Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 18/09/2022, 07:40 AM

Chùa Bửu Hưng - ngôi chùa cổ quý hiếm với những bức tượng Phật độc đáo

Hầu hết các tượng Phật ở chùa Bửu Hưng có màu sắc nhẹ nhàng, không lòe loẹt, y phục không hoa văn tiểu tiết rườm rà; những tượng Phật này toát lên được sự trang nghiêm và đã tạo nên không gian trầm ấm cho một ngôi cổ tự.

Chùa Bửu Hưng tên chữ Hán là Bửu Hưng tự hay còn gọi là Bửu Hưng Cổ tự, và vì nằm gần rạch Cả Cát nên các đạo hữu và những người dân quanh vùng thường gọi là chùa Cả Cát. Di tích Lịch sử - Văn hóa này vào thời Phong kiến thuộc thôn Hòa Long, huyện Vĩnh An, trấn Vĩnh Thanh. Trước năm 1975, chùa thuộc xã Hòa Long, quận Đức Thành, tỉnh Sa Đéc. Sau ngày 30/4/1975, chùa thuộc xã Hòa Thắng, huyện Thạnh Hưng, tỉnh Đồng Tháp. Từ tháng 8/1989 đến nay chùa Bửu Hưng tọa lạc tại ấp Hòa Ninh, xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Chùa có tổng diện tích khoảng 13.760m2, trong đó diện tích tiền đường và chánh điện là 314m2, diện tích tiền sảnh và nhà tổ là 288m2, diện tích nhà giảng là 198m2, phần còn lại là nhà trù, ni xá, sân kiểng, ao nước, vườn cây ăn trái và các công trình phụ.

0959_1

Vì ngôi chùa nằm bên cạnh rạch ông Cả Cát nên người dân quen gọi đây là chùa Cả Cát hàng trăm năm nay. Theo lịch sử ghi chép tại chùa thì Bửu Hưng tự được thiền sư Nguyễn Đăng từ kinh thành Huế vào đây dựng chùa vào giữa thế kỷ 18, khoảng những năm 1777 – 1780 với vật liệu tạm bợ là tre trúc, vách đắp bùn, lợp lá dừa nước.

chuabuuhung4-1

Năm 2002 chùa được tu sửa lại, mái lợp ngói lưu ly, nền lát gạch men. Các cột kèo phù điêu, các bức chạm tứ quí còn nguyên gốc rất đặc sắc khéo léo.

Ngày nay, ngôi chùa nằm giữa khu vườn yên tĩnh, nhiều cây xanh thoáng đãng. Trước chùa là hồ sen và trước nữa là con rạch chảy xuôi ngang chùa nên bốn mùa mát rượi, phía trên có chiếc cầu vòng cung bắc ngang rạch, phong cảnh nên thơ.  Điều này không chỉ tạo cho không gian ngôi chùa cổ thanh tịnh cần có của chốn thiền môn, mà còn là địa điểm hành hương lý tưởng của phật tử và khách đến du lịch Đồng Tháp đến tham quan chiêm bái.

a3

Trong chùa Bửu Hưng có tất cả 58 tượng thờ, trong đó có 26 tượng bằng gỗ, một tượng bằng đồng, 20 tượng bằng xi-măng và 10 tượng được tạo từ nguyên liệu gốm. Các tượng bằng gỗ đều có niên đại ở thế kỷ XIX và XX. Ngoài tượng Phật A Di Đà được vua Minh Mạng gửi vào cúng dường, chùa Bửu Hưng còn có các tượng khác được tạc bằng gỗ như: bộ tượng Hộ Pháp khuyến thiện - trừng ác, Địa Tạng thượng kỳ thú, Tiêu Diện Đại sĩ, Giám Trai sứ giả, Già Lam, Quan Công, Ngọc Hoàng đại đế, Nam Tào - Bắc Đẩu, và bộ Thập điện Diêm vương… Các tượng này đều có giá trị cao về niên đại cũng như nghệ thuật điêu khắc.

1024_7

Tượng Phật A Di Đà: được thờ ở vị trí chủ vị thuộc gian trung tâm của chánh điện, có niên đại vào năm Minh Mạng thứ hai (tức năm 1821). Vua Minh Mạng sau khi lên ngôi đã cho tạc tượng Phật A Di Đà gửi vào cúng dường để bày tỏ lòng biết ơn Hòa thượng chùa Bửu Hưng khi xưa đã che chở cho tiên đế (Nguyễn Ánh - vua Gia Long) trong cuộc lánh nạn Tây Sơn. Trụ trì lúc bấy giờ là Hòa thượng Tiên Thiện Từ Lâm. Tượng được tạc bằng gỗ mít, cao 2,3m tính cả đài sen, được sơn son thếp vàng, tuy nhiên trải qua thời gian dài nên tượng đã phai màu. Dưới đài sen có bệ đỡ tượng Phật được làm bằng gỗ sơn màu đen, chạm khắc hoa văn, các hoa văn được thếp vàng, có chiều cao 0,43m, xung quanh được chạm khắc diềm trang trí và hoa văn, bốn chân bệ được chạm khắc mẫu hoa sen trang trí.

Tượng Phật A Di Đà được tạc trong tư thế ngồi kiết-già thiền định trên tòa sen - còn gọi là tư thế Vajrasana (Bảo tòa kim cang), hai bàn tay kiết ấn đặt trên hai đùi, hai đầu ngón tay cái chạm nhau, mắt nhắm thiền, tai dài, áo phủ hai vai, trên ngực khắc nổi chữ vạn (卍 - svastika) to, màu đỏ. Khác với những pho tượng Phật trong nền văn hóa tạc tượng của Chăm Pa hay Óc Eo, tượng Phật chùa Bửu Hưng mang đậm phong thái của người Việt.

1052_11

Những đường nét nghệ thuật chạm trổ theo kiểu nhát đục đã khắc họa nên hảo tướng của một vị Phật. Tượng được tạc với nụ cười an nhiên, tư thế ngồi tự tại tạo nên sự thân thiện, gần gũi; đồng thời qua đó thể hiện niềm mong ước một cuộc sống an vui, lạc quan tự tại của những người con Việt ở đầu thế kỷ XIX.

Như được biết, đây là một trong hai bức tượng được triều đình Huế gửi vào Nam cúng dường. Tượng thứ nhất được cúng cho chùa Khải Tường ở Gia Định và tượng thứ hai được cúng cho chùa Bửu Hưng. Khi so sánh hai pho tượng với nhau, người viết nhận thấy kích thước, chiều cao, tư thế ngồi và phong cách tượng có rất nhiều nét tương đồng. Vì vậy ta có thể nói rằng tượng Phật ở chùa Bửu Hưng và tượng Phật ở chùa Khải Tường (hiện được lưu giữ tại Viện Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh) có cùng một xuất xứ và niên đại. Tính đến nay tượng Phật A Di Đà ở chùa Bửu Hưng đã được 199 năm.

Ngoài tượng Phật A Di Đà, chùa Bửu Hưng còn có các tượng được tạc bằng gỗ khác có giá trị nghệ thuật cao như: 

Tượng Hộ Pháp khuyến thiện - trừng ác: là hai pho tượng được đặt đăng đối hai bên bàn Phật A Di Đà, tượng Hộ pháp khuyến thiện nằm bên trái và tượng Hộ pháp trừng ác ở bên phải của bàn Phật A Di Đà (hướng từ trong nhìn ra). Hai tượng có chiều cao tương đương nhau, gần 2,1m, được an vị trên bệ thờ có chiều cao là 1,05m, chiều rộng là 0,68m.

Tượng Thích Ca đản sinh: được thờ ở bàn Cửu long phún thủy đặt ở tiền đường, mặt thờ xoay vào trong đối diện với bàn Phật A Di Đà. Toàn bộ bàn thờ được chạm bằng gỗ. Bên trên tượng đản sinh là các khung gỗ tách rời được gắn mộng vào nhau, hoa văn trang trí rất đẹp. Khung chủ phía trước tạc hình chín con rồng với chín tư thế khác nhau lấy hình đầu rồng trên đỉnh khung làm chuẩn, chín rồng này cùng phun nước chầu về Đức Phật.

Tượng Địa Tạng thượng kỳ thú:được thờ ở chái bên trái của chánh điện, đặt ở giữa và chung bàn với tượng Địa Tạng và Quan Âm Bồ-tát. Hai Tượng Quan Âm - Địa Tạng đều được đúc bằng xi-măng, đứng trên tòa sen, sơn son thếp vàng, cao 1,5m. Tượng Địa Tạng thượng kỳ thú có lớp áo phủ bên ngoài đều là màu đen, đây là lớp sơn thí được sơn trước nhiều lần nhằm gắn chặt lớp đất hom và vải vào gỗ trước khi thếp vàng cho tượng.

Tượng Già Lam - Giám Trai: Đây là những tượng thờ biểu thị cho bậc Hộ pháp ở chốn tòng lâm. Cũng giống tượng Địa Tạng thượng kỳ thú, các tượng này cũng bị phai màu áo, hiển hiện rõ màu sơn then thường dùng trong nghệ thuật tạc tượng, làm cho tượng càng có phong thái trầm tĩnh và cổ xưa.

Về kiến trúc xây dựng, Chùa Bửu Hưng hiện tọa lạc trên diện tích khoảng 4.000 mét vuông, thiết kế theo kiểu chữ tam có chiều ngang 15 mét, dài 50 mét bao gồm: Tiền đường, Chánh điện và nhà Hậu Tổ. Tiền đường và Chánh điện nối liền nhau.

Phía sau chánh điện chùa là một sân lộ thiên (sân thiên tỉnh) hình chữ khẩu, có hành lang hai bên (Đông lang, Tây lang) nối với nhà Hậu Tổ.

a4

Trong vườn trúc cạnh chùa là khu tháp cổ. Đây là nơi an trí nhục thân của các nhà sư đã từng tu tập tại chùa.

a6

Hiện chùa vẫn còn hơn 100 cây cột gỗ to và quý, ba bộ cửa gỗ lớn (mỗi cửa 4 cánh) có chạm hình rồng và hoa lá rất mỹ thuật. Ba bộ cửa này được làm ở đầu thế kỷ 20 và được dựng ở vách sau Chánh điện vào những năm 1909 – 1911.

a8

Tượng Phật nghìn năm mạ vàng bạc

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Về Thanh Hóa thăm chùa cổ Khánh Quang

Chùa Việt 12:15 30/04/2024

Chùa Khánh Quang - ngôi chùa cổ kính nắm giữ những dấu ấn lịch sử tôn giáo, văn hóa ở Thanh Hóa.

Chiêm ngưỡng tượng Phật đôi Quan Âm cao nhất Việt Nam

Chùa Việt 16:00 28/04/2024

Về Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn (Bình Định), du khách không chỉ hòa mình với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng của Eo Gió, Kỳ Co, mà còn được chiêm ngưỡng tượng Phật đôi Quan Âm cao nhất Việt Nam.

Nét đẹp ngôi chùa hàng trăm năm tuổi tại Trà Vinh

Chùa Việt 10:40 28/04/2024

Một ngôi chùa tại Trà Vinh mang trong mình nét cổ kính và dường như bất tử với thời gian; khiến nhiều du khách xiêu lòng mỗi khi ghé thăm.

Chiêm ngưỡng những tượng Phật lớn nhất Việt Nam

Chùa Việt 11:55 25/04/2024

Việt Nam là quốc gia có bề dày văn hóa Phật giáo và cũng là nơi có nhiều tượng Phật lớn nhất. Những tượng Phật này không chỉ là điểm hành hương tâm linh mà còn là kiệt tác nghệ thuật đáng kinh ngạc.

Xem thêm