Thứ sáu, 11/11/2022, 06:45 AM

Chánh niệm nghĩa là lấy lại sự chú tâm

Khi bước đi, có thể tâm ta bị thúc đẩy hoặc lôi kéo bởi tập khí tham đắm, giận hờn sâu dày và lâu đời. Thực tế, tập khí này luôn thúc đẩy ta bất kể ta đang làm gì, kể cả khi ta đang ngủ. Chánh niệm có khả năng nhận diện tập khí này.

Không suy nghĩ là một nghệ thuật như bất kỳ nghệ thuật nào, đòi hỏi sự thực tập và kiên nhẫn. Lấy lại sự chú tâm và đưa tâm trở về với thân, chỉ trong vòng 10 hơi thở thôi thì cũng đã khác đi rất nhiều rồi. Tuy nhiên, với sự thực tập liên tục, ta có thể khôi phục lại khả năng có mặt và học cách sống trong giây phút hiện tại.

Ngồi yên vài phút là cách dễ nhất để bắt đầu tập luyện buông bỏ tập khí suy nghĩ. Khi ngồi yên, ta có thể quan sát suy nghĩ của ta vọt lên như thế nào và ta có thể thực tập không nhai lại những suy nghĩ đó. Ta định tâm vào hơi thở và vào sự im lặng, để cho chúng đến rồi đi.

Có nhiều người không thích ngồi yên. Thậm chí họ thấy rất đau nhức, khổ sở. Chỉ vì họ không biết cách buông thư. Có một người người phụ nữ quyết định là sẽ không bao giờ thiền tập nữa, chỉ vì cô ta thực tập không thành công. Tôi mời cô ta đi bộ với tôi, tôi không gọi là thiền hành, nhưng chúng tôi đi rất chậm và rất ý thức, thưởng thức không khí trong lành, tận hưởng những bước chân đặt trên mặt đất, và chỉ đi với nhau như vậy thôi. Khi trở về, hai mắt cô sáng lên, tươi mát trở lại và thấy lòng quang đãng hơn.

Chánh niệm tỉnh giác là chìa khóa của trí tuệ

295265097_466004542196853_8461475083559071561_n

Chỉ cần ta để ra vài phút cho bản thân làm lắng dịu thân thể, cảm thọ, tri giác bằng cách này thì niềm vui sẽ xuất hiện. Niềm vui của sự yên tĩnh sẽ trở thành thức ăn trị liệu hằng ngày của chúng ta.

Đi bộ là một cách tuyệt hảo để thanh lọc tâm mà không cần phải cố gắng. Ta không nói: “Bây giờ tôi phải thiền tập,” hay, “Bây giờ tôi sẽ không suy nghĩ.” Chúng ta chỉ đi thôi, và khi ta tập trung vào việc đi thì niềm vui và ý thức sẽ phát khởi một cách rất tự nhiên.

Để thực sự thưởng thức từng bước chân khi đi, ta phải cho phép tâm ta buông bỏ hoàn toàn những lo lắng và kế hoạch. Ta không cần phải mất nhiều thời gian và nỗ lực để dừng suy nghĩ. Chỉ cần một hơi thở vào trong chánh niệm là ta đã có thể dừng lại rồi. Thở vào, ta bước một bước. Với hơi thở vào này, ta mất hai, hoặc ba giây để dừng lại những tâm hành đang vọng đọng. Nếu đài NST (Suy nghĩ liên tục) vang lên, đừng để cho năng lượng tán loạn lòng vòng này lôi kéo ta như một cơn lốc xoáy. Nhiều người trong chúng ta cứ để cho tình trạng này xảy ra liên tục. Thay vì sống hạnh phúc, ta để cho mình bị càn quét nhiều lần trong ngày, từ ngày này sang ngày khác. Với sự thực tập chánh niệm, ta có thể an trú trong giây phút hiện tại, vì chỉ có trong giây phút hiện tại thì sự sống và những mầu nhiệm của nó mới có thực và có mặt cho ta.

Ban đầu có thể ta cần nhiều thời gian hơn, có thể 10 hay 20 giây thở trong chánh niệm thì suy nghĩ mới ra đi. Ta có thể bước một bước với hơi thở vào và một bước với hơi thở ra. Nếu tâm ta lang thang thì ta nhẹ nhàng đưa tâm về với hơi thở. 10 hay 20 giây là nhiều lắm. Một cái vọng thức, một hành động bộc phát chỉ cần một phần nghìn giây để phát khởi. Cho mình 20 giây là cho mình 20 nghìn lần của một phần nghìn giây để dừng lại con tàu suy nghĩ. Nếu muốn, ta có thể cho ta thêm thời gian.

Trong khoảng thời gian này, ta có thể nếm được hạnh phúc, niềm vui sướng của việc dừng lại. Trong khi dừng lại, cơ thể ta có khả năng trị liệu. Tâm ta cũng có khả năng trị liệu. Không một ai và không một thứ gì có thể ngăn cản ta tiếp tục chế tác niềm vui sướng trong khi ta bước bước thứ hai hay thở hơi thở thứ hai. Bước chân và hơi thở của ta luôn có mặt đó để giúp ta trị liệu cho chính mình.

Khi bước đi, có thể tâm ta bị thúc đẩy hoặc lôi kéo bởi tập khí tham đắm, giận hờn sâu dày và lâu đời. Thực tế, tập khí này luôn thúc đẩy ta bất kể ta đang làm gì, kể cả khi ta đang ngủ. Chánh niệm có khả năng nhận diện tập khí này. Nhận diện nó, mỉm cười với nó và tắm nó trong chánh niệm, trong sự im lặng ấm áp và bao la. Với sự thực tập này, ta có khả năng buông bỏ được tập khí tiêu cực. Trong khi đi, khi nằm, khi rửa bát, khi đánh răng, ta có thể để cho sự im lặng ấm áp và bao la này ôm lấy ta.

Im lặng không có nghĩa là không nói. Hầu hết những tiếng ồn ào náo loạn mà ta nếm trải là những cuộc độc thoại trong đầu. Chúng ta suy đi nghĩ lại lòng vòng. Vì vậy, khi bắt đầu ăn, ta nhắc nhở chính mình là chỉ ăn những thức ăn nuôi dưỡng mà không ăn những suy nghĩ. Ta thực tập chú tâm đến việc ăn. Không suy nghĩ, chỉ ý thức đến thức ăn và những người chung quanh.

Sống chánh niệm là khôi phục lại sự giàu có trong nội tâm

Điều này không có nghĩa là ta không được suy nghĩ hay đè nén suy nghĩ của ta. Đơn giản là khi đi, ta hiến tặng cho ta một sự nghỉ ngơi không suy nghĩ, bằng cách đưa sự chú tâm vào hơi thở và bước chân của mình. Nếu thật sự muốn suy nghĩ về điều gì đó, ta có thể dừng lại để suy nghĩ về vấn đề đó với tất cả sự chú tâm của ta.

Thở và đi trong chánh niệm cho phép ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống chung quanh ta, những suy nghĩ tán loạn sẽ tan biến đi rất tự nhiên. Ý thức được những mầu nhiệm đang có mặt đó cho ta, giúp cho hạnh phúc của ta phát khởi. Nếu có trăng tròn trên trời mà ta bận suy nghĩ thì trăng sẽ biến mất, nhưng nếu ta chú tâm vào trăng thì suy nghĩ của ta sẽ dừng lại rất tự nhiên. Ta không cần phải ép buộc hay la rầy mình, cũng không cần cấm mình suy nghĩ.

Im lặng không nói. Nếu ta có khả năng hiến tặng cho ta một sự im lặng sâu lắng hơn, không suy nghĩ thì trong sự yên lắng đó, ta có thể tìm thấy sự nhẹ nhàng và tự do tuyệt hảo.

Từ suy nghĩ, ta chuyển sự chú tâm về định trên những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, đó là sự thực tập chánh niệm căn bản. Ta có thể thực tập điều này bất cứ lúc nào, ở đâu, và ta sẽ thấy thích thú hơn trong cuộc sống. Dù đang nấu ăn, làm việc, đánh răng, giặt áo hay ăn cơm, ta cũng có thể thưởng thức sự im lặng tươi mát trong suy nghĩ và lời nói của ta.

Thực tập chánh niệm đích thực không yêu cầu ta phải ngồi thiền hay để tâm về những hình thức bên ngoài, mà đòi hỏi ta phải nhìn sâu để thưởng thức được sự tĩnh lặng bên trong. Nếu không làm được điều này, ta không thể chăm sóc được năng lượng bạo động, sợ hãi, hèn nhát và hận thù trong ta.

Khi tâm ta đang ồn ào hay phóng đi mà ta đi tìm sự yên tĩnh bên ngoài thì đó chỉ là một hình thức lừa gạt. Nhưng nếu tìm được một không gian tĩnh lặng trong lòng, thì không cần phải cố gắng, chúng ta cũng tỏa chiếu được bình an và niềm vui sống. Ta có khả năng giúp đỡ người khác, có khả năng tạo ra một môi trường có công năng trị liệu hơn mà không cần phải phát ra một lời nào.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Ước nguyện trong ngày mới

Sống an vui 08:08 20/12/2024

Một ngày mới bắt đầu...Tôi sẽ mở tâm hồn và trái tim mình để hoà nhập với những người xung quanh. Tôi sẵn sàng tha thứ cho mọi lỗi lầm của bạn bè mình. Tôi không kì vọng mình sẽ trở thành một người hoàn hảo, và bạn bè tôi cũng thế.

Hãy sống với tâm thái tích cực và chăm chỉ

Sống an vui 07:30 20/12/2024

Có một số người, vừa thấy thành tựu của ai đó, liền liên hệ ngay tới bản thân mình. Cảm thấy không bằng người thì tủi thân trách phận, và không hoan hỷ với thành công kia.

Ăn mặn gây hại sức khỏe thế nào?

Sống an vui 13:45 19/12/2024

Nhiều người lo ngại ăn mặn dễ cao huyết áp, ảnh hưởng chức năng tim, thận... nên tự kiêng muối. Chế độ ăn nhạt máy móc sẽ có ảnh hưởng không tốt tới hệ thần kinh, tuần hoàn, gây chán ăn, suy nhược cơ thể, thậm chí tử vong. Vậy ăn nhạt thế nào đúng?

Rắc rối đến từ việc không hiểu rõ chính mình

Sống an vui 12:58 19/12/2024

Giáo lý Đức Phật dạy có Tam Tạng Pali, nhưng cái cốt lõi của Đạo Phật không phải là nhiều. Vì vậy cho nên có những trường hợp Đức Phật chỉ nói có một câu kệ thôi mà có người đã đắc đạo quả ngay. Điều này chứng tỏ những điều cốt lõi trong giáo lý của Đức Phật không nhiều.

Xem thêm