Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 27/06/2016, 09:45 AM

Bài dự thi sáng tác các tác phẩm về Đạo Hiếu: Tự về đạo hiếu của một người “xuất gia”

Nói đến thâm ân cha mẹ thì có bút nào tả xiết tình thâm nghĩa nặng này được đâu! “Cha mẹ đã từng chan cơm bằng máu và nước mắt, từng trăn trở khổ đau trong nắng sớm mưa chiều, từng lặng hụp nhục vinh vì manh chiếu rách, từng chà đáp thị phi vì miếng cơm manh áo cho con. Thổn thức tàn canh trong nghịch cảnh tình đời, với củi quế gạo châu, thương sầu ngấm lệ."

Thầy sinh ra trong một gia đình có bốn anh chị em tại một làng quê bình yên của tỉnh Hà Bắc. Quê mẹ thầy ở Hà Bắc, còn quê cha ở Nghệ An. Sau này, cha thầy về Nghệ An lập nghiệp nên đưa cả gia đình đi theo.

Ngày tháng cứ bình yên trôi qua cho đến một ngày mẹ thầy bỏ đi biệt tích... 

Nghệ An khi đó đói kém, cả thành phố chỉ có mỗi một ngôi chùa nhỏ. Mẹ thầy thích đến chùa tụng kinh, lễ Phật nhưng cha thầy lại can ngăn, cấm đoán vì ông không tin vào Phật pháp nên luôn gây khó khăn cho bà. Được một thời gian, chịu không nổi bà liền bỏ đi. 

Thiếu bóng dáng của người mẹ, cha thầy một mình nuôi bốn người con ăn học. Vừa đi làm, ông vừa đi khắp trong Nam, ngoài Bắc tìm bà. Có lẽ vùng đất nào cũng hằn in dấu chân của ông. 

Thầy khi đó cũng tầm 20, 21 tuổi, thấy cha vất vả nên thầy quyết lên đường đi tìm mẹ. Thầy cứ cầm tấm ảnh chụp cùng mẹ đã phai màu đi khắp nơi. Gặp ai thầy cũng lấy ra hỏi với hi vọng có người biết được nơi ở của bà. Ròng rã suốt mấy tháng liền, cũng có lúc nản lòng nhưng rồi thầy vẫn quyết chí phải tìm được mẹ. 

Nhân duyên đủ đầy, vào một ngày năm 1997 thầy đi tới thiền viện Linh Chiếu, Đồng Nai tình cờ gặp một sư cô. Khi đưa tấm ảnh chụp cùng mẹ cho sư cô thì sư cô chỉ sang chùa Phước Lạc, nói rằng ở đó có người giống trong hình. Hạnh phúc xen lẫn hồi hộp, thầy liền cảm ơn sư cô rồi chạy thật nhanh sang đó. Vừa chạy thầy vừa lo lắng, tự nhủ không biết đó có phải mẹ mình không hay sư cô nhìn nhầm? 

Vừa bước đến cửa chùa, thầy thấy một bóng dáng thân thương đang từ cổng đi ra. Thầy chạy tới, ôm chầm lấy mẹ mà giọt nước mắt hạnh phúc rơi tự lúc nào không hay. Bao năm xa cách giờ gặp lại, hai mẹ con mừng mừng tủi tủi, cứ ôm lấy nhau trong niềm vui sướng không sao tả xiết. 

Khi cảm xúc lắng lại, mẹ thầy mới dắt thầy vào gặp sư phụ. Một tháng liền, thầy cứ ở đó cùng mẹ và các thầy tu học. Nhìn khung cảnh tĩnh lặng của ngôi chùa, cảnh các sư thầy, sư ni ngồi tụng kinh, niệm Phật, trong lòng thầy thấy vô cùng thanh tịnh và an lạc. Lúc nào thầy cũng có cảm giác thân thương, gần gũi và ấm áp đến lạ kì. Phải chăng có một kiếp nào đó trong quá khứ thầy đã từng đi tu rồi? Những suy nghĩ, trăn trở ấy cứ xoáy sâu trong lòng thầy.

Ngày trở về bên gia đình, hình ảnh về ngôi chùa nơi mẹ đang tu tập cứ vương vấn trong tâm trí thầy. Cảnh giới của chư tăng an lạc, nhẹ nhàng với bước chân an nhiên, tự tại khác với sự bon chen, hơn thua của người đời. Từ đó, thầy chỉ muốn đi tu chứ không muốn ở đời thêm nữa. 

Trăn trở suốt mấy tuần liền rồi thầy quyết xin gia đình đi tu. Nhưng mọi người nào có chịu, can ngăn không được thì khóc lóc, van xin thầy nghĩ lại. Lúc đó, chắc nhân duyên với Phật pháp quá sâu dày nên nhân lúc mọi người đi vắng thầy đã bỏ nhà đi tu. 

Thời xưa tu khổ cực lắm chứ không có như bây giờ. Ngày ấy, ai cũng như ai, đều khổ, khó và thiếu thốn như nhau. Thế nên, chùa chiền phải tự túc hết, phật tử thời ấy cũng ít và không ủng hộ nhiều. Vì điều kiện lúc đó khó khăn, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, làm gì có ai nghĩ tới việc đến chùa cúng dường bao giờ.

Hồi đó, đi tu đơn giản vì thầy thích cảnh chùa, thấy sự nhẹ nhõm an lạc trong đời sống của các nhà sư, thầy tâm sự thầy chưa hiểu sâu đến việc đền ơn cha mẹ. Sau này, khi học kinh Phật thầy mới hiểu sâu sắc ý nghĩa của đạo Hiếu.

Đạo hiếu không đơn thuần chỉ là sự hiếu nghĩa với phụ mẫu. Cao cả hơn, người hiếu đạo phải đền đáp được bốn ơn lớn: ơn Tổ quốc, ơn thầy tổ, ơn cha mẹ và ơn đàn na tín thí.

Thầy luôn thấy biết ơn Tổ quốc bởi những năm tháng đi bộ đội đã giúp thầy thấm thía được giá trị của hai chữ “độc lập”. Thầy luôn nhắc nhở các phật tử: “Chúng ta đang sống trên xương máu của các anh hùng. Những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Hòa bình ngày hôm nay là sự hi sinh thầm lặng của hàng triệu và hàng vạn con người. Những người vô danh, nhỏ bé nhưng vô cùng vĩ đại. Họ đã đánh đổi tuổi trẻ, tình yêu và quý giá hơn cả là sinh mạng của mình để đem đến sự thanh bình của ngày hôm nay.”

Với thầy, hiếu đạo với Tổ quốc chưa đủ còn phải biết đền đáp công ơn của đàn na tín thí, những người đã âm thầm hỗ trợ, giúp đỡ ta trên con đường tu học. Thầy luôn ân cần, quan tâm chăm sóc cho mỗi phật tử. Có bác phật tử chia sẻ với tôi, ngày bác mới tu học, từ trong Nam đều đặn mỗi sáng thầy đều gọi ra ngoài Bắc. Cứ 5 giờ kém sau khi xong khóa lễ, thầy lại gọi điện để nhắc bác dậy sớm để tu. Bền bỉ, kiên trì suốt bao nhiêu năm trời, thầy không bao giờ nản lòng. 

Phụng sự chúng sanh, hành trì theo lời Đức Phật với thầy là cách tốt nhất để báo ơn thầy tổ. Những người đã hết lòng hoằng truyền giáo lý cho thầy trên con đường tu hành. “Gieo nhân vô sanh được quả vô sanh” là lời sư phụ của thầy vẫn luôn nhắc nhở. Làm gì thì làm nhưng phải lấy Phật pháp và giới luật làm đầu. Nếu không chú trọng giới pháp thì sẽ không thể thành tựu đạo hạnh. 

Trên tất cả, xuất gia theo thầy là cách để báo hiếu cha mẹ chân thật nhất. Mỗi khi nhắc tới cha mẹ, trong ánh mắt thầy lại phảng phất nỗi buồn man mác. Thầy thấy ân hận nhiều lắm vì ngày xưa nghịch ngợm nên đã nhiều lúc làm cha mẹ buồn lòng. Người đời thường nói khi đã dứt áo ra đi, lạy đủ ba lạy là đã tròn trách nhiệm với đấng sinh thành. 

Nhưng đó là tùy hoàn cảnh của mỗi người. Thầy dẫu sao cũng là anh cả, hai em ở giữa do duyên nghiệp nên đã mất, chỉ còn lại cậu em út. Bởi vậy, thầy vẫn thường hỏi han tin tức về cha mẹ để biết tình hình sức khỏe của song thân. 

Cha thầy đặc biệt lắm, dù không biết Phật pháp nhưng vì thương con nên ông đã vào chùa ở và chơi với thầy hai mấy ngày. Sáng sáng, thầy lại nhẹ nhàng vào phòng gọi ông dậy lúc 4 giờ để tụng kinh. Thầy tụng chú Lăng Nghiêm ông nào có đọc theo được. Ông cứ ngồi cạnh nghe thôi. Thầy làm vậy chỉ một mục đích duy nhất là muốn gieo nhân duyên Phật pháp trong ông. Để sau này nhân duyên đủ đầy, ông sẽ gặp và giác ngộ được đạo Phật.

Trở về, cha thầy đi khám thì phát hiện bị ung thư đại tràng, phải mổ ngay lập tức. Căn bệnh ung thư hành hạ ông và di căn dần đến gan. Thầy cùng cậu em út đi bộ đội đang được nghỉ phép thay phiên nhau chăm sóc cho ông. Chiều chiều, ngày nắng cũng như ngày mưa thầy lúc nào cũng lui tới để thăm bệnh và nói chuyện với ông.

Trong viện đông nên không nói chuyện được nhiều, thầy nhẹ nhàng động viên và nói với ông về luật nhân quả. Thầy luôn thấy mình thật may mắn và hạnh phúc vì quãng thời gian hai mấy ngày trong chùa, chưa lúc nào thầy xa rời ông. 

Ngày ông mất, thầy ân hận và tự trách bản thân vẫn chưa làm tròn hiếu đạo. Với thầy, chữ hiếu lớn lắm; một người con không bao giờ có thể hiểu và báo đáp hết được. Có xả bỏ thân xác này cũng không đền đáp được công ơn sinh thành và dưỡng dục của mẹ cha.

Trừ khi tu hành chánh quả giống như Đức Phật thì may ra mới làm tròn được đạo hiếu với cha mẹ. Mà đó là với người tu mới trả được phần nào của đạo làm con. 

Nói đến thâm ân cha mẹ thì có bút nào tả xiết tình thâm nghĩa nặng này được đâu! “Cha mẹ đã từng chan cơm bằng máu và nước mắt, từng trăn trở khổ đau trong nắng sớm mưa chiều, từng lặng hụp nhục vinh vì manh chiếu rách, từng chà đáp thị phi vì miếng cơm manh áo cho con. Thổn thức tàn canh trong nghịch cảnh tình đời, với củi quế gạo châu, thương sầu ngấm lệ. Chết lặng tâm cang khi bệnh con trở nặng... Nhiều và nhiều nữa, ngôn từ trần gian không sao nói hêt được nghĩa tình!”

Khi còn nhỏ vì chưa ý thức nên mình làm cha mẹ cực khổ. Lớn lên, cha mẹ lại phải làm ăn, chạy vạy đủ thứ, tạo bao nhiêu nghiệp để có đồng ra đồng vào lo cho con. Nuôi con ăn, nuôi con học rồi lo cho con lấy được người vợ, người chồng tốt. Tội lớn sâu dày đó ai phải chịu, cha mẹ phải gánh hết tất cả. Con cái là nhân duyên đem đến khiến cha mẹ phải tạo tội. 

Bởi vậy, thầy đi tu rồi sẽ cắt đứt được sợi dây nghiệp báo đó. Khi ấy, cha mẹ sẽ bớt một phần tạo nghiệp. Xuất gia rồi, thầy luôn cố gắng chăm chỉ tu tập sớm hôm để hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sanh, giúp cho nghiệp báo của cha mẹ đã tạo ra từ quá khứ sẽ nhẹ đi. Tuy không ngồi gần bên cha mẹ, không sớm hôm lo lắng nhưng trong thế giới chân quả thì xuất gia là cách chân thật báo hiếu.

Dưới nhãn quan của người xuất gia thì bốn ơn nặng không gì có thể đắp đền được. Cách tốt nhất để báo hiếu theo kinh Phật là hướng dẫn cha mẹ tu, đưa cha mẹ quy y Tam bảo, tụng kinh, niệm Phật, phóng sanh tạo điều kiện để cha mẹ có nhân duyên biết đến Phật pháp và gieo phước huệ. Để đời sau cha mẹ vẫn có cơ duyên với đạo Phật và kiếp sau lại tu tiếp trên con đường còn đang dang dở. Chỉ có tu tập mới không phải chịu luân hồi đau khổ. Với mỗi người con, đó là sự báo hiếu đáng trân trọng nhất.

Thầy luôn thấy ân hận vì đi tu quá trễ. Vì đi tu trễ nên càng khiến cha mẹ phải tạo nhiều nghiệp. Không biết đến Phật pháp nên cha mẹ cứ mải mê tạo tội rồi bị lạc vào trong vòng xoáy của luân hồi, không biết bao giờ mới trở lại là người. Nhớ lại những khó khăn cha mẹ phải chịu để nuôi thầy khôn lớn, lòng thầy lại quặn thắt và xót xa. 

Ngày mới xuất gia dẫu gặp nhiều thử thách, gian truân nhưng chưa bao giờ thầy thấy nản lòng. Thầy chỉ trách bản thân yếu kém khi tu không nổi mà thôi. Trong thâm tâm, thầy luôn tự nhủ “thà rằng mình chết chứ quyết không bao giờ quay về đời.” Chưa giây phút nào thầy thấy ân hận vì quyết định xuất gia của mình. 

“Hoa vàng thắm màu vàng y rực rỡ
Nhớ về người che chở suốt đời con
Dù hôm nay con khoác áo nâu sòng
Tình Mẫu tử con hoàn toàn ghi nhớ”

Ở thầy luôn sáng ngời đức hạnh của hiếu đời và hiếu đạo. Hiện giờ dù đang ra Bắc chữa bệnh nhưng chưa lúc nào thầy thôi nghĩ về mẹ. Bà đang tu trong am thất ở núi Thị Vải, Bà Rịa – Vũng Tàu và sức khỏe cũng đang yếu dần.

Sinh, lão, bệnh, tử vốn là quy luật của tự nhiên nào có ai tránh được. Thầy muốn mau chóng chữa xong bệnh để trở về hành đạo làm con. Thầy hi vọng có thể ở bên để chăm sóc mẹ những ngày cuối đời. Thầy tâm sự lúc này chỉ muốn nắm lấy từng cơ hội, dù nhỏ bé nhất để báo đền được những vất vả, cực khổ mẹ đã vì mình mà gieo tạo trong quá khứ. 

Lời cảm tạ:

Tạ ơn Chư Phật đã cho con có nhân duyên được gặp thầy, để con thấm thía được nỗi cơ nhọc, sự hi sinh vĩ đại và rộng lớn của những người cha, người mẹ trên cuộc đời này. Con xin tri ân công đức của bác Diệu Hương – người mang trái tim của Bồ Tát đã tạo cơ duyên để con được viết về thầy. 

Tấm gương hiếu hạnh của thầy thật sự quá lớn lao. Dù thầy luôn tự ti nói người con nào cũng có hiếu với cha mẹ, những việc làm của thầy chỉ giống giọt nước nhỏ giữa đại dương mênh mông nhưng với con đó là những viên ngọc trân quý. Nó đã khai sáng cho trí tuệ còn nông cạn và đầy vô minh của con.

Cảm tạ thầy đã giúp con giác ngộ được một đạo lý quý báu, luôn lấy sự tu hành để báo hiếu cho đấng sinh thành. Lời thầy dạy con sẽ mãi khắc ghi trong lòng và lấy nó làm hành trang trên bước đường tu học: "Hiếu của người đời là hình tướng. Còn hiếu của người tu là từ trong tâm, từ đời này sang đời khác, từ kiếp này sang kiếp khác. Dù hiếu bên ngoài nhưng trong tâm và nhân quả vốn đã khác nhau.”

Diệu Âm Minh Tâm
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm