Chọn bạn để tu
Chọn bạn cũng là chọn cách tu, ta đừng bao giờ để phiền não cấu kết trong lòng và sai sử mình. Trong đời sống tương giao giữa người với người, muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp thì tình bạn là cần thiết hơn bao giờ hết.
Tổ Quy Sơn nói:
“Sinh ta là cha mẹ, thành ta là thầy bạn”.
Từ câu nói này chúng ta xét lại cuộc đời của mình thấy rất đúng.
Như lời Tổ nói, mình làm được việc gì, thành tựu tất cả các công đức cũng như tăng tiến trong việc tu tập là nhờ ở thầy bạn lành.
Cho nên đề tài chúng tôi nói hôm nay, phần đầu là “Chọn bạn để tu”, phần thứ hai nói về công phu tu hành.
Cha mẹ tạo tác ra thân này, nhưng như thế chưa phải là đủ.
Muốn cuộc đời, con người của mình giá trị, làm những việc thực sự ích lợi thì phải có thầy bạn mới thành tựu.
Thế nên tổ Quy Sơn dạy tiếp: “Gần gũi bạn lành như đi trong sương mai, tuy chẳng ướt áo nhưng dần dần có thấm”.
Nghĩa là chúng ta gần gũi bạn tốt như đi trong sương mai, thoáng qua thì không thấy ướt áo, nhưng lâu dần dần sẽ thấm ướt.
Kinh Hiền Nhân có dạy:
“Bạn có bốn bậc. Thứ nhất bạn như hoa, thứ hai bạn như cân, thứ ba bạn như núi, thứ tư bạn như đất”.
Trong bốn bậc này, chúng ta nên chọn bậc nào?
Thứ nhất bạn như hoa.
Hoa đẹp, có hương thơm ai cũng thích, muốn hái để trang sức thân này hoặc trang trí quanh nhà.
Tuy nhiên, khi hoa héo tàn hết hương sắc thì bị quăng vào sọt rác, hoặc bên vệ đường.
Bạn như thế, chúng ta không chọn làm chi.
Thứ hai bạn như cân.
Chúng ta thấy cái cân có hai dĩa bằng nhau treo ở hai bên, chính giữa là cán cân.
Dĩa này để mười phân thì dĩa kia cũng phải mười phân mới giữ được thăng bằng.
Đây đúng là loại bạn trao đổi hai chiều, hợp đồng này phải chính xác mới được, nếu không chính xác sẽ đổ như chơi.
Loại bạn này dễ gây phiền não lắm, ta không nên chọn.
Thứ ba bạn như núi.
Tương truyền ở Ấn Độ có núi Kỳ Xà Quật, đức Phật hay thuyết pháp tại núi này.
Trong núi thường chiếu ra màu sắc đặc biệt. Chim muông sống ở đây cũng nhờ ánh sáng ấy mà màu lông óng ánh rất đẹp.
Loại bạn thứ ba này có thể nương tựa.
Vì từ bạn mà ta có được những tiếng thơm, thành tựu sự tốt đẹp cho mình.
Đây là bạn tốt rất cần thiết trong đời sống của chúng ta.
Thứ tư là bậc sau cùng, bạn như đất.
Đất là cơ sở chịu đựng, là nền tảng vững chắc dung chứa sự sống của vạn vật.
Ta đi dép bằng nhung hay bằng gỗ, đất cũng không hề lên tiếng.
Ta đổ nước hoa hay phân hôi, đất cũng không có thái độ thích thú hay phản đối.
Một bề chịu đựng chấp nhận nâng đỡ, tương trợ cho muôn vật sinh sôi nẩy nở từ đất.
Loại bạn này hiếm có trong đời, chỉ một bề chăm sóc, lo lắng, giúp đỡ cho người mà không đòi hỏi cho mình bất cứ điều gì.
Trong bốn bậc, đây là loại bạn cao quí nhất và cũng khó gặp nhất.
Nếu đầy đủ thiện duyên gặp bạn lành như thế, chúng ta lo gì không thành tựu được đạo nghiệp.
Phân biệt bạn lành, bạn dữ theo lời Phật dạy

Cho nên gặp được bạn như đất, chúng ta cúi đầu đảnh lễ nguyện suốt đời nương tựa, tu tập cho đến ngày viên mãn.
Tuy hiếm nhưng không phải không có.
Nếu chúng ta sống bằng tấm lòng chân thật, sống trong đạo tình thanh khiết, nhất định sẽ gặp được hạng bạn này.
Nói tới đây tôi mong sao Phật tử chúng ta ứng xử với nhau như đất, vui vẻ chịu đựng chấp nhận và không mong cầu gì cả.
Được thế lo gì giặc phiền não không thối lui.
Chọn bạn cũng là chọn cách tu, ta đừng bao giờ để phiền não cấu kết trong lòng và sai sử mình.
Đồng thời bằng đạo tình chân thật, chúng ta tương trợ giúp nhau để thành tựu đạo nghiệp. Đó là việc chính.
Trong đời sống tương giao giữa người với người, muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp thì tình bạn này là cần thiết hơn bao giờ hết.
Trong bốn loại bạn, đây là loại tối ưu nhất, kế đó là bạn như núi. Còn hai loại kia ta tránh, không nên thân cận.
Muốn chọn bạn như đất hoặc như núi, điều trước nhất chúng ta phải sống chân tình, đối xử tốt với người, thấy lỗi liền can gián trong tình thương yêu đùm bọc.
Như quí vị là bạn đạo với nhau, cùng đi chùa cùng học đạo, khi thấy bạn mình có sơ suất điều gì liền nhắc nhở bằng tấm lòng chân thành, không có chút tư ý gì khác.
Đó là điều thứ nhất.
Điều thứ hai khi thấy người bạn làm được những việc tốt, chúng ta tùy hỷ.
Kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm hoặc các kinh điển Đại thừa nói về công đức tùy hỷ rất lớn.
Tùy hỷ là vui mừng theo. Công đức này có được nhờ tấm lòng cởi mở, không cố chấp.
Thông thường ta thấy ai làm được việc, mình ít tùy hỷ lắm mà lại trề nhúng.
Đó là thể hiện tâm lượng hạn hẹp, nhỏ nhen của mình, nó mới sai sử cái môi trề nhúng, cặp mắt liếc xiên liếc dọc rất xấu.
Có khi phát ra âm thanh chát chúa, đay nghiến nữa. Nếu để tâm ích kỷ nhỏ nhen ấy sai sử thì thân, miệng, ý của chúng ta mất hết công đức tùy hỷ.
Trong kinh Pháp Hoa, Phật dạy khi thấy người trì tụng kinh Pháp Hoa hoặc các kinh điển Đại thừa, mình tùy hỷ khuyến khích, hoặc giúp đỡ, như đem nước cho uống, đem ghế cho ngồi, thắp hương trầm hoặc đốt nhang cúng dường... khiến người kia thân tâm thanh tịnh tụng kinh, công đức của mình cũng ngang bằng công đức của người trì kinh.
Hoặc nghe người làm những việc tốt, ta vui vẻ khuyến khích, chứ đừng chê bai dè bĩu thì dù ta chưa làm được như người, nhưng công đức tùy hỷ ngang bằng công đức của người đang làm các việc thiện ấy.
Phật dạy phát tâm tùy hỷ là để trị bệnh ích kỷ tật đố của con người.
Thế nên chúng ta phải tu tập.
Đó là điều thứ hai.
Điều thứ ba, khi gặp nạn đừng bao giờ bỏ nhau.
Đây là một bài học luân lý.
Như khi bạn đang trong đà tiến bỗng gặp trục trặc, ta phải gần gũi thăm hỏi, giúp đỡ hoặc tháo gỡ phụ những khó khăn với bạn.
Vui cùng hưởng buồn cùng chia, cùng đi cùng tiến, đừng bao giờ bỏ nhau.
Trong cuộc sống rất cần những người bạn như vầy.
Con đường từ đây cho đến ngày thành Phật xa xôi diệu vợi, không phải dễ dàng thực hiện.
Nếu nói dễ là để khuyến khích chúng ta có thể thực hiện được khả năng thành Phật của mình.
Nhưng làm sao gột rửa, chặt đứt hết dây mơ rễ má phiền não thật là thiên nan, vạn nan.
Cho nên việc chọn bạn cùng một lý tưởng hướng thượng, luôn hỗ trợ trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc là điều hết sức cần thiết.
Vì vậy hai mẫu bạn thứ ba và thứ tư, tức là bạn như núi và như đất, chúng ta luôn trân trọng, khuyến khích phát triển loại bạn ấy.
Trích trong: Chọn Bạn Để Tu (Đuốc Thiền).
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn


Chọn bạn để tu
Phật giáo thường thức
Chọn bạn cũng là chọn cách tu, ta đừng bao giờ để phiền não cấu kết trong lòng và sai sử mình. Trong đời sống tương giao giữa người với người, muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp thì tình bạn là cần thiết hơn bao giờ hết.

Nền giáo dục vượt qua
Phật giáo thường thức
Vượt qua dòng chảy của tham, sân, si, kiêu mạn và chấp thủ đối với sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn nơi tâm ta, ta mới có thể vượt qua được dòng chảy của sinh tử, để đến được bến bờ giải thoát và giác ngộ.

Giá trị giới không sát sinh
Phật giáo thường thức
Đạo Phật ra đời cách đây đã hơn 25 thế kỷ và trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, vẫn phát triển rực rỡ đến ngày nay. Như thế, Đạo Phật phải tiềm tàng những chân lý vượt cả thời gian lẫn không gian.

Phật giáo tại nhân gian
Phật giáo thường thức
Khi nói đến Phật giáo tại nhân gian chính là từ lúc phát triển cho đến ngày nay, chúng ta sẽ có những nghi vấn trong xã hội nhận định về Phật giáo trong thời đại này...Phải chăng!?
Xem thêm