Bé Thảo Vy, tôi cũng từng nghe. Nhưng lần đầu gặp người thật, việc thật, được ăn cơm chay cùng gia đình bé, quan sát bé thực hành Phật Pháp cùng ba và các chị; cảm niệm sâu thẳm nơi tôi khí sắc một vị Phật tương lai, một vị “Bồ Tát nhỏ” nhân duyên đến với gia đình chị Mận.
Xuống sân bay Buôn Ma Thuột lúc 9 giờ 20 phút sáng ngày 29/7, đợi hơn một tiếng đồng hồ, chị Mận mới đến đón tôi dù đã liên lạc trước. Những tưởng gần, ai dè chị vừa bận bịu công việc, vừa chạy xe máy hơn 10 km tới sân bay, đón cậu em phật tử lần đầu về với núi rừng Tây Nguyên lo việc phật sự…
Điểm dừng chân đầu tiên của tôi ở xứ sở café và hồ tiêu một sáng cuối tháng 7 rực rỡ nắng vàng, là nhà chị Mận ở đường Lê Văn Sỹ, phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột. Dọc đường từ sân bay về nhà, chị Mận chỉ nhắc qua chuyện sư cô Viên Trí có nhờ chị đón tôi; còn suốt quãng đường, nhân duyên thế nào mà chị hoan hỷ kể với tôi chuyện bé Thảo Vy,
cô công chúa út của chị. Thảo Vy ngày thêm lớn khôn. Khi học hay chơi, bé cũng hiếu động, hồn nhiên. Nhưng khi đọc Kinh, bé luôn giữ vẻ trang nghiêm, thanh tịnh Nhà chị có 3 nàng công chúa, bé Thảo Vy năm nay 8 tuổi, nhưng không như hai chị gái, từ khi còn trong bụng mẹ, bé đã biết “đòi ăn chay”… Miếng trầu là đầu câuchuyện, chưa kịp hỏi chị câu nào, loáng cái đã tới nhà. Chị Mận vốn là “dân xế hộp” chuyên nghiệp, mà việc chị rành nhất là chạy xe máy làm từ thiện. Ở miền đất Tây Nguyên này, các đoàn từ thiện chỉ quen phương tiện duy nhất là xe máy, dù có những điểm từ thiện xa tới cả trăm cây số.
Ghé nhà chị chút xíu, rồi chị chở tôi đến chỗ sư cô Viên Trí đang tu thất, cách trung tâm thành phố chừng 12 km. Cảm nhận sự thân thiện, lòng nhiệt thành hiếu khách từ chị Mận, tôi đề nghị chị đi chậm để hỏi thêm chuyện về bé Thảo Vy.
Vững tay lái bon bon trên những nẻo đường rực nắng, vừa đi, chị Mận vừa chia sẻ: Dù không lạ gì thời thai kỳ, nhưng mới đầu chị cũng thấy lạ. Mang thai bé Vy chừng 2-3 tháng, cứ ăn miếng thịt, miếng cá là y rằng ói sạch. Mới đầu, chị cứ nghĩ là nghén thường thôi. Ai dè, càng ăn mặn, càng ói dữ, không còn chút nào trong bụng luôn. Rồi chị chuyển sang ăn rau, với muối vừng, thì êm dần. Và cứ thế, hàng ngày dù trăm công ngàn việc, nhưng chị vẫn chỉ ăn cơm với muối vừng, rau luộc. Bữa cải thiện thì ăn đậu phụ luộc chấm ớt, mà ớt tươi trộn muối nhé, khi thì đậu phụ, khi thì hoa quả… Từ khi chỉ ăn rau, củ quả hay đậu phụ, thì không còn bị ói nữa. Khi đó chị mới hiểu, bé Vy “không chịu” cho mẹ ăn thịt.
Được bấy nhiêu thông tin, phanh cái két, xe dừng ở ngã 3 lối đường đất, chừng 5-7 phút sau, nghe tiếng sư cô gọi hai chị em, chúng tôi đi theo chỉ dẫn, vài phút đã tới “nhà” của sư cô. Còn sớm, trò chuyện cùng sư cô chừng 30 phút, tôi xin phép sư cô cùng chị Mận đi thăm Buôn Ma Thuột, khi đang buổi sáng đẹp trời, nắng chan hòa, rực rỡ…
Như hiểu ý tôi, ra tới đường, chị Mận chia sẻ ngay: Cứ thế chị chỉ có cơm trắng với rau, muối vừng, đậu phụ và hoa quả đến khi bé chào đời. Những tưởng bé chỉ “cấm” mẹ ăn mặn, ai dè khi bé đến tuổi đi học mẫu giáo, ở lớp còn đỡ, cứ chiều về đến nhà, là lại ói lên ói xuống, người nóng lạnh từng chập. Gia đình thì biết rõ, vì hồi mới sinh và khi nhỏ, ăn bột, ăn cháo thì toàn nấu chay không, một thìa nước mắm cũng không được. Hết học mẫu giáo, đến khi Thảo Vy đi học lớp một, các cô giáo cũng không lạ gì, nên dù học bán trú, nhưng trưa bé được cô cho phép về nhà ăn cơm. Ở nhà được ăn cơm rau, bé lại yên ổn, khỏe khoắn như thường…
Thảo Vy cùng ba Lộc và chị gái trong một khóa lễ hàng ngày... Câu chuyện không chỉ có vậy. Ở Buôn Ma Thuột hơn 2 ngày lo việc, khi trò chuyện cùng sư cô, lúc thì gặp gỡ bà con phật tử, tất nhiên đều biết nhà chị Mận. Ai cũng kể chuyện về bé Thảo Vy y như những gì tôi được biết. Thêm những chi tiết mới, đó là cả nhà chị Mận đều ăn chay trường từ khi có bé Thảo Vy, và cả nhà cũng có duyên Phật pháp, khi mà hàng năm nay, ngày nào gia đình cũng đọc Kinh. Thường là Kinh Sám hối, Kinh A Di Đà, Kinh Phổ Môn, và một tháng có 4 ngày, anh Lộc chồng chị Mận phát tâm đọc Kinh Địa Tạng.
Chị Mận ngày nào cũng bận việc từ 1-2 giờ sáng đến gần hết ngày, nên thuận tiện thì đọc Kinh cùng cả nhà. Không thì thường chỉ có mấy bố con đều đặn hàng ngày chăm lo Kinh kệ…
Hai chị gái giúp mẹ đong sữa ngô, chuẩn bị cho một chuyến từ thiện Bé Thảo Vy ở một cơ sở từ thiện Có hôm tôi tranh thủ trò chuyện cùng bé Thảo Vy, thực ra là hỏi đáp gọn lỏn, vì không như vẻ bề ngoài xinh xắn, thông minh lanh lợi, bé Vy rất ít nói.
- Cháu có ăn được thịt không?
Bé Vy nhỏ nhẹ: Dạ không, thưa chú.
- Cháu không ăn được, hay không thích ăn?
Dạ, cháu không thích ăn thịt ạ.
- Vậy cháu thích ăn gì?
Có vẻ đúng tủ, nên Thảo Vy cởi mở hơn: Cháu thích ăn canh nấm mẹ nấu. Cháu thích uống sữa ngô mẹ làm. Cháu thích ăn rau, ăn đậu phụ chị hai rán ạ.
- Hàng ngày, cháu có đọc Kinh cùng ba và các chị?
Dạ có ạ, nhưng cháu không thích Kinh Địa Tạng.
- Có phần hơi lạ, nhưng e hỏi thêm bé khó trả lời. Tôi hỏi luôn, vậy Thảo Vy thích đọc Kinh gì?
Thảo Vy hồ hởi, mắt sáng long lanh, hồn nhiên đáp: Cháu chỉ thích Kinh Phổ Môn thôi ạ.
- Khi đọc Kinh, phải đọc kệ, đọc chú. Thảo Vy có thuộc nhiều không?
Cháu không thuộc nhiều ạ. Cháu thích đọc chú Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, nhưng cháu mới thuộc một nửa thôi, thưa chú. Thảo Vy khẽ trả lời…
Những câu chuyện, như bé Thảo Vy, tôi cũng từng nghe. Nhưng lần đầu gặp người thật, việc thật,
được ăn cơm chay cùng gia đình bé, quan sát bé thực hành Phật Pháp cùng ba và các chị; cảm niệm sâu thẳm nơi tôi khí sắc một vị Phật tương lai, một vị “Bồ Tát nhỏ” nhân duyên đến với gia đình chị Mận.
Bé Thảo Vy, không chỉ ăn chay, thường ngày đọc Kinh niệm Phật mà còn rất thích đi làm từ thiện cùng mẹ. Chuyến đi nào bé cũng có phần, luôn hoan hỷ hỗ trợ mẹ và các chị những công việc theo sức của mình…
Thường Nguyên
TIN, BÀI LIÊN QUAN: