Câu chuyện rắn trả ơn
Lúc đức Phật Thích Ca còn ở Nhân địa tu Bồ Tát đạo, Ngài đã từng sinh ra làm một vị đại phú ông rất giàu có.
Cây gỗ trong rừng và mỏ khoáng trong núi thuộc sở hữu của ông dùng suốt đời cũng không hết, còn nói về tiền bạc thì phải đếm lên tới cả ngàn vạn ức kim tiền, tha hồ xử dụng chi tiêu. Ông là người từ bi, hỷ xả, thường thường bỏ ra cả ngàn lượng, cả vạn lượng vàng đem bố thí mà không chút tiếc nuối. Ông cũng hay lảng vảng trong chốn chợ búa, chờ thấy con thú vật đáng thương nào sắp gặp nạn, sắp bị giết làm thịt thì vội vàng chạy tới mua về phóng sinh. Phóng sinh là tâm nguyện duy nhất của ông phú hộ nhân từ này, nên được người đời đặt tên là Thiện nhân.
Có một hôm, vị phú ông nhân từ ấy thấy ngoài chợ có một con rùa rất lớn, đang mở to hai mắt chăm chú nhìn ông. Con rùa có vẻ thống khổ vô hạn, nước mắt trào ra, như thể đang cầu xin ông cứu giúp. Thấy thế ông rất buồn,vội vàng tiến đến xin mua con rùa. Người bán rùa, dĩ nhiên là muốn bán con rùa đi nhưng khi thấy Thiện nhân đến hỏi giá tiền, thì cố ý làm khó dễ, trả lời là không muốn bán.
Thiện nhân từ bi tha thiết muốn cứu mạng con rùa nên nài nỉ xin mua. Người bán rùa nói:
– Nếu ông nhất định muốn mua thì phải trả cho tôi một vạn đồng tôi mới chịu bán, bằng không thì tôi đem nó về giết làm thuốc uống!
Thiện nhân không chút do dự, đưa ra một vạn đồng mua rùa mang về. Người bán rùa lòng dạ đen tối ấy tuy có một vạn đồng bỏ túi nhưng nhà bị ăn trộm, rồi lâm bệnh nặng, sau đó còn bị cháy nhà khiến cho một vạn đồng tiền bị thiêu rụi, cuối cùng xơ xác lại hoàn xác xơ.
Thiện nhân mang con rùa lớn về nhà, đem những món ăn ngon lành nhất cho ăn, rồi thấy miệng rùa có vết thương, vội lấy thuốc bôi cho nó. Không lâu sau, vết thương trên miệng rùa đã lành, ông cho xe chở rùa ra bờ biển thả xuống nước, trả tự do cho nó về với trời đất.
Cách đó không lâu sau, vị phú ông từ bi đang ngồi tham thiền thì bỗng nhiên có tiếng gõ lạch cạch ở cửa sau. Ông đến mở cửa xem, thì ra đó là con rùa được ông cứu lúc trước. Con rùa mở miệng ra nói với ông rằng:
– Ân nhân, không lâu nữa ngôi thành này sẽ gặp nạn lớn. Dân chúng ở thành này nghiệp tội rất nặng, bây giờ nghiệp đã đến thời phải trả, không thể nào tránh khỏi tai họa. Chỉ có hai nhà là không nằm trong số người phải trả báo, một là nhà của ngài, hai là nhà của vua. Ngày đó tháng đó, nguyên ngôi thành này sẽ chìm lỉm dưới nước sau một trận lụt vĩ đại. Xin ân nhân cùng vua sớm chuẩn bị mướn người đóng tàu, hẹn nhau khi thấy nước lớn vừa dâng lên thì mau lên tàu, thuận theo dòng nước mà đi, tự nhiên sẽ tìm được nơi nương náu.
Con rùa lớn nói xong quay đầu đi mất. Thiện nhân rất ngạc nhiên, nhưng được một con rùa biết nói báo nguy trước, không thể không tin. Hôm sau ông bí mật báo cho vua biết chuyện đêm qua, họ cấp tốc chuẩn bị mọi sự. Ðúng y như rằng, không bao lâu sau, nạn lụt xẩy ra trong thành. Khi một con nước lũ vừa ập đến là con rùa kia cũng xuất hiện, thôi thúc họ lên tàu mà đi.
Con rùa bơi đằng trước, bảo họ rằng:
– Xin đi theo tôi, đừng để lạc mất phương hướng!
Khi con tàu đang lướt trên dòng nước lũ, bỗng phía sau có một con rắn lớn bơi đến, ngóc đầu lên nhìn, dáng vẻ như xin được cứu mạng. Thiện nhân từ bi bèn ra lệnh ngừng tàu lại vớt con rắn lên.
Con rùa phía trước nói:
– Ân nhân! con rắn này có duyên với ngài, sau này ngài sẽ hiểu.
Cách đó không xa, ông lại cứu một con cáo, và lại được rùa khen ngợi. Rồi đến phiên một người đang vùng vẫy trong dòng nước lớn, la hét kêu cứu, Thiện nhân từ bi cũng muốn cứu y nhưng con rùa ngăn lại nói rằng:
– Ðây là một người có tâm địa xấu xa, tốt nhất là đừng cứu y. Nếu hôm nay cứu y, sau này y sẽ hại ân nhân.
Thiện nhân trả lời:
– Bất cứ người nào chúng ta cũng phải cứu. Nếu chúng ta ích kỷ mà không cứu là phản bội lời chư Phật dạy, là phải xem tất cả bình đẳng như nhau. Dầu sau này có xẩy ra chuyện gì đi nữa, ta cũng phải cứu người này.
Rồi không màng tới lời ngăn cản của rùa, ông vớt người nọ ra khỏi nước cứu cho khỏi chết chìm. Ði một đỗi nữa thì con rùa lớn lại mở miệng ra nói:
– Trời quang mây tạnh rồi, thiên tai đã qua rồi. Tôi xin tạm thời cáo biệt.
Nói xong nó bỏ đi ngay. Rắn và cáo cũng từ giã mà đi. Ðoàn người lênh đênh trên mặt nước một thời gian thì khám phá một hòn đảo nhỏ. Họ lên bờ, thấy hòn đảo này có rất nhiều tài nguyên, chỉ tiếc là không có bao nhiêu dân cư trú. Họ quyết định lưu lại trên đảo ở tạm.
Có một hôm, con cáo xuất hiện một cách bất ngờ, nói với thiện nhân rằng:
– Ân nhân! Ngài đã cứu tôi thoát nạn, hôm nay tôi xin báo đáp ơn cứu mạng to lớn ấy. Vừa rồi tôi mới khám phá ra một kho tàng trong một cái huyệt giữa núi. Kho tàng này không nằm trong mộ phần của ai cũng không phải do tôi cướp giật, tức là của trời cho tôi. Nay tôi muốn đem kho tàng này dâng tặng cho ân nhân để báo đáp ơn sâu, xin ân nhân vui lòng nhận.
Thiện nhân nghĩ rằng nếu không nhận và nếu chẳng may kho tàng này rơi vào tay một kẻ bất lương thì không phải là đáng tiếc lắm sao ? Chi bằng ta vui lòng nhận, rồi đem bố thí cho người nghèo, và giúp đỡ tất cả những chúng sinh khốn cùng. Nghĩ như thế rồi, ông bằng lòng nhận kho tàng của con cáo dâng tặng. Khi ông đi lấy kho tàng về, thì cái người được ông cứu khỏi chết chìm lúc trước, không những không nghĩ tới chuyện đền ơn cứu mạng mà còn dùng lời dọa nạt và thủ đọan bắt thiện nhân phải chia cho mình phân nửa kho tàng.
Thiện nhân cho hắn mười cân vàng nhưng con người tâm địa đen tối ấy từ chối không nhận, dọa rằng :
– Nếu ông không chia cho tôi phân nửa, tôi sẽ tố cáo ông đã quật mồ cướp của.
Thiện nhân đáp :
– Thiên tai vừa qua chắc chắn đã làm cho rất nhiều người bị tán gia bại sản, tôi muốn đem số vàng này cứu giúp cho họ. Nếu ông lấy đi, hẳn không phải để làm điều tốt, tức là phản bội lương tâm, cho nên tôi không cho ông toại nguyện tà ý đó.
Người kia ôm mối hận, bí mật tố cáo với quan vu khống thiện nhân đã quật mồ cướp của. Vì thế thiện nhân tốt bụng bị bắt, nhưng lòng không chút oán hận kẻ xấu xa đã vu khống mình, chỉ thấy rằng mình đã tạo nghiệp tội trong kiếp trước nên kiếp này mới bị quả báo xấu như thế này. Ông không hề oán hận, chỉ cầu nguyện sao cho tất cả chúng sinh sớm thoát tai nạn, đừng kết oán với người khác để đừng bị giam trong tù ngục như mình hôm nay.
Vua rắn và vua cáo là những con vật có tánh linh, chúng bèn họp nhau bàn bạc làm cách nào để cứu ân nhân đã bị giam trong ngục tù một cách oan uổng. Vua rắn nói với vua cáo rằng:
– Tôi có một cách này, nhất định cứu được ân nhân thoát nạn.
Nói xong vua rắn bèn cáo biệt vua cáo mà đi. Vua rắn một mình bò lên núi tìm cỏ thuốc, đây là một loại thuốc có một không hai, có thể giải độc và xoa dịu mọi đau đớn trong chớp nhoáng. Vua rắn ngậm cỏ thuốc trong miệng bò vào ngục, nói với thiện nhân rằng :
– Ðây là một loại cỏ thuốc có năng lực giải độc. Chốc nữa thái tử sẽ bị bệnh, không có thầy có thuốc nào có thể cứu được, chỉ có loại thuốc này mới có thể cứu thái tử thoát hiểm. Lúc đó ân nhân hãy nói với tên cai ngục là mình có thuốc thần trừ độc, chắc chắn hắn sẽ loan tin ấy ra,và như thế ngày ân nhân ra khỏi tù sẽ không còn lâu nữa !
Vua rắn từ giã thiện nhân rồi, lén bò vào vương cung cắn chân thái tử một cái. Tức thời chất độc lan đi rất nhanh, tất cả thầy thuốc danh y đều bó tay chịu thua, nhìn thái tử chờ chết. Ông vua già chỉ có một đứa con trai duy nhất ấy thôi nên tâm can còn nóng nảy hơn đoàn kiến trong chảo nóng. Ông ra lệnh cho các đại thần dán bảng yết thị khắp nơi, cấp tốc kiếm một vị thần y. Nếu có ai cứu được thái tử khỏi bệnh thì sẽ được phong làm thủ tướng, còn nếu ai làm môi giới đưa thần y đến thì sẽ được thưởng một vạn lượng vàng.
Ðúng như rắn chúa tiên đoán, tên cai ngục biết tin này bèn báo cho thiện nhân trong tù biết. Thiện nhân nói:
– Tôi có thuốc thần trong người.
Vua nghe tên cai ngục báo tin, dời thiện nhân vào cung bôi thuốc cho thái tử. Thuốc vừa bôi xong, thái tử lập tức hết đau và vết sưng cũng xẹp xuống ngay, nên được bình an thoát hiểm. Vua thấy chân thái tử lành lặn, vui mừng không kể xiết, bèn hỏi nguyên do tại sao thiện nhân bị vào tù.
Khi biết thiện nhân bị tù oan, vua tự trách rằng:
– Ta là vua thất đức, và quan quân đại thần cũng thiếu sáng suốt nên để cho kẻ ác lừa bịp và cho người hiền bị phỉ báng!
Vua ra lệnh bắt con người vong ân bội nghĩa kia về chịu khổ hình, phong thiện nhân làm thủ tướng, và đại xá tất cả tội nhân khiến cho mọi ngục tù đều trống không trong khoảnh khắc. Thiện nhân hiểu biết Phật pháp một cách thâm sâu, nên vua cung kính thỉnh ông khai thị. Thiện nhân bèn tuyên thuyết giáo nghĩa cứu khổ của đức Phật cho vua nghe khiến vua được tỉnh ngộ, quy y Tam Bảo, tôn kính duy trì giới luật thanh tịnh, phát tâm từ bi rộng lớn, mở các kho vựa của quốc gia cứu giúp người nghèo khổ, chỉnh đốn việc giáo dục, xây cất viện dưỡng lão và viện mồ côi, thương xót tất cả hữu tình. Về sau, đất nước này trở nên hòa bình an lạc, được từ quang của đức Phật chiếu rạng khắp nơi
Trích: “Phật Giáo Cố Sự Đại Toàn”
Việt Dịch: Diệu Hạnh Giao Trinh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Niết bàn, sinh tử thị không hoa
Phật giáo thường thức 12:48 03/11/2024Xin Thầy giảng về câu “Niết-bàn sinh tử thị không hoa”. Con xin cám ơn Thầy.
Duyên khởi là cốt tủy, là hạt nhân của mọi triết lý Phật giáo
Phật giáo thường thức 11:20 03/11/2024Các triết lý quan trọng của Phật giáo như Vô ngã, khổ, vô thường, tính không, nhân quả đều được đặt trên nền tảng cơ sở của duyên khởi.
Tìm lại chính mình
Phật giáo thường thức 09:00 03/11/2024Một lần Đức Phật đang tĩnh tọa ở bìa rừng thì có 30 thanh niên từ đâu chạy tới, thấy Đức Phật, họ hỏi: Thưa Sa-môn, Ngài có thấy một cô gái chạy qua đây không?
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Phật giáo thường thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Xem thêm