Thứ tư, 22/05/2024, 11:06 AM

Bước chân theo Phật

Tháng Tư âm lịch là ngày hội lớn của Phật tử trên toàn thế giới. Đại lễ Vesak kỷ niệm ba sự kiện gồm Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn của Đức Phật.


Dịp này, ở Mỹ, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc cũng diễn ra sự kiện kỷ niệm Phật đản một cách trang trọng. Tại Thái Lan, Đại lễ Vesak 2024 - Phật lịch 2568 vừa tổ chức trọng thể, đại biểu tham dự đến từ gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã nhận cờ đăng cai tổ chức sự kiện này tại Việt Nam vào năm sau (2025).

Phật đản thực ra không phải chỉ để kỷ niệm sinh nhật Đức Phật mà dịp này, người tin và mến mộ đạo Phật còn thực hành rất nhiều điều thiện, xem đó là phẩm vật dâng lên cúng dường Ngài.

Vài hôm trước, tôi cùng sư bà Từ Nhẫn, Trưởng Phân ban Ni giới Phật giáo TPHCM, về vùng hạn mặn ở Bến Tre để trao nước ngọt và thùng đựng nước cho người dân. Vị Ni trưởng năm nay hơn 80 tuổi, từng trải qua hai lần thập tử nhất sinh do khối u ác tính, với những lần xạ trị cam go, không quản đường xa vẫn tiếp tục hạnh nguyện từ thiện - việc mà sư bà đã làm xuyên suốt 40 năm qua.

Trong Phật giáo quan niệm rằng "phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật". Điều đó có nghĩa là, Đức Phật không dạy đồ chúng cúng dường cho mình mà hãy hướng đến những phận người lao khổ ngoài kia. Nếu là đệ tử Phật phải hiểu Phật. Rằng nếu Phật còn tại thế, khi đối trước khổ đau của mọi loài, Ngài cũng sẽ tùy duyên giúp đỡ loài ấy, người ấy đến bờ an vui, hạnh phúc. Hiểu Phật sẽ thay Phật làm việc mà Ngài nhất định sẽ làm, không từ nan.

Với người theo Phật, hẳn ai cũng đều nhận chân một điều, đó là có rất nhiều phương pháp thực hành để đi đến bờ an vui, giải thoát.

Mỗi phương pháp sẽ phù hợp với căn cơ của từng người, cũng giống như khi cho thuốc, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân có dị ứng với thành phần nào hay có bị các bệnh gì khác thì gia giảm, thậm chí chọn lựa phác đồ điều trị khác nhau. Với người học Phật cũng vậy, có thể hành thiền, niệm Phật, trì chú hoặc thực hành hạnh đầu đà với sự khắc khổ hơn các phương pháp khác. Tùy cơ địa mà ứng dụng.

Các vị giảng sư của Phật giáo vẫn hay ví von, tu tập có cùng một đích đến, là để nếm vị giải thoát, giác ngộ, nhưng phương tiện có thể khác nhau. "Cùng đi từ Hà Nội vào TPHCM, một vị có thể chọn máy bay, tàu hỏa hoặc xe, thậm chí bộ hành". Theo thiển ý của tôi, cách hiểu về phương pháp tu như vậy sẽ giúp xóa đi phần nào sự tranh luận về con đường đi đến giác ngộ của mỗi người.

Thực tế lâu nay, sự tranh luận nói trên vẫn diễn ra đó đây trên nhiều diễn đàn học Phật. Gần đây, việc này lại nổi lên khi có một vị tuyên bố thực hành hạnh đầu đà, đang bộ hành qua nhiều tỉnh thành ở phía Bắc, miền Trung. Đặc biệt, câu chuyện càng thu hút dư luận khi có quá nhiều YouTuber, TikToker, Facebooker… theo dõi nhất cử nhất động của vị ấy, kèm theo những bình luận. Chính vị ấy đã lên tiếng, đừng đi theo tôi, điều đó không có nhiều ý nghĩa, hãy về thực tập giữ giới - là những nguyên tắc Đức Phật chế định để Phật tử thực hành nhằm kiến tạo an vui, bảo vệ hạnh phúc của mình, gia đình và xã hội - như không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện…

Lời khuyên ấy rất đúng. Đó là lời khuyên hãy sửa mình, nỗ lực làm các việc thiện lành. Được vậy chính là đang đi theo dấu chân của Phật, chư vị Tổ sư và những bậc tu hành chân chính.

Vài hôm trước, trong khuôn khổ tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568, Ni sư Thích nữ Huệ Dâng, Phó trưởng Phân ban Ni giới Trung ương, đã tổ chức tọa đàm về văn hóa Phật đản. Vị Ni chuyên chăm lo cho thiện nguyện và giáo dục này đã trao cho người nghe hai từ khóa để thực tập, đó là "cảm thông" và "tha thứ".

Ni sư nói, trong xã hội có nhiều khác biệt và cái tôi cá nhân được thổi bùng, dễ xảy ra tranh cãi, xung đột hiện nay, cảm thông là cách để một người tập "lắng nghe để hiểu", "hiểu để thương sâu" một đối tượng, nhất là khi người ấy khác màu da, tôn giáo, quốc gia với mình. Và tha thứ cũng trên chỗ hiểu và thương, bắt đầu từ những mối quan hệ thân gần của chúng ta như bố mẹ, anh chị em, vợ chồng, đồng nghiệp… Tập cảm thông sẽ tha thứ được và từ đó mới có hòa bình ở bên trong, an lạc ra bên ngoài - từ nét mặt đến dáng đi, thể hiện rõ ở ba phương diện: suy nghĩ, lời nói, hành động.

Gần 20 năm trước, khi tiếp xúc với Thiền sư Nhất Hạnh qua một khóa tu dành cho cư sĩ ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), tôi cùng hàng ngàn người tham dự đã được thiền sư trao "chìa khóa" mở cánh cửa hiểu và thương. Khi có hiểu, có thương, ta sẽ không phân biệt, không chỉ trích, không nói xấu, không trừng phạt một ai cả. Vì lúc đó, ta cũng đang gieo nhân duyên xấu cho chính mình để bản thân sẽ lại trải qua những điều tương tự ở hiện tại hoặc mai sau.

Tôi học Phật theo cách nhận về những lời dạy của Đức Phật để ứng dụng cho mình một cách phù hợp nhất. Có những pháp môn tu rất hay nhưng không phù hợp với sức khỏe, tinh thần của mình thì tôi cũng không (thể) theo vì biết chắc sẽ thất bại.

Tu là sửa mình từng chút một, từ ý nghĩ, lời nói, việc làm. Cãi nhau, hơn thua về pháp môn hay chỉ trích gắt gao một ai đó chỉ vì sân giận cũng là một cách xa rời Đức Phật vì chắc chắn, nếu còn tại thế, Ngài sẽ không dạy mình làm vậy.

Trong sử Phật, những người theo tư tưởng khác, chống phá Đức Phật, làm hại Ngài nhưng Phật vẫn hoan hỷ nói "đó là thiện tri thức của ta", vì nhờ sự thử thách ấy mà Ngài được vững chãi hơn, trau dồi tình thương, sự nhẫn nhục.

Trong những ngày này, khi quan sát bàn luận trên mạng xã hội, tôi nhớ hình ảnh những vị Ni mà mình có duyên tháp tùng. Tâm và hạnh của các vị ấy thuần khiết, dấn thân chỉ vì thấy chúng sinh khổ mà lên đường. Một sư bà 80 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm, từng có trọng bệnh, nếu không vì thương yêu thì đâu vì lý do gì mà ngược xuôi vùng khó, đem món quà (dù nhỏ) để sẻ chia?

Tu trước hết là sửa mình, mỗi người tu theo niềm tin và phương pháp của mình trên cơ sở lời dạy của Đức Phật, giữ giới luật và chấp hành pháp luật, chính là đang bước chân theo Phật, xiển dương đạo Phật. Tôi tin như vậy.

Ông Lưu Đình Long là nhà báo, cư sĩ, từng làm công tác tòa soạn tại báo Giác Ngộ; tác giả của các đầu sách: Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống, Sống tích cực, thương chân thành.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Men theo hạnh phúc

Góc quán niệm 05:05 11/12/2024

Xếp hạng hạnh phúc của Việt Nam vừa tăng 11 bậc.

Câu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông: Vì người ở lại…

Góc quán niệm 12:00 10/12/2024

Dù đã 12 năm trôi qua nhưng mỗi lần nhớ lại khoảnh khắc va chạm giao thông vào ngày 11/11/2022 tôi vẫn rùng mình…

Suy ngẫm về sự ra đi của nữ văn sĩ Quỳnh Dao

Góc quán niệm 09:27 07/12/2024

Suy cho cùng thì cái chết của nữ văn sĩ Quỳnh Dao cũng là sự lựa chọn của bà ấy.

Khi chết nên chôn hay hỏa táng?

Góc quán niệm 11:18 01/12/2024

Đã rất nhiều người hỏi tôi câu hỏi ấy trong những buổi tôi nói chuyện, chia sẻ tại các khóa tu ở các chùa.

Xem thêm