Chủ nhật, 15/08/2021, 09:32 AM

Chuyện đời của mẹ

Trong vài dòng chữ ngắn gọn thế này, làm sao có thể kể hết về cuộc đời của mẹ, cuộc đời ấy gắn với bao thăng trầm của đời người từ thuở nằm nôi cho đến tận bây giờ.

Dù thời gian có trôi nhanh theo lý vô thường sanh diệt, nhưng ký ức về người mẹ thân yêu vẫn luôn hiện hữu, hằng còn trong tâm thức của con, đứa con mà mẹ đã ấp ủ săn sóc thương yêu ngay từ thuở mới lọt lòng.

Rất đổi bình dị và thiệt thà, người miền Tây chúng tôi hay dùng tiếng “má” để gọi mẹ. Đây cũng là tiếng nói đầu đời bập bẹ của con trẻ thốt lên bờ môi. Tiếng gọi ấy sao thân thương mà nồng thắm, như chất chứa nỗi niềm của người con xa quê sau bao ngày chưa gặp lại. Vì rằng đối với người xuất gia chúng tôi, việc tu học và rèn luyện ở chùa luôn đặt lên hàng đầu, vậy nên chúng tôi không có nhiều thời gian về thăm nhà, thăm quê, thăm gia đình, thăm ba má.

Lòng từ của cha mẹ dành cho con cái

Dù thời gian có trôi nhanh theo lý vô thường sanh diệt, nhưng ký ức về người mẹ thân yêu vẫn luôn hiện hữu, hằng còn trong tâm thức của con...Ảnh minh họa.

Dù thời gian có trôi nhanh theo lý vô thường sanh diệt, nhưng ký ức về người mẹ thân yêu vẫn luôn hiện hữu, hằng còn trong tâm thức của con...Ảnh minh họa.

Trong tôi vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, ngày mà tôi được trở về quê nhà sau khoảng thời gian dài xa vắng. Quê hương tôi nằm êm ả, thanh bình bên dòng sông Tiền hiền dịu nhưng đôi khi cũng cuộn trào, ào ạt như dòng chảy vô thường. Ánh chiều tà dần buông phía sau rặng tre già trước hiên nhà, không khí yên bình chốn quê nghèo phủ lên không gian như có chút mờ ảo của sương chiều trong gió nhẹ. Tiếng ếch nhái gọi nhau bên đồng ruộng, xen lẫn tiếng muỗi vờn nhau “vo ve” khi mặt trời vừa lặn tắt phía chân mây. Hòa vào đó, tiếng của ngoại thủ thỉ cùng tôi trước hiên nhà, và có lẽ đó là lần mà ngoại tâm tình, kể cho tôi nghe câu chuyện trọn vẹn nhất về cuộc đời của má. 

Má tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có bốn anh chị em. Ông ngoại mất khi má vừa tròn tám tuổi, để lại bà ngoại, cậu Ba, dì Tư và dì Năm vẫn còn trong bụng ngoại, chưa mở mắt chào đời. Là chị cả trong gia đình, má phải chăm nhà, săn sóc cậu Ba, các Dì của tôi và bắt đầu theo ngoại ra đồng khi tuổi còn rất nhỏ. Có lẽ vì thế mà má làm ruộng giỏi, thoăn thoắt đôi tay từ xạ lúa, cấy lúa cho đến gặt lúa, việc nào má cũng rành. Cuộc đời cứ như thế trôi nhanh. Tuổi thơ của má gắn với nỗi lo toan vất vả nơi quê nghèo và có lẽ phải là người từng trải, trưởng thành mới có thể cảm nhận và thấu hiểu được.

Thoáng chốc đã đến tuổi mười tám, thanh xuân chưa tròn thì như những người con gái khác trong xóm, má được người mai mối. “Vậy là bắt đầu một cuộc sống gia đình, dù có nhiều bỡ ngỡ, rụt rè và suy tư trong lòng, nhưng má chưa từng than phiền hay quở trách gì với ngoại”. Một tiếng thở dài của ngoại lúc này chợt khiến tôi bần thần về những gì má đã trải qua với tuổi thơ đầy sự phiền lo và sầu muộn, để chiêm nghiệm được rằng giá trị đích thực của đời người được chôn giấu ở nơi đâu, mà cả cuộc đời chắc có lẽ không bao giờ má tìm được trong suốt quãng thời gian lầm lũi ấy. Và khi ấy, bản thân cũng chưa hiểu được điều gì đã thôi thúc tôi muốn tiếp tục được nghe, được hiểu, được cảm thêm những gì về cuộc đời của má mà ngoại sắp kể…

Lần lần trong hơi sương đêm tuy lạnh lẽo nhưng còn vương đôi chút hương lúa mùa sắp gặt cánh đồng xa, lời ngoại như run run, nhắc lại khoảng thời gian không mấy gì vui vẻ của má. Sau khi cất bước về nhà chồng, má làm dâu từ một cuộc tình nên duyên nhờ mai mối. Bà nội tôi là một người rất khó tính, lại thêm ba tôi là người hay say xỉn, rượu chè nên niềm vui rất ít khi được nhen nhóm từ túp lều tranh chập chờn trong ánh đèn dầu mờ nhạt. Thay vào đó là những trận quát mắng, đòn roi của ba vì mỗi khi nhậu về là ông lại rầy la, quở trách và đánh đập má. Nhưng vì lòng yêu thương bao la và tình mẫu tử nặng sâu với anh Hai tôi mà má vẫn luôn cam tâm chịu đựng, không than khóc một lời, mặc dù cuộc sống đâu có vui vẻ, hạnh phúc là bao, thay vào đó chỉ toàn nhẫn kham và chịu đựng. Nói đến đây, tôi chợt nhìn lên gương mặt pha sương, gầy guộc, hốc hác nhưng từ hòa của ngoại - gương mặt ấy đã thấm đẫm màu thời gian và được khắc lên bằng những vết chân chim khô cằn của sự hy sinh thầm lặng. Trong mơ hồ, tôi chẳng còn phân định được đó là những giọt sương đêm đang thấm đẫm trên làn mi đã bạc màu năm tháng hay chính là những giọt nước mắt ướt đẫm cảm thương cho cuộc đời của má… Ngoại còn nhớ như in cái ngày mưa gió bão bùng của trời thu tháng Bảy, đang lụm khụm sau nhà lo bếp núc với cậu Ba, ngoại bần thần khi có người về báo rằng má bị ba tôi đánh rất nhiều. Ngoại vội vàng chạy sang nhà má, nhưng chỉ nghe tiếng má khẽ run ngoài trước ngõ với những vết bầm trên tay, nhưng vẫn ôm chặt anh Hai không chút buông lơi. Ngoại chỉ biết âm thầm lau nước mắt và đưa má tôi về nhà với hy vọng sẽ chấm dứt sự đau khổ mà má phải chịu đựng bao lâu nay.

Được một thời gian không lâu khi quay về ở bên ngoại, có lẽ sự đấu tranh tâm lý cứ thế dằn vặt má mặc dù trong tâm tư, đôi lúc có suy nghĩ muốn từ bỏ ba tôi, nhưng vì tình cảm gia đình trong má vẫn còn dạt dào lắm, cùng với lòng thương nhớ anh Hai, cứ thế làm má thức trắng nhiều đêm, không sao chợp mắt được. Phần vì không muốn mọi người lời ra tiếng vào không hay cho ngoại, phần vì nghĩ rằng âu cũng chính là duyên số, là phận đời đã đưa má đến với ba, vậy nên má lại tiếp tục đánh đổi một lần nữa, trốn ngoại để trở về mái nhà xưa thăm anh Hai với hy vọng bắt đầu lại từ đầu. Sau đó, sáu anh em chúng tôi cũng lần lượt được ra đời như một niềm an ủi tình thương mà nhân duyên đã dành cho má.

Lời của ngoại như tiếng nấc nghẹn ngào, chạnh lòng nhớ lại thuở quá khứ xa xưa. Đến đó, tôi dần đã biết thêm về má, và hiểu ra nguồn cơn của những trận đòn roi từ ba mà chúng tôi từng chứng kiến thuở ấu thơ, những vết bầm đỏ trên người má sau những đêm trường chúng tôi say giấc nồng, trong khi nỗi đau của má vẫn còn trong những đêm dài cam chịu. Lại thêm những lúc chúng tôi ngây dại còn nghịch ngợm với những trò vui thuở nhỏ, những trận đòn roi của ba đối với chúng tôi như giáng từng vết thương thật đau vào trái tim của má. Và khi đó, má luôn là tấm bia đỡ đòn roi cho chúng tôi khi cơn tức giận của ba vẫn chưa tàn. Những trận đòn ấy, đến tận bây giờ khi nhắc lại, anh em chúng tôi vẫn còn ám ảnh nỗi sợ hãi trong tâm trí của mình. Vậy đó, đời má cực khổ lắm, từ lúc nhỏ cho đến lúc có chồng, có con.

Đến khi chúng tôi lớn lên, dần biết đi làm để kiếm sống, tự chăm sóc bản thân và ý thức được trách nhiệm của mình trong việc cải hóa ba, xây dựng một gia đình hạnh phúc. Thời gian trôi qua, ba tôi cũng dần thay đổi tâm tính. Không biết do nhân duyên hay tình cảm đích thực của tình thương mà má đã chuyển hóa ba tôi trở nên thấu hiểu và cảm thông, chia sẻ nhiều hơn là sự gia trưởng, quyết đoán năm nào. Vì vậy, cuộc sống của má cũng phần nào đỡ đi sự cực nhọc, phiền muộn, lo toan. Phải chăng, chính những bài kinh, tiếng kệ của đức Từ Phụ bổn sư mà anh tôi đã hằng đọc sau khi được quý Thầy, quý Sư ở chùa gần nhà biếu tặng mang về; hay đó cũng chính nhân duyên hội đủ để ba anh em chúng tôi dần hiểu ra bản chất của sự thật vạn hữu, để quyết tâm lựa chọn cho mình một con đường khác biệt, đó là xuất gia để trở thành đệ tử Phật, ngưỡng mong tìm cho mình một con đường giải thoát.

Thay lời mẹ ru là tiếng chuông sớm, mõ chiều...

Khi chúng tôi bắt đầu đi xuất gia, má đã phải đau khổ rất nhiều với những lần khóc nấc sau khung cửa nhỏ hiên nhà, vì rằng nỗi lo toan của má cho ba anh em chúng tôi chưa bao giờ là dừng lại. Buồn vì không thể tiếp tục chăm sóc, ấp ủ cho cuộc sống của chúng tôi như ngày xưa nữa, lo vì không biết con mình có tìm được hạnh phúc, an vui trên con đường đã chọn hay không. Nhưng rồi má cũng dần hiểu ra giá trị đích thực của con đường mà chúng tôi đã lựa chọn, nên má luôn cổ vũ, động viên chúng tôi. Dần dần, với sự gia hộ của chư Phật, đến một ngày, chúng tôi cũng khuyên được ba má và các anh chị em của mình quy y Tam Bảo, trở thành một người đệ tự tại gia hành trì năm giới. Ba anh em chúng tôi thật không kìm nén được sự vui mừng vì từ đây, ánh sáng giác ngộ của đức Phật đã soi rọi đến gia đình mình, tạo nhiều thiện duyên để mọi người có thể hiểu và hành trì trên con đường tu nhân học Phật. Đặc biệt, qua giáo lý vi diệu cao thâm của Phật pháp, má tôi cũng dần hiểu ra câu chuyện về cuộc đời quá khứ của mình, âu cũng là duyên nghiệp, tất cả đều sẽ là nguồn động lực để má bước tiếp cùng với ba và gia đình trên chặng đường còn lại.

Kể từ khi xuất gia, chúng tôi rất ít khi về quê, nhưng mỗi lần về thăm thì má lại làm những món ăn chay mà chúng tôi yêu thích, tuy bình dị nhưng sao chan chứa tình thương. Má rất giỏi việc làm đồng ruộng nhưng về làm bếp thì má không được khéo cho lắm, đó là lý do vì sao khi còn thơ bé, chúng tôi chủ yếu ăn những món ăn của ba. Nhưng món sở trường của má chắc hẳn là bánh xèo miền Tây, tròn đều trên chảo nóng và thơm hương của sắn ngọt, của giá đỗ luôn có sẵn trên bàn ăn mỗi khi anh chúng tôi về thăm nhà. Mỗi khi về lại chùa, trên đôi mắt thăm thẳm, xa xăm nhưng ẩn chứa tình yêu thương của má lúc nào cũng rưng rưng nước mắt, như thể má có rất nhiều điều muốn gởi gắm tự sâu thẳm trong lòng. Suốt cuộc đời lam lũ như thế, chỉ quán xuyến việc trong nhà, quanh năm bên ruộng đồng nên má tôi không thật sự thông thạo mọi việc ở bên ngoài, đặc biệt là đường đi, xe cộ chốn thị thành. Đôi lúc, vì nhớ thương chúng tôi, má đã tự đón xe từ quê để đến chùa Hoằng Pháp tại Thành phố, mang theo đó là những món ăn bình dị chốn quê, đôi khi chỉ là vài bịch cốm gạo, vài cái bánh cam hay những cái bánh xèo má làm. Ba anh em chúng tôi cứ nhớ mãi cái lần đầu mà má tự đón xe lên chùa, má đã bị lạc đường, đến tận khuya mới đến nơi. Khi đó, những cái bánh xèo đã bắt đầu có dấu hiệu thiu vì đường xa, thời thiết lại nóng nhưng khi ăn, chúng tôi vẫn cảm thấy vui vì đó là những gì má đã dành cho chúng tôi.

Có lẽ những lời như thế, tôi chưa bao giờ kể với má một lần và cũng không biết có đủ nhân duyên để má được đọc những dòng chữ viết vội của chúng tôi hay không. Nhưng đối với tôi, tình cảm mà má dành cho chúng tôi vẫn còn mãi, còn mãi trong tâm thức và sẽ là động lực để anh em chúng tôi vững bước trên những chặng tiếp theo, trên con đường hoằng hóa. Rồi đây, phần còn lại của câu chuyện đời mình, sẽ được chính má viết tiếp trên từng trang giấy của cuộc sống, và chắc chắn anh em chúng tôi cũng sẽ đọc qua, như đồng hành cùng má. Dù được viết tiếp như thế nào đi nữa, nhưng có một điều chắc chắn rằng, chuyện đời ấy sẽ hướng đến một kết quả tốt đẹp khi má sống tốt và hành theo tấm gương sáng ngời của đức Phật. Hãy tiếp tục sống trong ánh từ quang của chư Phật với từng ý nghĩ, lời nói, hành động tốt đẹp theo lời dạy của Ngài, má nhé!

Mùa Vu lan đã đến, chỉ với vài dòng chữ trên đôi ba trang giấy, chắc chắn sẽ không thể nói hết tấm lòng của chúng con dành cho má, nhưng đó sẽ là tất cả sự trân quý vô cùng của chúng con dành cho hai đấng sinh thành.

Tâm Nhuận - Chùa Hoằng Pháp

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà

Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024

Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.

Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn

Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024

Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.

Tôi tin nhân quả

Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024

Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.

Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…

Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024

Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.

Xem thêm