Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 13/02/2023, 21:35 PM

Bài Kinh đầu tiên

Mẹ ơi, sao mẹ sinh ra con làm gì? Tôi nói trong nước mắt. Một khoảng lặng và sau đó ba tôi cất tiếng: Ba mẹ cho con ăn học, sao con có thể nói những câu vô ơn như vậy? Tại sao?

Tôi tự hỏi mình, và một câu nói của Thiền sư Nhất Hạnh hiện lên trong đầu tôi: “Khi một người làm bạn đau khổ là vì anh ta cũng đang có những nỗi khổ, anh ta không đáng bị trừng phạt, anh ta cần được giúp đỡ”. Lần đầu tiên tôi ý thức được rằng tôi đang đau khổ khủng khiếp và đã lây lan nỗi khổ đó sang các đấng sinh thành. Tôi trả lời ba tôi: “Ba ơi, con nói vậy là vì con khổ quá”. Sau này mẹ tôi kể, lời oán trách của tôi làm mẹ như đứt từng khúc ruột.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Tôi một mực đòi đi chùa. Cả gia đình tôi hoảng hốt vì lúc ấy tôi vừa tốt nghiệp Đại học, với tấm bằng loại khá tôi được nhận vào làm ở một tòa soạn báo. Nghề báo là một nghề tuy vất vả nhưng hứa hẹn nhiều tương lai. Trong bốn chị em gái, tôi được coi là học giỏi nhất. Tôi đang là niềm tự hào và hi vọng của cả gia đình. Nhưng trước tình trạng chìm trong đau khổ, oán trách và suốt ngày đòi đến chùa của tôi, gia đình cũng không biết làm gì hơn. Mẹ lặng lẽ thỉnh ít kinh sách từ ngôi chùa làng Quy Thiện quê tôi về cho tôi đọc. Bài kinh đầu tiên tôi được đọc là bản kinh “Đại báo phụ mẫu trọng ân”. Càng đọc tôi càng thấy tội lỗi bất hiếu của mình. Lúc đó tôi đau khổ, đau khổ khủng khiếp, cuộc đời là một màn đêm. Vậy mà khi đọc kinh đến đoạn: “chép được một quyển, được một Đức Phật, chép được mười quyển, được mười Đức Phật, chép được muôn quyển, được muôn Đức Phật, phù hộ độ trì, lại tiếp hồn đi, về phương Cực Lạc”, tôi như chết đuối vớ được phao. Tôi miệt mài chép kinh với niềm tin và hy vọng mãnh liệt rằng mình sẽ được cứu độ. Trong mắt mọi người xung quanh có lẽ tôi thật dở hơi. Nhưng bản thân tôi cảm nhận được sự nhiệm màu của pháp môn chép kinh.

Cứ miệt mài chép kinh, đọc kinh như thế, lời kinh thấm dần vào tâm trí tôi. Bản kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân không những dạy cho tôi về ân đức cha mẹ, về quả báo của tội bất hiếu, về cách báo ơn cha mẹ mà hơn hết đã giúp tôi từ một kẻ vô ơn đau khổ trở thành một người ý thức được tình thương vô bờ của mẹ cha và hạnh phúc với tình thương đó. Hằng ngày tôi suy nghĩ về tình thương cha mẹ mà bài kinh dạy, nhất là câu Bao giờ ân oán hết, tắt nghỉ cũng chẳng thôi. Nghĩa là cha mẹ dù sau khi chết rồi vẫn còn thương con. Được thương đã là một hạnh phúc, được thương yêu mãi mãi thì còn gì hạnh phúc hơn. Đó chẳng phải là mơ ước của tất cả chúng ta hay sao?

Mỗi ngày tôi đều quán chiếu về tình thương vĩnh hằng của ba mẹ như thế, một lần khi đang quán chiếu bỗng nhiên tôi cảm nhận tôi là người hạnh phúc nhất trên thế giới. Trong khi trước đó tôi bị chìm trong trầm cảm, khóc lóc và than thở suốt ngày. Tất nhiên cảm giác hạnh phúc đó đến rồi đi, không phải là bất thoái chuyển, nhưng tôi biết đó cũng là kết quả nhiệm màu của việc chép kinh, đọc kinh và suy ngẫm lời kinh mỗi ngày. Sau khi được đọc bản kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân, tôi đã quỳ lạy sám hối ba mẹ mình, ba mẹ tôi đều tha thứ cho tôi. Cảm ơn mẹ đã thỉnh kinh về cho tôi đọc, cảm ơn những lời dạy đầy trí tuệ và từ bi của Đức Phật. Mẹ đem Đức Phật đến cho tôi, còn Đức Phật đã giúp tôi sống đúng đạo làm con.

Tôi phát nguyện xuất gia nhờ đọc một câu trong sách của thầy Nhất Hạnh: “Tăng thân là môi trường lí tưởng để các tập khí của mình tan rã”. Lúc đó tôi đang đau khổ vì mình đầy rẫy những tật xấu mà quá yếu đuối để tự vượt qua. Tôi nương tựa Tăng thân mong thay đổi bản thân mình sao cho tốt đẹp hơn. Và một lần nữa phép lạ đã xảy ra. Từ chỗ là một đứa con gái ngủ nửa ngày mới dậy, tôi đã có thể dậy lúc 4 giờ sáng để tụng kinh. Từ chỗ suốt ngày cau có thì giờ đây đã có Tăng thân giúp tôi cười. Và nhất là Tăng thân đã giúp tôi trở thành một người sống có lòng biết ơn thay vì chỉ biết oán trách và vong ơn bội nghĩa như trước đây.

Tôi chỉ là một người phàm phu tục tử, nhưng đạo Phật đã giúp một người phàm tục như tôi có thể sống hạnh phúc. Nếu có ai hỏi vì sao như vậy, tôi sẽ trả lời rằng, đó là vì tôi đã cầu nguyện và Đức Phật rất linh thiêng đã đáp ứng lời cầu nguyện của tôi. Tôi cầu nguyện cho tôi trở thành một người luôn sống trong tâm niệm biết ơn và nhớ ơn. Thật nhiệm màu, một ngày kia tôi cảm nhận được những lời cảm ơn và lòng biết ơn đã gây cho tôi sự xúc động sâu xa. Tôi tập cảm ơn và tìm ra mọi lí do để nuôi dưỡng lòng biết ơn mỗi ngày. Và câu nói mà tôi thích nhất trong đạo Phật chính là câu Cảm ơn mọi nhân duyên.

Đạo Phật đã đến với tôi từ trong tận cùng tâm hồn đen tối và đau khổ của tôi. Đạo Phật dạy cho tôi biết về chữ Ơn. Có lẽ một con người, chỉ cần sống theo chữ ơn đó là đã đủ hạnh phúc trong một đời. Tôi biết ơn vì tôi vẫn còn sống. Tôi biết ơn vì tôi có sức khỏe. Tôi biết ơn vì tôi có đủ sáu căn. Tôi biết ơn vì tôi có tự do, không vi phạm pháp luật. Tôi biết ơn vì tôi có phương tiện vật chất. Tôi biết ơn vì tôi có tình thương. Tôi biết ơn vì tôi có sự hiểu biết. Đạo Phật giúp tôi biết ơn mặt trời mặt trăng chiếu sáng, biết ơn trời che đất chở, biết ơn sư trưởng giáo huấn, cha mẹ sinh thành...Đạo Phật giúp tôi biết cách đền ơn.

Dù chưa làm được gì nhưng trước mỗi lần lạy Phật, câu xướng mà Sư phụ tôi dạy: Nguyện đại vị hiện tại phụ mẫu, quá khứ phụ mẫu, pháp giới đa sanh phụ mẫu ân, đại vị lục đạo chúng sanh thọ khổ nhất tâm đảnh lễ thập phương thường trú Tam Bảo  cũng luôn luôn mang cho tôi bình yên và hạnh phúc. Biết ơn những trang sách của Sư Ông Nhất Hạnh đã gieo duyên cho tôi xuất gia. Biết ơn Tăng thân đã giúp tôi chuyển hóa tập khí... Hơn hết, đạo Phật dạy tôi chữ Hiếu. Sư Ông Làng Mai từng ca tụng rằng bài thơ đẹp nhất chính là bài kinh “Sức mạnh Quan Âm” trong kinh Pháp Hoa. Còn đối với tôi, bài văn hoàn hảo nhất về cha mẹ chính là bài kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân, bản kinh đầu tiên tôi được đọc. Bài kinh dạy cho tôi chữ ơn, chữ hiếu, bài kinh làm tôi rung động tận đáy lòng và giúp tôi từ một kẻ khổ đau trở thành một người hạnh phúc. Cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn mọi nhân duyên.

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Nguyễn Thị Quỳnh Thư; địa chỉ:  Chùa Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. 

Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Phật trong con

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:35 19/09/2024

Cha mẹ luôn là những gì thiêng liêng nhất và cũng dễ dàng lấy đi những giọt nước mắt của ai đó mỗi khi nghe nhắc đến hai tiếng mẹ, cha. Tuy nhiên đó cũng là thứ tình cảm mà con người thường lãng quên khi bị cuốn vào guồng quay lợi danh của cuộc đời.

GS Thái Kim Lan kể về cuộc đấu tranh chống đàn áp Phật giáo 1963 ở Huế

Đạo Phật trong trái tim tôi 11:56 04/09/2024

Ký ức của GS Thái Kim Lan nguyên y hình ảnh thiếu nữ mặc áo dài, tóc xõa ngang trời, đạp hối hả trên chiếc VeloSolex trong một ngày hè đỏ lửa ở Huế năm 1963. Đó là ngày mà cuộc đời Kim Lan thay đổi vĩnh viễn.

Làm thế nào để tạo nhiều phước đức?

Đạo Phật trong trái tim tôi 11:39 06/08/2024

Một số anh chị, vì quá yêu quý và mến mộ tôi nên mỗi khi gặp, thường nức nở khen: “Hoàng Anh Sướng tài quá”, “Hoàng Anh Sướng quả là người đa tài”…

Thế Tôn, Ngài vẫn luôn có mặt cho chúng con - Bài 7: Tăng là đoàn thể đẹp

Đạo Phật trong trái tim tôi 11:13 26/07/2024

Thành viên Tăng đoàn là những người có gốc rễ, có nền tảng - có bổn sư (cho phép xuất gia), có Phật giới (do giới sư truyền trao), có Thánh pháp (do giáo thọ sư giáo dưỡng).

Xem thêm