Bài học về đức nhẫn nhục của tôn giả La Hầu La đệ nhất Mật hạnh
Là đệ tử Phật, phải nhẫn nhục, tâm không chứa sân hận, phải từ bi thương xót chúng sanh. “Con hãy học ở đất - Sự nhẫn nhục, khiêm nhường. Đất lặng lẽ chấp nhận, cái xấu xa, tầm thường". Thế gian không gì sánh bằng người có sức nhẫn mạnh mẽ, cõi trời cõi người, mạnh đến đâu cũng không hơn nhẫn nại.
TÔN GIẢ LA HẦU LA ĐỆ NHẤT MẬT HẠNH
Đức La Hầu La là người con duy nhất của đức Phật khi Ngài chưa xuất gia. Con đường tu tập và chứng ngộ của đức La Hầu La khi là con Phật có sung sướng thuận lợi hơn người thường không hay ngược lại? Mời quý vị theo đọc loạt truyện về hạnh của ngài La Hầu La Đệ Nhất Mật Hạnh.
Phần 1: Sự ra đời của La Hầu La - người con duy nhất của đức Phật khi chưa xuất gia
Phần 2: Tôn giả La Hầu La - Sa di đầu tiên của đức Phật
6. Sa di có thể ở chung với Tỳ kheo
Khi đức Thế Tôn ở tại vườn Cù-sư-la, La-hầu-la cũng ở đó với Sa-di Quân-đầu, cũng theo sư phụ Xá lợi-phất hầu Phật nghe pháp.
Mỗi ngày, La-hầu-la dậy sớm quét dọn trong vườn, trong ngoài sạch sẽ rồi mới tu tập theo lời Phật dạy. Một khu vườn rộng lớn, quét dọn cho sạch hết phải tốn biết bao thì giờ. Hôm nọ, La-hầu-la quét dọn xong bèn đi nghe Phật thuyết pháp, đến chiều mới trở về phòng. Lúc ấy phòng của La-hầu-la bị thầy Tỳ-kheo quản lý để cho một vị Tỳ-kheo khách ở, những y bát tọa cụ của La-hầu-la đều bị bỏ ở ngoài, khách thì an nhiên ở trong phòng.
Phật đã quy định một người một phòng, phòng của mình đã bị người khác chiếm, biết làm sao? Hơn nữa La-hầu-la còn là Sa-di, trong Tăng đoàn Sa-di phải kính trọng Tỳ-kheo, và Phật cũng dạy phải nhẫn nại, nên La-hầu-la không dám đến hỏi thầy kia sao lại ở phòng mình.
La-hầu-la đứng ngơ ngơ ở ngoài cửa thật là tiến thối lưỡng nan.
Lúc ấy mây đen kéo đến đầy trời, báo hiệu sắp có mưa to, La-hầu-la không biết núp vào chỗ nào, bèn chui vào nhà xí, tuy có hôi hám thật, nhưng chỉ còn cách ngồi trong đó thôi. Lúc ấy thật cảm thấy nỗi quạnh quẽ của tình cảnh không nhà.
La-hầu-la đang tọa trong nhà xí, nỗ lực nhớ đến lời Phật dạy, bất cứ trong hoàn cảnh khốn khổ nào, bất cứ gặp những phiền phức gì, đều không nên khởi tâm oán hận. Sức tu của La-hầu-la quả thật tiến bộ rất nhiều.
Bên ngoài mưa tuôn xối xả, nước chảy tràn xuống những chỗ trũng, có một con rắn đen ở trong hang bên cạnh, bị ngập nước bèn bò ra, dần dần bò vào nhà xí. Rắn độc miền nhiệt đới rất nguy hiểm, mà La-hầu-la không hề để ý, lúc ấy sinh mạng của chú như chỉ mành treo chuông.
Đức Phật đang ở trong thất, hốt nhiên nhớ đến La-hầu-la, Ngài dùng thiên nhãn thấy được sự nguy hiểm gần kề, bèn đi ra nhà xí, đằng hắng một tiếng, bên trong cũng có tiếng đằng hắng. Phật bèn hỏi:
- Ai ở trong đó?
- Dạ! La-hầu-la!
- Ra mau! Ta bảo ông đi ra!
La-hầu-la không ngờ đức Thế Tôn đã kêu mình, vội bước ra, bất giác quỳ bên chân Phật, nước mắt đoanh tròng. La-hầu-la còn nhỏ, tình cảm không khỏi yếu ớt.
Phật bèn hỏi vì sao La-hầu-la lại ngồi trong nhà xí. La-hầu-la thuật lại mọi việc. Phật bèn dạy La-hầu la hãy vào trong phòng Ngài. La-hầu-la vui mừng, như từ địa ngục mà bước lên thiên đường.
Trẻ con tuổi nhỏ, cắt ái từ thân, vào trong Tăng đoàn, cần phải được các Tỳ-kheo lớn chiếu cố đến. Vì nhân duyên đó, đức Phật bèn quy định cho các Sa-di, có thể ngủ chung phòng với Tỳ-kheo hai đêm.
Tình thương của đức Phật, chỗ vi tế nhất đều lưu ý đến. Xưa nay, sư phụ thâu đệ tử phải có trách nhiệm dạy dỗ. Thầy của La-hầu-la là Xá-lợi-phất, thường bận giúp Phật hoằng hóa bên ngoài, ít có dịp ngó ngàng đến La-hầu-la. Nhưng từ khi sự kiện ấy xảy ra, Xá-lợi-phất thường gọi La-hầu-la đến ở một phòng với Tôn giả.
7. Bài học về đức Nhẫn nhục của La Hầu La
Từ khi được đức Phật chỉ dạy, và lại thường được ở bên cạnh sư phụ Xá-lợi-phất, nhận được sự hướng dẫn của thầy, La-hầu-la tu tiến rất nhanh.
Khi đức Phật giảng kinh, Xá-lợi-phất đều dẫn La-hầu-la đi nghe. Khi Xá-lợi-phất tịnh tọa, La-hầu-la cũng tịnh tọa một bên, khi đi thuyết pháp giáo hóa, Xá-lợi-phất cũng dắt theo bên mình, dạy cho La-hầu la những kinh nghiệm vì pháp, vì mọi người. Mỗi ngày khất thực xong, La-hầu-la lại theo sau Xá-lợi phất, trong Tăng đoàn Tôn giả được xem như đức Phật thứ hai, thật là ân sư tôn quý của La-hầu-la.
Một hôm, La-hầu-la đi theo Xá-lợi-phất khất thực tại thành Vương Xá. Trên đường đi gặp một tên lưu manh, hắn lấy cát ném vào bát Xá-lợi-phất, và lấy gậy đánh trên đầu La-hầu-la. La-hầu-la bị thương, máu nhỏ giọt xuống y. Tên lưu manh thấy vậy chẳng những không biết lỗi, còn chửi:
- Mấy lão trọc, chỉ biết đi xin ăn, cứ xưng là từ bi nhẫn nhục, ta đánh lỗ đầu mày, thử xem làm gì ta.
La-hầu-la lúc ấy mười tám tuổi, đã lộ vẻ tức giận căm gan, nhưng Xá-lợi-phất an ủi:
- La-hầu-la! Nếu thật là đệ tử Phật, cần phải có tinh thần nhẫn nhục, trong tâm không chứa niềm sân hận, phải đem lòng từ bi thương xót chúng sanh. Đức Phật thường dạy chúng ta, lúc vinh dự đừng sanh lòng cao hứng, khi bị làm nhục cũng đừng oán hận. Này La-hầu-la! Nên điều phục tâm giận tức, giữ chắc nhẫn nại. Trên thế gian không có gì sánh bằng người có sức nhẫn mạnh mẽ, cõi trời cõi người, dù sức mạnh đến đâu cũng không hơn nhẫn nại.
La-hầu-la nghe Xá-lợi-phất khai thị, lẳng lặng đến bên ao nước, mặt nước soi rõ bóng dáng, La hầu- la lấy tay khoát nước rửa sạch vết thương, xé một chút vải băng lại. Xá-lợi-phất theo dõi tình hình, trong lòng vừa an ổn vừa thương tình.
La-hầu-la nhẫn nại, an nhiên theo Xá-lợi-phất, khất thực xong, trên đường về mới nói với thầy:
- Con nghĩ đến vết thương trên đầu, lúc ấy khó mà bỏ qua. Nhưng trên thế gian này sao lắm kẻ hung ác, đến đâu cũng gặp toàn những việc đáng chán. Con không giận đời, chỉ nghĩ đến cái cõi đời này nhiều người không biết điều. Đức Phật dạy chúng ta nên có lòng đại từ đại bi với họ, để mặc hạng người cuồng bạo nhục mạ chúng ta. Sa-môn Tỳ-kheo giữ hạnh nhẫn, chứa đức cao mà người cuồng ngu trở lại khinh chê, lại đi kính trọng mấy kẻ hung dữ độc ác.
Đức Phật dạy chân lý từ bi, họ trở lại cho là hôi như xác chết, như trời mưa cam lồ mà loài chó hoang lại chỉ ưa đồ dơ bẩn, ưa những nơi hôi hám. Những chơn lý Phật dạy, những lời nói từ bi của Ngài mà đem nói với những hạng người hung dữ, không có chút căn lành ấy, chẳng có hiệu quả gì.
Đây là lần đầu tiên La-hầu-la đem việc tu hành và ý nghĩ của mình bày tỏ với sư phụ. Xá-lợi-phất nghe xong rất hoan hỷ, đem những lời của La-hầu-la về bạch với Phật. Phật cũng rất vừa lòng, khen La-hầu-la ngày nay rất ngoan, đối với người hung ác nên có thái độ như thế, và cách nhìn đời cũng biết như vậy. Phật lại dạy thêm:
- Người không biết nhẫn, sẽ không tiếp thọ được Phật pháp, giận đời oán người là trái với pháp, xa chư Tăng, thường luân hồi trong đường ác. Hạnh nhẫn nhục mới là hạnh an ổn, mới có thể tiêu trừ tai nạn.
Người Trí tuệ thấy được nhân quả sâu xa, khắc phục tâm sân hận, thường hành nhẫn nại. Tinh thần của Phật pháp, chân nghĩa của Phật pháp không giống như lối nhìn của người đời. Những gì thế gian cho là cao quý thì Phật pháp cho là hạ tiện, Phật pháp cho là tốt, là phải thì người đời không chịu làm theo.
Trung không ưa nịnh, tà chẳng thích chánh, ác không thích đi chung với thiện. Người tham dục thì ghét người vô dục. Trong tình cảnh ấy, người tu hành chỉ có việc nhẫn nại. Nhẫn là duyên trợ đạo tốt nhất, có thể khiến người tu mau chứng Thánh quả. Nhẫn như thuyền bè trên sông biển, có thể vượt qua mọi sóng gió, nhẫn là thuốc lành trị bệnh, cứu mạng sống cho người trong cơn nguy. Tu thành Chánh giác, vượt qua ba cõi, được trời người kính ngưỡng, là vì tâm ta đủ sức an ổn, phải biết rằng đức nhẫn rất quý vậy.
Do nhân duyên La-hầu-la bị kẻ côn đồ vô cớ hành hung vỡ đầu, mà trong lúc tuổi trẻ máu nóng lại có thể nhẫn chịu như một ông thánh, khiến sư phụ rất an tâm, đức Phật cũng mừng thầm và dẫn khởi đến đoạn thuyết pháp trên.
Xá-lợi-phất nghe xong vô cùng cảm động, La-hầu-la cũng rơi lệ, lại càng cảm kích hơn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm