Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh – một chứng nhân lịch sử đã qua đời
Tối 29.9, PGS-TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh, cho biết ông Nguyễn Hữu Hạnh (ngụ H.Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh), đã qua đời ở tuổi 95 tại bệnh viện cùng ngày.
Nguyễn Hữu Hạnh – một nhân sĩ yêu nước
Nguyễn Hữu Hạnh là một cựu tướng lĩnh Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Chuẩn tướng. Ông được biết với vai trò là Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, người đã tác động để Tổng thống Dương Văn Minh sớm đi đến quyết định kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa buông vũ khí trước sức tấn công của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam vào cuối tháng 4 năm 1975, chấm dứt cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Ông sinh ngày 10 tháng 7 năm 1926, trong một gia đình điền chủ bậc trung khá giả tại ấp Phú Thuận, xã Phú Phong, quận Châu Thành, Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Năm 1945, ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp tại Mỹ Tho với văn bằng Tú tài bán phần (Par I).
Đầu năm 1949, thi hành lệnh động viên, ông nhập ngũ vào Quân đội Liên hiệp Pháp, mang số quân: 46/103072. Theo học tại trường Võ bị Địa phương Nam Việt Vũng Tàu (Cap Saint Jacques). Mãn khóa cùng năm, tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn úy. Ra trường ông được điều đi phục vụ tại một đơn vị Bộ binh giữ chức vụ Trung đội trưởng dưới quyền Thiếu úy Đại đội trưởng Dương Văn Minh, khởi đầu của mối quan hệ thân tình của ông với tướng Dương Văn Minh về sau này. Giữa năm 1950, ông được thăng cấp Thiếu úy tại nhiệm. Cuối năm 1951, ông được thăng cấp Trung úy làm Đại đội trưởng Bộ binh.
Năm 1952, Quân đội Quốc gia thành lập Bộ Tổng Tham mưu, chính thức chuyển sang cơ cấu mới này, ông được thăng cấp Đại úy và được cử giữ chức vụ Tham mưu trưởng Phân khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Năm 1954, ông được chỉ định làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 30 Việt Nam Biệt lập.
Đầu năm 1955, ông được thăng cấp Thiếu tá tại nhiệm. Khi Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống đổi tên Quân đội Quốc gia thành Quân đội Việt Nam Cộng hòa và mở chiến dịch tiêu diệt Lực lượng Vũ trang của các Giáo phái. Tháng 9 cùng năm ông được giữ chức vụ Tham mưu trưởng Chiến dịch Hoàng Diệu đánh quân Giáo phái Hòa Hảo. Đến Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu đánh quân Giáo phái Cao Đài, ông được thăng cấp Trung tá, dưới quyền Đại tá Dương Văn Minh. Tháng 8 năm 1958, ông được cử đi du học lớp Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại trường Fort Leavenworth, Tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ với thời gian 42 tuần. Cuối tháng 7 năm 1959 mãn khóa học về nước.
Tuy nhiên, cách đối xử của Tổng thống Diệm đối với Dương Văn Minh cũng ảnh hưởng nhiều đến đường công danh của ông. Năm 1960, ông được cử giữ chức vụ Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô (sau đổi thành Biệt khu Thủ đô). Đầu năm 1963, ông được thăng cấp Đại tá và chuyển đi miền Tây Nam phần giữ chức vụ Tham mưu trưởng Quân đoàn IV do Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao làm Tư lệnh.Tháng 10 năm 1963, khi đang là Đại tá Tham mưu trưởng Quân đoàn IV, dưới quyền tướng Huỳnh Văn Cao, cha ông là Nguyễn Hữu Điệt qua đời. Do ý nguyện của cha muốn được chôn cất tại quê nhà, nơi đang thuộc quyền kiểm soát của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tỉnh Mỹ Tho, ông đã thỏa thuận ngưng bắn 3 ngày để làm lễ tang và chôn cất cho cha. Điều này khiến cho Ban binh vận của Trung ương Cục miền Nam chú ý và nảy ý đồ vận động ông làm cơ sở. Nhiệm vụ tiếp cận, vận động, bồi dưỡng ông được giao cho ông Nguyễn Tấn Thành, bác họ của ông. Trước đó, có 2 lần ông Thành bị phía quân đội Việt Nam Cộng hòa bắt giữ, nhưng đều được ông can thiệp và trả tự do. Ông được gán mật danh là S7 hoặc Sao Mai, nhưng hầu như không được giao nhiệm vụ gì có thể ảnh hưởng đến vị trí của ông. Ông và ông Thành giữ liên lạc với nhau đến tận cuối năm 1974.
Vị tư lệnh thận trọng
Trong cuộc đảo chính Tổng thống Diệm ngày 1 tháng 11 năm 1963, chính ông đã ngầm ủng hộ cho tướng Dương Văn Minh làm đảo chính, hỗ trợ Đại tá Nguyễn Hữu Có chiếm quyền chỉ huy Sư đoàn 7 Bộ binh, khuyên tướng Huỳnh Văn Cao án binh bất động, ngăn cản Lực lượng quân đoàn IV về chống đảo chính, giúp cuộc đảo chính thành công.
Năm 1967, ông được chỉ định giữ chức vụ Phó Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh do Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh làm Tư lệnh. Năm 1968, ông được cử giữ chức vụ Tư lệnh Biệt khu 44 (bao gồm Hà Tiên, Châu Đốc, Kiến Phong và Kiến Tường). Trong nhiều lần đối mặt với lực lượng cách mạng, ông đều lệnh cho binh sĩ đánh ở thế giằng co mà không tiến chiếm mục tiêu. Khi quân giải phóng rút quân ông cũng ra lệnh rút quân về. Các cố vấn Mỹ mỉa mai gọi ông là “Tư lệnh thận trọng”, “Tư lệnh không bao giờ chiếm mục tiêu”.
Năm 1969, một lần nữa, ông được điều động trở lại Bộ Tư lệnh Quân đoàn IV giữ chức vụ Phó Tư lệnh dưới quyền Thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh. Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1970, ông được thăng cấp Chuẩn tướng tại nhiệm.
Trung tuần tháng 5 năm 1972, ông thuyên chuyển ra Bộ tư lệnh Quân đoàn II, giữ chức vụ Phó Tư lệnh do Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn làm Tư lệnh. Giữa năm 1973, thuyên chuyển ra Quân đoàn I giữ chức vụ Chánh Thanh tra Quân đoàn.
Ngày 15 tháng 5 năm 1974, ông nhận được quyết định về hưu do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký khi ông mới 48 tuổi. Lý do là ông đã phục vụ trong quân đội quá thời gian quy định (trên 20 năm). Ý đồ sâu xa của Tổng thống Thiệu là loại bỏ bớt những người ngả theo tướng Dương Văn Minh.
Vai trò năm 1975
Ngày 28 tháng 4 năm 1975, sau khi Đại tướng Dương Văn Minh lên nắm chức vụ Tổng thống, ông được phân công giữ chức Phụ tá cho tân Tổng tham mưu trưởng, Trung tướng Vĩnh Lộc. Tuy nhiên, không lâu thì tướng Vĩnh Lộc đào nhiệm, vì vậy, nhân danh Tổng tham mưu trưởng, ông đã ra tuyên bố kêu gọi binh sĩ buông súng. Ông cũng là một trong 2 vị tướng bên cạnh Tổng thống Dương Văn Minh trong giờ phút cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa (vị tướng thứ 2 là Trung tướng Nguyễn Hữu Có, đối thủ cũ của tướng Dương Văn Minh).
Sau năm 1975, được ghi nhận công lao trong tác động đến buông súng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, ông không bị chính quyền mới đưa đi cải tạo, mà còn được giữ chức vụ Tổng thư ký Hội nhân dân bảo trợ Nhà trường, sau được bầu Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là Nhân sĩ yêu nước và giữ chức vị đó cho đến nay.
Một chứng nhân lịch sử đã ra đi
Tướng Hạnh có đóng góp cho sự tiếp quản Sài Gòn và Miền Nam Việt Nam sau 30/4/1975 nhje nhàng, trong hòa bình và bớt đổ máu theo kịch bản kết thúc chiến tranh tốt nhất có thể nghĩ đến. Ông là chứng nhân lịch sử trực tiếp khi thảo lệnh buông vũ khí cho tổng thống Dương Văn Minh ký, với tư cách Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam Cộng hoà; lại là một biểu tượng hòa hợp hòa giải khi tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách ủy viên trung ương, cũng như thực tế tham gia hoạt động bảo trợ trường học sau giải phóng. Tướng Hạnh là sĩ quan cao cấp đã tham gia thiết chế mới của chính quyền mới mà ông vốn có những liên hệ bí mật từ những năm 1960. Ông là một trí thức, quân nhân chuyên nghiệp có vai trò nhất định trong lịch sử tồn tại của Việt Nam Cộng hoà. Ông lại được biết đến như một người con chí hiếu.
Ông sống với gia đình ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2015. Sau đó ông trở về quê Mỹ Tho từ đó đến nay.
Một hiếu tử
Là quân nhân nhà nòi trưởng thành từ chỉ huy cấp thấp (trung đội) trước khi thân phụ của ông (cụNguyễn Hữu Điệt) qua đời 1963, người ta không ghi nhận những liên hệ của ông với "phía bên kia" tức cách mạng. Di nguyện của thân phụ về chuyện an nghỉ ở vùng đất thuộc kiếm soát của quân giải phóng đã dẫn đến quyết định không đơn giản xét theo khía cạnh quân sự: ngừng bắn ngắn ngày để an táng cha! Riêng chi tiết cảm động này có lẽ không có tiền lệ? Cũng từ quyết định kia mà mặt trận dân tộc giải phóng đã thiết lập quan hệ bí mật với ông, dẫn đến vai trò quan trọng trong tác động chiến lược khiến sớm có quyết định đầu hàng khi ông lên cương vị tham mưu trưởng quân đội Việt Nam Cộng hoà và quan hệ chí cốt từ lúc còn nắm trung đội của ông với đại tướng Dương Văn Minh.
Giới quân sự đánh giá sở trường tác chiến hòa hoãn ít va chạm của ông ở chiến trường; đã nói về lòng hiếu, rồi hành động vì sinh tử cho số đông đồng bào khi hợp tác với cách mạng xây dựng hình ảnh một sĩ quan chỉ huy không hề võ biền, một nhà binh đậm chất nhân văn. Về già, ông đạm bạc sống với một phụ nữ nghèo hành nghề bán vé số cạnh nghĩa trang càng nhấn mạnh thêm tố chất nhân văn trong con người ông.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tiền Giang: BTS H.Gò Công Tây trao quyết định thành lập Ban Quản trị đến 17 tự viện
Tin tức 07:00 22/11/2024Ngày 21/11, tại Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN H.Gò Công Tây - chùa Linh Sơn (TT.Vĩnh Bình), Ban Trị sự Phật giáo huyện tổ chức họp định kỳ, trao quyết định bổ nhiệm và thành lập Ban Quản trị 17 cơ sở tự viện trên địa bàn huyện.
Khai mạc Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông năm 2024 tại TP.HCM
Tin tức 22:17 21/11/2024Sáng 21/11/, Lễ khai mạc Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông 2024 do Ban Thông tin - Truyền thông thuộc Phật giáo TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM – Việt Nam Quốc Tự.
Kinh lá buông - “báu vật” của đồng bào Khmer An Giang
Tin tức 15:30 21/11/2024Là một trong Tam bảo của Phật giáo Nam Tông Khmer, kinh lá buông được xem như “báu vật” có giá trị đặc biệt trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer vùng Bảy núi An Giang.
Nét đẹp tri ân của Tăng Ni sinh Học viện PGVN tại Hà Nội
Tin tức 13:31 21/11/2024Tối 20/11, tại Hội trường Bảo tàng Học viện PGVN tại Hà Nội đã trang nghiêm tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Xem thêm