Thay lời mẹ ru là tiếng chuông sớm, mõ chiều...
Mẹ ơi! Bây giờ là 11 giờ đêm rồi. Giờ này mẹ đã ngủ chưa hay vẫn còn thao thức? Chén trà muộn làm con mất ngủ. Đã lâu rồi con không thức khuya như vậy. Sắp vào tháng bảy nên trời thường hay mưa và Sài Gòn hôm nay mưa mẹ ạ!
Nhân duyên với Phật ca của nữ ca sĩ đất Cảng Lương Ngọc Diệp
Cơn mưa đêm bất chợt làm bao nhiêu kỷ niệm không hẹn mà ùa về trong tâm trí. Những giọt mưa tí tách rơi bên hiên cửa sổ, lắng lòng mình con nghe những thanh âm trong trẻo cất lên từ những điều xưa cũ… Con nhớ mẹ!
Mẹ à! Con thích mưa, song mưa lại làm con buồn vì bao nhiêu kỷ niệm của con về mẹ đều gắn liền với mưa. Bất giác có giọt nước mắt nào len lén rơi làm nhoà mắt con.
Hồi đó lúc con chưa chào đời ba đã ra đi tìm hạnh phúc mới, mẹ một mình gồng gánh, lo toan tất cả. Con vẫn thấy lòng mình se thắt lại mỗi khi nghe ai đó ngân nga câu hát “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Sống mũi con cay cay vì đâu đó trong lời hát kia thấp thoáng bóng dáng mẹ.
Lớn lên rồi, con mới cảm nhận được sự hiểm nguy khi mẹ một mình “vượt cạn”. Sinh con ra với bao niềm hạnh phúc, mẹ dường như quên mất bao nỗi nhọc nhằn khi phải vừa làm mẹ, vừa làm cha. Thương con, mẹ sợ con thiếu thốn tình cảm cũng như vật chất nên mẹ dốc cạn sức lực mình bươn chãi mưu sinh, mẹ dãi nắng, dầm mưa… làm tất cả chỉ mong bù đắp lại phần nào cho con. Nhưng cuộc đời này thì rộng lớn và đầy giông bão, còn đôi tay mẹ thì nhỏ bé lại yếu mềm nên dù có cố gắng thật nhiều mà mái tranh vẫn không sao lành lặn.
Nhà của mình được gọi là “chòi” vì nó rất nhỏ chỉ vừa đủ để thùng nước mắm và chiếc giường tre. Con còn nhớ mỗi lần trời mưa, trong chòi nước trút xuống không khác gì ở ngoài trời. Và mỗi lần trời mưa to thì mẹ con mình đều tránh mưa bằng cách mẹ đội nón lá, ngồi co ro nép sát vào góc chòi, còn con thì ngồi trong lòng mẹ tận hưởng hơi ấm, có lúc ngủ say. Với con những lúc đó là lúc hạnh phúc nhất. Ngày ấy vô tư, con vui và hạnh phúc bao nhiêu thì khi lớn lên con cảm thấy đau bấy nhiêu. Bởi lẽ, biết đâu trong những giọt mưa lạnh ngày đó có hoà lẫn giọt lệ nóng của mẹ âm thầm rơi. Hình ảnh mẹ dùng thân mình che mưa, cản gió cho con như một vết cứa vào lòng và bao nhiêu năm rồi nó ngày càng in đậm trong tâm hồn con. Mà con nghĩ cả đời này con cũng không bao giờ quên được.
Ký ức về những nỗi nhọc nhằn của mẹ trong con đâu chỉ có thế. Vì đến khi mẹ vì quá lao tâm, lao lực mà sinh bệnh. Mẹ sợ, sợ con sống cùng mẹ sẽ bị lây bệnh, mẹ sợ một ngày mẹ không còn có thể tự tay chăm lo cho con… Hơn hết, mẹ muốn tìm cho con một chốn nương tựa để rồi đời con sẽ không lênh đênh, không khổ như đời mẹ. Không lâu sau, như một cơ duyên có người gợi ý mẹ nên gửi con vào chùa. Hẳn mẹ phải suy nghĩ, đắn đo lắm trước quyết định ấy. Vì con của mẹ còn quá nhỏ, con của mẹ cần hơi ấm mỗi khi trái gió trở trời, cần mẹ mỗi khi trời mưa nặng hạt trên mái chòi tranh… Mẹ lo, lo nhiều thứ nhưng quay đi ngoảnh lại chẳng nơi nào khiến mẹ yên tâm ngoài… chùa. Vậy là một lần nữa mẹ nén lòng mình gửi con đi.
Đưa con đến chùa, sau khi gửi gắm xong xuôi mẹ ra về, cổng chùa dần khép lại, bóng mẹ cũng khuất dần. Cuộc đời con từ đó cũng lật sang trang mới. Vậy là con rời xa vòng tay mẹ khi vừa tròn sáu tuổi, cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới còn biết bao điều lạ lẫm. Nhất là từ ở quê ra thành phố, từ ở nhà vô chùa… Cứ mỗi chiều về, con thường ra trước cổng chùa ngồi nhìn dòng người qua lại. Phố đông người nhưng chẳng ai quen. Con thấy một vài đứa nhỏ trạc tuổi con khoác trên người những bộ đồ thật đẹp.
Tấm lòng nhân ái của đôi vợ chồng trẻ có duyên với Phật pháp
Con nhớ ngày mẹ dẫn con đi, ôm trên tay bộ đầm màu xanh con được cho mà chưa có dịp mặc. Trước lúc đi con có hỏi mẹ “cái này con chưa mặc lần nào vậy ở nơi mới con có được mặc không?”. Mẹ lặng người ngoảnh mặt quay đi. Nhớ đến đây tim con nhói nhói, tủi tủi. Con nhớ mẹ mà con cũng giận mẹ lắm… Giận mẹ không cho con được gần mẹ, giận mẹ không thương con như cách những người ta thương con của họ, giận mẹ không cho con đồ đẹp,… Nhìn lại mình, bé con của mẹ chỉ còn một chỏm tóc trong bộ đồ lam khói. Nhưng mẹ ơi! Tình thương con dành cho mẹ nhiều hơn sự giận hờn vu vơ nên những suy nghĩ cạn cợt, non nớt kia chỉ thoáng qua vô tình như một cơn gió nhẹ.
Giờ đây khi con ngồi viết những dòng ký ức này, thời gian thoi đưa thấm thoắt đã hơn hai mươi năm trôi qua, căn bệnh ngày xưa làm mẹ khổ đã lắng yên, nhà mình dù không đầy đủ nhưng đã không còn cảnh mẹ ngồi trong nhà phải đội nón mỗi khi trời mưa. Bao nhiêu năm con xa nhà là bấy nhiêu khúc giao thừa mẹ lặng lẽ một mình. Con biết mẹ vẫn thường cảm thấy tủi thân mỗi khi thấy ti vi quảng cáo những thông điệp về gia đình sum họp mỗi dịp Tết đến. Nhưng mẹ à! Nhờ lời kinh, tiếng kệ và sự dạy dỗ của quý sư cô, khi con có đủ ý thức lờ mờ nhận ra đâu là lẽ vô thường, đâu là nhân quả, nghiệp báo… từ đó con tự mình quyết định con đường mình sẽ đi trong tương lai.
Nhìn lại bao thăng trầm trong cuộc sống của mẹ con mình con tự nhủ lòng mình đó chăng là những quả không lành mà con phải nhận đồng thời cũng là bước ngoặt để con bước vào cửa đạo. Con đã thôi trách cha, đã không còn giận mẹ. Ngược lại con thầm cám ơn mẹ, cám ơn mẹ đã hy sinh tình thương yêu giới hạn trong gia đình để con được sống trong tình yêu thương lớn bên thầy tổ, bên quý sư cô.
Mẹ biết không, con đang hạnh phúc với những gì con có trong hiện tại. Vì con là một đứa con chung, con không chỉ có một người mẹ là Mẹ mà tất cả những người nữ trên đời đều là mẹ con. Con cũng không phải là đứa trẻ mồ côi cha vì giờ tất cả người nam đều là cha con, những người bạn đạo đều là người thân của con hết mẹ ạ! Bên con không còn những câu hát ầu ơ của mẹ mà thay vào đó là tiếng chuông sớm, mõ chiều nhưng trên mọi nẻo đường con đi không hề đơn độc như mẹ nghĩ nên mẹ hãy an tâm.
Tháng bảy về, mọi người gọi là mùa Báo hiếu, một cách nói để làm đẹp thêm thời khắc báo ân cha mẹ, còn nói đúng hơn thì ngày nào cũng là ngày của cha, của mẹ. Tháng bảy thật hạnh phúc khi được cài hoa hồng đỏ, thật hạnh phúc khi con được quỳ dưới chân Phật đem tấc lòng thành nguyện cầu hồng ân Tam bảo gia hộ cho mẹ, cho cha thân tâm được an vui, tinh tấn tu trì.
“Hoa hồng thắm màu vàng y rực rỡ,
Nhớ về người che chở suốt đời con.
Dù hôm nay con khoác áo nâu sồng,
Tình mẫu tử con luôn luôn ghi nhớ.”
Nguồn: Giác Ngộ
Quảng Trung
(Chùa Liên Trì, Q.3, TP.HCM)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thiền và tập tạ
Góc nhìn Phật tử 09:30 23/11/2024Nếu ai thực tập 2 môn này cùng một lúc chắc chắn sẽ cảm nhận được rất nhiều điểm tương đồng.
Tuổi nào cho em
Góc nhìn Phật tử 13:43 22/11/2024Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.
Đạo Phật là lối sống đẹp để hướng đến việc hoàn thiện bản thân
Góc nhìn Phật tử 10:24 22/11/2024Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.
Để Sư nấu
Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.
Xem thêm