Thứ năm, 07/05/2020, 09:21 AM

Cha mẹ đồng hành, giúp con khôn lớn và sống hướng thiện như thế nào? 

Tâm hồn trẻ nhỏ là một mảnh vườn, ẩn chứa trong đó thật nhiều hạt mầm khác nhau. Việc thường xuyên tưới tẩm những mạch nguồn an vui, hiếu đạo một cách tự nhiên ngay từ nhỏ giúp những hạt mầm thiện lành có cơ hội thức giấc, hình thành nên nhân cách trong tương lai.

Pháp dạy người của Lục Tổ Đại Sư

Kính mời quý vị cùng đến với một cuộc trao đổi bàn tròn với 4 phụ huynh có con đang theo học tại trường Tiểu học - THCS Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) về cách “tưới tẩm”, "đánh thức" những hạt mầm thiện lành tự nhiên và hiệu quả nhất.

Gia đình anh (chị) đã chọn cách giáo dục các con như thế nào để giúp con được an vui, thoái mái, không thấy bị ép buộc?

Anh Nguyễn Quang Duy (39 tuổi): Thỉnh thoảng tôi đưa các con lên chùa lễ Phật. Hàng tháng tôi hay làm lễ phóng sinh, cho bọn trẻ tự tay đi phóng sinh và đọc cho con nghe bài kệ ngắn. Bọn trẻ thích thú lắm.  

Anh Nguyễn Quang Duy.

Anh Nguyễn Quang Duy.

Chị Nguyễn Thị Tuyển (40 tuổi): Tôi không quá tập trung vào lý thuyết mà muốn cho con trải nghiệm thực tế để có thể đưa ra những quyết định cho riêng mình và có trách nhiệm với quyết định lựa chọn đó. Ví dụ như khi con gái mình chuẩn bị vào lớp 1, tôi đưa con đến thăm 3 trường, phân tích với con về từng trường và cho con 3 ngày để suy nghĩ lựa chọn. Tôi tôn trọng quyết định của con cùng với việc phân tích để con hiểu được quyết định của con có tác động thế nào đối với gia đình, và con cần làm những điều gì khi con bắt đầu đi học.

Chị Nguyễn Thị Tuyển.

Chị Nguyễn Thị Tuyển.

Chị Đào Phương Thúy (39 tuổi): Tôi luôn tôn trọng những quyết định của con, cho con được đưa ra những ý kiến của mình dù đúng dù sai. Bố mẹ đóng vai trò là người bạn đồng hành cùng con, là điểm tựa cho con. Tôi tạo điều kiện cho con tham gia các lớp kĩ năng sống, các lớp ngoại khoá như âm nhạc, hội hoạ để giảm bớt căng thẳng sau những giờ học, tham gia các hoạt động thể thao để rèn luyện sức khoẻ.

Gia đình chị Đào Phương Thúy.

Gia đình chị Đào Phương Thúy.

Bên cạnh đó, gia đình tôi luôn khuyến khích con giúp đỡ người khác bằng các hoạt động như kế hoạch nhỏ để xây thư viện cho các bạn vùng cao, các hoạt động phóng sinh để con biết trân quý cuộc sống và yêu thương động vật, cho con tham gia các khoá tu ở chùa để con được thấm dần những lời dạy của các quý thầy.

Chị Trần Thị Thu Hiền (36 tuổi): Gia đình tôi không định hướng gì nhiều, mà chỉ luôn cố gắng để con được làm điều mình thích, miễn sao nó phù hợp với tuổi của con, giúp con phát triển tốt lên.

Gia đình chị Trần Thị Thu Hiền.

Gia đình chị Trần Thị Thu Hiền.

Cách để con biết lắng nghe, biết chia sẻ với gia đình và mọi người xung quanh?

Anh Nguyễn Quang Duy (39 tuổi): Thực sự để con biết lắng nghe thì mình phải lắng nghe con trước đã. Việc lắng nghe con trẻ thực ra là điều không hề dễ với người lớn. Nếu không rèn một tâm vị tha và quan tâm thì mình khó lắng nghe người khác và nghe các con.  

Chị Nguyễn Thị Tuyển (40 tuổi): Tôi luôn trao đổi với các con như những người bạn về một chủ đề và cho con được quyền nói lên suy nghĩ của mình. Để các con biết chia sẻ với những người xung quanh, tôi thường cùng các con tham gia các hoạt động thiện nguyện.  

Chị Đào Phương Thúy (39 tuổi): Cách tôi thực hành đơn giản là dành nhiều thời gian chất lượng, quan tâm đến con, nhưng luôn dạy con cần biết chủ động, tự lập và có trách nhiệm với mỗi lựa chọn, hành vi của mình.

Chị Trần Thị Thu Hiền (36 tuổi): Tôi có một nguyên tắc là không bao giờ nói dối trẻ con. Và tôi luôn giữ lời hứa với con. Tôi để con được bày tỏ cảm xúc của mình với bố mẹ như những người bạn, và đợi con nói xong hết, bố mẹ mới phân tích đúng sai cho con hiểu.

Người phụ nữ làm rung động trái tim Việt Nam

Bố mẹ đã đồng hành và tạo cơ hội cho con như thế nào để trải nghiệm, ngấm những thông điệp về giáo dục kỹ năng một cách tự nhiên và hiệu quả nhất?

Anh Nguyễn Quang Duy (39 tuổi): Trong nhà tôi đặt khá nhiều tượng Phật. Tôi luôn mong hình ảnh chư Phật dần dần đi vào đời sống tâm linh của các con một cách tự nhiên, giúp các con thấy Phật không xa lạ, không phải chỉ có ở chùa, mà Phật cũng đang tồn tại ở ngay nhà mình. Đôi khi có bức tượng mới, cậu con trai lớn lại hỏi tượng ở đâu ra, tôi mỉm cười: Vì bố ngoan, các con ngoan, nên Phật về với mình.

Chị Nguyễn Thị Tuyển (40 tuổi): Buổi tối, tôi dành thời gian cùng chơi và học với các con. Cả bố và mẹ sẽ cùng con chơi những trò chơi dân gian, cùng xem một chương trình khoa học, giáo dục kỹ năng sống và cùng con sáng tạo ra những trò chơi từ các chương trình đó.

Những ngày cuối tuần là dịp để cả gia đình dành trọn thời gian bên nhau. Tôi chủ động cùng con gái nấu một món ăn mới hoặc cho các con đi dã ngoại, tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cũng có khi cả gia đình sẽ cùng nhau đi về quê thăm ông bà, họ hàng và trải nghiệm cảm giác thư thái ở các vùng quê.

Để con có thể thực hiện được những mong muốn của mình từ nhỏ nhất, bản thân tôi đã phải thay đổi từ những điều nhỏ nhất. Chẳng hạn, khi con được 4 tuổi, gặp bác lao công đang lau hành lang tầng chung cư nhà tôi, tôi chưa kịp chào bác mà đã nhắc con chào. Con nhất định không chào. Tôi không ép con vì nghĩ có thể lỗi do mình chưa chào làm gương cho con.

Lần thứ hai, tôi chào bác trước và nhắc con, con vẫn không chịu chào. Buổi tối về, tôi hỏi lý do thì con hỏi lại: Tại sao con phải chào bác ấy, con không biết bác ấy, bác ấy là người lạ. Tôi đã dành thời gian giải thích với con, để con hiểu dù bác ấy là người lạ, nhưng hằng ngày đã lau dọn cho hành lang nhà mình nên mình cần cảm ơn bác ấy, và lời chào ngoài việc thể hiện sự tôn trọng người khác thì cũng thay cho sự biết ơn của con đối với công sức của bác bỏ ra.

Và lần thứ 3, khi tôi mới mở cửa thì con trai tôi là người đầu tiên, cất tiếng chào bác lao công rõ to mà không cần chờ đến sự nhắc nhở của mẹ. Về đến tầng hầm gửi xe, bao giờ bạn ấy cũng là người chào bác bảo vệ đầu tiên.

Tôi cũng thường cho con trai nhỏ tham gia các lớp học giáo dục đạo đức văn hóa truyền thống vào mỗi tối cuối tuần, con gái lớn tham gia các khóa tu mùa hè ở chùa.

Thiền tập với trẻ em

Chị Đào Phương Thúy (39 tuổi): Ở gia đình tôi, bố mẹ và con thường cùng nhau đi phóng sinh vào dịp cuối tuần, tham gia các hoạt động thiện nguyện và luôn giúp đỡ những người sống quanh mình. Ngay từ nhỏ tôi cũng đã cho con đọc những câu chuyện Phật giáo như: Thập đại đệ tử của Phật thích ca, các câu chuyện về nhân quả, về lòng từ bi và hiếu thuận.  

Chị Trần Thị Thu Hiền (36 tuổi): Vì nhà tôi làm về đồ gỗ, nên con hay được cho theo xuống xưởng. Tôi sẵn sàng để con ngồi chơi với đống mùn cưa. Con hay nhặt các mảnh gỗ nhỏ chơi. Tôi cho thêm bút để con tha hồ vẽ lên những miếng gỗ đó.

Tôi nói với con về ý nghĩa, sự tốt đẹp mà nụ cười mang lại, và dạy con luôn học cách mỉm cười với mọi người và trong mọi sự việc. Tôi hay cho con xem các bộ phim hoạt hình Phật giáo, và con tin Phật có thật trên trời. Tôi thường dẫn con đi chùa gần nhà, cho con được giúp mẹ chuẩn bị lễ khi thắp hương.  

Cách anh chị giúp con sống lành, sống khỏe trước những biến động của cuộc sống, đặc biệt là tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay?

Anh Nguyễn Quang Duy (39 tuổi): Sức đề kháng tốt nhất vẫn cần là sinh hoạt điều độ trong ăn uống, thể dục, dành thời gian hòa mình với thiên nhiên. Tôi định hướng cho các con ăn ngủ đầy đủ, không uống các loại nước ngọt, hạn chế ăn đồ chiên xào, và tích cực bổ sung trái cây. Trong mùa dịch bệnh Covid-19 này thì các con chủ động rửa tay nhiều hơn, đeo khẩu trang khi ra đường, theo bố lên các vùng đồi núi chơi tự do khi có thể.

Chị Nguyễn Thị Tuyển (40 tuổi): Trước dịch Covid-2019 hiện nay, bố mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục con có ý thức đối với bản thân, gia đình và xã hội để phòng chống dịch bệnh. Ngoài việc truyền đạt cho các con kiến thức, thông tin về dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, gia đình tôi cũng chú trọng việc giúp các con không quá hoảng loạn nếu như mình bị sốt và ho, cũng như không nên có thái độ kỳ thị với cộng đồng, đặc biệt là những người không may nhiễm bệnh.

2 bạn nhỏ nhà anh Nguyễn Quang Duy làm bạn cùng thiên nhiên trong vườn

2 bạn nhỏ nhà anh Nguyễn Quang Duy làm bạn cùng thiên nhiên trong vườn

Lòng từ bi trong giáo dục

Chị Đào Phương Thúy (39 tuổi): Việc giữ vững tâm lý, không chủ quan nhưng cũng không hoang mang trước dịch bệnh hay bất cứ biến động nào gặp phải là điều đầu tiên gia đình tôi định hướng cho các con.

Thi thoảng, bố mẹ và con còn chia đội để chơi các game mini có thưởng, liên quan đến các kiến thức, kỹ năng phòng chống dịch bệnh. Có những kiến thức bố mẹ quên, con chiến thắng trong sự hào hứng và còn tư vấn bổ sung thêm để bố mẹ được nhớ.

Chị Trần Thị Thu Hiền (36 tuổi): Đây thật sự là một giai đoạn khó khăn với tất cả chúng ta, nhưng cũng là lúc để gia đình tôi sống chậm lại, dành nhiều thời gian bên nhau hơn. Tuần đầu tiên sau Tết, các bạn rất vui vì như được nghỉ Tết tiếp. Nhưng đến tuần sau, tôi đã phải nhìn nhận rõ không thể để con có những ngày nghỉ lãng phí.

Sáng nào con cũng dậy sớm cùng bố mẹ tập thể dục và tưới cây trên sân thượng. Con được giao các việc nhà và nhất là nhận nhiệm vụ làm các loại đồ uống phòng chống dịch. Tôi để con tự do xem các hướng dẫn trên mạng để tạo ra các món của riêng mình. Tôi tặng con mấy cuốn sổ để con thoải mái thiết kế các bộ thời trang (đây là sở thích của con). Và thỉnh thoảng cả nhà hí húi làm cùng nhau mấy đồ handmade do con xem được trên truyền hình, hỗ trợ con hoàn thành bài tập do cô giáo hướng dẫn online.

Cảm ơn anh chị về những điều đã chia sẻ!

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Jun Phạm: "Tôi thích truyện tranh và đọc về Phật giáo"

Phỏng vấn 11:25 17/12/2024

Đối với ca sĩ Jun Phạm, các cuốn sách như những người bạn đã đồng hành cùng anh từ khi còn là cậu bé đến khi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng.

Á hậu Hạnh Nguyên chuyển hóa nội tâm nhờ sách về Phật pháp

Phỏng vấn 09:37 12/12/2024

Á hậu Hạnh Nguyên chia sẻ về hành trình ăn chay đến tìm hiểu Phật pháp, thói quen đọc 5-20 trang sách mỗi ngày, cùng những tác động từ sách Phật pháp đến tư duy, cách sống và công việc.

Đỗ Thành Tín: “Âm thanh có khả năng giúp kết nối, hồi sinh…”

Phỏng vấn 11:39 11/12/2024

Đỗ Thành Tín, chuyên gia chuông xoay, nghệ sĩ và là người tổ chức liveshow “Thanh âm mùa tái sinh” diễn ra vào lúc 12h ngày 12/12 sắp tới tại TP.HCM…

Trò chuyện với một người trẻ tập "thiền động", yêu cây

Phỏng vấn 15:56 07/12/2024

Ở Đà Nẵng, có một bạn trẻ vô cùng yêu cây, mơ góp sức mình cho màu xanh đất mẹ - vị Bồ-tát từ bi nuôi dưỡng vạn loài. Đó là nhiếp ảnh gia 9x Đặng Công Lợi. Anh là chủ nhân của Fanpage “Thành phố màu xanh” và một kênh Vlog lan tỏa lối sống xanh.

Xem thêm