Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 19/07/2016, 11:07 AM

Bài dự thi sáng tác các tác phẩm về Đạo Hiếu: Bố tôi

Ông bà ngoại mất lâu rồi. Ông nội cũng mất lâu rồi, chỉ còn bà nội. Nhưng bà nội ốm đã lâu rồi, đã hơn một năm nay bà không còn nhận ra ai nữa. Điều rất xúc động cho tôi, bà chỉ nhận ra mỗi mình tôi, trong số đám cháu con của bà.

Trước kia tôi vừa học vừa làm trong Sài Gòn. Ở Sài Gòn có vợ chồng anh lớn nhà tôi; có cả gia đình chú út, em bố tôi; ở ngay Long Khánh (Đồng Nai) lại có gia đình cô, em bố tôi... nghĩa là cũng có nhiều sự đầm ấm của người thân. Nhưng tôi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ bà... nên tôi muốn ra Bắc.

Sếp tôi biết tôi “đòi” về nên ông lo lắm. Công ty mới thành lập, nhưng có tương lai phát triển rạng rỡ, vị trí của tôi cũng là nhiều người mơ ước. Mấy chị em thân thiết trong công ty cũng ngạc nhiên khi biết tôi “đòi” về. Thật bất ngờ, sếp ra quyết định thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội để cho tôi ra Bắc làm việc. Quê tôi ở Hải Dương, tôi làm việc ở Hà Nội, vậy là thỉnh thoảng cuối tuần tôi có thể về nhà thăm bố mẹ, thăm bà... Tôi vui mừng khôn tả, vì vừa vẫn được làm ở công ty, vừa gần gia đình.


Sếp bay ra Hà Nội, cùng tôi “set-up” chi nhánh - thuê văn phòng, tuyển nhân viên... và tôi làm manager miền Bắc. Trước khi quay vào Sài Gòn, sếp bắt tay tôi thật chặt, cái bắt tay tin tưởng. 
Hình chỉ mang tính chất minh họa
Xa gia đình đã lâu, tôi về thăm bố mẹ, thăm bà...

Bà nội tôi ở bên nhà chú Toan, cùng ở trong làng. Khi về nhà, chào hỏi bố mẹ xong, tôi thường chạy ào sang thăm bà, với gói quà. Chú Toan để bà một mình trong một căn nhà cũ nhưng rỗng rãi, vợ chồng chú ở một ngôi nhà sát bên, cùng khoảng sân. Thấy tôi vào, nắm tay bà, bà nhìn tôi âu yếm. Bà vẫn nhớ tôi, bà gọi Hà, Hà... Tôi ứa nước mắt, gần đây bà yếu đi nhiều. Bà cứ nằm trên giường không đi lại được. Trước kia, bà xông pha đi khắp nơi làm việc, gồng gánh nuôi đàn con, 8 người, gồm bố tôi và các chú, các cô... Tôi xoa bóp chân bà, da nhăn nheo. Đôi chân này, có lẽ trước kia bà đi nhiều quá, nên về già bà chỉ nằm một chỗ thế này. 

Mùa hè, chiếc quạt để ở đầu giường chạy suốt. Ở ngoài sân, cây xoài cổ thụ trĩu quả rủ bóng mát rượi. Trên nền đất này, cây xoài ông bà trồng cho những mùa quả sai. Những mùa quả sai để nuôi đàn con, nay đã phương trưởng đâu ra đấy cả rồi. Rợp bóng mát ngoài sân kia, tôi rất muốn dìu bà ra ngoài sân kia cho mát, nhưng bà yếu không ra được.

Thời gian cuối đời, bà còn không ăn được gì, quà tôi chọn mua từ Hà Nội bà cũng không ăn được. Trước kia, khi đi Sài Gòn tôi chưa có tiền nên chẳng mua cho bà được cái gì, thì khi ra Bắc tôi cũng đã có tiền, đã có thể mua quà cho bà, nhưng càng về thời gian sau quà tôi mua bà cũng chả ăn được. Bà chỉ ăn cháo thôi. Bà ăn không nhiều, mỗi bữa ăn rất ít, nên phải chia ra làm nhiều lần ăn. Mùa hè, bà chỉ nằm một chỗ như thế, nên việc tắm rửa, thay quần áo cho bà cũng rất vất vả. Những việc đó do bố tôi làm cả. Nhiều lần về quê tôi muốn làm thay bố, nhưng chính bố muốn làm. 

Nhiều lần quan sát bố chăm bà, với toàn bộ sự chu đáo, cẩn thận... của người con trưởng với mẹ. Nếu không có tình yêu thương mẹ mình, chắc khó ai có thể làm chỉn chu với công việc ấy trong thời gian dài như thế.

Như nhiều con trai làng Kim Đôi quê tôi, thời trai trẻ bố cũng đi bộ đội. Mỗi năm có buổi họp đồng ngũ cũ, bố tôi háo hức lắm. Bức ảnh chân dung thời quân ngũ, với quân hàm trên cầu vai được bố treo trang trọng, thỉnh thoảng bố lại tháo xuống lau... cử chỉ đó tôi biết là bố trân trọng những năm tháng “tuổi trẻ sôi nổi” như thế nào. Khi từ quân ngũ trở về, với một thương tật, bố tôi lại đi làm công nhân ở Hải Phòng, trước khi về quê với vợ con.

Thỉnh thoảng bố mới cho bà tắm, còn là bố đun nước ấm lau người cho bà. Mùa Đông bà mặc nhiều áo, mặc áo dày cho ấm, mùa hè bà mặc áo mỏng cho mát... Quần áo của bà, khi thay ra, bố lại giặt giũ phơi phóng.

Mỗi khi từ Hà Nội về, đến thăm, tôi vừa thấy thương bà, vừa thấy thương bố tôi.

Vừa rồi, chị Lan, chị dâu ở trong Sài Gòn gọi ra cho tôi, tâm sự với tôi chị bảo: Chị vừa đi chùa, khi nói tên của bố mẹ thì sư cô ở chùa cũng là một thầy phong thủy nói anh em nhà mình được ăn cái “lộc” từ cái tên của bố - Nguyễn Tự Trọng. Tôi hơi ngạc nhiên, bố tôi là bộ đội xuất ngũ, rồi làm công nhân một thời gian trước khi về quê, có phải “làm to” gì đâu mà có thể nhờ vả từ cái “lộc” của bố?

Tôi trầm tư suy nghĩ một lúc, những bài pháp của các quý thầy ở chùa tôi vẫn thường nghe đã nói với tôi rằng: tài sản của mỗi chúng ta không phải vật chất, bởi nó ở... ngoài ta - nó lúc còn lúc mất, vô thường mà. Cái sở hữu của ta, chắc chắn nhất chính là đức hạnh. 

Tôi lại nhớ những lần bố chăm bà, giặt giũ quần áo cho bà nội với sự chu đáo, cẩn thận của một tình yêu thương khó nói thành lời. Chính cái đức hạnh của bố là bài Pháp tuyệt vời để anh em tôi học. Anh em tôi giờ đã có cuộc sống ổn định, và cái giá trị nhất là anh em biết yêu thương đùm bọc nhau- cái làm bố mẹ tôi rất tự hào. 

Ba anh lớn của tôi, cũng như tôi cũng đều tự bươm chải bằng tất cả sự “tự trọng” mà bố tôi trao truyền, như cái tên của ông vậy. Có lẽ, ở những gia đình khác, con cái nhà khác, khi ra công việc người ta hay nhờ vả chỗ này chỗ khác, thân quen. Nhưng, với anh em tôi, chúng tôi tự đứng trên chính đôi chân và năng lực nội sinh của mình. 

Tôi viết những dòng này, khi bà nội tôi đã đi xa. Cuối tuần này không về quê, bố tôi gọi điện cho tôi kể chuyện ở nhà, rằng bố vừa đặt làm cái bàn thờ. Thợ vừa kê xong, bố “truyền hình trực tiếp” cho tôi xem: bàn thờ to và rất đẹp, vị trí đặt trang trọng. Bố nói rằng, bàn thờ phải đàng hoàng, chắc chắn, để ít nữa giỗ bà, các cô các chú đến... Trên bàn thờ mới, bố trang trọng đặt 2 bức hình: ông bà nội.
         
Nguyễn Thị Hà 
-
Tòa nhà AC, ngõ 78, phố Duy Tân, Hà Nội
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm