Thứ sáu, 09/08/2024, 16:00 PM

Chữ hiếu trong Kinh tạng Pali

Đối vối người Việt Nam chúng ta, Vu Lan đã trở thành truyền thống, là một mùa báo hiếu cho những người con chân thành tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ - người còn cũng như đã mất, và cố gắng thực hiện những cái có thể làm được để trả ơn, đền ơn và phụng dưỡng cha mẹ.

Nhân ngày lễ Vu Lan, chúng tôi xin trích dịch một số lời dạy của đức Phật về báo hiếu, từ những Kinh tạng Pàli. Chúng tôi cố ý hạn chế vào một số Kinh điển thật sự Nguyên thủy, cho đến các Kinh Jàtaka Pàli (Chuyện Tiền thân đức Phật) cũng để ra ngoài, vì muốn nói lên những gì trung thực nhất của đức Phật về sự liên hệ giữa cha mẹ và con cái, khỏi phải qua những phát triển tưởng tượng và tình cảm của các học phái về sau.

Chúng tôi cũng phải thú nhận rằng, chúng tôi chỉ có thể trích dịch từ những Kinh điển đã được phiên dịch. Đây là một khuyết điểm không thể tránh được khi Kinh tạng Pàli chưa được dịch xong, và khi chúng ta chủ trương “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”.

Chúng ta được biết đức Phật là một vị đã đạt được Pháp nhãn, đã chứng ngộ trí tuệ, nên cái nhìn của Ngài rất là khác lạ đối với hành động con người và sự liên hệ giữa người và người.

Khi thấy Singàla (Thi-ca-la-việt) mỗi buổi sáng, dậy sớm đảnh lễ sáu phương (Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Trường Bộ Kinh, quyển IV, trang 188), đúng theo lời dặn của người cha để lại; đức Phật thấy rõ sự vô ích của lễ nghi và Ngài đã giải thích theo hướng chuyển thành hành động đúng bổn phận của mình. Phương Đông chỉ cho cha mẹ và con cái, phương Nam chỉ cho sư đệ, phương Tây chỉ cho vợ chồng, phương Bắc chỉ cho bạn bè, phương Dưới chỉ cho kẻ phục vụ và phương Trên chỉ cho Sa-môn, Bà-la-môn. Và hành động ở đây có nghĩa là bổn phận của người con đối với cha mẹ, và cha mẹ đối với con, chỉ cho phương Đông; bổn phận thầy đối với trò, trò đối với thầy, chỉ phương Nam, v.v...

- “Như vậy, người con có năm bổn phận đối với cha mẹ: “Nuôi dưỡng cha mẹ (khi cha mẹ già yếu); làm đủ bổn phận người con đối với cha mẹ; giữ gìn gia đình với truyền thống, bảo vệ tài sản thừa tự và làm tang lễ khi cha mẹ qua đời". Và cha mẹ cũng có năm trách nhiệm đối với con cái: "Ngăn chặn con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp; cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con". Đây rõ ràng là một thông điệp trách nhiệm, một trách nhiệm hỗ tương không phải một chiều. Con có năm bổn phận đối với cha mẹ, và cha mẹ cũng có năm bổn phận đối với con. Và khi cha mẹ và con cái làm tròn bổn phận của mình, thời phương Đông được an lành hạnh phúc. Nói cho rõ hơn, vận may chỉ đến với gia đình nào, khi trong gia đình ấy cha mẹ trọn tình đối với con cái, và con cái trọn đạo đối với mẹ cha.

Hiếu thảo cha mẹ là đệ nhất đức, đệ nhất thiện

454017012_1088691579286615_5939876609931780783_n

Trong Kinh Mangalasutta: Hạnh phúc Kinh, khi được một thiên nhân hỏi làm sao được vận may (mangala), với hy vọng đức Phật sẽ dạy cho một hình thức lễ nghi để cầu may cầu phước, đức Phật lại dạy cho ba mươi tám hành động phải làm để được may mắn và một trong hành động ấy là phải phụng dưỡng mẹ cha: “Phụng dưỡng cha và mẹ. Là vận may tối thượng”.

Hiếu không phải là những gì nói suông bằng miệng, bằng những nghi lễ cầu may cầu phước. Hiếu phải được cô đọng bằng những việc làm cụ thể, và ở đây là phải hầu hạ và phụng dưỡng mẹ cha.

Hình ảnh sau đây gợi ý cho chúng ta thấy công ơn trời biển của cha mẹ rộng như biển cả ngàn trùng, khi đức Phật tuyên bố trong Kinh Tương Ưng tập I, trang 208 rằng, sữa mẹ nuôi con trải qua nhiều đời nhiều kiếp, nhiều hơn bể cả:

- "Các ngươi nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo? Cái gì là nhiều hơn? Sữa mẹ mà các ngươi đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, hay là nước trong bốn biển?

- “Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn thuyết pháp, chúng con hiểu rằng cái này là nhiều hơn, tức là sữa mẹ chúng con đã uống, trong khi chúng con lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, chớ không phải nước trong bốn biển!

- Lành thay, lành thay, này các Tỷ-kheo; lành thay, này các Tỷ-kheo, các ngươi đã hiểu như vậy, pháp do Ta dạy.

- Cái này là nhiều hơn, này các Tỷ-kheo, tức là sữa mẹ các ngươi đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, chớ không phải nước trong bốn biển.

- Vì cớ sao? Vô thủy là luân hồi này, này các Tỷ-kheo! Vô thủy là luân hồi này, này các Tỷ-kheo! Khởi điểm không thể nêu rõ, đối với lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh, bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, là vừa đủ để các ngươi giải thoát, đối với tất cả các hành."

Trong Kinh Tăng Chi tập 1, trang 74, cha mẹ được ví như những ngọn lửa đáng cung kính, vì chính người cha người mẹ đã đem lại sự sống cho các người con, như ngọn lửa đem lại nguồn nóng, sức sống cho loài người.

- "Thế nào là lửa đáng cung kính?

- Ở đây, này Bà-la-môn, những người mẹ những người cha của người ấy, này Bà-la-môn, đây gọi là lửa đáng cung kính. Vì cớ sao?

- Từ đấy, này Bà-la-môn, khiến cho mang lại, khiến cho sanh ra. Do vậy, lửa đáng cung kính, được tôn trọng, được cúng dường, phải đem lại chính lạc."

Sữa mẹ dùng để nuôi con được xem là nhiều hơn biển cả, cha mẹ lại được ví như ngọn lửa đem lại nguồn sống cho con, thời công ơn của cha mẹ đối với con, thật là vô cùng vô tận, và vì vậy, đức Phật nói đến hai hạng người không thể trả ơn được, tức là mẹ và cha, như được ghi trong Kinh Tăng Chi tập 1 trang, 75.

- “Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tẩm rửa, thoa gội, và dầu tại đấy, họ có vãi tiểu tiện đại tiện như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỷ-kheo. Nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quà đất lớn với bảy báu này; như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này.”

Chính trong khi phụng dưỡng, nuôi nấng cha mẹ, chính người con lại được hưởng những công đức tốt lành, do lòng hiếu dưỡng đem lại. Trước hết, phụng dưỡng cha mẹ, thời được cha mẹ thương tưởng, và như vậy gia đình ấy sẽ được lớn mạnh, không bị giảm thiểu, như đoạn kinh sau đây nêu rõ (Tăng Chi Bộ Kinh, tập 2B, trang 106):

- “Ở đây, này Mahànàma, vị thiện nam tử với những tài sản nỗ lực tinh tấn thu hoạch được, do sức mạnh của cánh tay gom góp lại, phải trả bằng những giọt mồ hôi đổ ra, làm ra một cách hợp pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường cha mẹ. Cha mẹ được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường với thiện ý, khởi lên lòng thương mến người ấy: “Mong rằng nó được sống lâu! Mong rằng thọ mạng được che chở lâu dài!”. Và này Mahànamà, với một thiện nam tử được cha mẹ thương tưởng, chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là sự giảm thiểu". Và này thật sự là vậy, người con hiếu dưỡng cha mẹ được hưởng rất nhiều hạnh phúc.

Trong Kinh Tương Ưng, tập 1, trang 225, Bà-la-môn Màtaposaka đến hỏi đức Phật :

- “Thưa Tôn giả Gotama, tôi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp. Sau khi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp, tôi nuôi dưỡng mẹ cha. Thưa Tôn giả Gotama, tôi làm như vậy, tôi có làm đúng trách nhiệm không?

- Này Bà-la-môn, người làm như vậy là có làm đúng trách nhiệm Này Bà-la-môn, ai tìm đồ ăn thiết thực theo thường pháp, lại nuôi dưỡng mẹ cha, người ấy được nhiều công đức.

"Người này theo thường pháp, Nuôi dưỡng mẹ và cha, Chính do công hạnh này, Đối với cha và mẹ, Nhờ vậy, bậc Hiền Thánh, Trong đời này tán thán, Sau khi chết, được sinh, Hưởng an lạc chư Thiên."

Khi Bà-la-môn Manatthaddba hỏi đức Phật nên cung kính cúng dường ai là tốt lành, đức Phật khuyên (Tương Ưng Bộ, tập 1, trang 221):

“Với mẹ và với cha, Với anh tuổi nhiều hơn, Với thầy là thứ tư, Không nên sinh kiêu mạn, Nên kính trọng vị ấy, Nên tôn kính vị ấy, Cúng dường chúng tốt lành."

Phụng dưỡng cha mẹ đúng Pháp, được hưởng quả tốt lành như kệ số 404 sau đây trong Kinh Suttanipàta đã nêu rõ:

"Thờ mẹ cha đúng pháp, Buôn bán đúng, thật thà, Gia chủ không phóng dật, Được sinh Tự Quang Thiên."

Bước thêm một bước nữa, đức Phật trong Kinh Tăng Chi, tập 1, trang 147, dùng một hình ảnh táo bạo hơn nhưng rất linh động và chính xác để tán dương các gia đình có những người con có hiếu. Những gia đình ấy, được xem ngang bằng với Phạm Thiên, ngang bằng với các bậc Đạo sư thời xưa, gia đình ấy đáng được cúng dường, tôn trọng. Nói một cách rõ rệt hơn, là gia đình nào có con cháu biết hiếu dưỡng cha mẹ, những gia đình ấy là những gia đình đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được chắp tay, ngang bằng với Phạm Thiên, là những chư Thiên cao nhất ở dục giới và sắc giới, ngang bằng với các bậc Đạo sư thời xưa, là những vị đáng được tôn trọng nhất từ xưa đến nay.

- “Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường.

- Phạm Thiên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Các Đạo sư ngày xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Đáng được cúng dường, này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỷ-kheo, là mẹ cha đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu cho chúng vào đời."

"Cha mẹ gọi Phạm Thiên, Bậc Đạo sư thời trước, Xứng đáng được cúng dường, Vì thương đến con cháu. Do vậy bậc hiền trí, Đảnh lễ và tôn trọng. Dâng đồ ăn và uống, Vải mặc và giường nằm, Thoa bóp (cả thân mình). Tắm rửa cả chân tay. Với sở hành như vậy, Đối với mẹ và cha, Đời này người hiền khen, Đời sau hưởng thiên lạc.” (Tăng Chi Bộ, tập II A, trang 94)

Và chính Sakka (Đế Thích), vị Thiên chủ ở cõi Tam thập tam thiên cũng nhờ công ơn phụng dưỡng cha mẹ mà sau được sinh làm Thiên-chủ (Sakka). Như đoạn Kinh sau đây diễn tả (Tương Ưng Bộ, tập 1, trang 288):

- “Này các Tỷ-kheo, thuở xưa khi Thiên chủ (Sakka) còn là người, vị này chấp trì và thực hành bảy cấm giới túc. Nhờ chấp trì bảy cấm giới túc này, Sakka được địa vị Sakka”.

"Ai hiếu dưỡng cha mẹ, Kính trọng bậc gia trưởng, Nói những lời nhu hòa, Từ bỏ lời hai lưỡi,Chế ngự lòng xan tham,Là con người chân thực, Nhiếp phục được phẫn nộ, Với con người như vậy,Chư Thiên Tam thập tam, Gọi là bậc chân nhân".

Khi đánh giá trị con người, đức Phật không bao giờ quên đề cập đến hiếu thuận và Ngài đánh giá con người có hiếu rất cao.

Trong khi đó có người xem: "Giữa các loài hai chân, Sát-lỵ là tối thắng; Giữa các loài bốn chân, Bò đực là tối thắng; Trong các hàng thê thiếp, Quý nữ là tối thẳng;Trong các hàng con trai, Trưởng nam là tối thắng".

Thế Tôn xác nhận rất sai khác như sau : “Giữa các loài hai chân, Chính Giác là tối thẳng; Giữa các loài bốn chân, Thuần thục là tối thắng; Trong các hàng thê thiếp, Nhu thuận là tối thắng; Trong các hàng con trai, Hiếu thuận là tối thắng”. (Tương Ưng tập 1, trang

Cha mẹ khi sinh con, tự nhiên muốn con phụ giúp cho mình để xây dựng gia đình chung, và vì vậy người con cần phải hiểu bổn phận của mình, đừng để cho cha mẹ phải thất vọng. Bài kệ sau đây, trong Kinh Tăng Chi, tập 2B, trang 69, nói lên sự mong ước ấy của cha mẹ, và lòng biết ơn, nhớ ơn của những người con có trí:

“Do thấy năm sự việc, Bậc trí muốn con trai, Được giúp, giúp ta lại,

Sẽ làm việc cho ta. Sẽ duy trì lâu dài, Truyền thống của gia đình. Sẽ tiếp tục gìn giữ, Gia sản được thừa hưởng. Hay đối với hương linh, Hiến dâng các vật cúng. Do thấy sự việc ấy, Bậc trí muốn con trai. Bậc hiền thiện chân nhân, Nhớ ơn biết trả ơn. Nhớ đến việc làm xưa, Chúng hiếu dưỡng cha mẹ, Chúng làm mọi công việc, Như trước làm cho chúng. Thực hiện lời giảng dạy, Được giúp hiếu dưỡng lại. Với truyền thống gia đình, Duy trì được lâu dài Đầy đủ tín và giới, Con trai được tán thán".

Khi đã nói đến nhớ ơn và trả ơn mẹ cha, chúng ta sẽ thấy đức Phật nhấn mạnh đến và đề cao đức tính nhớ ơn và trả ơn một cách rất dặc biệt như thế nào, trong đoạn Kinh sau đây sẽ nêu rõ (Tăng Chi tập 2B, trang 210). Các người Licchavi thưa với đức Phật có năm châu báu khó tìm được ở đời là voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu và cư sĩ báu, đức Phật lại nói đến năm châu báu khác khó tìm lại được ở đời, vì là những châu báu có thể đem lại sự giải thoát đau khổ cho chúng sinh: “Sự hiện diện của Như Lai, bậc A-la-hán, Chính đẳng giác khó tìm được ở đời. Và hạng người có thể thuyết giảng Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố, khó tìm được ở đời. Và người hiểu được lời thuyết giảng về Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố, khó tìm được ở đời. Và người đem thực hành các Pháp và tùy Pháp được hữu hiệu, được từ lời thuyết giảng về Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố, khó tìm được ở đời. Và người biết ơn và nhớ ơn khó tìm được ở đời".

Khi nói đến biết ơn và nhớ ơn là nói đến người biết ơn và nhớ ơn cha mẹ.

Nhưng dầu đức Phật có khuyên các người con nên phụng dưỡng cha mẹ, Ngài cũng đề cao cảnh giác những người con vì muốn phục vụ cho cha mẹ mà làm các ác hạnh về thân, về lời nói, về ý nghĩ.

Vấn đề ở đây, được đạo Phật đặt ra rất khác biệt. Phụng dưỡng cúng dường cha mẹ là đều nên làm, nhưng vì cha mẹ làm điều ác, vì muốn cha mẹ được sung sướng mà làm việc bất nhân, thời nhất định đạo Phật không thể nào chấp nhận. Trong kinh Dhànanjàni, Trung Bộ Kinh tập II, trang 188a ; Ngài Sàriputta đã khéo hỏi Dhànanjàni: “Này Dhànanjàni, nhà ngươi nghĩ thế nào? Một người vì cha mẹ làm các điều phi pháp, làm các điều bất chính, hay một người vì cha mẹ làm các điều đúng pháp, làm các điều chân chính, ai tốt đẹp hơn?”.

- “Thưa Tôn giả Sàriputta, người vì cha mẹ làm các điều phi pháp, làm các đỉều bất chính, người ấy không tốt đẹp. Và thưa Tôn giả Sàriputta, người vì cha mẹ làm các điều đúng pháp, làm các điều chân chính, người ấy tốt đẹp hơn”... Và ngài Sàriputta kết luận: "Này Dhànanjàni, có những hành động khác, cá nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể phụng dưỡng cha mẹ, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Người đã làm ác để nuôi cha dưỡng mẹ, cũng không thể nào tránh khỏi quả báo của những hành vi bất thiện của mình; và như vậy, không thể lấy lý do nuôi dưỡng cha mẹ để tự cứu mình và đổ bào chữa cho những hành động bất chính của mình”.

Như đoạn Kinh tiếp sẽ nêu rõ:

- “Dhànanjàni, nhà ngươi nghĩ thế nào? Ở đây, có người vì cha mẹ làm điều phi pháp, làm các điều bất chính. Do nhân duyên làm các điêu bất chính, các địa ngục quân kéo nó vào địa ngục. Nó có làm được gì khi nó nói: “Tôi vì cha mẹ làm các điều phi pháp, đã làm các điều bất chính, chớ có để các quân địa ngục kéo tôi vào địa ngục. Hay cha mẹ có làm gì được khi nói: "Con chúng tôi đã vì cha mẹ làm các điều phi pháp, đã làm các điều bất chính. Chớ để quân địa ngục kéo nó vào địa ngục”. - "Thưa không được, Tôn giả Sàriputta. Các quân địa ngục vẫn quăng nó xuống địa ngục, dầu nó có than khóc".

Không những đức Phật khuyên các người con không nên vì cha mẹ mà làm các điều ác, vì làm như vậy chỉ đem lại tai hại cho tự thân mà còn đem lại sự nguy hại cho mẹ cha. Đức Phật còn khuyên các người con còn phải làm thế nào để cha mẹ từ bỏ con đường bất thiện, dấn thân vào con đường thiện. Trong Tăng Chi Bộ Kinh tập 1, trang 75, khi đề cập đến các vị chân nhân nhớ ơn và đền ơn cha mẹ, đức Phật dạy rằng: “Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với các của cải, vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào thiện giới, đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích, hướng dẫn an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, khuyến khích hướng dẫn an trú vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha".

Vu Lan mùa hiếu hạnh

283799575_2197997063692314_903002609630843012_n

Nói cho rõ hơn, trả hiếu bằng cách cúng dường tài sản vật chất cho cha mẹ cũng chưa đủ để trả ơn, vì của cải tài sản vật chất dầu cho có dồi dào đi nữa, cũng phải vô thường biến hoại...

Nói một cách khác, trong trách nhiệm của một giáo chủ, đức Phật không bao giờ quên mục đích giải thoát mọi khổ đau của con người; và vì vậy muốn cho cha mẹ thật sự giải thoát, con cái cần phải gây dựng lòng tin nơi cha mẹ, hướng dẫn cha mẹ bỏ các ác hạnh, làm các hạnh lành; từ bỏ xan tham, thực hành bố thí; và nhất là từ bỏ vô minh, chứng đạt trí tuệ. Chỉ có như vậy mới thiết thực báo đáp công ơn cho họ.

Phân tích lời dạy trên của đức Phật, chúng ta thấy khởi điểm là xây dựng lòng tin nơi cha mẹ nếu cha mẹ chưa có lòng tin. Lòng tin ở đây là lòng tin Chính Pháp, và Chính Pháp không có nghĩa là lời Phật dạy, mà Pháp còn có nghĩa là chân thật, là quyết định tính hiền thiện. Pháp là những gì chân thật, không có hư vọng, không có giả dối; Pháp là những gì hiền thiện tốt đẹp, không phải độc ác bất thiện. Và xây dựng lòng tin cho cha mẹ là xây dựng tính chất chân thực, tính chất hiền thiện nơi cha mẹ.

Lời khuyên thứ hai là một thông điệp bỏ ác làm lành. Nếu cha mẹ theo ác giới, tức là sống một nếp sống không lành mạnh, nhiều bất thiện, thời khuyên cha mẹ làm các thiện hạnh về thân, về lời, về ý nghĩ, sống một đời sống trong sạch và hiền thiện. Lời khuyên thứ ba là một lời khuyên nhân đạo, lợi tha, khuyên cha mẹ, nghĩ đến sự đau khổ của người khác mà bố thí, làm vơi nhẹ những khổ đau chung quanh, nghĩ đến tình nhân loại. Lời khuyên thứ tư không theo ác tuệ, là một lời khuyên chính kiến, từ bỏ các ác tri kiến, phát triển những tri kiến chân thật, xây dựng một cái nhìn lành mạnh và hướng thiện cho cuộc đời.

Và chúng ta cũng không lấy làm lạ, khi tội giết cha giết mẹ được đức Phật liệt kê vào năm tội ngũ nghịch, một tội mà phạm nhân không bao giờ thoát khỏi địa ngục, như được trích trong Tăng Chi Bộ Kinh tập 2b, trang 185:

- “Có năm nghịch tội (Parikuppa) này, này các Tỷ-kheo, đưa đến đọa xứ, đưa đến địa ngục, không thể chữa trị. Thế nào là năm? Đoạt mạng của mẹ, đoạt mạng của cha, đoạt mạng của vị A-la-hán, với ác tâm làm Như Lai chảy máu và phá hòa hợp Tăng”.

- “Này các Tỷ-kheo, năm pháp ngũ nghịch này đưa đến đọa xứ, đưa đến địa ngục, không thể chữa trị”.

Và vì vậy khi Vua Ajàtasattu đến yết kiến đức Phật và nghe pháp, như đã được ghi chép trong Kinh Sa-môn quả, Trường Bộ Kinh. Vua đã chịu nhận tội giết cha của mình và ăn năn hối tiếc:

- “Bạch Thế Tôn, con đã phạm một trọng tội vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện; con đã hại mạng phụ vương con, một vị vua chân chính để đoạt vương quyền. Mong Thế Tôn nhận cho con tội ấy là một tội để con ngăn đón về tương lai”.

Và đức Phật chấp nhận tội ấy cho vua:

- “Này đại vương, thật là một trọng tội. Vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện, đại vương đã hại mạng phụ vương, một vị vua chân chính, để đoạt vương quyền. Vì đại vương đã thấy tội ấy là một tội, đã thú tội đúng với Chính pháp, Ta nhận tội ấy cho đại vương. Đó là một sự tiến bộ. Thưa đại vương, trong luật pháp của bậc Thánh: Những ai thấy tội là tội, thú tội đúng với Chính pháp và ngăn đón ở tương lai".

- “Và khi vua Ajàtasattu từ biệt và ra đi, đức Phật đưa ra nhận xét như sau: "Này các Tỷ-kheo, tâm của vị vua ấy rất ăn năn. Này các Tỷ-kheo, tâm cùa vị vua ấy rất hối quá. Nếu vị vua rất chân chính, thì ngay trong chỗ ngồi này, vua ấy đã chứng được pháp nhãn, không trần cấu, không ô uế."

Trong những đoạn Kinh trên, chúng ta đã được thấy rõ ngang qua lời dạy của đức Phật, công ơn trời biển của cha mẹ như thế nào, bổn phận đền ơn và trả ơn của con cái phải như thế nào, và như vậy đức Phật không bao giờ quên khuyên dạy các đệ tử biết lòng nhớ ơn và trả ơn cha mẹ. Tuy vậy, Ngài hiểu được tâm tính của chúng sinh một cách sâu sắc và xác thực, và vì vậy, chắc Ngài cũng phải buồn lòng khi đưa ra nhận xét rằng: Số chúng sinh không có hiếu với cha mẹ nhiều hơn là chúng sinh có hiếu với cha mẹ, như đã dược ghi trong Tương Ưng Bộ Kinh tập 5B, trang 255 bản Ronéo.

- “Rồi Thế Tôn lấy một ít đất trên đầu móng tay và bảo các Tỷ-kheo: "Các ngươi nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo? Cái nào là nhiều hơn, một ít đất Ta lấy trên đầu móng tay, hay là quả đất lớn này?"

- "Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất lớn này; còn ít hơn là một ít đất, Thế Tôn lấy trên đâu móng tay. Chúng con không thể ước tính được, so sánh được có thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh quả đất lớn, với một ít đất Thế Tôn lấy trên đầu móng tay".

- “Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ít hơn là chúng sinh có hiếu kính với mẹ. Và nhiều hơn là chúng sinh không hiếu kính với mẹ... Cũng vậy, ít hơn là chúng sinh có hiếu kính với cha. Và nhiều hơn là chúng sinh không hiếu kính với cha..."

Và với nhận xét trên đây, khi đức Phật thấy một người cha già bị các người con đuổi ra khỏi nhà, không nuôi dưỡng, vì cha già yếu vô dụng, đức Phật liền can thiệp và dạy cho người cha học thuộc lòng và đọc lên bài kệ sau đây (Tương Ưng Bộ Kinh tập 1, trang 218), khi quần chúng tụ họp tại thính đường và giữa các người con đang ngồi họp:

“Khi chúng sinh, tôi sướng, Tôi muốn chúng sinh thành, Cùng vợ chúng âm mưu, Chống tôi và đuổi tôi, Chẳng khác gì con chó, Xua đuổi bầy heo lợn. Ác độc và lỗ mãng, Chúng gọi tôi : "Cha thân" Chúng thật quỷ Dạ-xoa, Đội lốt là con tôi Và chúng đuổi tôi ra, Khi tôi đến tuổi già, Như ngựa già suy nhược. Bị đuổi khỏi chuồng ăn. Nay cha già bọn trẻ, Phải xin ăn ở người. Thà cho tôi cái gậy, Hơn lũ con bất hiếu, Với gậy chặn bò dữ, Chặn được loài chó dữ. Chỗ tối dò an toàn, Chỗ sâu, tìm chân đứng, Với sức mạnh chiếc gậy, Vấp ngã đứng dậy được ”.

Người cha làm theo như lời Phật dạy và các người con khi nghe người cha đọc lên bài kệ này, liền hối hận ăn năn và đem người cha về nuôi.

Hình ảnh người cha già bị các người con bất hiếu hắt hủi vì lớn tuổi vô dụng, là một cảnh giác nghiêm trọng mà đức Phật đã khéo nhắn nhủ chúng ta, và nhất là mùa Vu Lan này, chúng ta cũng nên tự kiểm điểm lấy mình, và xem lại chúng ta đã và đang đối xử với cha mẹ chúng ta như thế nào?

Chúng ta đã được nghe nói một số lời Phật dạy nói về chữ Hiếu, nói đến công ơn trời biển của cha mẹ, nói đến trách nhiệm của con cháu đền ơn đáp nghĩa cha mẹ. Chúng ta đã được hiểu rằng không phải lễ nghi là chính yếu mà chính những hành động cụ thể, nuôi dưỡng cha mẹ mới là quan trọng. Chúng ta cũng được hiểu rằng, cách trả ơn tốt đẹp và đầy đủ nhất là hướng dẫn cha mẹ bước vào con đường chính thiện, bỏ ác giới, bỏ xan tham, theo đời sống đạo đức, thực hành bố thí, bỏ con đường vô minh tối tăm hướng đến ánh sáng của trí tuệ quang minh. Và ở nơi đây, chúng ta càng thấy rõ vai trò chính pháp đã hướng dẫn chữ Hiếu đạt đến những thiện quả tốt đẹp và thù thắng.

Nhưng rồi đức Phật cũng cảnh giác chúng ta rằng, với sự nhận xét của Ngài, người không có hiếu với cha mẹ nhiều hơn là người có hiếu với cha mẹ. Và hình ảnh của người cha già bị con cháu ruồng bỏ vì già yếu vô dụng được đức Phật can thiệp, cũng là một cảnh giác não lòng cho chúng ta suy nghĩ, và đánh giá lại lòng hiếu thảo của chúng ta đối với cha mẹ, và xem có gì khiếm khuyết để bổ túc cho được chu đáo tốt dẹp hơn.

Nhất là trong các mùa Vu Lan chúng ta hãy thành tâm hướng niệm đến công ơn của cha mẹ và thực hiện ngay những gì chúng ta có thể làm được, để cha mẹ được hoan hỷ an lạc. Và đi xa hơn nữa, hạnh phúc tốt đẹp nhất để dành cho cha mẹ như lời Phật dạy là hướng dẫn cha mẹ vào con đường hành thiện bỏ ác làm lành, xây dựng lòng tin, theo Chính pháp, và đạt đến giải thoát sinh tử khổ đau.

Nhân dịp lễ Vu Lan, chúng tôi xin cầu chúc toàn thể quý vị một mùa báo Hiếu viên mãn, đầy đủ ý nghĩa cao quý tốt đẹp đúng như lời Phật dạy. Xin kính chúc quý vị song thân người còn cũng như kẻ mất, được thọ hưởng nhiều duyên lành, nhiều phúc đức thù thắng tốt đẹp trong mùa Vu Lan này.

Chữ “Hiếu” trong kinh tạng Pàli.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Ngũ giới là gì?

Kiến thức 09:20 24/12/2024

Sau khi chúng ta quy y Tam bảo, cần phải thực hành những lời Phật dạy, những giới điều để ngăn ngừa việc ác, thúc liễm thân tâm, trau dồi đạo đức, nhân cách của người Phật tử.

Công năng của thần chú Vô Lượng Thọ

Kiến thức 16:17 23/12/2024

Phật tử thực tập pháp môn tu Tịnh thì niệm Phật khi nào đạt chánh niệm, hoặc tu từ một đến 03 năm, có thể phát tâm gia hạnh thêm một vài pháp môn khác như là Mật, hay Thiền, chừng đó tâm không bị rối loạn.

Diệu dụng của thần chú Lăng Nghiêm

Kiến thức 10:11 23/12/2024

Thần chú Lăng Nghiêm là chú cốt tủy trong Phật giáo, học, trì tụng Chú Lăng Nghiêm là nhân duyên rất lớn của người con Phật.

Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?

Kiến thức 06:10 23/12/2024

Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.

Xem thêm