3 bí ẩn diệu kỳ của thiền định
Hiện nay, thiền định có những bước phát triển đáng kinh ngạc tại Mỹ, dần trở thành bộ môn được yêu cầu trong trường học, bệnh viện và kể cả nhà tù. Cũng tại Ấn Độ, những thiền sư có dáng dấp thanh thoát, an tịnh được nghiên cứu thực sự hạnh phúc nhờ khám phá ra 3 bí ẩn diệu kỳ của thiền định.
1. Thiền định chế phục được nhân hạnh đào, một vùng não lưu trữ những ký ức sợ hãi
Cuộc nghiên cứu gần đây của Paul Ekman thuộc Trung tâm Y học, Viện đại học California, San Francisco, khám phá ra rằng những thiền sư cao cấp khó bị chấn kích, bất an, hoảng hốt hay nổi giận như những người thường khác. Tuyến thượng thận, nơi tiết ra Adrrenalin, điền khiển nhịp tim trong các trường hợp sợ hãi, hoảng hốt gần như được các Thiền sư khống chế hoàn toàn. Thiền định hoàn toàn có khả năng “rửa” lại não, giải tỏa các khu vực căng thẳng vì máu ở trong tình trạng ách tắc.
Trên thực tế, trong thời gian thiền định những người thiền có thể sản ra rất nhiều sóng theta và có thể phong tỏa phần não trước vốn nhận và xử lý cảm giác, ngoài ra họ cũng giảm thiểu hoạt động ở phần thùy đỉnh não, nơi phụ trách các cảm giác về không gian – thời gian. Bằng cách “tắt” thùy đỉnh não, người ta có thể mất cảm giác về giới hạn và thấy vũ trụ “trở thành một”.
Bên cạnh đó, khi thiền định, chúng ta cũng sử dụng lượng oxy ít hơn bình thường 17%, giảm 3 nhịp tim/phút và tăng sóng theta ở não hệt như trạng thái trước ngủ – trong khi toàn não vẫn tỉnh táo. Đây là một thể dạng thư giãn, một sự yên lặng tỏa rộng giúp cho sự chú tâm trở nên sắc bén hơn và giúp ta cảm thấy bình an hơn trước những ký ức.
2. Các phương pháp thiền định đều tìm cách chặn các niệm không cho nó khởi lên ngay từ gốc
Dựa trên các kinh sách về thiền định trong Phật giáo; bộ não con người có 100 tỷ tế bào thần kinh. Mỗi tế bào thần kinh qua những đường dẫn truyền lại có quan hệ với 50 ngàn tế bào thần kinh khác. “Một niệm mà sinh thì trùng trùng duyên khởi” - Một tế bào thần kinh hoạt động, tức khắc sự lan truyền diễn ra như trong phản ứng hạt nhân, dẫn đến việc xử lý các khối lượng thông tin khổng lồ của bộ não. Các ý nghĩ nối tiếp ý nghĩ, sự tư duy hình thành.
Tuy nhiên, ngoài những lúc tập trung làm việc, thì chúng ta sử dụng bộ não rất nhiều vào những chuyện vớ vẩn, không đầu không cuối. Theo bản năng, bộ não chúng ta không chịu tĩnh lặng, ngay cả khi đang ngủ. Lúc này, chúng ta cần chú tâm cân bằng nó. Nếu đến với thiền định, việc chặn các niệm không cho nó khởi lên ngay từ gốc trở nên chủ động và hiệu quả hơn.
Có phương pháp thì hướng sự tập trung suy nghĩ vào chuyện khác như đếm hơi thở, theo dõi cơ thể trên từng centimét vuông một, hoặc theo dõi một cách khách quan suy nghĩ của mình không lơi lỏng, nghĩ cái gì là biết mình đang nghĩ cái đó; có phương pháp thì tập trung suy nghĩ vào một công án, tức là thiền công án với một câu hỏi gần như không có lời đáp, ví dụ khuôn mặt ta khi cha mẹ chưa sinh ra là gì; có phương pháp thì tập trung vào chuyện ngồi và biết mình đang ngồi, có phương pháp như của Thầy Thích Nhất Hạnh luôn nhẩm “Hít vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười”; có phương pháp như của thầy Thanh Từ ở chùa Trúc Lâm Đà Lạt thì “Biết vọng không theo”, gọi tắt là Tri vọng; có phương pháp thì niệm chú hoặc nhún nhảy nhẹ nhàng theo một vũ điệu nào đó… Tất cả đều có chung một mục đích làm sự hoạt động của bộ não con người lắng xuống, yên tĩnh lại, dần dần đạt đến sự rỗng không.
3. Thiền định là đồng với vũ trụ, hòa với cỏ cây, xem cái chết như đang sống
Trong kinh Phật chúng ta đọc thấy câu “Chư Phật ngủ không mơ bao giờ!”. Điều này cho thấy bậc giác ngộ đã hoàn toàn đạt đến một trạng thái hoạt động khác của bộ não và điều này thì rõ ràng khoa học chưa biết đến. Nhà Thiền có câu chuyện như sau:
Hương Nghiêm thông hiểu thiên kinh vạn quyển nhưng vẫn là người chưa ngộ đạo. Một hôm Quy Sơn đến và nói: “Anh thật là thông minh tài trí nhưng hãy nói cho tôi biết, anh từ đâu mà có?”. Hương Nghiêm về lục tung hết tất cả sách vở để tìm câu trả lời. Đi đến cùng câu hỏi ấy là vũ trụ này từ đâu mà có.
Không tự trả lời được ông tìm đến Quy Sơn và cầu khẩn: “Xin hé mở cho tôi cái bí mật của lời nói này”. Quy Sơn bảo: “Nếu ta giải thích cho ngươi rõ ràng sau này ngươi sẽ oán ta”. Thế là Hương Nghiêm vứt bỏ tất cả để về quê cuốc đất. Một ngày kia sau mười năm, lúc đang dãy cỏ, ông cuốc đụng một miểng sành và nhặt lấy quăng vào một bụi trúc. Miểng sành chạm phải một cây trúc khô và ngân lên một tiếng ngân đặc biệt. Hương Nghiêm bừng ngộ. Ông hiểu được ông từ đâu mà có, vũ trụ này từ đâu mà có. Ông quỳ xuống, lạy về phía Quy Sơn và bảo: “Sư phụ, lòng tốt của thầy thật bao la. Nếu ngày ấy thầy giải thích thì hôm nay làm sao con có được kinh nghiệm kỳ diệu này”.
Cũng như công án âm thanh của một bàn tay, công án “Ta từ đâu mà có” nếu xét về mặt kiến giải thì có thể xếp vào loại nhận thức một quy luật của tự nhiên. Triết học hiện đại gọi đó là quy luật vận động, vật chất là luôn vận động, vận động là một thuộc tính của vật chất. Triết học hiện đại, triết học phương Tây thì tiếp cận các quy luật, các thuộc tính của vật chất, của vũ trụ của sự sống… thông qua các khái niệm. Triết học phương Đông nói chung và Phật giáo nói riêng, không làm như vậy, các khái niệm luôn là vật cản, là tri chướng, không cho con người có thể mang cả trí tuệ cũng như thể xác của họ thâm nhập vào các quy luật có tính toàn vũ trụ.
Thiền định chính là bí ẩn của các bậc giác ngộ. Gần như tất cả mỗi tế bào trong khi thiền định đều thấm đẫm biết giây phút mình ra đi và tất cả đều bình thản đón nhận. Chúng ta, người đời vẫn hay nói về sự thanh thản khi chết, chuẩn bị cho cái chết, xem cái chết tựa lông hồng, thế nhưng xem cái chết như đang sống mà không cần đến một chút ý thức nào thì chỉ có ở người giác ngộ. Và ở trạng thái thiền định, bản thân người thiền là một phép thần thông tuyệt diệu nhất, mỗi phút giây thiền định là mỗi ân sủng tạo hóa đã ban cho.
Trong trạng thái tĩnh lặng, yên vui ấy tai ta sẽ nghe tất cả âm thanh kỳ diệu của tạo hóa, từ tiếng cười đùa thánh thót đến âm vang của từng nhát chổi đang quét trên mặt đường, từ tiếng của chồi cây đang vươn lên đến âm thanh của các vì tinh tú xa xôi. Năm 761 vua Túc Tông nhà Đường thỉnh Huệ Trung đến kinh đô phong làm Quốc sư. Suốt trong lần yến kiến vua đã hỏi ông nhiều câu, tuy nhiên ông không hề nhìn vua lấy một lần. Vua giận mới bảo:
- Trẫm là Thiên Tử nước Đại Đường, sao thầy không một lần hạ cố nhìn đến trẫm?
- Bệ hạ có nhìn thấy hư không trên kia chăng? - Huệ Trung trả lời.
- Có.
- Hư không có nháy mắt với bệ hạ không?
Cái tâm thế hoàn toàn không thuộc về ý thức nhưng biết rõ là mình đồng với vũ trụ, hòa với cỏ cây rất thật ấy, khoa học hiện đại, tâm lý học hiện đại hoàn toàn chưa biết đến.
***
Đã đến lúc con người bắt đầu hiểu được giá trị của mặt bên kia trong hoạt động của bộ não, mặt tĩnh lặng, không hoạt động nhưng lại vô cùng tỉnh thức. Nhờ có thiền định con người sẽ làm được điều này, tuy thiền định là một phương pháp thể dục cho tinh thần có từ hơn 2500 năm trước và bị lãng quên hoặc ngộ nhận nhiều điều nhưng chắc chắn rằng, nó vẫn sẽ luôn có những đóng góp tích cực cho cuộc sống và văn minh nhân loại.
Hãy bắt đầu ngay hôm nay và dành thời gian cho chính mình để khám phá những bí ẩn diệu kỳ của thiền định, hãy mở những bản nhạc thiền giúp tâm tĩnh lặng để cảm nhận chính mình. Bạn xứng đáng với điều đó.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Phật giáo thường thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Phật giáo thường thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Phật giáo thường thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Phật giáo thường thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm