Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 21/08/2019, 10:38 AM

Chất “Phật” trong con người Hồ Chí Minh (Kỳ I)

Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản vô giá trong kho tàng lịch sử tư tưởng của Việt Nam. Trong đó, hạt nhân tư tưởng của Phật giáo là một trong những tư tưởng văn hóa ảnh hưởng nhiều đến quá trình hình thành tư tưởng nhân văn của Người.

>>Những giáo lý Phật giáo nên đọc 

chat Phật trong chủ tịch Hồ Chính Minh 1

Trong hệ thống di sản tư tưởng phong phú và vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta ngày nay có tư tưởng về Phật giáo, trong đó, giá trị cốt lõi về triết lý nhân sinh quan, thế giới quan, trung tâm là hướng con người đến với “chân, thiện, mỹ”, “từ, bi, hỷ, xả”, “vô thường, vô ngã vị tha”, “cứu khổ cứu nạn”, để sống tốt đời đẹp đạo… những giá trị ấy đã ảnh hưởng nhiều đến quá trình hình thành tư tưởng nhân văn của Người, Người từng viết: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm” - Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Tập IV, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1958, tr.39.

Bài liên quan

Trọn cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề có tư tưởng bài xích hay có hành vi, chính sách cực đoan, thủ đoạn triệt phá tôn giáo như một số nước đã làm, Người đích thân đến thăm viếng nhiều di tích Phật giáo, thắp hương, cầu nguyện và đặt niềm tin đến chư Phật, chư Bồ tát, anh hùng dân tộc...trân trọng giá trị tâm linh truyền thống, nhằm phù hộ cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước giàu mạnh.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, thành kính với Phật giáo, hiểu sâu sắc giáo pháp nhu hòa mà kiên định tâm trí cùng dân tộc, có nhiều đóng góp to lớn quan trọng, hình thành nền độc lập tự chủ và mở mang văn hiến bền vững, đa dạng của người Việt. Từ sâu thẳm lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra chân lý: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như bóng với hình, tuy hai mà một...” - Hội thảo Quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh 1990 - NXB Khoa học Xã hội, trang 227.

Thấu hiểu được nỗi khổ, đau đớn của dân tộc và xã hội con người, hiểu nguyên lý THIỆN và ÁC, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết từ bỏ cuộc sống đầy đủ, hào hoa ở nước ngoài, nhận rõ mục đích cao cả, vai trò lớn lao của mình đối với dân tộc, Người về nước, sẵn sàng cam chịu hơn chục năm sống trong hang núi, chốn rừng hoang, gian khổ, thiếu thốn, thậm chí bị tù, đày, dấn thân đấu tranh giành độc lập, quyền bình đẳng, nhân tâm, khoan dung cho con người và các dân tộc. Hiểu lẽ đó, Người đã soạn thảo, thông qua Hiến pháp (1946), văn bản quan trọng nhất thể hiện thể chế, đường lối của Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên, ghi nhận quyền cơ bản: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do tín ngưỡng” - Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội…, NXB Chính trị Quốc gia, 2001, trang 468, khác với Hiến pháp một số nước cách mạng cùng thời đã xóa bỏ mọi hình thức tôn giáo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đại biểu Phật giáo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đại biểu Phật giáo.

Bài liên quan

Cách đây hơn 2.500 năm, khát vọng công bằng xã hội đã được Đức Thế Tôn nêu lên như một quy luật xã hội, cô đọng lại trong lời dạy nổi tiếng: “Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có đẳng cấp trong giọt nước mắt cùng mặn. Mỗi người khi mới sanh không phải có sẵn dấu tin-ca (tilca) trên trán, không đeo sẵn dây chuyền trong cổ” - Võ Đình Cường, Ánh đạo vàng, Phật học Viện Quốc tế xuất bản, USA, 1987, tr.92-93. Phật dạy các đệ tử: “Này các Tỳ kheo! Hãy tu hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho chư Thiên và loài người” (Tương Ưng Bộ kinh); “Này các Tỳ kheo! Xưa và nay Ta chỉ nói lên sự khổ và diệt khổ” (Trung Bộ kinh).

Giống với hạnh nguyện của Đức Thế Tôn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lớn lên trong cảnh nước mất nhà  tan, đã sớm nhận ra cảnh:

“Trên đời nghìn vạn điều cay đắng

Cay đắng chi bằng mất tự do”.

Hoàn cảnh đó đã thôi thúc người thanh niên ấy bất chấp mọi gian khổ hiểm nguy, bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước, cứu dân. “Tôi muốn đi ra nước ngòai xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta” -  Trần Dân Tiên, những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Văn Học, Hà Nội, 1970, tr.11. Với ý chí và quyết tâm đó, ngay giữa thủ đô Paris, trong sự bủa vây của mật thám Pháp, Người vẫn không hề nhụt đi ý chí quyết tâm, lý tưởng cứu nước, cứu dân của mình: “Tôi thích làm chính trị thì tôi chẳng sợ chết, cũng chẳng sợ tù đày. Trong đời này chúng ta chỉ chết có một lần, tại sao lại sợ?”- Nguyễn Phan Quang, Thêm một số tư liệu về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp 1917-1923, NXB TP.HCM, 1995, tr.47.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi thiền trong hang đá.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi thiền trong hang đá.

Đến với Phật giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh như đến với tư tưởng vị tha, cứu khổ, mưu cầu hạnh phúc, an lành cho con người, bình an cho xã hội. Và chính Người, nhà cách mạng đã hành động như một nhà hiền triết hướng đến những gì cao đẹp nhất của con người.

Con người tồn tại trên thế giới này, con người luôn bị chế ngự bởi dục vọng khổ đau, bệnh tật, sầu hận, chết chóc, đau thương… luôn luôn muốn vươn lên từ đời sống thấp hèn để tìm đến cuộc sống cao đẹp và an lạc hơn. Theo giáo lý nhà Phật, con người là tổng hợp của sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Ở một góc độ nào đó, con người luôn điều hòa và phát triển năm uẩn đó thế nào để đạt được hạnh phúc an lạc và giải thoát bởi trí dục, đức dục, thể dục, mỹ dục, tình cảm, sinh lý và lao động ngay trên cuộc đời con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Vua Lào lễ Phật tại chùa Quán Sứ năm 1963.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Vua Lào lễ Phật tại chùa Quán Sứ năm 1963.

Người cho rằng, trong mỗi con người phải có cái tâm, cái đức trong sáng. Người hết sức chú trọng về đạo đức và cái tâm của con người, có đạo đức, có cái tâm thì hành động làm theo lương tâm và đạo đức và chính Người cũng là một tấm gương về thực hành theo cái tâm, cái đức trong sáng và cao cả. Đức Phật dạy tín đồ, con người thông hiểu, tu hành từ muôn vàn giáo lý, đặng kết đọng hướng tới sống theo đức hạnh cao nhất: “Hãy gấp làm điều thiện, ngăn tâm làm điều ác” - Thích Minh Châu, Kinh pháp cú, Thiền viện Vạn Hạnh, trang 71.

Thấu lời Đức Phật, Chủ tịch Hồ Chí Minh chân tình, tinh lược trả lời nhà báo:

- “Chủ tịch ghét gì nhất? Trả lời: Điều ác.

- Chủ tịch yêu gì nhất? Trả lời: Điều thiện” - Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, tập 5, trang 428.

Cuối đời (6/1968), Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng xin chỉ thị chuẩn bị in sách Người tốt việc tốt, Hồ Chí Minh gợi mở: “Ta phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần THIỆN trong con người nẩy nở để đẩy lùi phần ÁC, chứ không phải đập cho tơi bời”-  Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, tập 12, trang 558.

Bài liên quan

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi yêu thương con người là phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Từ quan điểm đó, người luôn ý thức rằng làm thế nào cho mọi người được có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trong Phật giáo, các vị Bồ tát xem nỗi đau khổ của chúng sinh là nỗi đau khổ của mình, bao giờ nỗi đau khổ của chúng sinh chưa dứt thì thề chưa thành Phật, ngài Địa Tạng Bồ tát thệ nguyện:

“Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề,

Địa ngục vị không thệ bất thành Phật”.

(Chúng sinh độ hết mới chứng đạo Bồ đề,

Địa ngục nếu còn thề không thành Phật).

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" - Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập 4. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1984, tr.100. Với tấm lòng bao dung, độ lượng và luôn hướng đến điều thiện, dạy con người hướng đến giá trị tốt đẹp, Người nói: "Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng ta, phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, từ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác".

Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng tại chùa ở Thái Lan, Pháp danh là Thầu Chín.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng tại chùa ở Thái Lan, Pháp danh là Thầu Chín.

Người tôn trọng mọi tôn giáo, tín ngưỡng, không xúc phạm niềm tin kể cả phong tục tập quán của mỗi họ tộc, Người còn giúp xây chùa, hành pháp Phật. Năm 1927, khi Người đang sống và hoạt động cách mạng ở tỉnh Uđon-thani (Thái Lan), sư cụ Thượng toạ chùa Oắt-phô cho biết: “Hồi ấy, chùa xây điện thờ chính... việc chỉ đạo xây điện do ông Nguyễn đảm nhiệm, ông Nguyễn kêu gọi bà con Việt kiều góp của, góp công, mua sắm nguyên vật liệu cho chùa rất nhiều...” - Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh. 1990, NXB Khoa học Xã hội, trang 166.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nhiều chùa như: chùa Hương, chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, chùa Thầy, chùa Trầm, chùa Côn Sơn, đền Ngọc Sơn, đền Hùng, Kiếp Bạc, Cổ Loa,... thành kính thắp hương, thông suốt linh mạch thiên - địa - nhân và kết nối âm phù dương trợ. Người không quên nhắc nhở nhà sư “ra sức cầu Phật cho kháng chiến chóng thành công” - Vũ Kỳ, càng nhớ Bác Hồ, trang 330.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nhiều chùa như: chùa Hương, chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, chùa Thầy, chùa Trầm, chùa Côn Sơn, đền Ngọc Sơn, đền Hùng, Kiếp Bạc, Cổ Loa,...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nhiều chùa như: chùa Hương, chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, chùa Thầy, chùa Trầm, chùa Côn Sơn, đền Ngọc Sơn, đền Hùng, Kiếp Bạc, Cổ Loa,...

Ngay sau khi giành độc lập, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vùng đất linh, chùa thiêng và hiểu sẽ đến thời kỳ suy đồi chung trên thế giới, đạo bị cấm, chùa, đền, đình... bị tàn hại, Người sớm khẩn cấp ký Sắc lệnh số 65 (23/11/1945) kịp thời, phần nào chặn tay kẻ ác: “Bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, cấm phá huỷ đình, chùa, đền, miếu, các cổ vật… có ích cho lịch sử” - Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, tập 3, trang 74.

Ngày 5/1/1946, tại chùa Bà Đá, Hội Phật giáo Cứu quốc tổ chức tuần “Mừng Liên hiệp quốc gia”, cầu nguyện cho nền độc lập. Trước thành viên Chính phủ, tăng ni, Phật tử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thành tâm đọc lời thề: “... Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ” - Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, tập 4, trang 148. Từ những suy nghĩ đó, Hồ Chí Minh quan niệm: “Trong bầu trời không có gì tốt đẹp vẻ vang bằng phục vụ lợi ích cho nhân dân, việc gì có lợi cho nhân dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.

Cây Bồ đề chùa Trấn Quốc do Tổng thống Ấn Độ tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cây Bồ đề chùa Trấn Quốc do Tổng thống Ấn Độ tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1958, theo lời mời của Tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm, trong chuyến đi có buổi đến chùa lễ Phật, Người nói: “Chúng tôi rất sung sướng được thăm quê hương Đức Phật, quê hương của một trong những nền  văn minh lâu đời nhất thế giới” - Hồ Chí Minh. Truyện và ký. NXB Văn Học, Hà Nội, 1985, tr.208.   Nhà thơ Huy Cận viết: “Khi bình sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn có một tấm long kính mộ sâu sắc và cảm động đối với Đức Phật Thích Ca – người sáng lập ra đạo Phật, cũng như đối với tất cả các vị sáng lập những tôn giáo lớn. Người đã cảm nhận ở các vị giáo chủ này trước hết là lòng thương cảm sâu sắc đối với số phận của những chúng sinh và ý muốn thiết tha làm sao giảm nhẹ hoặc xóa bỏ những nỗi đau khổ của con người trên trái đất” - Cù Huy Cận, Hồ Chí Minh – nhà văn hóa lớn, một người hiền của thời đại chúng ta, Báo Nhân Dân ngày 1-9-1989.

Tổng thống Ấn Độ tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh cây Bồ Đề nơi Đức Phật tọa thiền và thành đạo, Người cho trồng tại chùa Trấn Quốc, ngôi chùa linh thiêng bậc nhất của Thủ đô.

Phật giáo bị đàn áp dưới thời Ngô Đình Diệm.

Phật giáo bị đàn áp dưới thời Ngô Đình Diệm.

Bài liên quan

Ở Miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách kỳ thị tôn giáo, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Tăng Ni, Phật tử “hãy ra sức giúp đỡ cán bộ, hăng hái thực hiện mọi công tác của Chính phủ, chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, ngăn chặn âm mưu của Mỹ – Diệm và bọn tay sai chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, hãy ra sức đấu tranh giành thống nhất đất nước”-  Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Tập IV, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1958, tr.39.

Khi chính quyền Ngô Đình Diệm tiến đến chính sách tiêu diệt Phật giáo bằng việc ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo thế giới vào dịp Lễ Phật đản năm 1963, Tăng Ni, Phật tử miền Nam đã đứng dậy đấu tranh quyết liệt.

Để phản đối chính sách bất công, gian ác của chính quyền Ngô Đình Diệm, ngày 11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn với hạnh nguyện:

“Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác,

Tro trắng phẳng san hố bất bình”- Kệ thiêu thân cúng dường Chánh pháp của Hòa thượng Thích Quảng Đức viết trước lúc tự thiêu.

Trước sự hy sinh phi thường và dũng cảm của Hòa thượng Thích Quảng Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức cảm động và Người đã có câu đối kính viếng Hòa thượng:

“Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt.

Lưu danh bất tử bách niên chính khí địa sơn hà” - Phạm Hoài Nam. Bồ tát Thích Quảng Đức, ngọn đuốc xả thân vì Đạo pháp và Tổ quốc. Báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 30-5-2005..

Bồ tát Thích Quảng Đức – Vị pháp thiêu thân.

Bồ tát Thích Quảng Đức – Vị pháp thiêu thân.

Bài liên quan

Ngày 28-8-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời tuyên bố, nghiêm khắc lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp dã man Tăng Ni, Phật tử và khủng bố, bắt bớ giáo sư, sinh viên, học sinh miền Nam: “Gần đây, ở miền Nam Việt Nam lại xảy ra thêm một tình trạng cực kỳ nghiêm trọng và đau thương. Bọn Ngô Đình Diệm đốt phá chùa chiền, khủng bố sư sãi và đồng bào theo đạo Phật. Chúng đóng cửa các nhà trường, bắt bớ hàng loạt giáo sư và sinh viên, học sinh. Tội ác của chúng, nhân dân ta đều căm giận. Cả thế giới đều lên tiếng phản đối, nhân dân tiến bộ Mỹ cũng tỏ lòng bất bình…

Trước tình hình ấy, đồng bào miền Nam ta đã đoàn kết nhất trí, không phân biệt sĩ nông công thương, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, kiên quyết đấu tranh để giành lại tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam tất yếu sẽ thắng lợi: “Dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, cuộc đấu tranh chính nghĩa của đồng bào miền Nam được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, nhất định giành được thắng lợi”; đồng thời bày tỏ sự cảm ơn đối với nhân dân thế giới đã ủng hộ cuộc đấu tranh của Tăng Ni, tín đồ Phật tử miền Nam chống chế độ bạo quyền Ngô Đình Diệm: “Thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn nhân dân và chính phủ các nước Phật giáo, các nước xã hội chủ nghĩa anh em, cảm ơn nhân dân yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa trên thế giới, cảm ơn nhân dân và nhân sĩ tiến bộ nước Mỹ đã nghiêm khắc lên án Mỹ – Diệm và nhiệt tình ủng hộ nhân dân miền Nam” - Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình miền Nam Việt Nam hiện nay. Báo Quân Đội Nhân Dân, ngày 29-8-1963, tr.1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo trong quá trình hoạt động cách mạng của Người, cả trong nhận thức và trong hành động có một mối quan hệ vô cùng sâu sắc. Phật giáo đồng hành cùng dân tộc càng được tỏ rõ. Chính điều đó đã giải thích được câu hỏi: vì sao Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến đã đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn và đã có những đóng góp hết sức to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Và ngay cả trong thời kỳ hòa bình,  Phật giáo vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng  xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?

Kiến thức 20:09 02/11/2024

Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.

Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp

Kiến thức 14:50 02/11/2024

Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.

Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa

Kiến thức 13:29 02/11/2024

Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.

Nói về Tứ niệm xứ

Kiến thức 10:40 02/11/2024

Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.

Xem thêm