Chủ nhật, 25/08/2024, 09:30 AM

Chiếc áo mẹ đan

Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ tuổi lên năm. Và hiển nhiên, làm sao có thể ghi nhận được mọi diễn biến! Nhưng điều không phủ nhận, trí nhớ có giữ lại ít nhiều - nơi đó trong tôi, là hình ảnh của người mẹ đã bắt đầu có những hiện tượng thăng trầm vì bệnh.

Thoạt đến rồi đi. Kéo theo cả hình hài, vóc dáng.

Nỗi nhớ không thể giữ lại hết không gian ngày ấy - của đứa bé chưa biết tỏ bày. Nhưng có thể cô đọng lại vài khuôn dạng. Đậm nét nhất là hình ảnh mẹ ngồi sau hiên nhà, sát bên là căn bếp. Im lặng ngồi đan áo.

Nhớ sao cho vừa! Đó là những năm bước đến ngưỡng vỡ lòng, chuẩn bị bắt đầu đặt chân vào mẫu giáo. Mẹ đã thọ bệnh nhưng vẫn thích ngồi đan áo cho tôi.

Ngoài việc ước đoán cho vừa vặn chiếc áo len đan, đã bao lần mẹ gọi đến để so vai và nách áo. Nhưng cùng lúc, mục đích không muốn tôi rụt rè, lo sợ vì những ngày đến tôi sẽ chính thức bước vào trường công lập Nam Tiểu Học.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Không biết phải mất bao nhiêu thời gian, mẹ mới đan xong chiếc áo len cho kịp ngày tôi đi học, nhưng đáng nói, là cho kịp mùa khi gió chớm thu sang.

Riêng tôi ngày ấy, mỗi trông mong là chiếc áo vẫn còn trên tay mẹ, để còn nghe lời vỗ về, thầm thì cho mỗi lần ướm thử lên người tôi những mảng áo len mang hương vị chiên xào. Tôi thích lắm. Nỗi thích thú, đơn giản trong ý tưởng ngây thơ, áo đan chưa xong có nghĩa là sẽ được trì hoãn ngày đến trường. Vì nỗi lo sợ phải bước ra khỏi không gian dẫu chỉ là cái tổ chắt chiu nhưng yên lòng khi có mẹ.

Có nói gì, ngày khai trường phải đến. Tuy nhiên, buổi sáng mai năm đó không như những trẻ cùng lứa một thời. Và buổi đi học đầu tiên của tôi không được ghi nhận êm đềm như Thanh Tịnh - được mẹ nắm lấy tay mình vào “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh”.

Sáng mai năm ấy, mẹ tôi mắt quầng thâm, vì bệnh tình thấm nặng theo ngày. Mỗi gắng sức còn có thể, là cố gượng lên để mặc cho tôi chiếc áo len vừa đan xong khoảng chiều qua, lúc gió chướng trở mùa. Tôi có thể nghe hơi thở của người bên tai, dặn dò âu yếm:

- Có áo len mới, đi học phải ngoan nghe không?

Được mẹ ôm trong lòng, thay vì tôi muốn khóc nhưng khi quay nhìn lại, cũng là lúc thấy mắt mẹ rưng rưng, tôi cố gắng mỉm cười. Không hay rằng, ngay ở tuổi bé thơ, tôi đã cảm nhận, bắt đầu tự răn đe lấy chính mình, sẽ phải làm gì nếu không có mẹ.

Hôm đó, theo anh tôi, hối hả bước ra khỏi nhà, gần như là phải chạy. Cho kịp đến trường. Cho bước chân dài hơn. Để mau trưởng thành, nhìn thấy trời cao, theo với người lớn khôn. Chạm với đời cơm áo.

Mùa Thu ngày nọ đi qua. Mẹ tôi cũng phải về với đất. Rơi, như lá vàng khô. Bóng mẹ có còn lảng vảng, thiết tha, níu kéo theo tôi chút nào là chiếc áo len. Tuy nhiên, chiếc áo len ôm ấp đến mức nào, nhiều lắm cũng chỉ thêm được vài mùa ướt lạnh.

Tôi ra khỏi chỗ nằm xưa bên mẹ. Theo với bề rộng bên ngoài. Ngẩng lên, với chiều cao cây lá. Chiếc áo không đủ lớn theo tôi, nên cũng đành nằm hoài một chỗ, dỗi hờn. Có chỗ rạn mềm, đưa đến sợi tuột ngang. Có sợi sơ mòn lặng yên giấu mặt. Như chó con, quấn tròn quanh những chiếc áo có mùi mô hôi của người chủ, nhớ thương.

Như tôi, đã lắm lần giấu mặt trong chiếc áo len cũ mèm, xơ xác. Hít hà, nếm lấy hơi hám của hơi thở phà quanh, mà thèm khát vô cùng hương vị mặn cay, xen lẫn mùi tiêu nguồn, tỏi gừng, đượm với cả mùi chiên thơm giòn, kho tương cá lóc. Cùng lúc, như đã bao lần, tưởng thấy người lờ mờ qua manh áo. Chỗ lành, chỗ thủng giấu mình, che những giọt ơ hờ, rơi lăn trên mặt.

Những giọt ngậm ngùi của đứa bé ngủ mê. Giữa giấc chiều hôm - mơ, thấy mẹ dịu dàng ngồi dưới hiên sân, bên chái bếp nấu cơm. Tay vẫn thoăn thoắt đôi kim, đan áo.

Rồi cũng qua!

Những chiếc áo len thay nhau theo mỗi chặng đời. Tiếp tục tràn ngập lên nhau theo mỗi mùa mưa lạnh. Nhưng cho dẫu có bao nhiêu sắc màu phủ kín, tôi vẫn không tìm thấy lại hương sắc của chiếc áo len thuở nào. Chiếc áo len đầu đời, được mẹ đan - vẫn còn nằm im lìm trong tâm khảm.

C H I Ế C ÁO L E N

Chiếc áo mẹ đan năm vào tiểu học

Xen lẫn hương tiêu, khói bếp, tỏi, gừng

Bởi lẽ khi đan người vừa nấu nướng

Đượm cả mùi chiên cá lóc kho tương

 

Ôm ấp trong người bao mùa gió chướng

Ấm áp vai còm những sáng mù sương

Chiếc áo đi theo qua từng buổi học

Có hôm về quên: trong lớp, sân trường

 

Mùa gió lại sang áo giờ đã ngắn

Có sợi tuột ngang; có sợi xơ mòn

Mang chiếc áo len, chỗ lành; chỗ thủng

Lạnh bước ngày thu

Mẹ đã không còn

 

Mùa lá vàng khô

Mẹ giờ xa vắng

Vắng cả bếp chiều gió thoảng khói lam

Vắng người ngồi bên đôi kim đan áo

Hương áo một thời lãng đãng, xa xăm

Một Giấc Vu Lan.

Tháng Tư 2024

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà

Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024

Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.

Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn

Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024

Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.

Tôi tin nhân quả

Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024

Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.

Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…

Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024

Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.

Xem thêm