chẳng điên đảo, chẳng động như hư không; 3. An lạc hạnh: Chẳng nói lỗi của người khác và Kinh, chẳng khinh mạn pháp sư khác, đối với hàng Thanh Văn không khen không chê. Đối với tất cả chúng sinh phải khởi tâm bình đẳng nói pháp. Đối với các Như Lai, Bồ Tát phải thường kính lễ; 4. Khởi đại bi tâm: Tâm sinh lòng từ đối với người tại gia, xuất gia. Người thành tựu bốn pháp này thì lúc thuyết pháp không có lầm lỗi.
Trong phẩm Pháp Sư Công Đức có ghi: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào thụ trì Kinh Pháp Hoa này, hoặc đọc, tụng, giải nói, hoặc biên chép, người đó sẽ đặng tám trăm công đức nơi mắt, một ngàn hai trăm công đức nơi tai, tám trăm công đức nơi thân, một ngàn hai trăm công đức nơi ý, dùng những công đức này, trang nghiêm sáu căn đều được thanh tịnh”.
Cũng trong phẩm Phẩm Pháp Sư Công Đức, Đức Phật thọ ký rằng: “Người nào đọc tụng, thụ trì Kinh Pháp Hoa là người ấy đã tự trang nghiêm mình bằng sự trang nghiêm của Đức Phật. Do đó, được Đức Như Lai mang trên vai Ngài”.
Kinh Pháp Hoa xem trọng Phật tính hay Tri Kiến Phật bình đẳng nơi mỗi chúng sinh qua câu nói: “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính”, nếu ai biết quay lại sống với Tri Kiến Phật nơi mình thì sẽ được diệu dụng không thể nghĩ bàn. Nên Phật dạy, chúng ta thực hành Bồ Tát đạo với tâm bình đẳng giáo hóa, không chối bỏ người nào kẻ oán cũng như người thân. Cho nên, học hỏi và tu tập Diệu Pháp là con đường quay trở về với chính mình và thực tại, nhận rõ ở đó không có mặt của ngã tướng, để từ bỏ tham ái và chấp thủ, trở về sống với Tri Kiến Phật sẵn có, với Pháp Thân không hình, không tướng, không sinh không diệt, nên công đức là không thể nghĩ bàn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cuốn sách sáng tỏ những đóng góp của Phật giáo với dân tộc
Sách Phật giáo 17:16 18/12/2024Cuốn sách “Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay” do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, đã khái quát vai trò của Phật giáo thời Lý, đồng thời khẳng định những giá trị của Phật giáo.
Tu không phải để thành tiên, thành Phật
Sách Phật giáo 09:31 12/12/2024Sách “Con đường chuyển hóa” tập trung vào cách để mọi người tu tâm và tu trí - hai mục đích cốt lõi của người tu theo đạo Phật.
Thiền như một Phật tử
Sách Phật giáo 10:07 11/12/2024Vì sao những doanh nhân, người nổi tiếng gần đây lựa chọn thiền? Họ không nhất thiết là tín đồ Phật giáo, thiền vẫn tuôn chảy vào cuộc sống, giúp họ quét sạch tâm trí và cân bằng cảm xúc.
Thượng toạ Thích Đức Thiện đồng chủ biên sách về Phật giáo
Sách Phật giáo 09:31 08/12/2024Sách "Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay" do Thượng toạ Thích Đức Thiện và thạc sĩ Nguyễn Thái Bình đồng chủ biên, góp phần đánh giá những đóng góp của Phật giáo với sự phát triển dân tộc từ thời nhà Lý.
Xem thêm