Cho con đi tu nghen má?
Một buổi chiều, khi má tôi đang ngồi sàng bắp chuẩn bị cho buổi chợ sáng mai, tôi ngồi nhìn má hai tay đều đều xoay cái giần, mớ mày bắp dần dần gom lại chính giữa và má chụm hai tay hốt hất mớ mày ra ngoài một cách gọn gàng. Thấy má vui nên tôi buột miệng nói: “Cho con đi tu nghen má?”
Cái giần trên tay ngừng khựng, má thừ người một hồi rồi bần thần nói: “Nhà có hai má con... Liệu đi tu có được không hay vì ham vui nay tu mai bỏ về thì mang tội.”
Có lẽ trong ý nghĩ của má, tôi là đứa con được nuông chiều từ nhỏ nên vô chùa sẽ khó mà chịu được sự cực nhọc, và má cũng muốn tôi ở nhà với má.
Má thốt hai tiếng “Tùy con” một cách cam lòng, đúng như tính ít nói của má và lòng thương con không nỡ can ngăn. Rồi thì má may cho tôi hai bộ áo vạt khách với hai cái quần lá nem và đưa tôi tới chùa.
Khi đó tôi chưa biết là tôi vừa quyết định một điều trọng đại của đời mình, chỉ là thích ở chùa đọc kinh mà thôi, chưa hề có ý thức về tu hành như thế nào, chưa từng ở chùa ngày nào, không hiểu sự đi tu để làm gì. Chỉ biết khởi tâm thích tiếng mõ chuông và tiếng bảo chung mỗi khi đến thời công phu chiều.
Ngày rằm tháng Tư năm 1963 thầy tổ chức lễ xuất gia cho tôi, rất đơn sơ, chỉ có má tôi chứng kiến. Thầy mời má tôi nguyện hương trước chánh điện nhưng má tôi từ chối vì “Con tôi muốn đi tu, tôi bằng lòng nhưng nó còn quá nhỏ không biết vô chùa ở được bao lâu, tôi không thể phát nguyện cho con, lỡ mai mốt nó tu không được tôi lại mang tội thất hứa với Phật.”
Thầy cạo tóc tôi chừa lại một cái vá ở chỏm, vài ngày sau, thầy dẫn tôi ra chùa Bửu Khánh, sư ông Thiện Đức ở đó đặt cho tôi pháp danh Thiện Bảo.
Từ đó tôi trở thành một chú đạo ngày ngày quanh quẩn mái chùa làng quê.
Thời gian biểu của tôi có thêm ba thời khóa tụng kinh công phu chiều, tịnh độ buổi tối và công phu khuya. Chiều, đi học về, ăn cơm, tụng kinh xong thì hai chú đạo kia vì đã nghỉ học nên đi ngủ sớm, còn lại mình tôi với cây đèn dầu ngồi học bài làm bài trên trường, bốn giờ sáng thức dậy công phu, sau đó tôi chạy về nhà phụ má bưng mấy thau bắp đem xuống xuồng qua chợ bán, phần má thì luôn để dành lại cho tôi một dĩa cơm cháy bắp là món tôi thích. Ăn sáng ở nhà xong, tôi chạy về chùa quét dọn và cùng với hai chú đạo nấu cơm trưa. Bữa cơm chùa quê đơn giản chỉ có rau lang luộc, canh khoai lang nấu với bù ngót, có hôm là bông súng nấu canh hoặc rau muống luộc chấm tương chao... Ăn trưa xong thì tôi đi học trường làng như thường lệ. Mấy đứa bạn học cùng lớp hay nhìn chỏm tóc của tôi mà tò mò đủ chuyện, có đứa còn hỏi “Má mày đuổi không cho mày ở nhà hả?” Cô giáo Thể thì nhẹ nhàng hơn “Tại sao em đi tu?” Tôi không biết trả lời ra sao, chỉ cười và lặng thinh.
Mùa hè tới, học xong lớp nhứt, một hai đứa bạn cùng lớp may mắn có được gia cảnh khá giả thì bàn chuyện qua trường xã học tiếp đệ thất, phần lớn thì nghỉ học ở nhà làm ruộng. Tôi không đi học trường lớp nữa thì hoàn toàn ở chùa, ngày ngày hai thời công phu và khi có đám tang thì theo thầy tụng kinh.
Sau này tôi mới biết, thầy xuất gia khi tuổi đã cao, được hòa thượng Thích Bửu Thành làm lễ thế phát tại chùa Nam An ở Mặt Dưng An Giang và đặt đạo hiệu là Trí Hoa, thuộc dòng Lâm Tế thứ 40.
Nhập chúng tu học tại chùa Nam An được ba năm, thầy về lại Kiên Giang và y chỉ Yết ma Thích Thiện Đức trụ trì chùa Bửu Khánh (Rạch Mẽo, Kiên Giang). Sư ông Thiện Đức thấy thầy tu tập rất tốt nên cử thầy về Bửu Thọ. Lúc đó, thật lòng thầy không muốn đảm nhận công việc trụ trì nơi đây. Một phần vì thầy mới xuất gia chưa được bao lâu, một phần khi ấy tuổi thầy đã gần sáu mươi, thân thể đã chớm bệnh này tật kia. Nhưng không muốn phụ lòng Sư ông Thiện Đức và nghĩ tới bà con nơi thôn quê nghèo khó mà không có tăng ni chăm sóc đời sống tinh thần nên thầy đồng ý. Có lần thầy nói với tôi “Cả hơn nửa đời của thầy đã lăn lộn trong thế gian, nay cuộc sống còn lại bao năm thầy xin hiến dâng cho Tam Bảo.”
Lúc thầy mới về, chùa chỉ có ngôi chánh điện bằng lá xiêu vẹo, mái thì dột, cột thì mối mọt, vách lá thì rách, chánh điện thì ngập nước, thầy chẳng bao giờ ngủ được ngon giấc khi trời đổ mưa. Vậy mà với đôi tay cần mẫn và bằng tất cả tấm lòng của người tu, thầy đã tạo dựng được Tổ đường, phòng nghỉ và nhà bếp. Diện mạo ngôi chùa sau khi thầy về khang trang hơn nhiều so với trước.
Ông Nguyễn Văn Sương (thường gọi bác Tám Sương) được cử làm thủ bổn tức là thủ quỹ của chùa nhưng ông chẳng giữ được đồng nào, vì khi ấy ai cũng thiếu trước hụt sau, làm không đủ ăn thì lấy đâu ra tiền mà cúng dường. Đến ngày lễ lớn như rằm tháng giêng, Phật Đản và Vu Lan... thì mọi người hùn nhau vài trái dừa và mấy lít nếp để nấu nồi xôi, nồi kiểm. Trước dâng cúng Phật sau là người dân đến chùa lễ lạy xong thì cùng hưởng chút lộc Phật.
Quanh năm suốt tháng, thầy trang trải cuộc sống bằng sức lao động của mình. Vì thương ông thầy già cặm cụi sớm hôm một thân một mình chăm sóc ngôi chùa nghèo nên người trong xóm mỗi khi thiếu cái bàn cái ghế hay tủ chén tủ thờ đều đến thuê thầy đóng. Thầy rất khéo tay nên sản phẩm không chỉ bền chắc mà còn sắc sảo. Công việc thợ mộc có chút thu nhập giúp cuộc sống của thầy đỡ cực và cũng nhờ nghề mộc mà thầy kết thân được với một vài ông bạn già trong xóm, nhờ đó mà bớt quạnh hiu và có người chăm sóc giúp đỡ thầy mỗi khi trái gió trở trời.
Ông Nguyễn Văn Chất (thường gọi bác Năm Chất) là người thường xuyên lui tới uống trà, tâm sự với thầy chuyện ruộng đồng. Dù bác Năm Chất không phải là Phật tử, bác chẳng biết quy y là gì, nhưng chứng kiến thầy vất vả và hết lòng hết dạ với ngôi chùa làng, bác sinh lòng cảm mến và về bàn với các con hiến hai công đất sau chùa để thầy trồng trọt. Nghe vậy thầy rất mừng và nói với tôi rằng “Thầy trò mình có cơ hội xây dựng lại chùa rồi.” Mừng vui và cũng rất lo lắng bởi từ trước tới nay thầy chỉ làm công cho ghe lưới và làm mộc chứ nào đâu biết làm vườn.
Sau khi nhận đất, thầy thuê một vài người cùng thầy đào mương, lên liếp đốn tre, hạ trúc, chặt sậy làm giàn. Thầy ra Rạch Giá mua các loại hạt giống như bắp, khổ qua, đậu đũa, dưa leo về trồng. Có khi thu hoạch đem ra chợ bán được tiền, có khi chỉ đủ thầy trò ăn và đem biếu bác Năm
Chất và bác Tám Sương cùng với vài người quen thường mang gạo và nước tương đến cúng chùa.
Tôi nhớ có lần thầy trồng dưa hấu và hy vọng sẽ bán được giá khi tết đến, nhưng thật thê thảm vì nguyên cả mảnh đất trồng dưa bị sâu ăn hư sạch. Bao nhiêu vốn liếng và công sức bỏ ra chẳng những không thu được đồng nào mà còn thiếu nợ tiền mua giống mua phân. Thế là ước nguyện trồng hoa màu để có tiền sửa chùa suốt hai năm trời không thể thực hiện được.
Đáng ra, cái tuổi ngoài sáu mươi người ta thường nghỉ ngơi dưỡng già thì thầy lại cần mẫn ngày đêm, không ngại gian lao khó khổ. Cũng chính vì lao động nặng nề mà ăn uống kham khổ đã vắt cạn sức lực của thầy. Da thầy xạm, thân thể ốm gầy, mắt sâu hút, hai má hóm vào vì hai hàm răng rụng hết. Vậy mà lúc nào thầy cũng cười vui vẻ lạc quan. Tôi chỉ thấy thầy buồn khi hai chú đạo bỏ chùa trở về nhà với cha mẹ. Nỗi buồn của thầy còn là vì túng quá nên không có quà cho đệ tử nhỏ tuổi lúc chia tay.
Năm kế tiếp lại càng khó khăn hơn nhưng thầy vẫn kiên trì nhẫn nại lo cho chùa. Làm vườn không được mà sức khỏe ngày càng kém dần nên thầy học làm nhà kho, nhà minh khí với ông Năm thầy cúng ở An Hòa. Thầy đặt người ta làm một cái mộc bằng gỗ, phía trong là bài chú vãng sanh bằng chữ Tàu. Thầy mua mực đỏ về pha với dầu lửa rồi đóng dấu lên trên giấy vàng mỏng, cuốn lại bỏ vào nhà kho. Gia đình nào có nhu cầu làm tuần thất thì mua về đốt cho người thân đã mất.
Thầy làm đủ thứ để kiếm tiền sửa sang chùa. Nhưng chắt chiu từng đồng từng cắc, tích góp dành dụm cả năm mà vẫn không dư được bao nhiêu. Khó khăn quá nên trong lần về thăm nhà, thầy dự định sẽ nhờ vợ chồng người con trai cả giúp đỡ một ít để thầy trả nợ cho người dân trong xóm. Dù họ rất thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của thầy và họ biết tiền thầy mượn là để sửa sang chùa chứ không hề tư túi gì, nhưng thầy vẫn cảm thấy áy náy vô cùng mỗi khi gặp họ.
Dự định là vậy nhưng khi về nhà gặp cảnh ghe đánh cá mới về, những cặp vợ chồng con cái và người làm công đang ngồi vá lưới, ... thầy chỉ hỏi thăm vài câu rồi vào thắp hương cửu huyền và ra về.
Khi hai thầy trò ngồi trên chiếc xe Lambetta về lại chùa, tôi hỏi: “Thưa thầy, thầy quên hay sao mà thầy không xin tiền anh chị hai?”
Thầy nói: “Thầy đâu có quên, nhưng mà nghĩ lại. Thầy đã bỏ gia đình đi tu không giúp được gì mà lại khiến con cháu thêm nặng gánh quả thật lòng thầy cảm thấy không vui. Thôi, thầy trò mình cố gắng vượt qua khó khăn, sông có khúc người có lúc con à.” Nói xong thầy lại mỉm cười tỏ vẻ lạc quan.
Nói vậy, mà về chùa lòng thầy cũng không yên vì nợ mượn chưa trả được mà tết Nguyên đán đã gần kề. Năm đó, thầy tìm đến một ông thầy cúng lấy về một số loại giấy mà dân gian thường dùng dán trước cửa nhà khi Tết đến. Thầy đưa tôi một xấp giấy hồng đơn in mực tàu và bảo: “Đây là lá phù Thái Tuế, dùng treo ở cửa cái vào dịp xuân về để xua đuổi tà ma, ngăn chặn những điều xấu vào nhà. Con chịu khó đem những miếng giấy này đến nhà bà con quanh đây bán cho họ, nhưng không nên nói giá mà tùy họ cho bao nhiêu mình nhận bấy nhiêu, biết đâu bán được thì thầy trò mình có tiền ăn tết”. Lúc đó, thật lòng tôi không muốn đi nhưng câu “con quyết lòng vì đạo hy sinh” vang vọng bên tai khiến sự mặc cảm trong tôi tan biến!
Tôi còn nhớ khi ấy tôi mặc bộ đồ vạt khách màu nâu đậm, trên đầu đội khăn, tay xách cái giỏ cói, bên trong đựng chừng năm mươi miếng giấy hồng đơn. Mỗi miếng bề ngang khoảng hai mươi phân bề dài tầm bốn mươi phân có in chữ Tàu. Tôi đọc được hai chữ “Sắc Lệnh” và khuôn hình bát quái, còn lại thì ngoằn ngoèo tôi không biết là chữ gì. Vì ngại gặp người quen nên tôi đi xuống khu vực Cầu Móng cách xa chùa chừng năm cây số để bán. Suốt ba ngày tôi đi từ sáng đến trưa, có người thấy tội nghiệp tôi nên mua ủng hộ nhưng bán không được bao nhiêu. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi đi bán dạo và đó cũng là kỷ niệm sâu đậm nhất trong những ngày tháng tôi sống cùng thầy nơi ngôi chùa làng quê.
Làm gì cũng thất bại và ngay cả dịp tết đi bán lá phù dán cửa nhà là một trong những thứ mà người dân quê lạc hậu thường chọn cho những ngày đầu năm mới mà cũng rơi vào cảnh ế ẩm, cảnh chùa túng trước thiếu sau, thầy an ủi tôi “Đừng vì vậy mà nản nghe con. Chuyện đi tu là dễ nhưng giữ được đạo tâm lâu bền mới là khó.” Thật tình, thầy nói gì thì tôi cũng “Dạ” chứ khi đó tôi có hiểu gì đâu, chỉ biết là thầy đang an ủi để tôi đừng buồn nản mà bỏ chùa về nhà như hai chú đạo kia. Mà tôi thì chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ chùa, suốt đường tu dù những lúc trở ngại nhất tôi có khi buồn khi lo lắng nhưng ý nghĩ bỏ chùa thì chưa bao giờ xuất hiện trong đầu.
Nhớ lại giai đoạn đầu đời tập tu đó, tôi chỉ được thầy dạy hai thời công phu sáng tối. Nhưng tôi không thấy buồn bực chán nản mà vẫn thích tu và lòng tôn kính trò dành cho thầy thì đúng như bài học cô Thể dạy:
“Trọng thầy mới được làm thầy
Những phường vô lễ sau này ra chi.”
Chùa quê, thầy quê mùa, trò cũng quê mùa, hàng ngày lặp đi lặp lại chừng đó việc và thời gian cứ vậy trôi qua. May sao có một dịp được đi học, đó là lần thầy gởi tôi cho Sư ông chùa Bửu Khánh tại Rạch Mẽo gần thị xã Rạch Giá cách chùa làng tôi khoảng mười lăm cây số.
Chùa Bửu Khánh nằm cách mặt lộ ra thị xã Rạch Giá khoảng một trăm mét không phải là một ngôi chùa cổ nhưng kiến trúc theo lối xưa. Thờ tam thánh Di Đà, Quan Âm, Thế Chí trên chánh điện, và cũng thờ rất nhiều vị Phật và Bồ Tát. Tường xây, mái ngói, nền lót gạch tàu, phía sau chánh điện là nhà thờ tổ, hai bên nhà thờ tổ có hai phòng. Một phòng của Sư ông còn phòng kia khi tôi đến thì Sư ông cho tôi vào đó ở, phía sau cùng là nhà bếp. Ở đây tôi chỉ công phu chiều thí thực cô hồn và buổi tối Tịnh độ đọc kinh một mình, thời công phu sáng chỉ thỉnh đại hồng chung. Tôi có cảm giác chùa Bửu Khánh hơi huyền bí so với chùa quê tôi.
Chùa Bửu Khánh cũng vắng vẻ, chỉ có một mình Sư ông, thỉnh thoảng thấy một vài người đến nhờ Sư ông xem ngày dựng nhà hoặc cưới hỏi... Trong thời gian tôi ở đó, buổi tối không thấy có Phật tử tới tụng kinh, chỉ có người con trai của một gia đình sống gần chùa thường tới làm công quả quét dọn bàn thờ Phật vào buổi sáng.
Ở đó tôi được dạy chữ nho, quyển sách đầu tiên tôi học là Minh Tâm Bửu Giám bằng Hán văn do Sư ông viết tay bằng mực tàu, nét rất đẹp.
Trong sách trích dạy lời Khổng Tử như là “Vi thiện giả, thiên báo chi dĩ phúc. Vi bất thiện giả, thiên báo chi dĩ họa” Dịch nghĩa: người làm điều tốt lành thì trời lấy phúc báo đáp lại người đó, kẻ làm điều không tốt lành trời lấy họa báo đáp lại kẻ đó. Và lời của Mạnh Tử “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong.” Dịch nghĩa: thuận theo lẽ trời thì còn, nghịch với lẽ trời thì mất.
Sau này, tôi mới biết bất cứ vị xuất gia nào mới bước chân vào đạo đều phải học bốn quyển Luật Tiểu bằng Hán Văn (Tỳ Ni, Oai nghi, Sa di và Cảnh Sách) thuộc cả âm lẫn nghĩa. Nhưng lúc đó, tôi không hiểu tại sao Sư ông không dạy Kinh Phật mà dạy sách Nho gia, nhưng còn quá nhỏ để phân biệt chỉ biết Sư ông dạy gì thì tôi học nấy!
Khoảng ba tháng sau thì thầy tôi tới xin Sư ông cho tôi về. Thầy nói: “Thôi về chùa mình tự học.” Mong muốn được ở lại học thêm nữa, nhưng tôi đành vâng lời thầy trở về chùa làng. Tôi xin Sư ông quyển Minh Tâm Bửu Giám có chú âm Hán Việt, và Tam Tự Kinh...Tôi tự học bằng cách viết chữ trên lá chuối với cây bút lông. Một tàu lá chuối chia ra nhiều mảnh nhỏ, lật mặt bề trái xanh nhạt, viết chữ xong thì tôi lấy giẻ lau sạch rồi viết lại. Mỗi mảnh lá chuối viết được ba bốn lần mới bỏ đi.
Từ ngày đó về sau, dù vẫn còn nợ dân trong xóm nhưng tôi không nghe thầy nhắc chuyện khó khăn tài chính nữa. Một hôm thầy kêu tôi lại và nói: “Thôi con ở lại giữ gìn chùa, thầy ra Hòn Nghệ tịnh tu một thời gian.”
Vậy là thầy đi.
Một mình ở lại chùa tôi tiếp tục đi cúng đám tang, làm nhà kho, nhà minh khí... không chỉ chuông mõ đọc kinh mà nhờ chăm chỉ tự học chữ Hán nên tôi còn tự viết được liễn tang và lá triệu cho gia đình khi người ta có nhu cầu!...
Nếu không có duyên sâu dày với Phật Pháp có lẽ đường tu của tôi chỉ là ông thầy cúng nhà quê dốt nát dựa dẫm kinh Phật làm kế mưu sinh. Quanh tôi là những người dân quê đến chùa vào ngày mùng một và rằm để cầu xin Trời Phật gia hộ, họ cần có ông thầy tu để khi đám tang tụng kinh cho người chết, đốt vàng mã, cúng tuần thất. Vậy thôi.
Và nếu không có sự trợ giúp của má... Những khi nhớ lại, tôi tự hỏi nếu không có má thì chẳng biết đoạn đường tu đó của tôi đã rẽ qua lối nào?
Tuổi mười lăm, không có thầy dạy dỗ hướng dẫn cũng không hiểu biết gì về đời sống của người xuất gia và rồi một thân một mình ở một chùa... Có người tới chùa còn gọi tôi bằng tên tục như con cháu trong nhà là thằng Khánh chứ có mấy ai biết tới pháp danh Thiện Bảo!
Má đem đồ đạc ở nhà tới, bàn ghế và cả bộ ván trước đây ba hay nằm... Má sắp xếp bày biện cho ngôi chùa được tươm tất. Ban đầu, khi thầy mới đi, má nấu cơm đem tới cho tôi, sau thì má xay lúa đem gạo tới chùa để đó, ngày ngày má tới nấu cơm. Mọi việc của chùa má đều cáng đáng. Sợ tôi một mình giải đãi ngủ quên nên bốn giờ sáng má xách cây đèn dầu tới chùa thức tôi dậy công phu, lạy Phật xong thì má tất tả đi về nhà để qua chợ bán... Má quay vòng vòng giữa việc đời và việc chùa, còn tôi thì vẫn tu một cách vô tư. Có những đêm, vừa xong đợt đạn pháo vang trời không khí còn nồng nặc mùi thuốc súng, tôi nghe tiếng gõ khe khẽ cùng với ánh đèn vàng thấp thoáng qua khe cửa và giọng má thì thào “Khánh ơi con có sao không?” Là má sợ lỡ tên bay đạn lạc trúng ngôi chùa nhỏ nên dù đạn vẫn còn nổ đì đùng má vẫn xách cây đèn bươn bả trong đêm tới chùa, tận mắt nhìn thấy tôi vẫn bình thường thì má mới yên tâm quay về nhà. Nhiều lần tôi nói: “Má đừng đi ra đường giờ này nguy hiểm lắm.” Má gật đầu, ờ ờ... Rồi thì vẫn vậy, sau mỗi đợt súng đạn vang trời thì má lại đi tới chùa rón rén gõ cửa và thì thào gọi xem tôi có ổn không.
Trích từ tác phẩm "Quăng đời mình vào chốn thiền môn"
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Được làm học trò của thầy là một duyên lành hy hữu
Xiển dương Đạo pháp 16:32 22/12/2024Dù tuổi hạc đã gầy cùng nhật nguyệt nhưng tâm của thầy vẫn sáng ngời cả núi rừng Huyền Không.
Thần lực của lời di chúc
Xiển dương Đạo pháp 12:15 20/12/2024Đời người trăm năm, không gì ngoài sinh tử. Sinh thì lo sinh kế, Tử thì lo hậu sự lúc ra đi.
Tăng Ni sinh, Phật tử Việt Nam trùng tụng kinh Pháp Hoa tại núi Linh Thứu
Xiển dương Đạo pháp 09:51 01/12/2024Đại đức Pháp Như - học Tăng tại Ấn Độ là người tổ chức hoạt động trùng tụng kinh Pháp Hoa tại núi Linh Thứu. "Đây là năm thứ 8 tôi tổ chức hoạt động này", Đại đức Pháp Như cho biết.
Khất thực trong làng Thénac
Xiển dương Đạo pháp 15:14 21/11/2024Thầy Trời Đức Định là người Pháp, xuất gia năm 2016 trong gia đình cây Mai Vàng. Hiện thầy đang sống và thực tập tại trung tâm Suối Tuệ, Paris. Bài viết được BBT Làng Mai chuyển ngữ từ tiếng Anh, Phatgiao.org.vn đăng lại.
Xem thêm