Cổ tự linh thiêng bậc nhất Hà thành
Giữa Hà Nội sừng sững một ngôi chùa linh thiêng có lịch sử hàng trăm năm phát triển, đó là chùa Quán Sứ.
Một trong rất ít ngôi chùa ở Việt Nam có tên chùa viết bằng chữ quốc ngữ
Theo sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí, vào thời Vua Lê Thế Tông, các nước Chiêm Thành, Ai Lao thường cử sứ giả sang triều cống Việt Nam. Nhà vua cho dựng một toà nhà gọi là Quán Sứ để tiếp đón các sứ giả đến Thăng Long. Vì sứ thần các nước này đều sùng đạo Phật nên lại dựng thêm một ngôi chùa nằm trong khuôn viên Quán Sứ để các sứ giả có điều kiện hành lễ. Thời gian, chiến tranh đã xoá đi khu nhà Quán Sứ, nhưng ngôi chùa thì vẫn tồn tại.
Tam quan của chùa có 3 tầng mái, nằm giữa là lầu chuông. Qua tam quan là một sân rộng, bước lên 11 bậc là chính điện cao, hình vuông, xung quanh có hành lang. Điện Phật được bài trí trang nghiêm, thờ 3 vị Tam thế Phật; Phật A Di Đà; Quán Thế Âm Bồ tát; Đại Thế Chí Bồ tát; Phật Thích Ca; chính điện thờ Lý Quốc Sư (tức Thiền sư Minh Không)… Chùa Quán Sứ là một trong rất ít ngôi chùa ở Việt Nam có tên chùa và các câu đối được viết bằng chữ quốc ngữ.
Chùa Quán Sứ thường là nơi được lựa chọn để tổ chức các sự kiện quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) và thế giới. Cụ thể như: ngày 12/10/1935, Tạp chí Đuốc Tuệ, đặt tại chùa Quán Sứ, xuất bản số đầu tiên; năm 1936, Hội Bắc kỳ Phật giáo đã suy tôn tổ Vĩnh Nghiêm, Hoà thượng Thích Thanh Hanh đảm nhiệm chức Thiền gia Pháp chủ, tại chùa Quán Sứ; năm 1942, chùa được xây dựng lại theo bản vẽ thiết kế của hai kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Xuân Tùng với nghệ thuật kiến trúc và trang trí kết hợp tinh hoa từ các ngôi chùa lớn của miền Bắc; năm 1949, Hội Việt Nam Phật giáo được thành lập, đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ; ngày 13/5/1951, lần đầu tiên lá cờ Phật giáo thế giới do Thượng toạ Tố Liên mang về từ Colombo được tung bay trên khuôn viên chùa Quán Sứ; năm 1952, Giáo hội Tăng già toàn quốc được thành lập tại chùa Quán Sứ.
Đại hội đã suy cử tổ Tuệ Tạng lên ngôi Thượng thủ và bầu làm Trị sự Trưởng; năm 1958, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam được thành lập và chọn chùa Quán Sứ làm trụ sở; năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Vua Lào lễ Phật tại chính điện chùa Quán Sứ; năm 1977, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam thành lập Trường “Tu học Phật pháp Trung ương” tại chùa Quán Sứ. Trải qua 2 khoá đào tạo, đến năm 1981, trường trực thuộc hệ thống giáo dục của Trung ương GHPGVN và đổi tên “Trường Cao học Phật học Việt Nam - Cơ sở 1”; ngày 19/4/1980, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam ra mắt tại chùa Quán Sứ…
Đặc biệt, tháng 11/1981, Đại hội Đại biểu Phật giáo thống nhất Việt Nam được tổ chức tại chùa Quán Sứ. Kỳ đại hội này thống nhất 9 tổ chức giáo hội, tổ chức hội và các hệ phái Phật giáo, thành lập GHPGVN. Chùa cũng là nơi đặt văn phòng đại diện các cơ quan truyền thông của GHPGVN như: Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Văn phòng ở Việt Nam của Tổ chức Phật giáo châu Á vì hòa bình; Kênh Truyền hình An Viên…
Từ đó đến nay, chùa Quán Sứ là nơi được chọn để tổ chức các sự kiện trọng đại của Giáo hội, đón tiếp các phái đoàn cấp cao Phật giáo trong nước, quốc tế, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Ngôi chùa chứng kiến nhiều hoạt động quan trọng của GHPGVN từ khi thành lập đến nay.
Bức tượng sáp giống y như người thật ở chùa Quán Sứ
Gian Quan âm chùa Quán Sứ (Hà Nội) đang trưng bày pho tượng sáp của cố Đại lão Hoà thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN, người từng trụ trì ở chùa Quán Sứ, với kích cỡ và hình dáng giống y như người thật.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ là người có nhiều đóng góp trong việc thống nhất các hệ phái, đi đến thống nhất các tổ chức Phật giáo trong cả nước vào ngày 7/11/1981. Ngài từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong GHPGVN và là đại biểu Quốc hội khóa XI và XII. Ghi nhận sự đóng góp của Hòa thượng, Nhà nước đã trao tặng Hòa thượng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh.
Bức tượng được làm theo nguyên mẫu của Hoà thượng Thích Thanh Tứ và có tạo hình chân thực, giống y chang người thật từ làn da, mái tóc đến từng sợi gân tay, sợi lông mày... Được biết, để làm bức tượng này, những đệ tử của cố Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã sang Thái Lan 8 lần để tham gia quá trình hoàn thiện bức tượng. Từ lúc lên ý tưởng đến khi hoàn thành pho tượng mất khoảng 1 năm.
Để đưa được bức tượng từ Thái Lan về Việt Nam, do không thể vận chuyển bằng đường hàng không nên đoàn rước tượng phải di chuyển bằng ô tô qua Lào và chuyển về theo cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh. Khi qua cửa khẩu ở Lào, nhân viên hải quan nhìn thấy một vị hòa thượng ngồi tụng kinh trên xe, bắt đoàn dừng xe lại với lý do tại sao có 5 người mà chỉ có 4 hộ chiếu. Sau khi hỏi chuyện, nhân viên hải quan mới sửng sốt khi biết vị hòa thượng ngồi trên xe chỉ là một bức tượng sáp.
Để làm các chi tiết của bức tượng như người thật, những người thợ làm tượng phải phóng to ảnh của Hoà Thích Thanh Tứ để quan sát. Một điểm độc đáo của pho tượng này là tóc thật của Hoà thượng Thích Thanh Tứ khi còn sống đã được sử dụng để gắn lên tượng sáp. Khi Hoà thượng Thích Thanh Tứ còn sống, đệ tử của ngài mỗi lần cắt tóc cho Hoà thượng đều cất đi làm kỷ niệm. Trong quá trình làm tượng, những người thợ ở Thái Lan đã phải lấy kim để cắm từng sợi tóc thật lên bức tượng.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc
Từ ngày thành lập đến nay, GHPGVN đã trải qua 8 kỳ đại hội. Trải qua các kỳ đại hội, GHPGVN luôn đồng hành cùng dân tộc, là động lực cho sự phát triển của đất nước, tạo khối đại đoàn kết toàn dân.
Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam được coi là đại hội đầu tiên diễn ra từ ngày 4 đến 7/11/1981, tại hội trường chùa Quán Sứ, 73 Quán Sứ, Hà Nội, hội tụ 165 đại biểu của 9 tổ chức, hệ phái. Hội nghị đã thông qua đường hướng hành đạo là “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, thông qua Hiến chương GHPGVN gồm: Lời nói đầu, 11 chương và 46 điều. Hội nghị lịch sử này được xem là Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ I, nhiệm kỳ 1981-1987 của GHPGVN...
Từ năm 1981 đến nay, GHPGVN đã trải qua 6 kỳ Đại hội và Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (2022-2027) diễn ra từ ngày 26-29/11/2022 tại Hà Nội, dự kiến có 1091 đại biểu tham dự. Chủ đề của Đại hội: Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Bảo vật quốc gia chuông chùa Thiên Mụ
Chùa Việt 09:28 19/12/2024Chùa Thiên Mụ, nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Huế mà còn là một công trình kiến trúc và văn hóa có giá trị lịch sử sâu sắc.
Độc đáo ngôi chùa cổ ở TP. HCM được trang trí bằng 30 tấn mảnh sành, sứ
Chùa Việt 09:37 18/12/2024Mất khoảng 20.000 ngày công để gắn hơn 30 tấn mảnh sành, sứ phế liệu lên toàn bộ công trình, chùa An Phú sở hữu nhiều kỷ lục Việt Nam, trở thành ngôi chùa có kiến trúc độc đáo bậc nhất TPHCM.
Truyền thuyết ly kỳ ở ngôi chùa cổ có mái xanh nổi bật TPHCM
Chùa Việt 10:02 09/12/2024Không chỉ là một trong những ngôi chùa cổ nhất TPHCM, chùa Huê Nghiêm còn lưu truyền truyền thuyết ly kỳ về người phụ nữ giàu có, sau khi chết tái sinh thành công chúa.
Chiêm ngưỡng nhiều cảnh “độc, lạ” ở chùa Linh Sơn
Chùa Việt 09:37 07/12/2024Nằm trên gò cao bên triền núi Ba Thê, chùa Linh Sơn có kiến trúc nghệ thuật độc đáo trong quần thể di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn). Từ lâu, nơi đây được xem là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng khắp vùng. Tham quan ngôi chùa trăm năm tuổi, chúng ta sẽ cảm nhận vẻ đẹp an yên, thanh tịnh ở đây.
Xem thêm