Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 07/03/2016, 10:05 AM

Cần Thơ: TT.Thích Chân Quang thuyết giảng đề tài "Thực tiễn và đạo đức"

Trong cái đúng với sự thật này, bệnh khoe khoang chúng ta cũng cần phải diệt, vì có một số người mắc một bịnh tâm lý kỳ lạ là thích khoe nhiều hơn cái mình có. Để sống cuộc đời hạnh phúc an vui, ta hãy sống đúng với sự thật, nói những điều là sự thật, còn hễ ngược lại thì tâm ta luôn bất an.

Nhân chuyến hoằng pháp tại miền Tây, đáp lại lời thỉnh cầu như Pháp của Ni sư TN Tâm Niệm, Chánh Thư ký Phân ban Đặc trách Ni giới thuộc Ban Tăng sự THPG Tp.Cần Thơ, trụ trì chùa Bửu Trì (toạ lạc số 67, Mậu Thân, P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều), TT.Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã quang lâm đạo tràng thuyết giảng đề tài THỰC TIỄN VÀ ĐẠO ĐỨC, với sự tham dự của hơn 600 phật tử gần xa. Toàn thể đạo tràng như được tắm mát trong dòng Pháp nhũ, ai cũng lắng lòng nhiếp tâm thanh tịnh lắng nghe lời dạy của Thượng toạ. 
 
Mở đầu đề tài, Thượng toạ định nghĩa người có đạo đức là người biết tôn trọng sự thật, không nói quá sự thật, (tức có gì nói nấy, có sao nói vậy, sống vậy), đó là căn bản của sự tu hành, của đạo đức. Cho nên người tu ai cũng thật thà. Trong xã hội ngày nay, không ít người đã không tôn trọng sự thật hoặc hay lẫn lộn sự thật với sự gian dối chỉ vì lợi ích cá nhân. Người che đậy, gian dối, nói không đúng sự thật thì là người không có đạo đức, không phải người chân tu.

Chúng ta thấy người tu lâu rồi họ hiền lành thật thà, vì đầu óc không có tính toán. Nói dối phải thông minh lắm mới sáng tạo, suy diễn ra được câu chuyện trong đó,  chứ còn khờ khờ không nói dối được. Người nói thật không cần sáng tạo gì hết, có sao nói vậy, thấy cái gì nói cái nấy. Người này dễ tu, dễ nhiếp tâm trong thiền định, giữ được tâm hư vô tĩnh lặng đi đến sự an vui hạnh phúc. Đây là cái lợi của sự chân thật. Còn người cứ sáng tạo ra chuyện không có mà nói thành có (ta gọi là thông minh), tâm người đó rất loạn, nên họ không nhiếp được vào trong thiền định để đi vào vô ngã. 

Tiếp đến, Thượng toạ nhận định: Thế giới này tiến bộ cũng là nhờ sự thật mà ta hay gọi là chân lý, gọi là nguyên lý của vũ trụ. Tâm bình an hạnh phúc, ta giải được cái nghiệp của mình, ta tiến bộ trên con đường tu tập cũng nhờ sự thật. 
 
Khoa học là đi tìm sự thật. Xã hội này tiến bộ là nhờ khoa học tiến bộ, mà khoa học tiến bộ là nhờ con người đi tìm ra được nhiều sự thật, nhờ vào kỹ thuật, biết cái gì biết cho tới nơi. Ví dụ, chỉ việc khoa học phát hiện ra một sự thật là trái đất tự quay quanh chính mình theo một trục. Thế là ta mở ra không biết bao nhiêu kiến thức khác. Đó là khoa học tiến bộ. Dĩ nhiên, khoa học không phải biết hết, trong vũ trụ này những điều khoa học biết chỉ mới là một giọt nước, không có nhiều, mà đã làm xã hội tiến bộ như vậy. 

Chúa Giê Su nói: “Sự thật giải phóng con người, sự thật giải phóng chúng ta”, tức chân lý sẽ giải phóng được ta khỏi những mê muội, khỏi sự nô lệ, và khỏi những tội lỗi. Cho nên, con người phải biết đúng với sự thật, sống cho đúng với sự thật. Cũng có nhiều loại sự thật bị che đậy, mình không thấy, không hiểu hết, nhưng nếu được một Bậc đạo sư chỉ bày để hiểu được chân lý đó, đạo lý đó cho ta sống, thì ta vượt lên trên một tầng cấp mới. Ví dụ, có một sự thật che dấu trong vũ trụ, đó là Luật Nhân Quả. 

Nhân đây, Thượng toạ giải thích tại sao đối với người tin nhân quả thì cuộc đời họ vượt lên một đẳng cấp khác so với người không biết nhân quả. Người không biết nhân quả thì họ cũng là loài người đó, nhưng thuộc đẳng cấp thấp, vì không biết họ tuột xuống, đọa làm làm súc sinh lúc nào đó. Và nếu nhiều người cùng tin nhân quả thì xã hội này sẽ đẹp lên, đó là một sự thật. Cho nên, trong cuộc sống này, chúng ta cứ đi tìm sự thật thì tâm hồn ta được giải phóng, sẽ được giải thoát mọi điều tội lỗi, mọi điều đau khổ. 

Mặc khác, có một sự thật mà người tu trong đạo phật buộc phải biết đó là “vô ngã”, tức không có cái ta. Thường sự thật này rất khó biết, mình đang sống sờ sờ vậy mà nói không có mình, đây là điều không ai chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu người nào chấp nhận được, tin được, hiểu được điều này và ứng dụng vào trong sự tu tập thì người này bước vào một thế giới mới, một đẳng cấp khác, do có con đường để đi lên làm Thánh. Và dù tu pháp môn nào cũng phải hướng về vô ngã, vì khi có định hướng về vô ngã thì đây mới đúng Bát Chánh Đạo, mới đúng con đường Chánh pháp. Còn những người dù có quy y, có lạy Phật, thậm chí xuất gia, hay đem hết tiền bạc gia tài cúng dường cho chùa, nhưng nếu chưa tin là không có cái ta thì người này vẫn là phàm phu. 
 
Thánh là những người đang trên con đường diệt trừ bản ngã - là những bậc hiền, nhưng là một đẳng cấp khác với con người. Còn những bậc Thánh mà diệt xong bản ngã thì gọi là A La Hán. Riêng những ai chưa hướng về đạo đức vô ngã thì mình thật sự vẫn là phàm phu, trôi lăn qua lại mãi trong luân hồi. Đây là một sự thật chấn động của loài người. Nếu thế gian này hiểu được vô ngã thì thế giới này trở thành thế giới của Thánh, nhưng mấy người hiểu được. 

Mặc dù chưa hiểu “vô ngã” là gì, nhưng cứ tin là ta đã gieo một cái nhân mới, rồi từ cái tin này ta suy nghiệm, ta hiểu dần dần, ta ứng dụng tu tập thì mới thấy sự vi diệu của nó, bắt đầu đi vào đạo đức. Người tin hiểu được vô ngã rồi thì giai đoạn phía sau là đạo đức mở ra, nhờ đó phước mới được tạo thêm, công đức được vun bồi, thiền định bắt đầu thâm nhập sâu, dù rằng ngày nào chứng đạo thì ta không biết, vì con tu lâu lắm. Đây là một sự thật vượt ngoài con mắt, ngoài suy nghĩ của người phàm phu, vì người phàm phu đụng cái gì cũng phải có cái ta (cho cái tôi là quan trọng), còn người mà càng vô ngã (không thấy mình là gì cả), càng thấy mình nhỏ bé, càng chỉ muốn hy sinh phụng sự thì cái phước họ vượt lên. Nên đây là sự vi diệu của đạo đức vô ngã. Vì vậy, điều căn bản ban đầu của một người tu hành là tìm sự thật, biết sự thật để sống cho đúng với sự thật. 

Trong cái đúng với sự thật này, bệnh khoe khoang chúng ta cũng cần phải diệt, vì có một số người mắc một bệnh tâm lý kỳ lạ là thích khoe nhiều hơn cái mình có. Để sống cuộc đời hạnh phúc an vui, ta hãy sống đúng với sự thật, nói những điều là sự thật, còn hễ ngược lại thì tâm ta luôn bất an.

Tuy nhiên, có những sự thật mà ngược với đạo đức thì không được nói sự thật này. Nếu lỡ nghe lọt vào tai rồi thì sống để bụng, chết đem đi không được nói ra, đó mới là người có đạo đức. Thượng toạ đã đưa ra những ví dụ cụ thể, để giúp mọi người nhận định đúng đắn quan điểm về đạo đức này. Thật ra, có những sự thật ta phải nói đúng, sống đúng thì ta có công đức, ta được bình an, nhưng đôi khi có những sự thật ta không nên nói, vì nói ra mất phước, nói ra mình hại người khác.

Như vậy, chúng ta thấy giữa đạo đức và thực tiễn bắt đầu có khoảng cách. Lúc đầu,  ta sống đúng với sự thật thì ta là người đạo đức, nhưng có những điều sâu xa phức tạp trong cuộc sống, khi biết được sự thật ta đừng có đụng tới thì mới có đạo đức. Rồi có những sự thật, ta phải đi ngược lại hay phải cưỡng lại thì ta mới là người đạo đức, mới là tu tập, chứ không phải mình cứ sống đúng với sự thật, tôi giàu thì tôi được quyền ăn trên ngồi trước. Thái độ đó không phải đạo đức. Do vậy, ta phải hiểu mọi điều bằng trí tuệ của mình.

Quan điểm của Thượng toạ luôn dạy đệ tử mình là những người khá giả, giàu có phải có cái tâm đi phục vụ, phụng sự cho mọi người. Và càng làm càng thấy yêu công việc này, chứ không phải ngồi một chỗ chờ người khác đến phục vụ cho mình. Đây là điều đi ngược với sự thật, nhưng lại đúng với đạo đức. 

Trong cuộc đời này, bất bình đẳng là một sự thật, là một điều hiển nhiên, chẳng hạn ông chủ khác với người làm công; ông quan khác với người dân thường, người trí thức khác với người thất học, vì phước chúng sinh khác nhau. Cho nên, trong cuộc đời này luôn tồn tại một sự thật là bất bình đẳng, và thế giới này, xã hội này có hai khuynh hướng để xử lý sự bất bình đẳng đó. Quan điểm thứ nhất, thuận theo sự thật đó mà sống, người cao thì cứ cao, người thấp thì cứ thấp, nghĩa là người giàu cứ phải ăn trên ngồi trước, hưởng thụ xa xỉ, được quyền sai bảo, ăn hiếp người yếu, v.v…

Quan điểm thứ hai, ngược lại, mặc dù sự thật là như vậy, nhưng mình cưỡng lại. Cho dù cao cũng phải làm như thấp, hạ mình xuống với mọi người. Mình giàu nhưng không nói những lời khinh bỉ người nghèo, mà phải biết yêu thương, tôn trọng người khổ hơn. Hoặc người có quyền lực, nắm quyền của quốc gia thì cũng phải xem mình như đầy tớ, phục vụ hết mình cho nhân dân. 

Và từ hai quan điểm đó, tạo thành hai chủ nghĩa khác nhau trong thế giới này. Đó là một chủ nghĩa mà ta gọi là kinh tế thị trường, mạnh được yếu thua. Khuynh hướng thứ hai là khuynh hướng kiềm lại, cưỡng lại sự bất bình đẳng đó, làm cho nó bớt lại. Ví dụ người đó nghèo quá không có chỗ ở thì ta xây nhà tình thương cho họ, không để họ ở gầm cầu, mà cưỡng lại sự bất bình đẳng đó bằng công tác từ thiện, kêu gọi đóng góp giúp đỡ người nghèo. Đồng thời, trước hai quan điểm đó, Thượng toạ đặt câu hỏi và mọi người đã giơ tay chọn quan điểm thứ hai. 

Tại Pháp hội, Thượng toạ rất hoan nghênh tán thán quý phật tử này và cho đó là lý do cuối cùng nơi đất nước của ta, chế độ chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại mãi. Bởi vì, nơi đây biết bao tấm lòng, biết bao con người lúc nào cũng cưỡng lại sự bất bình đẳng để yêu thương được những người nhỏ bé nhất trên cuộc đời. Họ là những người không thích mạnh được yếu thua, mà người mạnh phải nâng đỡ người yếu. Phải chăng, trên đời có đẹp gì hơn thế; Người yêu người sống để yêu nhau. Và lẽ sống thiêng liêng, cao quý ấy đã hòa tan vào máu thịt của con người Việt Nam yêu đồng bào, yêu tổ quốc này.

Ngoài ra, có một sự thật mà ngay cả người tu đôi khi cũng không vượt qua nổi, đó là bí mật trong tâm vẫn còn chấp công, vẫn thấy mình đã đóng góp thật nhiều. Đây mới là chỗ thách thức lớn cho người tu. Chỉ những vị Bồ tát lớn mới vượt qua được điều này dễ dàng, vì trí tuệ vô ngã của các vị cao, còn các vị Bồ tát thấp thấp thì đều mắc bệnh chấp không. Đó là lý do mà trong Đại Tạng Kinh của Bắc tông Đại thừa có 600 quyển kinh Bát Nhã nói về tánh “không”. Trong kinh, Phật dạy ta phải làm rất nhiều mà coi như không. 

Không có bản kinh nào trong nhà Phật dài như bản kinh Bát Nhã, vì cái chấp công của con người khủng khiếp lắm. Có những người sợ chấp công mà không dám làm gì hết, mà không làm gì thì không có phước. Đây là cái mắt xích, đa phần người tu tới chỗ này không vượt qua nổi. Và với mắt xích này ta phải tu tập hàng hà sa số kiếp, cứ mãi hy sinh, phụng sự, dựng xây, giáo hóa, đóng góp…Dù hết thế giới này qua thế giới khác (cõi khác) làm nữa vẫn mãi mãi không được chấp công, phải coi như không. Bồ tát Đại thừa là vậy, và con đường này cực kỳ cam go gian khó. 

Có một điều tự nhiên giữa cuộc đời, khi một vị Bồ tát đi vào cuộc đời thì điều mà người đó trang bị đầu tiên là mặc áo giáp nhẫn nhục để vào đời độ sinh, như trong Kinh Pháp Hoa có câu: “Lấy đại từ bi làm nhà, nhu hòa, nhẫn nhục làm áo giáp, tất cả pháp không làm tòa ngồi”, vì sẽ có vô số người công kích, chống đối, dèm pha, và vị đó phải vượt qua cùng với sự không chấp công thì mới đi được trong cuộc đời mà hoằng hóa đạo mầu. Nên biết, khi một vĩ nhân, một thiên tài, một bậc Thánh xuất hiện giữa đời thì làn sóng dèm pha, chống đối là cực lớn, vì các Ngài bước vào một quy luật tự nhiên của thế giới là đụng phải sự đố kị của con người ở sự hơn thua, tức thấy ai hơn mình thì khó chịu, ganh ghét. Có những sự thật cay đắng như thế, không phải ai giỏi đều được ca ngợi, có khi giỏi lại là mục tiêu để bị mưu hại, bị chống phá. Vì vậy, trong cuộc sống này, sự thật là một chuyện, nhưng đôi khi đạo đức lại là chuyện khác.  

Mặt khác, công phu thiền định tăng tiến cũng làm người tu rất khó vượt qua. Theo Thượng toạ, khi nhiếp được tâm thì theo nguyên tắc đáng lẽ bản ngã phải nhẹ, nhưng sự thật ngược lại, lúc này bản ngã lại tăng lên, vì thiền định bắt đầu vượt trội hơn người, tâm nhiếp được sâu, sức tỉnh giác vằng vặc, lúc này trí tuệ, đức hạnh, thần thông hiện ra một cách cụ thể rõ ràng, nhìn đâu biết đó. Chính những điều kỳ diệu của thiền định đã làm bản ngã tăng lên một cách bí mật, dù tâm thanh tịnh là con đường đi đến vô ngã. Do đó, trong bộ kinh Bát Nhã, Đức Phật dạy tới dạy lui đến ba chữ “vô sở đắc”(đừng thấy mình có chứng), tức cưỡng lại một sự thật, coi như mình không có chứng gì hết (phải quên nó đi) để còn tiến tu. Đức Phật 49 năm thuyết Pháp mà chưa từng nói một lời, vì vô sở đắc vậy. Cho nên, Thượng toạ nhấn mạnh: “Ai nghe được lời này mà hiểu, rồi ghi khắc trong lòng để sau này giữ gìn về sau” là công đức rất lớn. Ngược lại, có những người chẳng những không cưỡng lại mà còn bày ra, nên mất đạo đức luôn. Có người nói tu thiền điên, “điên” không phải tại tu thiền, mà do người đó quên cưỡng lại sự thật Phật đã dạy rất kĩ trong kinh là “vô sở đắc”. 

Ngoài ra, Thượng toạ còn đề cập đến những cái chấp khác bàn bạc trong cuộc sống. Việc Thượng toạ đang làm là tháo gở các mắc xích sai lầm, tà kiến điên đảo này để giúp các Phật tử hiểu sâu, áp dụng tu cho mình đi đúng đường và hiệu quả hơn. Thiết nghĩ, trên bước đường tu, chúng ta may mắn nhận được sự trợ lực, nhắc nhở, dạy dỗ của những vị Thầy có kinh nghiệm tu hành, sẽ khiến ta thấy biết những điều mà bình thường mình không biết được. Và ta sẽ hưởng được lợi ích vô vàn từ sự chỉ dạy đó. 

Trước khi kết thúc bài Pháp thoại, Thượng toạ còn cảnh tỉnh mọi người rằng: Đường tu thì muôn ngàn khó khăn phức tạp, từ những điều tinh tế nho nhỏ. Cho nên, đừng bao giờ ta chủ quan là mình đã hiểu hết đạo lý trong cuộc đời, mà lúc nào cũng khiêm tốn, chừa một kẻ hở là “còn chỗ ta chưa biết”. Sự thật còn nhiều điều ta chưa biết, ta cứ khiêm tốn tu hành, phụng sự một cách toàn tâm toàn ý thì tâm hồn ta không bị khuyết lở. Hễ có cơ hội để phụng sự, cống hiến thì ta không tiếc công, không kể công. Nếu đã xác định được mục tiêu và lý tưởng của mình rồi thì chúng ta cứ thế mà vững bước để hoàn thành nó.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm