Cách trì tụng chú Đại Bi tại nhà chuẩn nhất
Bồ Tát Quán Thế Âm đã hứa với chúng ta: "Nếu hành giả có thể tụng trì đúng pháp, khởi lòng thương xót tất cả chúng sanh, lúc ấy ta sẽ sắc cho tất cả Thiện thần, Long vương, Kim Cang, Mật tích thường theo ủng hộ, không rời bên mình, như giữ gìn tròng con mắt hay thân mạng của chính họ".
Tụng trì chú Đại Bi như thế nào là đúng pháp?
Trong phần hình trạng tướng mạo đã chỉ rõ mười đặc tính cốt yếu của Thần chú Đại Bi mà quan trọng hàng đầu là tâm Đại Từ Bi, cho nên mỗi lần trì tụng thần chú này hành giả phải bắt đầu hướng tâm vào việc quán tưởng khởi lòng thương xót tất cả chúng sanh. Một cách lý tưởng, để đạt được những công năng mà thần chú mang lại, trong thời gian trì tụng, hành giả phải giữ gìn giới hạnh, đặc biệt là sát, đạo, dâm, vọng. Phải kiêng cử rượu thịt, các thứ hành, hẹ, tỏi, cùng các thức ăn hôi hám. Tốt nhất là nên ăn chay.
Phải giữ vệ sinh thân thể, thường xuyên tắm gội, thay đổi y phục sạch sẽ, không nên để cho trong người có mùi hôi. Trước khi trì chú cũng phải đánh răng, súc miệng sạch sẽ, nếu trước đó có đi đại tiện, tiểu tiện thì phải rửa tay sạch sẽ trước khi trì tụng. Tóm lại, “Giữ gìn trai giới, ở nơi tịnh thất, tắm gội sạch sẽ, mặc y phục sạch, treo phan đốt đèn, dùng hương hoa cùng thực phẩm cúng dường, buộc tâm một chỗ”, đó là tất cả những điều kiện lý tưởng để hành giả trì chú Đại Bi. Tuy nhiên, như phần trên đã nói, Bồ Tát Quán Thế Âm chỉ yêu cầu chúng ta hai điều mỗi khi trì tụng chú Đại Bi, đó là thành tâm và không mưu cầu những việc bất thiện. Điều này cho phép hành giả có thể trì tụng bất cứ lúc nào mà điều kiện cho phép. Trên xe, trên tàu, trên máy bay, tại sở làm, tại nhà… Với tâm thành, tâm chúng ta lúc đó sẽ hòa nhập vào lời trì tụng để cùng thể nhập vào pháp giới, mười phương chư Phật. Bởi vì Bồ Tát đã cho chúng ta biết, mỗi lần trì tụng thần chú Đại Bi, thập phương chư Phật đều đến chứng minh.
Bàn thờ:
Hành giả nên có một phòng riêng yên tỉnh để lập bàn thờ Bồ tát. Bàn thờ nên có hình tượng Bồ Tát ngàn tay, ngàn mắt. Nếu không có thì có thể sử dụng bất cứ hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm nào mà mình hiện có. Hình tượng Bồ Tát nên để day mặt về hướng Tây. Trên bàn thờ tuy không bắt buộc nhưng nên có hoa tươi, trái cây, lư hương để cắm nhang, nước cúng. Nên để đèn sáng mỗi khi hành lễ. Có thể sử dụng chuỗi hạt gỗ để trợ lực khi trì tụng.
Cách thức ngồi, lạy:
Mỗi người nên có một tọa cụ, hoặc đơn giản hơn, một miếng vải sạch hay khăn bông xếp lại để làm chỗ tọa thiền. Hành giả nên ngồi theo cách thức kiết già nhưng nếu gặp khó khăn thì có thể ngồi theo cách thức bán già (ngồi xếp bằng, chân phải gác lên chân trái hay ngược lại), lòng bàn tay để ngửa hướng lên trên, bàn tay mặt để lên trên bàn tay trái, hai đầu ngón cái đụng vào nhau. Mắt nên mở hé, nếu nhắm hẳn thì dễ rơi vào trạng thái hôn trầm, nếu mở lớn thì khó định tâm.
Lạy là nghi thức biểu lộ sự cung kính, tôn trọng. Mỗi thời đại có một cung cách khác nhau để biểu lộ sự tôn trọng. Lối lạy kiểu cũ theo cách thức của người Trung Hoa có nhiều điểm rất bất tiện, không thích hợp cho không khí thiền đường. Trước hết, với kiểu lạy này, khi hành lễ mỗi người chiếm một khoảng diện tích đáng kể đủ để có thể đứng và qùy xuống lạy, gây trở ngại cho những thiền đường nhỏ. Việc đứng lên qùy xuống gây ra những tiếng động của động tác, tiếng sột soạt của quần áo, những động tác này cũng có thể làm phóng ra những bụi bặm, vi trùng mà ta mang trên quần áo, những mùi hôi của cơ thể – nhất là trong những xứ khí hậu nóng nực, làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường ta cần có để thở. Chưa kể là việc đứng lên qùy xuống lộn xộn trong những tư thế rất khó coi… Cho nên, chúng ta có thể thực hành một cách lạy tương đối đơn giản trong khi hành lễ, là thiền sinh cứ ngồi theo tư thế hành thiền, kiết già hay bán già, khi lạy chỉ cúi gập đầu xuống sàn phía trước, kéo dài tư thế này một khoảng thời gian ngắn đủ để niệm một câu “Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát”, xong ngồi dậy.
Cách thức tụng đọc Chú Đại Bi:
Chú Đại Bi phải nên được trì tụng lớn tiếng, giọng điệu trầm hùng, nhanh và liên tục bằng cách lấy hơi từ bụng ra. Lớn tiếng ở đây không có nghĩa là ta phải la lớn lên, nhưng giọng đọc phải rõ ràng, nghe đủ tiếng, không lờ mờ, trại giọng.
Kinh “Nghiệp Báo Sai Biệt” cho biết việc niệm Phật, tụng kinh, trì chú lớn tiếng có mười công đức sau đây:
Dẹp được sự buồn ngủ ám ảnh
Thiên ma hoảng sợ.
Tiếng vang khắp mười phương
Ba đường hết khổ
Tiếng đời chẳng lọt vào tai
Lòng không tán loạn
Dõng mãnh tinh tấn
Chư Phật vui mừng
Tam muội hiện ra trước mắt
Vãng sanh Tịnh Độ
Thật sự, ta cũng sẽ không lo ngại cơn buồn ngủ ám ảnh. Bởi vì khi trì tụng chú Đại Bi, các vị Thiên, Long, Hộ Pháp sẽ luôn ở bên cạnh ta, khi ta rơi vào cơn buồn ngủ, các Ngài sẽ giúp đánh thức ta -mà rồi qúy vị sẽ chứng nghiệm khi thực hành trì chú một cách nghiêm túc- bằng một âm thanh như tiếng sấm nổ ở trong đầu khiến ta hoảng hồn, giật mình tỉnh thức. Thông thường sau đó ta sẽ không còn (hoặc không dám) buồn ngủ nữa. Tuy nhiên, nếu việc này xảy ra một lần thứ hai trong buổi hành Thiền, điều này có nghĩa là thể xác ta quá mỏi mệt, ta nên xin phép được xả thiền để nghỉ ngơi.
Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt phải tụng thầm chỉ riêng cho mình nghe, hoặc chỉ nhép môi không ra tiếng như khi chúng ta đang làm việc, đi chung xe tàu với người khác, hoặc đi nằm trước khi ngủ.
Cách tụng chú Đại Bi tại nhà đúng cách
Chư Tổ bảo: “Chú Đại Bi trăm vạn kiếp khó gặp. Người chẳng có duyên sâu với Phật, e rằng đến tên chú còn chẳng được nghe, nói chi đến có phước mà trì tụng.” Nay bạn có phước được thân người, lại duyên may gặp được Chú, nếu chẳng phát tâm trì tụng, thật uổng phí một kiếp làm người.
Người tại gia thân vướng lưới thế gian. Cuộc sống còn mưu sinh với trăm mối lo toan, ngàn nẻo buộc ràng. Lại gia quyến cháu con bận buộc, muốn trì tụng chú đại bi tại nhà đúng như pháp, thật cũng không dễ dàng gì.
Tuy thế, pháp quý ở nơi chí tâm trì tụng, nếu tinh tấn hành trì, thì chỉ cốt yếu nhất ở nơi dụng tâm chí thành cung kính; còn hình tướng ở bên ngoài, gắng thanh tịnh được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Bạn cần phải nhớ rằng: Pháp tụng chú phải đọc tụng ra tiếng, không to không nhỏ; tiếng rõ ràng, không nhanh, cũng không nên quá chậm. Bởi tụng to quá dễ bị tổn khí, tụng nhỏ thì chúng sanh xung quanh khó nghe; tụng nhanh dễ thành tụng dối, mà tụng chậm thì dễ bị trệ, tạp niệm sanh khởi nhiều.
Tụng chú Đại Bi tại nhà bao gồm 6 bước.
1. Phát nguyện:
Bạn chắp tay rồi phát nguyện tụng chú như sau:
“Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát(03 lần). Nay con vì khắp pháp giới chúng sanh, vì linh hồn ông bà tổ tiên, thân gia quyến thuộc của con và hết thảy các chúng sanh có nhân duyên với con trong từ vô thỉ kiếp đến nay mà trì tụng chú Đại Bi. Con cầu nguyện Bồ Tát từ bi phóng quang, gia hộ cho hết thảy cùng lìa khổ được vui, đồng vãng sanh Tây phương Cực Lạc quốc. Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát(03 lần).”
Tiếp theo bạn đọc bài kệ phát nguyện:
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con mau biết tất cả pháp.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con sớm được mắt trí huệ.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con mau độ các chúng sanh,
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con sớm được phương tiện khéo.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con mau lên thuyền bát nhã.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con sớm được qua biển khổ,
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con mau được đạo giới định.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con sớm lên non Niết Bàn.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con mau về nhà vô vi.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con sớm đồng thân pháp tánh.
Nếu con hướng về nơi non đao,
Non đao tức thời liền sụp đổ.
Nếu con hướng về lửa, nước sôi,
Nước sôi, lửa cháy tự khô tắt.
Nếu con hướng về cõi địa ngục,
Địa ngục liền mau tự tiêu diệt,
Nếu con hướng về loài ngạ quỷ.
Ngạ quỷ liền được tự no đủ,
Nếu con hướng về chúng Tu La,
Tu la tâm ác tự điều phục,
Nếu con hướng về các súc sanh,
Súc sanh tự được trí huệ lớn.
2. Niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát
Bạn chắp tay niệm: Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát. (khoảng 30 câu)
3. Niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật.
Bạn chắp tay niệm: Nam mô A Di Đà Phật. (khoảng 30 câu)
4. Tụng:
Nam mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát (03 lần)
5. Bạn kiết Tam Muội Ấn:
Tay trái đặt dưới tay phải, các ngón tay chồng lên nhau, hai đầu ngón cái chạm vào nhau. Sau đó tụng ít nhất 5 biến chú theo bản chuẩn ở trên. ( Bắt đầu từ câu: Thiên thủ thiên nhãn)
6. Hồi hướng công đức
Sau khi đã tụng bao nhiêu biến chú ấy rồi, bạn cần hồi hướng công đức để viên mãn thời khóa, bằng cách chắp tay đọc như sau: “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát (03 lần). Con nguyện hồi hướng công đức tụng chú Đại Bi này cho Pháp giới chúng sanh, cho linh hồn ông bà tổ tiên, thân gia quyến thuộc của con trong từ vô thỉ kiếp đến nay; và cho hết thảy các chúng sanh có nhân duyên với con trong từ vô thỉ kiếp đến nay. Nguyện cho tất cả cùng lìa khổ được vui, đồng vãng sanh Tây phương Cực Lạc quốc. Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát (03 lần).”
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 08:00 11/12/2024Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.
Trước khi tụng Kinh, trì chú, nên đọc nghi thức như thế nào?
Kiến thức 09:15 04/12/2024Thực ra mỗi tông môn, thậm chí mỗi chùa sẽ có cách thức khác nhau, nên Nghi thức sau chỉ mang tính tham khảo. Đạo hữu nào thấy phù hợp có thể áp dụng, xong bạn cần hiểu đây không phải quy định bắt buộc, thậm chí không có nghi thức khai Kinh chú thì vẫn cứ trì tụng không vấn đề gì.
Xem thêm