Bức tượng 'bất ly thân' của tôi là Thiền sư Huệ Khả
Tạ Thị Ngọc Thảo- Cư sĩ Cát Tường Quân - Một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực địa ốc, nổi tiếng vì sở hữu nhiều ngôi nhà đẹp, từng có những bài viết rất sắc sảo về kinh doanh, thời gian gần đây, chị lại “từ bỏ cuộc chơi” để tìm đến Phật pháp, và chọn Huế là nơi chốn dừng chân của mình.
Trong một thời gian ngắn chị đã xây dựng tại Huế bốn công trình từ thiện, nổi bật là Cát Tường Quân với kiến trúc độc đáo và thanh tịnh đang trở thành điểm đến của nhiều du khách mỗi khi dừng chân ở Huế.
- Theo chị, quan niệm về không gian sống của phương Tây và phương Đông có gì khác biệt?
Con người ngày nay đang tìm kiếm một không gian sống như thế nào cho riêng mình và gia đình? Trước đây khi chưa có điều kiện ra nước ngoài, tôi quan niệm rằng, không gian sống của người phương Đông là bên trong ngôi nhà, không gian sống của người phương Tây là bên ngoài ngôi nhà. Bây giờ tôi hiểu, không gian sống bắt nguồn từ văn hoá dân tộc, văn hoá bản thân và khí hậu. Thực tế cho thấy cùng một kiến trúc sư người Pháp, nhưng ngôi nhà Pháp xây dựng ở Đà Lạt khác với nhà Pháp tại Huế và Hà Nội; càng khác hơn nữa nếu ngôi nhà Pháp đó nằm trên đất Pháp. Ngôi nhà không chỉ khác về kiến trúc mà còn khác về không gian sống, vì vậy dân địa ốc hay nói “căn nhà là một nửa của tâm hồn” hoặc “nhà sao chủ vậy”.
- Chị có lo sợ nhiều không, khi xu hướng sống trở về với thiên nhiên đang bị nhấn chìm bởi những đe doạ của môi trường, của phát triển kinh tế và nhiều áp lực khác?
Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu thơ khá phổ biến “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/Người khôn người ở chốn lao xao”. Thời gian gần đây do cuộc sống nơi đất chật người đông nhiều áp lực, không ít người thèm được “dại”. Thế nhưng, nơi vắng vẻ bây giờ cũng bắt đầu lao xao, vì vậy muốn “dại” cũng không dễ. Môi trường bị đe doạ từ nhiều nguyên nhân, và nguyên nhân của mọi nguyên nhân là từ con người. Trong cuộc chiến giữa con người và môi trường thì, con người luôn luôn thua!
- Chị có thể kể vẻ đẹp của mỗi ngôi nhà mà chị đã sống từ thủa ấu thơ đến giờ ở Sài Gòn, Đà Lạt... Ngôi nhà nào để lại cho chị dấu ấn sâu đậm nhất?
Với những người hoạt động trong thị trường địa ốc, ngôi nhà nào của mình cũng có thể là hàng hoá. Những ngôi nhà mà tôi đã ở và đang sở hữu tôi đều có thể bán, nếu được giá. Khách hàng tôi nhắm đến để mua sản phẩm địa ốc của mình là những người sống chủ yếu nhờ hương hoa, khí trời vì vậy kiến trúc phải thanh thoát, nội thất phải tinh tế và không gian sống phải được chăm chút.
Riêng ngôi nhà tôi vừa xây dựng xong ở Huế sẽ không là hàng hoá, bởi tôi quyết định sẽ sống ở đây đến cuối đời. Tôi đặt tên cho ngôi nhà ở Huế là “Tịnh cư Cát Tường Quân” (CTQ), “tịnh” là thanh tịnh; “cư” là nhà; Cát Tường Quân là tên do một vị tăng già đặt cho tôi.
- Vì sao đến thời điểm này của cuộc đời, chị lại chọn dừng chân ở Huế?
Với Cát Tường Quân, chị muốn tạo ra một không gian sống như thế nào cho chính mình và cho du khách? Trong mắt tôi, Huế như một bức tranh thuỷ mặc hữu tình. Không chỉ thế, Huế còn có thành cổ, có hệ thống chùa dày đặc, có mật độ tăng – ni cao nhất nước; những “cái có” này đã làm Huế huyễn hoặc, thiêng liêng.
- Chỗ nào của ngôi nhà mà chị yêu thích nhất? Mỗi buổi sáng, chị thường uống trà ở đâu? Đâu là nơi chốn để chị có thể tịnh tâm nhất?
- Nơi tôi lẩn quẩn nhiều nhất là vườn rau sạch. Từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ có thời gian để gieo bất cứ hạt giống nào xuống đất vì vậy tôi cũng chưa cảm nhận được hạnh phúc khi quan sát sự nảy mầm, đơm hoa, kết trái và cho quả. Giờ đây, thấy những sự mãnh liệt của chồi non truyền cho tôi sức sống, nhìn cây vươn lên trong mọi hoàn cảnh thời tiết Huế, nhất là đang mùa gió Lào này, tôi thấy sự nỗ lực của mình chưa nhằm gì.
Có khi tôi ngồi uống trà ở vườn Thanh Trà, phóng tầm mắt ngắm trọn đồi thông trước sân nhà. Cũng có khi tôi cầm chén trà đi lanh quanh trong vườn, lúc ngửi bông hoa mới nở, khi lại vuốt ve một thân cây sần sùi già cỗi, nếu mỏi chân thì ngồi xuống một trong những bộ bàn ghế bày rải rác. Tịnh tâm không tự cảnh, không tự người mà tự mình.
Chị Tạ Thị Ngọc Thảo, Pháp danh Lệ Phước, Pháp tự Cát Tường Quân.
Được biết đến như là một “nữ tướng” của thị trường bất động sản, chị cũng là đại biểu chính thức đại diện cho doanh nhân Việt Nam tại Hội nghị APEC 14 và đã ghi lại một dấu ấn đẹp cho nữ doanh nhân Việt Nam trong phần đối thoại đầy trí tuệ với Tổng thư ký Hội đồng của Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển, nguyên Tổng giám đốc WTO – Supachai Panitchpakdi và Ngoại trưởng Mỹ (trước đây) – Condoleezza Rice. Chị chính là doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo.
Chị đã về Huế và xây dựng Tịnh cư Cát Tường Quân [www.cattuongquan.com] để tu học và khai mở Tịnh cư để đón tiếp du khách quan tâm đến du lịch tâm linh.
Toàn bộ tịnh tài thu được từ dịch vụ du lịch tâm linh, sau khi trừ phí và thuế, Tịnh cư Cát Tường Quân dành để làm việc thiện nguyện. Từ tháng 12 năm 2013 chị phát nguyện đọc kinh Phật (cúng dường Pháp) nhằm tăng trưởng điều thiện, giảm thiểu điều ác theo đúng tinh thần Pháp Phật.
Ngoài ra, chị còn phát tâm cúng dường Thư viện Trần Nhân Tông: www.trannhantong.org
- Chọn sự im lặng với một người đầy trách nhiệm với cộng đồng như chị có khó không? Phật pháp đã mang lại cho chị điều gì, để giúp chị chuyển hướng đời mình, và chuyển hướng kinh doanh?
- Kinh có kinh vô tự, lời có lời vô ngôn, im lặng cũng là một cách bày tỏ. Đạo Phật đề cao sự im lặng bởi nó thể hiện sự thanh tịnh trong mọi mối quan hệ và mọi sự việc. Lắng nghe lời người nói bằng tai, lắng nghe sự im lặng bằng tấm lòng. Muốn “nghe” được lời vô ngôn thân phải an và trí phải tỉnh. Người im lặng luôn đủ kiên nhẫn để chờ người khác thấu hiểu lòng mình. Khi trả lời câu này tôi muốn đề cập đến mối quan hệ Nhà nước với dân, mối quan hệ gia đình và những người đang phải lòng nhau.
Thương gia Lương Văn Can định nghĩa về kinh doanh như sau: “Thông qua sản phẩm và dịch vụ của mình để phụng sự xã hội, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn”. Nếu hiểu kinh doanh là như thế thì xây nhà để bán hay nấu cơm chay phục vụ khách cũng đều là phụng sự xã hội, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Từng dời đổi nhiều lần, nhưng “vật bất ly thân” của chị dường như là bức tượng Thiền sư Huệ Khả? Bài học nào từ vị thiền sư này mà chị cho là quý giá nhất, và coi đó như phương châm sống của chính mình?
- Đúng vậy. Đây là bức tượng bất ly thân của tôi. Tôi “cảm” thiền sư Huệ Khả (487 – 593) từ mẫu đối thoại như sau: Đức Huệ Khả tìm đến Tổ Đạt Ma thưa: “Xin thầy an tâm cho”, ngài Đạt Ma trả lời “Đưa tâm đây ta sẽ an” và, đức Huệ Khả ngộ. Từ đó tôi hiểu, tâm mình tự mình an, chẳng cảnh, vật, người, Phật, Trời nào an giúp được.
Sau này đọc kinh Phật tôi còn ngộ thêm “tâm cũng chẳng có, vì nếu có thì tâm trú vào đâu?” Khu vườn có bức tượng đức nhị Tổ Huệ Khả ở Cát Tường Quân là trường học của tôi mỗi ngày. Tại đây, một thầy, một trò và một bài học duy nhất, đó là nụ cười hỷ xả của ngài; thế mà trò ngày thuộc, ngày không. Bức tượng đức Huệ Khả cũng là nơi giữ chân của nhiều vị khách quý.
- Chị có thể kể một chút về con trai mình, người sẽ nối nghiệp chị? Chị muốn để lại điều gì cho con?
- Con trai tôi, Lê Gia Khánh sinh năm 1995, tên ở nhà là Nheo. Nheo đi du học Canada từ năm lớp 9, giờ Nheo đang học đại học Toronto ngành kinh tế vĩ mô. Nheo có thể nghe má và các bác (bạn của má) nói chuyện kinh tế cả ngày không chán. Có thể nói, khi nhắm mắt lìa đời, không có gì trên cõi đời này làm tôi vương vấn ngoài Nheo. Tuy vậy, cho đến bây giờ tôi biết con trai của mình đã trưởng thành và sẽ trở thành người có ích cho xã hội, dù má mất hay còn. Điều này làm tôi thanh thản dù từ năm nay, hai má con chỉ gặp nhau vào dịp nghỉ hè. Tôi chỉ muốn để phúc lại cho con vì ông bà mình nói, “con trai nhờ đức mẹ”.
- Chị có sợ hãi điều gì không?
- Phật cũng mình - mà ngạ quỷ cũng mình, tôi chỉ sợ chính tôi thôi!
TTNT – tên của công ty tôi còn được giới kinh doanh hiểu là: Tín, Tâm, Nhẫn và Tình. Đội ngũ kế thừa ở công ty tôi, các em có rất nhiều bằng cấp và học vị nhưng tuổi đời chưa tới 30. Tôi lo đội ngũ kế thừa của mình tự mãn – dù các em chưa có biểu hiện đó – tôi liền mướn người viết một khẩu hiệu “chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” rồi cho treo ở chỗ nhiều người thấy nhất.
Công ty tôi vừa xây xong một văn phòng làm việc. Những người đến tham quan hỏi: “Tại sao có nhiều góc chơi như vậy?”.
Tôi trả lời: “Chúng tôi bận quá nên chủ trương chơi tại chỗ làm”. Nếu không tranh thủ như thế thì các cộng sự của tôi sẽ lao vào làm mà quên chơi.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Điều cần thiết nơi phẩm hạnh của người Thầy là đạo đức và tình thương”
Phỏng vấn 11:00 20/11/2024Đó là lời chia sẻ chân thành của Đại đức Thích Quảng Tịnh, trụ trì chùa Pháp Lạc ( xã Giang Điền, H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) với Phatgiao.org.vn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Voice talent Nguyễn Bình Nguyên - “Kẻ Trộm Hương”: “Sách của Thiền sư Nhất Hạnh dễ hiểu, dễ ứng dụng”
Phỏng vấn 09:51 15/11/2024Nguyễn Bình Nguyên (sinh năm 1989), nickname “Kẻ Trộm Hương” - một voice talent - vừa đọc lại cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhiều người đón nhận.
Phật tử Phạm Trọng Đạt: “Nhờ thuyền từ Bát-nhã, con vượt qua nỗi đau mất 2 người thân nhất”
Phỏng vấn 10:33 10/11/2024Phạm Trọng Đạt, sinh năm 2001, pháp danh Pháp Hạnh - là một Phật tử thuần thành, thường làm các thiện sự và đặc biệt có duyên thân cận với các bậc tôn đức đạo cao đức trọng.
Thượng tọa Tâm Định: “Phật giáo xứ Thanh để lại dấu ấn đẹp trong lòng dân tộc”
Phỏng vấn 15:43 26/10/2024Trong hai ngày 30 và 31/10 và 1/11 tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập (1/11/1984 – 1/11/2024). Nhân sự kiện đặc biệt này Cổng thông tin Phật giáo thuộc GHPGVN (phatgiao.org.vn) đã có trao đổi cùng Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.
Xem thêm