Có nên can thiệp vào nghiệp của người khác không?

Tôi thường cho rằng về nhân quả thì ai làm nấy chịu, nhưng có một số việc tôi không biết phải đối diện với nó như thế nào cho phải. Khi không lên tiếng, thì tâm tôi sẽ không bị cuốn theo những sự việc đó mà xao động và buồn bực đau khổ...

Hỏi:

Tôi thường cho rằng về nhân quả thì ai làm nấy chịu, nhưng có một số việc thì tôi không biết phải đối diện với nó như thế nào cho phải.

Ví dụ : Những vấn nạn trong xã hội do sự điều hành yếu kém của nhà nước để xảy ra ảnh hưởng nặng nề cho nhân dân như vụ cá chết, thực phẩm độc hại và các vấn đề môi trường, học tập, chính trị ..., nếu tôi không lên tiếng, không quan tâm và nói rằng nhân ai gieo người đó chịu thì đến lúc nào đó người chịu thiệt hại sẽ là chính bản thân tôi.

Hoặc trường hợp tôi thấy một cô gái bị chồng đánh đập ức hiếp mà tôi không biết làm sao. Tôi có nên can thiệp không?

Khi tôi không lên tiếng, thì tâm tôi sẽ không bị cuốn theo những sự việc đó mà xao động và buồn bực đau khổ, những lúc đó tôi lại thấy tôi vô trách nhiệm với xã hội với người khác....

Chuyển nghiệp thiện, nghiệp lành, tránh thực hiện nghiệp ác

Ảnh minh họa. 

Đáp:

Câu hỏi của bạn rất hay, và cũng là câu hỏi thường gặp với những ai thường suy xét về nhân quả.

Nói rằng "nhân quả ai làm nấy chịu" là xét trên bình diện quá khứ - hiện tại, người đã gieo nhân trong quá khứ thì hiện tại bắt buộc phải nhân lãnh quả báo do việc làm quá khứ của mình, không hề oan ức gì cả, hiểu được như vậy thì mỗi người phải có tinh thần tự chịu trách nhiệm với số phận của mình, không oán trời trách đất, không đổ lỗi cho xung quanh, không gieo rắc thêm hận thù, thêm xung đột... để tạo thành nghiệp mới trong tương lai.

Song nhân quả không hề cứng ngắc, Luật nhân quả không hề cấm mọi người xung quanh giúp đỡ người có đang chịu quả báo khổ, cũng không phải là không có cách gì hóa giải các nghiệp xấu.

Như người bị bệnh, chắc chắn là do nghiệp, nhưng ta hoàn toàn có thể dùng phước của mình, ví dụ như dùng tiền bạc, ta cầm tiền ra mua thuốc tặng cho người đó, và thế là người đó uống vào liền được khỏi bệnh.

Phước của người này có thể bù đắp cho nghiệp xấu của người khác.

Giờ ta sẽ đi sâu thêm vào vấn đề...Luật Nhân quả không phải chỉ có mỗi bình diện quá khứ - hiện tại, mà nó là một chuỗi liên tục nhân quá khứ - tạo ra quả hiện tại , ngay ở hiện tại này lại đồng thời gieo nhân tương lai - tạo ra quả tương lai.

Thế nên một mặt ta bình thản chấp nhận hoàn cảnh khổ đau của hiện tại, không oán trách , không gieo thêm hận thù, vì biết đó là do nghiệp mình tự làm, mình tự chịu.

Mặt khác ta phải lo tiếp tục gieo nhân cho tương lai ngay trong lúc chịu khổ ở hiện tại, Luật Nhân quả không hề bắt buộc bạn phải chịu khổ mà không cho phép hóa giải, Luật Nhân quả cũng không hề cấm mọi người xung quanh giúp đỡ người chịu quả khổ Nhưng ta phải thực hiện đúng cách mới giải quyết được vấn đề.

Ví dụ, người vợ bị ông chồng ngược đãi, nếu chỉ nhìn trong hiện tại , thì ta chỉ thấy người vợ chịu oan ức, còn ông chồng sai. Nhưng nhìn bằng con mắt nhân quả, thì ta hiểu được rằng, người vợ trong kiếp trước có tạo một nghiệp xấu gì đó, nên ngày nay mới chịu cảnh khổ như vậy, không phải vô tội hoàn toàn, còn ông chồng thì đang gieo quả báo đau khổ trong tương lai.

Đối với người vợ, để tự cứu mình, thay vì oán trời bất công, hận chồng vũ phu, tìm cách báo thù... thì nên sám hối nghiệp quá khứ, tạo công đức hồi hướng cho ông chồng coi như trả nợ , nghiệp hết, nợ hết thì tự nhiên ông chồng sẽ hết hành hung vợ thôi.

Có 2 cách trả nợ, cũng là 2 cách đối mặt với nghiệp quá khứ . Một là cắn răng chịu cho tới khi nghiệp hết, nợ hết, như vậy thường rất lâu và cực kì khổ sở. Hai là sám hối nghiệp quá khứ, tạo thêm nhiều công đức trong hiện tại để bù đắp cho nghiệp xấu khi xưa (như niệm Phật, tụng kinh , tụng chú , phóng sinh, ấn tống.v.v..) để hồi hướng cho chủ nợ, cách này giải quyết được vấn đề một cách nhanh chóng, êm đẹp, có thể nói là hoàn hảo, vừa giải hết nghiệp mau lẹ, vừa tăng trưởng thiện căn cho mình.

Còn đối với những người xung quanh có tâm muốn giúp đỡ người vợ kia, Luật Nhân quả không hề cấm họ giúp đỡ, ngược lại, những người như thế dù có thành công hay không đều nhận được phước báo trong tương lai. Còn người thấy cảnh khổ mà bỏ mặc, thì người đó đang tạo nhân xấu cho chính mình, quả báo là sau này nếu có lâm vào cảnh khổ, người đó cũng sẽ bị mọi người xung quanh bỏ mặc.

Có 2 cách giúp, một là can thiệp bằng phước báo sẵn có của mình, như sức khỏe, tiền bạc, tài ăn nói (khuyên nhủ ông chồng), quyền lực (bắt giam ông chồng, xử phạt ...) .v.v... nếu phước của người muốn giúp đủ lớn, thì có thể tạm thời thành công, tạm cứu người vợ ra khỏi cảnh đánh đập, nhưng chỉ là tạm thời thôi (dù thế luật nhân quả vẫn ghi nhận phước báo cho người giúp đỡ kia).

Nhưng do nghiệp còn nên sau một thời gian thì người vợ tiếp tục bị hành hung, không cách này thì cách khác, vì chuyện này chỉ chấm dứt khi nghiệp hết, nợ hết mà thôi.

Còn cách giúp thứ 2, đó là phải làm sao cho nghiệp của người vợ tiêu hẳn thì cảnh khổ mới chấm dứt. Hoặc là ta khuyên nhủ, giải thích cho người vợ hiểu nhân quả, biết sám hối, biết tạo công đức hồi hướng cho chồng để trả nợ....hoặc chính người muốn giúp tạo công đức hồi hướng cho người vợ được thoát khổ cũng được, nhưng cách này lâu hơn cách trên.

Để giải quyết trọn vẹn vấn để, chúng ta nên dùng cả 2 cách, ngay hiện tại ta có thể dùng phước sẵn có của mình để can thiệp, tạm thời giúp người vợ thoát cảnh bị hành hung, sau đó giải thích cho người vợ hiểu rõ nhân quả để lo sám hối, tạo công đức...

Những điều ngang trái khác cũng như vậy, như những bất công trong xã hội, những nỗi khổ của người dân, một mặt ta dùng hết sức mình để giúp người dân giải quyết khó khăn trước mắt (bằng tiền bạc, bằng cách thuyết phục.v.v.. tùy khả năng mỗi người ). Có nghĩa là phước của mình có thể bù đắp cho nghiệp của người khác, nhưng chỉ ảnh hưởng trong một chừng mực nào đó mà thôi, chứ không giải quyết hết được vấn đề .

Muốn giải quyết hết vấn đề, thì phải làm sao cho người dân tiêu trừ được nghiệp quá khứ, tăng trưởng công đức lành. Chỉ khi đa số người dân dứt trừ được các nghiệp xấu quá khứ, tạo được nhiều phước báu, thì tự nhiên Nhân quả sẽ sắp xếp cho họ được ổn định.

Nói chung, nhân quả rất linh hoạt, nếu ta nắm rõ nhân quả, và biết can thiệp một cách khéo léo thì có thể giải quyết trọn vẹn mọi vấn đề, dù là vấn đề của thế gian hay xuất thế gian.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Công đức, lợi ích của người đọc tụng thần chú

Phật giáo thường thức 21:00 25/12/2024

Những người có duyên, quyết định chọn pháp môn trì tụng thần chú để tu tập, thì chỉ cần tin tưởng vào trí tuệ và năng lực của các đức Phật và Bồ Tát, đã tổng trì ra các thần chú, y theo đó đọc tụng thì sẽ được kết quả vi diệu.

Pháp quán đảnh của Mật tông có tiêu trừ nghiệp chướng?

Phật giáo thường thức 16:30 25/12/2024

Hỏi: Tiếp thọ Pháp quán đảnh của Mật Tông có đúng nghiệp chướng được tiêu trừ không? Làm thế nào có thể nhanh chóng tiêu trừ nghiệp chướng?

Phan duyên là gì?

Phật giáo thường thức 09:07 25/12/2024

Tâm phan duyên không thanh tịnh, tâm tùy duyên là thanh tịnh.

Thế nào là viên tịch, tân viên tịch và thuận tịch?

Phật giáo thường thức 09:00 25/12/2024

Nhân có học Tăng, khi đọc bài viết bàn về chữ "Tân viên tịch" không hiểu chắc là nói như vậy đúng hay sai....Chúng tôi cũng thấy cần nói rõ.

Xem thêm