Cô bé không tay Y Julie và bạn thân Y Bích hạnh phúc đón nhận học bổng của GHPGVN
Khi câu chuyện xúc động của Y Julie và Y Bích được chia sẻ, Thượng tọa Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa, Trưởng Phân ban Phật tử Dân tộc T.Ư GHPGVN đã quyết định hỗ trợ học bổng, tiếp sức cho cả hai em đến trường. “Học đến đâu nuôi đến đó, có công ăn việc làm thì mới thôi”, TT cho biết.
Trong niềm vui, hạnh phúc đó, Y Bích tâm sự: “Giờ em hết lo sợ một ngày nào đó, chẳng hạn như học hết lớp 12, em phải nghỉ học nếu nhà không có điều kiện, phải đi làm nuôi các em, thì bạn Y Julie sẽ làm sao đến giảng đường khi không có em bên cạnh”.
Nghe bạn nói, Y Julie nhìn bạn, mỉm cười bảo: “Chúng ta có đường đi, chúng ta sẽ đi cùng nhau”.
Cô bé Y Julie giàu nghị lực và đôi chân không gục ngã
Y Julie, người đồng bào dân tộc Ê Đê (TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) hiện đang là học sinh lớp 11, Trường THPT Trường Chinh. Vừa sinh ra đã mang nhiều bệnh tật, không tay, cột sống bị vẹo và lưng có nhiều khối u, thế nhưng Y Juli đã phấn đấu vươn lên, tự lập từ lúc nhỏ. Vì không có hai cánh tay, em dùng chân mình để làm được những việc như các bạn bình thường cùng trang lứa, dù khó cũng không bỏ cuộc.
Suốt 11 năm liền, Y Julie luôn là học sinh khá, giỏi. Cô Kim Anh, giáo viên chủ nhiệm năm học lớp 9 của em nhận xét: “Là học sinh khuyết tật nhưng Y Julie rất hòa đồng với các bạn. Em luôn là tấm gương cho các bạn đồng trang lứa nỗ lực học tập”.
Chị Y Doan, mẹ của em Y Julie kể: “Khi Y Julie 4 tuổi, thấy các bạn đến trường, em đề nghị mẹ cho đi học, xin mẹ mua tập bút. Mình bâng khuâng không biết con học được hay không? Con năn nỉ rất tha thiết, nên mình đã lấy hết can đảm đến xin cô giáo và Y Julie được nhận vào lớp”. Từ ngày đi học, trừ khi ốm nặng Y Julie mới không đến trường. Còn mưa hay đường trơn, Y Julie cũng không muốn nghỉ, không muốn bỏ lỡ ngày nào ở lớp.
Hỏi Y Julie vì sao “làm khó” bản thân như vậy? Y Julie nhẹ nhàng bảo rằng: “Em muốn trải nghiệm cuộc sống thật nhiều. Làm được điều đó thì không còn cách nào khác phải tự em đứng lên và đi. Được đến trường là niềm vui lớn nhất của em. Em rất thích đến trường, thích được chơi với các bạn, thích được học tập để có kiến thức. Em muốn được trang bị cho mình kỹ năng và cố gắng hết sức có thể để làm được tất cả các việc như người bình thường. Có nhiều lúc khó khăn lắm, đau lắm nhưng em luôn xem đó là thử thách, em luôn nói với mình, cố gắng lên, còn tí xíu nữa thôi, sắp làm được rồi… Hiện tại, em đang học lớp 11, em đang thực hiện ước mơ của em, em không làm cho gia đình phải lo lắng quá nhiều về em. Và em cảm thấy hạnh phúc vì mình không bỏ cuộc”.
Truyền niềm tin cho mẹ, cho bạn
Nhớ lại ngày vừa sinh Y Julie, chị Y Doan nghẹn ngào: “Bản thân là mẹ, mình lo lắng cho con rất nhiều, lo đủ thứ chuyện. Nhưng bên cạnh con, nhìn quá trình con phấn đấu, hoàn thiện bản thân, sống tích cực, nhiều lúc mình không tin con có nghị lực và làm được như vậy.
Cái gì con cũng muốn tự làm, muốn sau này tự lập. Để quét được nhà, Y Julie kẹp cây chổi ở cổ và di chuyển. Cây chổi tì lên cổ làm da sưng đỏ, mẹ xót, kêu Y Julie để đó mẹ làm, nhưng con không chịu và làm bình thường. Sức sống của Y Julie đã truyền cho cả gia đình sự lạc quan, giúp mọi người thêm tin rằng, kỳ tích luôn xuất hiện, khi mình không bỏ cuộc”.
10 năm giúp bạn đến trường
Tròn 10 năm qua, người dân ở xã Đăk Blà đã quen với hình ảnh mỗi sớm mai Y Bích, Y Vưn luân phiên đèo cô bạn khuyết tật đôi tay Y Julie trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Những ngôi trường từng ghi dấu kỷ niệm đẹp của các bạn nhỏ, đó là Trường Mầm non Ánh Hồng, Tiểu học Đăk Blà, THCS Lê Đình Chinh và hiện nay là Trường THPT Trường Chinh.
Y Bích nhớ lại: "Hồi học lớp mẫu giáo ở điểm trường Mầm non Ánh Hồng tại thôn Kon Drei, Julie rất siêng tập viết chữ. Em ngồi ở góc xa quan sát bạn ấy viết chữ bằng chân rất khó khăn. Lúc đầu, bạn Julie cứ đánh rơi cây bút chì trên bàn, lăn xuống đất. Em đã chạy đến nhặt bút lên giúp bạn. Rồi em xin cô giáo cho ngồi gần để nhặt bút, gọt đầu bút chì giúp bạn. Tụi em đã trò chuyện, cùng chơi với nhau. Hôm nào tan học, mẹ của Julie có việc chưa đến đón, em thường ở lại chơi với bạn, dần dà trở thành bạn thân".
Từ lúc học mầm non đến lúc học hết bậc tiểu học, Y Bích đã tình nguyện làm đôi tay xách cặp giúp bạn. Khi biết đi xe đạp, em đã đạp xe đón, đưa Julie từ nhà đến trường, từ trường về nhà. “Khi lên cấp 2, có thêm bạn thân Y Vưn, tụi em thay nhau chở Julie đi học. Đến nay bước vào học lớp 10 Trường THPT Trường Chinh, chúng em may mắn học chung lớp, vẫn giúp đỡ nhau như hồi còn bé” - Y Bích tâm sự.
Y Julie đã chứng minh, sự khác biệt giữa người thành công và người thất bại không phải ở sức mạnh, kiến thức hay sự hiểu biết mà chính là ở ý chí. Có ý chí, có nghị lực thì khi gặp khó khăn, tự bản thân ta sẽ biết cách đối diện, biết mình phải làm gì để chinh phục. Như lời Y Julie đúc kết: “Yếu đuối không đem lại cho bản thân hạnh phúc, không làm bản thân mình lớn lên mà chỉ có ý chí, nghị lực mới giúp ta đứng vững trước thử thách cuộc đời”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Người Thầy dị nhân: Thành tựu kép từ năng lượng yêu thương và kỷ cương
Gieo mầm thiện 21:52 18/11/2024Phật giáo có câu: "Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp", "Cứu một mạng người, phúc đẳng hà sa". Câu chuyện về Tiến sĩ Phan Quốc Việt – người thầy được mệnh danh là "dị nhân" – chính là minh chứng sống động cho triết lý này.
Bếp ăn miễn phí dành cho học sinh nghèo
Gieo mầm thiện 14:11 14/11/2024Suốt 6 năm qua, bất kỳ học sinh nào đến bếp ăn 0 đồng tại ấp Sơn Phú 2A, xã Tân Thành, TP.Ngã Bảy (Hậu Giang), đều được tiếp đón tận tình.
Người đàn ông 60 tuổi chạy bộ 10km mỗi ngày, ăn chay trường, hiến máu 348 lần
Gieo mầm thiện 10:18 08/11/2024Người đàn ông 60 tuổi đã duy trì thói quen chạy bộ 10km vào mỗi sáng hơn 20 năm. Ông được nhiều người ngưỡng mộ vì sự chăm chỉ và nỗ lực hiến máu cứu người.
Diễn viên Việt Trinh mong muốn được hiến xác cho y học
Gieo mầm thiện 11:00 05/11/2024Trước đó, Việt Trinh hoàn thành thủ tục đăng ký hiến tạng vào tháng 4/2019 tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Xem thêm