Chồng cản trở không cho ăn chay, cụ bà nhẫn nhục tu hành biết trước ngày vãng sanh
Ban ngày thì bà lo làm công việc của nhà máy, mỗi tối bà tụng các kinh điển Đại thừa, nhưng nhiều nhất vẫn là tụng kinh Pháp Hoa và trì chú Đại Bi, rồi niệm Phật hồi hướng cầu sanh Tây Phương.
Bà Trần Thị Xuân sinh năm 1914, cư ngụ tại số 542 đường Trần Hưng Đạo, khóm 3, phường 1, thành phố Sa Đéc. Thân phụ là cụ ông Trần Văn Biên, thân mẫu là cụ bà Cam Thị Tỵ. Bà là người con thứ bảy trong gia đình có chín anh em.
Khi tuổi trưởng thành bà kết hôn với ông Lưu Luân Bá, sinh được bốn trai, hai gái. Nhà máy xay lúa bảng hiệu “Nghĩa Hưng” là cơ sở sản nghiệp của gia đình bà. Nhà máy này hoạt động mãi cho đến năm 1975 mới ngưng, rồi chuyển sang chế biến đường mía.
Hiền lành, chân thật, cần mẫn, nhẫn nại với mọi khó khổ…là những đức tính tốt đẹp mà mọi người đều công nhận có đủ nơi bà.
Vào khoảng năm1962 người con trai thứ tư nhập ngũ, bà phát tâm trường trai cầu nguyện cho con được bình an cho đến ngày xuất ngũ về nhà. Mấy năm trôi qua lòng thành của bà được cảm ứng đúng như ý nguyện, do đó bà đến chùa Giác Tôn quy y Tam Bảo, được Ni Sư trụ trì đặt pháp danh là Diệu Hạnh, và Ni Sư còn hướng dẫn thời khóa tu tập thường nhật cho bà. Ban ngày thì bà lo làm công việc của nhà máy, mỗi tối bà tụng các kinh điển Đại thừa, nhưng nhiều nhất vẫn là tụng kinh Pháp Hoa và trì chú Đại Bi, rồi niệm Phật hồi hướng cầu sanh Tây Phương. Bà thỉnh thoảng tới chùa thăm thầy bổn sư để nghe pháp và nhờ chỉ dạy thêm những điều cần thiết cho công phu hành trì.
Trong gia đình, do chồng bà không tin Phật pháp, không có thiện cảm với người tu, nhất là quý sư. Nên khi bà dùng chay tu hành đã gặp trở ngại chẳng nhỏ! Đôi lúc ông đem đồ mặn trộn vào thức ăn của bà đang ăn.
Quả thật là:
“Phải chịu được người nung kẻ thét,
Mới trở nên màu sắc vàng ròng.
Mười phương chư Phật Tây, Đông.
Cũng từ lò đúc cõi hồng nầy ra.
Chịu khổ khó mới là đắc quả,
Không nhọc tu dễ há thành công.
Mang giày nhẫn nhục leo chông,
Mặc y tinh tấn, đeo cung đại hùng
… Thiếu đại lực ắt trôi việc lớn.
Không đại hùng khó thắng nguy nan,
Tu như lọc cát tìm vàng;
Việc đâu phải dễ chớ toan ngã lòng.
Trên đồi cao sen không thể mọc,
Sống an nhàn khó học chữ tu.”
Cuộc đời và ký sự vãng sanh của ba tôi, biết trước một tháng ngày vãng sanh
Khi mới bắt đầu dùng chay, bà thường hay bị bệnh. Đã hai, ba lần bệnh nặng suýt chết, nên bà chí thành âm thầm nguyện cầu xin ân trên Tam Bảo gia hộ. Một hôm trong giấc chiêm bao bà được Long Thiên Thiện Thần mách bảo phải dùng: củ năng trộn với gạo nấu cơm hoặc cháo, ăn với nấm rơm kho cà chua. Từ đó cho tới ngày bà mất, suốt 40 năm trời đăng đẳng thức ăn đưa vào cơ thể của bà chỉ có thế mà thôi, ngoài ra dường như không dùng được bất kỳ loại thức ăn nào khác nữa, kể cả trái cây!
Năm 1993 bà bị hẹp và hở van tim cấp 3. Đến điều trị tại Bệnh Viện Tim của Pháp ở Chợ Lớn, cứ một tuần tái khám rồi mang thuốc về một lần. Sau đó từ từ thưa ra: hai đến bốn tuần, rồi ba, sáu, mười hai tháng một lần. Nghĩa là bà dùng thuốc điều trị trọn đời.
Khi tuổi càng lên cao sức khỏe ngày một kém, bà bớt tụng kinh dần dần. Lúc bà 83 tuổi thì chỉ còn chuyên niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
Đầu tháng 2 năm 2003, lần nọ do vấp té trong nhà tắm, cột sống bà bị chấn thương. Đưa đến Bệnh Viện Tim, kiểm tra tim xong ở đây chỉ định đưa sang Bệnh Viện Trung Tâm Chỉnh Hình. Bác sĩ ở Trung Tâm Chỉnh Hình chẩn đoán là “thoát vị đĩa đệm” và cho thuốc về nhà. Mặc dù đau đớn dữ dội do đôn cột sống (con bà phải gởi thuốc giảm đau từ nước ngoài về để uống kèm thêm), nhưng chưa hề nghe bà rên than hay phiền trách. Tất cả mọi động tác xoay trở, dời động đều nhờ người thân tinh ý phụ giúp thì đỡ khổ một chút. Có hôm đau quá, bà nói chú Út:
– Thôi! Vú sợ quá rồi…
Lần nọ chú hỏi:
– Vú có đau dữ không, vú?
Bà đáp:
– Đau, chớ sao không! Mà thôi vú cố niệm Phật cho nó quên đau!
Một tuần lễ trước khi bà mất, bà đã ba lần lịm ngất, tim hoàn toàn ngưng đập, huyết áp mất hẳn, nhưng môi vẫn còn lép nhép niệm Phật, thời gian dài nhất là 90 phút. Khi bà tỉnh lại, chú Út hỏi:
– Nãy giờ vú không có thở, huyết áp mất, tim của vú ngưng đập, vú có hay biết gì không, vú?
Bà trả lời:
– Biết hết trơn chớ sao không, con!
Sáng ngày 30 tháng 2 năm 2003 bà nhờ đỡ dậy, rồi ngồi xếp bằng kiết già trì chú Đại Bi. Trì xong, bà nói:
– Vậy là vú đã mãn nguyện rồi!
Rồi bà nhờ đỡ cho mình nằm xuống. Hơn cả tháng nay bà chưa ngồi dậy được lần nào, thế mà hôm nay ngồi được và gương mặt của bà lúc này luôn tràn đầy niềm hoan hỷ. Chú Út thấy thế mới hỏi bà:
– Bữa nay làm gì mà vú vui dữ vậy, vú?
Bà ôn tồn đáp:
– Vú bữa nay vú đi à! Đi…đi luôn chớ không có trở lại như mấy lần trước nữa!
Chú Út lại hỏi:
– Làm sao mà vú biết?
Bà trả lời:
– Tại con mắt của mấy đứa không thấy. Chớ vú thấy chư Phật xuống đông lắm! Nói thì giống như nói dóc… Nhưng vú tin chắc bữa nay Phật rước vú đi!
Bà đã nói như vậy nhiều lần trong ngày. Chú Út mãi nghĩ thầm trong bụng: Vú mình tỉnh bơ, còn nói chuyện leo lẻo mà đi cái nỗi gì. Chú đinh ninh chắc chắn rằng việc này sẽ không bao giờ xảy ra!
Đến chiều tối thấy bà hơi mệt, chú Út định đưa bà vào bệnh viện, vì mấy người anh ở nước ngoài luôn căn dặn với chú là khi nào phát hiện bà có gì khác lạ là phải cấp tốc cho bà nhập viện liền. Nhưng chú Chín thì bảo:
– Thôi! Ý của vú muốn ở nhà thì chìu theo vú đi!
Hai người đang cằn nhằn đôi co chưa ngã ngũ. Bà nằm nghe cự cãi qua lại, nên lên tiếng:
– Thôi! Chở vú đi, đi!
Gia đình bèn điện thoại xe cấp cứu của bệnh viện xuống rước. Khi vừa vào viện thì bác sĩ liền tiêm cho bà một mũi thuốc hồi sinh, rồi truyền dịch để chờ theo dõi. Lát sau bà nói:
– Thôi! Bây giờ cho vú về đi! Thỏa mãn ý của mấy đứa chưa?
Và còn nói:
– Cho vú về đi! Về nhà chớ để chết ở đây à!
Lúc đó các ngón chân và của bà đã ngã sang màu tím. Mời bác sĩ đến, bác sĩ kiểm tra xong liền chấp thuận theo yêu cầu của bệnh nhân, bèn cho xuất viện.
Về tới nhà là 11 giờ đêm, bà liền bảo:
– Thay đồ cho vú đi. Một chút vú đi!
Thay đồ xong, bà vừa cười vừa nói:
– Sửa cái đầu vú lại một chút xíu coi. Vú gần đi rồi đó nghen!
Chú Út cũng vừa cười vừa đáp lại:
– Vú còn nói chuyện leo lẻo, mà vú đi đâu?
Đến gần 12 giờ khuya mạch của bà bỗng dưng ngừng nhảy, huyết áp hết còn đo được nữa, nhưng môi của bà vẫn còn máy động. Đến đúng 12 giờ 15 đôi môi hoàn toàn ngưng hẳn, để giã từ cõi thế gian đầy đau thương và khổ lụy. Nhằm ngày mùng 1 – 4 – 2003, bà hưởng thọ 89 tuổi) Năm phút sau căn phòng tỏa ra một mùi hương thơm sực nức, không giống với bất kỳ một mùi thơm nào. Vì thường ngày bà không dùng và cũng không cho con cháu dùng loại dầu hay nước hoa nào trong căn phòng của bà cả!
Chú Út hộ niệm cho bà, cứ một hồi thì chú sờ thăm toàn thân bà một lần, sờ thăm rất nhiều lượt. Vì chú nghe người ta nói rằng: Ai niệm Phật mà khi chết rồi toàn thân lạnh chỉ còn nóng đỉnh đầu là được vãng sanh, nên chú hiếu kỳ theo dõi. Kết quả cho thấy là hai bàn chân lạnh từ từ lạnh lên trên. Đảnh đầu còn ấm sau cùng, và ấm nóng mãi cho đến 11 giờ trưa, khi nhập liệm mà vẫn còn ấm. Lúc sắp sửa nhập liệm, chú hơi hoài nghi có lẽ do mình bị “tự kỷ ám thị” hay chăng? Nên chú đã mời rất nhiều người đến cùng dò thăm. Thế là ai cũng sờ vào đỉnh đầu của bà và cũng đồng công nhận như vậy!
Chồng bà tên Lưu Luân Bá. Ông rất nóng tánh, cương trực và dứt khoát. Trong gia đình ông hết sức có trách nhiệm; đối với lối xóm láng giềng thì cũng chẳng mích lòng một ai. Quanh năm suốt tháng chưa từng ăn chay và đi chùa; đặc biệt là có ác cảm đối với quý sư và không ưa bàn chuyện Phật Pháp tu hành. Khi trông thấy các sư đi ngoài đường là ông nói xiên nói xỏ vọng theo. Bà vợ phát tâm trường trai tu hành cũng phải vất vả nhọc nhằn lắm mới vượt qua cái cửa ải thử thách sát hạch của ông!
Năm 1975, lúc này ông đã 62 tuổi, các con đều trưởng thành, gánh vác thay ông mọi chuyện gia đình, nên ông rất nhàn nhã thong dong, chẳng chơi thân với ai, chỉ kè kè bên mình cái radio – một người bạn tâm giao tri âm tri kỷ!
Lúc ông 90 tuổi, một hôm ông bị tụt huyết áp, con cháu liền đưa ông vào Bệnh Viện Đa Khoa Sa Đéc. Qua ngày sau, khi tỉnh dậy ông la hét om sòm, đồng thời bứt hết các dây sợi đang truyền dịch, quyết liệt đòi về. Thấy ông làm dữ quá, y bác sĩ đành phải bó tay tốc hành cho ông xuất viện!
Về nhà ông nằm li bì, người thân để máy niệm Phật đặt sát bên tai cho ông nghe suốt cả ngày đêm. Được hơn một tháng thì ông dần dần khỏe lại, từ đó về sau ông thích nghe niệm Phật luôn, chứ không thèm nghe radio như trước nữa!
Qua cơn bạo bệnh suýt mất mạng đó mà thiện căn quá khứ được chín muồi, ông hồi tâm chuyên lo niệm Phật để về với Đức Phật A-di-đà, ông vẫn thường nói với các con như thế. Cách tu của ông cực kỳ đơn giản là: không đi chùa, không ăn chay, không tụng kinh, không xem nghe băng đĩa, không đọc kinh sách, không kết giao với một người bạn Đạo nào để luận bàn Phật Pháp hay trao đổi cách thức cũng như kinh nghiệm hành trì gì cả…Ông chỉ nghe máy niệm Phật rồi niệm theo, để về với Phật A-di-đà mà thôi. Đây quả thật là trường hợp hiếm lạ nhất từ xưa đến nay!
Ông tu như thế suốt mười năm, vào khoảng tháng 3 - 2012 thể lực của ông suy kém do tuổi già sức yếu, con cháu đề nghị đưa ông nhập viện, nhưng ông không chịu. Biết tánh của ông nên con cháu cũng không dám năn nỉ. Đầu tháng 4 thấy sức khỏe ông cạn kiệt nhiều, nên đã mời Ban Hộ Niệm của tịnh xá Ngọc Quang đến cộng tu với ông được hai đêm, là ngày mùng 2 và mùng 3, ngoài lúc cộng tu ra thì con cháu luân phiên ngồi bên cạnh trợ niệm cho ông. Sáng ngày mùng 4, hơi thở của ông ngắn dần, toàn thể gia quyến vây quanh niệm Phật. Đến 6 giờ 5 phút sáng, ông an tường nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng. Nhằm ngày mùng 5 - 5 - 2012, ông hưởng thọ 99 tuổi.
Khoảng 7 giờ Ban Hộ Niệm đến đông đủ, hộ niệm qua tám giờ, khi thăm dò điểm nóng, thì thấy ấm ở đỉnh đầu trong khi toàn thân đều lạnh; gương mặt sáng đẹp như người đang nằm ngủ.
Kế đó người nhà tiếp tục niệm Phật thêm bốn tiếng đồng hồ nữa. Chú Út mới mời chuyên gia làm phim đến để ghi hình lại những thao tác khi lay động các khớp xương ở tay, chân và đầu, đặng gởi sang người anh ở nước ngoài. Vì ông này không tin Phật pháp, hay đả kích chuyện tu hành nên lúc trước thường điện thoại nói với chú rằng:
– Mầy đừng có tin mấy… thầy chùa… họ bày ra cái vụ hộ niệm, …hộ niệm,… gì đó! Mầy đâu có biết, họ lén dùng thứ thuốc gì đó, bôi vô xác chết…Niệm Phật đã đời,… tám giờ sau họ kéo tay chơn ra, kéo tay chơn vô được…, rồi… cái… họ nói: Đã vãng sanh…!”
Cho nên chú nhận thấy rằng chỉ có cơ hội này, và cũng chỉ có mình mới có thể tháo gỡ quan niệm lệch lạc sai lầm của ông anh. Vì đã có chủ định trước, nên mặc dù tang sự bối rối, nhưng chú không rời xa cha mình nửa bước, luôn luôn có mặt tại hiện trường, để không cho bất cứ một ai đến gần đụng chạm vào thi thể của cha mình, suốt thời gian từ lúc ông cụ trút hơi thở cuối cùng cho đến khi hộ niệm viên mãn ngót mười hai giờ đồng hồ. Chú đã quan sát thật tận tường những mong…để làm sáng tỏ một sự thật, mà nhiều người hờ hững bỏ quên, đó là lĩnh vực tâm linh! Chẳng hạn gần nhất… là ông anh của mình!
Thời gian khá lâu sau, chú Út nằm mộng thấy ông. Ông nói với chú rằng:
– Tao đã vãng sanh rồi!
(Thuật theo lời: Lưu Bá Bội con trai của hai ông bà và Ban Hộ Niệm Tịnh Xá Ngọc Quang.)
Lời phụ:
Đối với phương pháp hộ niệm cho người tu niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, theo Tổ Sư Ấn Quang dạy thì cần phải tuân thủ điều kiêng kỵ là: gia quyến không được khóc lóc bi thương, và không được đụng chạm đến thi thể của người mất sớm quá.
Căn cứ theo lời dạy của Ngài thì thời gian đụng chạm vào thi thể an toàn nhất thông thường phải sau tám đến mười hai tiếng đồng hồ; năm ba trường hợp đặc biệt thời gian còn phải dài hơn! Nhưng bảo đảm nhất là khi toàn thân đều lạnh hẳn, tức là không còn một điểm nóng ấm nào nữa cả mới chắc chắn!
Bà cụ Trần Thị Xuân ở câu chuyện trên do tín nguyện đầy đủ, công phu hành trì đã đạt trình độ tinh chuyên nên bà đã thấy Phật, rồi an nhiên tự tại vãng sanh, nên sự thăm dò tìm điểm ấm do người con hiếu kỳ vẫn không trở ngại. Nếu như công phu hành trì chưa được thâm hậu như thế, thì ngàn vạn lần phải lưu ý điều cấm kỵ này! Bởi vì lúc tắt hơi thần thức chưa xuất ra khỏi thân, khi ấy bị va chạm làm cho người mất có cảm giác đau đớn dữ dội nên họ dễ nổi sân, mà một khi nổi sân thì thần thức sẽ theo niệm sân hận đó mà đi vào tam ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) để tiếp tục nhận chịu vô lượng nỗi thống khổ trong vòng sinh tử luân hồi!
Trích "Chuyện vãng sanh" Tập II (Phần 3 & Phần 4).
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Tư liệu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tư liệu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Tư liệu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Bay qua miền hạnh phúc
Tư liệu 17:30 18/11/2024Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.
Xem thêm