Câu chuyện về lòng nhân hậu của cô bé 7 tuổi cứu sống hàng triệu trẻ em ở Châu Phi
Nhờ tình yêu thương và sự nỗ lực của mình, Katherine đã cứu sống hàng triệu trẻ em châu Phi khỏi bệnh sốt rét. Cô bé có một tâm hồn tuyệt vời và một trái tim nhân hậu.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Gieo mầm thiện
Vào ngày 6/4/2006, cô bé Katherine Commale ở Mỹ xem đoạn phóng sự ở châu Phi trên TV, trong đó có nói ở châu Phi trung bình mỗi 30 giây sẽ có một đứa trẻ tử vong do bệnh sốt rét.
Cô bé 5 tuổi ngồi trên sô pha đếm số bằng tay 1, 2, 3… 30. Khi đếm đến 30, cô bé hoảng sợ nói: “Mẹ ơi, có một bạn nhỏ ở châu Phi chết rồi, chúng ta nhất định phải làm gì đó!”. Mẹ cô bé lên mạng tìm thông tin và nói với Katherine: “Bệnh sốt rét rất đáng sợ, trẻ em bị sốt rét rất dễ mất mạng.”
“Vậy vì sao trẻ em lại bị sốt rét ạ?”
“Sốt rét truyền nhiễm qua muỗi, ở châu Phi có quá nhiều muỗi.”
“Vậy phải làm sao đây ạ?”
“Hiện nay có một loại mùng (màn) được ngâm qua thuốc diệt muỗi, có nó sẽ có thể bảo vệ chúng ta khỏi bị muỗi đốt.”
“Vậy vì sao họ không dùng mùng ạ?”
“Bởi vì loại mùng này quá đắt đối với họ, họ không mua nổi.”
“Không được, chúng ta phải làm gì đó!”
Vài ngày sau, mẹ của Katherine nhận dược điện thoại của cô giáo mẫu giáo nói rằng cô bé không đóng tiền ăn nhẹ.
Khi mẹ hỏi tiền đâu thì Katherine nói: “Mẹ ơi, nếu con không ăn đồ ăn nhẹ ở trường, bình thường không ăn vặt, cũng không mua búp bê nữa, vậy thì có đủ để mua một chiếc mùng không ạ?”
Mẹ đưa cô bé đến siêu thị, mua một chiếc mùng chống muỗi lớn có thể sử dụng cho 4 trẻ em có giá mười mấy đô la. Sau đó cô gọi điện thoại cho tổ chức làm từ thiện ở châu Phi hỏi cách làm thế nào để gửi được chiếc mùng đến đó.
Rất nhanh sau đó họ đã tìm cho cô tổ chức Nothing But Nets chuyên gửi mùng đến châu Phi cho trẻ em. Katherine tự tay gửi chiếc mùng đi, một tuần sau, cô bé nhận được thư cảm ơn từ tổ chức Nothing But Nets, trong thư họ cho biết cô bé là người quyên góp nhỏ tuổi nhất và nếu cô bé quyên góp 10 chiếc mùng thì sẽ được giấy chứng nhận.
Katherine yêu cầu mẹ cùng mình ra chợ bán đồ cũ để bày bán sách cũ, đồ chơi cũ, quần áo cũ của cô bé để lấy tiền quyên góp mùng. Nhưng bán cả một ngày mà không ai mua. Katherine nghĩ: “Mình quyên tiền mua mùng, tổ chức Nothing But Nets sẽ cho mình giấy chứng nhận. Vậy người khác mua đồ của mình, đưa cho mình tiền, họ cũng nên nhận được giấy chứng nhận mới đúng chứ.”
Thế là cô bé bắt đầu tự làm giấy chứng nhận, mẹ giúp mua vật liệu, bố giúp sắp xếp phòng làm việc, em trai giúp vẽ trái tim. Mỗi tờ giấy chứng nhận đều có dòng chữ “Nhân danh bạn, chúng ta mua một chiếc mùng để gửi đến châu Phi” do chính Katherine viết tay, đương nhiên còn có chữ ký chứng nhận của cô bé.
Chỉ cần quyên góp 10 đô la để mua một chiếc mùng là sẽ nhận được một tờ giấy chứng nhận. Hàng xóm nhìn thấy giấy chứng nhận của cô bé, họ cảm thấy vừa ngây thơ vừa cảm động, cô bé nhanh chóng bán được 10 tờ giấy chứng nhận. Katherine gửi tiền cho tổ chức từ thiện và nhận được “Giấy chứng nhận danh dự” đặc biệt làm riêng cho cô bé từ tổ chức Nothing But Nets, họ phong cho Katherine là “Đại sứ mùng chống muỗi”.
Những người ở Hiệp hội nói với Katherine rằng những chiếc mùng mà cô bé quyên tặng đã gửi đến ngôi làng có tên là Stiga ở Ghana, ở đó có 550 gia đình.
Nhưng chỉ có 10 chiếc mùng thì phải dùng sao đây?
Hàng xóm của Katherine không chỉ cùng cô bé mua mùng, mà các con của họ cũng tham gia giúp Katherine làm giấy chứng nhận và trở thành “đồng đội của Katherine”. Mục sư trong khu vực cũng mời cô bé đến nói chuyện ở nhà thờ, cô bé chỉ nói vài phút ngắn ngủi, nhưng đã nhận được 800 đô tiền quyên góp. Lần này cô bé rất phấn khởi bắt đầu đến nói chuyện tại các nhà thờ khác. Khi vừa tròn 6 tuổi, Katherine đã gây quỹ được 6.316 đô la.
Tổ chức Nothing But Nets đăng tải câu chuyện về cô bé Katherine trên mạng và đã thu hút được rất nhiều người. Một ngày nọ, Katherine nhìn thấy đoạn quảng cáo công ích cho tổ chức Nothing But Nets của siêu sao bóng đá người Anh David Beckham trên TV. Cô bé lập tức viết một lá thư cho Beckham để cảm ơn anh, đương nhiên cũng gửi cho anh một tờ giấy chứng nhận. Beckham có chia sẻ giấy chứng nhận của Katherine lên trang cá nhân và được chia sẻ rộng rãi.
Vào ngày 8/6/2007, Katherine nhận được thư gửi đến từ làng Stiga, các bạn nhỏ trong làng viết: “Cảm ơn mùng mà bạn đã gửi cho chúng mình, chúng mình đã thấy ảnh của bạn, mọi người đều cảm thấy bạn rất xinh!”. Katherine vui lắm khi nhận được sự khích lệ này, khiến cô bé có động lực lớn hơn, cô và các “đồng đội” cùng chung tay làm 100 tờ giấy chứng nhận để gửi cho mỗi tỷ phú trong bảng xếp hạng của tạp chí Forbes mỗi người một tờ.
Trên một lá thư có viết: Kính gửi ông Bill Gates, không có mùng chống muỗi, các bạn nhỏ ở châu Phi sẽ bị mất mạng do bệnh sốt rét. Họ cần tiền, nhưng nghe nói tiền đều ở chỗ của ông…
Ngày 5/11/2007, Quỹ từ thiện Bill Gates tuyên bố quyên góp 3 triệu đô la cho tổ chức Nothing But Nets. Bill Gates cho biết ông nhận được một tờ giấy chứng nhận cùng một lá thư, trong thư nói rằng số tiền mà trẻ em ở châu Phi cần để mua mùng chống muỗi đều ở chỗ ông. Có vẻ như ông “không đưa tiền ra là không được đâu”.
Năm 2008, Quỹ từ thiện Bill Gates đã quay một bộ phim tài liệu công ích có tên là “Trẻ em cứu trẻ em”, nhờ đó mà Katherine đã đến châu Phi. Cô bé nhìn thấy các bạn nhỏ dùng bút viết lên mùng chữ “Katherine”, các bạn đều gọi những chiếc mùng cứu mạng này là “mùng Katherine”. Chiếc mùng đầy tình yêu thương này sẽ bảo vệ cho các bạn mỗi đêm. Làng Stiga bây giờ có tên là “Làng mùng Katherine”!
Câu chuyện của cô bé Katherine Commale giúp chúng ta một bài học sâu sắc về lòng nhân ái, nhân hậu. Nhân ái chính là tình cảm của người với người. Đó là cách chúng ta trao đi yêu thương đối với người khác. Tình cảm đó xuất phát từ trái tim mỗi người, không ép buộc, cưỡng cầu hay vụ lợi. Bởi với nhiều người khi trao đi yêu thương họ sẽ nhận lại được sự bình yên, thanh thản.
Lòng nhân ái giống như chiếc cầu nối kết các tâm hồn đến với nhau, giúp cho mọi người được gắn kết, thắt chặt hơn. Nếu mỗi người chúng ta có lòng nhân ái và thực hiện nó để thay đổi cho những điều tốt đẹp chắc rằng thế giới cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Lòng nhân ái không phải điều gì quá to tát. Nó vốn xuất phát từ những hành động bé nhỏ trong cuộc sống này. Bạn giúp cụ già sang đường, nói lời tử tế với người thân yêu... đó chính là những hành động nhân ái.
Đức Phật dạy rằng lòng nhân ái không có sức mạnh giúp chúng ta vượt qua những hoàn cảnh bi thương về thể chất nhưng nó bảo vệ bản thân ta khỏi sự thù hận cũng như tất cả những đau khổ đi kèm với lòng thù hận đó.
Lòng nhân ái, trắc ẩn luôn tồn tại trong mỗi con người. Hãy sống nhân ái, cho đi và sẽ nhận lại được yêu thương! Có như vậy, cuộc sống của bạn luôn đầy ắp tiếng cười và niềm hạnh phúc.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Bệnh nhân đột quỵ chết não hiến tạng cứu 4 người
Gieo mầm thiện 23:05 28/10/2024Sau 9 ngày các bác sĩ nỗ lực điều trị, bệnh nhân 36 tuổi vẫn không qua khỏi do xuất huyết não nặng, gia đình hiến tạng anh cứu 4 người.
Cảm phục với bếp cơm chay miễn phí của vợ chồng U.90
Gieo mầm thiện 16:00 27/10/2024Gần 3 năm nay, trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) xuất hiện một quán cơm chay miễn phí đặc biệt, chủ quán cơm là vợ chồng người miền Tây đã ở cái tuổi xưa nay hiếm với đôi lưng đã còng.
5 học sinh dũng cảm lao xuống dòng nước chảy xiết cứu sống 2 em nhỏ
Gieo mầm thiện 12:00 25/10/2024Trước dòng nước chảy xiết, 5 học sinh dũng cảm tại một huyện miền núi Quảng Bình đã cứu sống được 2 em nhỏ đang bị nước cuốn.
Xuyên đêm lấy tạng từ người chết não để hồi sinh cho 4 cuộc đời
Gieo mầm thiện 15:50 24/10/2024Rạng sáng 24/10, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ phẫu thuật lấy tạng từ người hiến sau khi chết não, ghép 2 thận cho 2 bệnh nhân suy thận. Tim và gan được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để ghép cho 2 người bệnh khác, đánh dấu thành công trong việc tận dụng tạng hiến để cứu sống nhiều bệnh nhân.
Xem thêm