Cố ý xuất tinh, sư tăng phạm giới tăng tàn
Chuyện về một Tỳ kheo khất thực ở một nhà, ở trong nhàn có một phụ nữ đang cởi trần ngồi một mình. Thầy Tỳ kheo thấy thế rồi trở về lại trú xứ, tưởng nhớ đến thân thể người phụ nữ ấy, tâm ý rối loạn, ưu sầu phát bịnh, sắc mặt tiều tụy.
Giới Tăng tàn thứ nhất: Xuất tinh
Bấy giờ, Phật trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Khi ấy, có một Tỳ kheo tên Thi Lợi Da Bà ở tại thành Xá Vệ, có niềm tin, từ bỏ gia đình xuất gia, đến giờ khất thực, thầy khoác y, cầm bát vào thành khất thực. Vì thầy không khéo nhiếp phục thân, miệng, ý, buông lỏng các căn, nhưng mới vào một nhà đã nhận được thức ăn đầy đủ, thầy bèn vào nhà thứ hai, tại nhà thứ hai này, có một phụ nữ đang cởi trần ngồi một mình. Thầy Tỳ kheo thấy thế rồi trở về lại trú xứ, tưởng nhớ đến thân thể người phụ nữ ấy, tâm ý rối loạn, ưu sầu phát bịnh, sắc mặt tiều tụy. Khi ấy các Tỳ kheo hỏi Thi Lợi Da Bà:"Nay thầy vì sao sắc mặt tiều tụy, ưu sầu không vui? Có cần đến sữa, dầu, đường phèn, thuốc thang gì chăng?". Ðáp: "Không cần, tự nhiên sẽ khỏi thôi".
Các Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di thăm hỏi, thầy cũng đều nói thế. Thầy ấy nghỉ trưa, sau khi trở dậy, lòng tơ tưởng, nam căn khởi lên , bèn dùng tay cọ xát, liền bị xuất tinh. Sau khi tinh xuất, thầy thấy an lạc, ưu sầu liền dứt, thầy bèn suy nghĩ: "Phương pháp này tốt thật, có thể dứt được mối lo mà không phương hại gì đến việc xuất gia tịnh tu phạm hạnh, nhận đồ thí chủ cúng dường".
Ðức Thế Tôn vì năm việc lợi ích, nên cứ năm hôm đi tuần tra tăng phòng một lần. Năm việc lợi ích đó là:
1- Xem các đệ tử Thanh văn có vướng mắc vào các việc hữu vi hay không.
2- Xem họ có bàn luận việc thế tục không.
3- Xem họ có ham mê ngủ nghỉ làm phương hại đến việc hành đạo không.
4- Xem có Tỳ kheo nào đau ốm không.
5- Ðể cho các Tỳ kheo tuổi trẻ mới xuất gia thấy uy nghi tề chỉnh của đức Như Lai mà sinh tâm hoan hỷ.
Chính vì năm việc này mà đức Như Lai cứ năm hôm đi xem xét các phòng một lần.
Lúc ấy, trưởng lão Thi Lợi Da Bà ngủ trưa thức dậy, bèn ra phòng phía sau đi tiểu, thì nam căn cương cứng. Ðức Thế Tôn sợ thầy kinh sợ xấu hổ, nên lên tiếng đằng hắng để thầy hay biết. Khi Thi Lợi Da Bà thấy Thế Tôn, bèn vội vàng khoác y, bước theo đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng hầu.
Bấy giờ, Thế Tôn hỏi Thi Lợi Da Bà: "Trước đây thầy mắc bệnh, mặt mày tiều tụy, do duyên cớ gì mà nay hết bệnh?"
Thầy liền bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Con sinh ra tại thành Xá Vệ, con có niềm tin từ bỏ gia đình xuất gia. Bà con quen biết cung cấp cho con y phục giường nệm thuốc men không thiếu thứ gì. Một hôm con khoác y cầm bát vào thành khất thực, đến một nhà kia, thấy một phụ nữ cởi trần đang ngồi. Sau khi thấy thế con trở về lại tinh xá, lòng dục ray rứt, cảm thấy không vui, thân thể phát bịnh nên không muốn ăn uống gì cả. Lúc đó, các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di đến thăm hỏi an ủi con, ai cũng muốn cho con uống thuốc, nhưng con bảo không cần. Một hôm, con ngủ trưa thức dậy, thấy nam căn cương cứng, con dùng tay thủ dâm, tinh liền xuất ra. Sau khi xuất tinh, con ngủ an ổn, bệnh liền dứt hết. Con bèn suy nghĩ: "Phương pháp này rất tốt, có thể trừ được mối lo, mà không phương hại đến việc xuất gia, nhận đồ thí chủ cúng dường". Bạch Thế Tôn! Vì thế mà được lành bệnh, thân thể an ổn, tu phạm hạnh dễ dàng".
Phật nói: "Này kẻ ngu si, điều đó thật không thể được. Ðiều đó không phải phạm hạnh mà bảo là phạm hạnh, không phải an ổn mà cho là an ổn. Này kẻ ngu si! Vì sao dùng bàn tay ấy nhận đồ người ta bố thí, rồi lại dùng bàn tay ấy thủ dâm cho xuất tinh? Ngươi há không nghe ta dùng vô số phương tiện chê trách dục tưởng, ca ngợi sự đoạn dục sao? Nay ngươi đã làm một việc ác không tốt. Ðó là điều phi pháp, phi luật chẳng phải điều ta dạy, không thể dùng việc ấy để nuôi lớn thiện pháp được".
Thế rồi Phật truyền cho các Tỳ kheo sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỳ kheo như sau:
- Nếu Tỳkheo cố ý làm xuất tinh, thì phạm Tăng già bà thi sa.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành xá Vệ nói rộng như trên, lúc ấy trưởng lão Thi Lợi Da Bà thường hay phạm tội Tăng già bà thi sa, hoặc Ba dật đề, hoặc Ba la đề đề xá ni hoặc tội Việt Tỳ Ni phải sám hối. Các Tỳ kheo thấy trưởng lão thường hay phạm các tội phải sám hối như vậy, nên nói với trưởng lão: "Trưởng lão! Ðức Thế Tôn đã chế định các tội phạm sai biệt rồi, vì sao thầy còn khinh thường hay vi phạm như thế?". Thi Lợi Da Bà nói: "Thưa các trưởng lão! Tôi phạm tội phải sám hối mà không than mỏi mệt, quí ngài nhận sự sám hối của tôi thì có gì là vất vả?".
Các Tỳ kheo bèn đem việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Thi Lợi Da Bà đến. Sau khi thầy đến, Phật liền hỏi: "Ông thường thường phạm các tội Tăng già bà thi sa .v.v... và nói với các Tỳ kheo rằng: "Tôi phạm tội phải sám hối mà không còn thấy mỏi mệt, quý ngài nhận sự sám hối của tôi thì có gì là vất vả?". Có thực thế chăng?". Ðáp: "Có thực như vậy bạch Thế Tôn!"
Phật liền nói với Thi Lợi Da Bà:
--"Ðó là việc ác, từ nay trở đi, nếu phạm tội Tăng già bà thi sa thì phải thi hành pháp Ma ha đỏa sáu ngày sáu đêm trong chúng Tỳ kheo. Sau khi thi hành pháp Ma ha đỏa phải làm phép xuất tội giữa 20 vị Tỳ kheo".
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá vệ, nói rộng như trên, Thi Lợi Da bà thường thường phạm các tội Tăng già bà thi sa, bèn suy nghĩ: "Thế Tôn chế giới phạm tội Tăng già bà thi sa thì phải thi hành pháp Ma ha đỏa sáu ngày sáu đêm. Sau khi thi hành pháp Ma ha đỏa rồi, phải làm phép xuất tội giữa 20 vị Tỳ kheo. Nay ta phạm tội Tăng già bà thi sa mà không ai biết thì khỏi thi hành 6 ngày 6 đêm Ma ha đỏa, không thi hành 6 ngày 6 đêm Ma ha đỏa thì cũng khỏi làm pháp xuất tội giữa 20 vị Tỳ kheo. Nay ta nên che giấu".
Nhưng sau khi che giấu, thầy thấy nghi ngờ, hối hận liền thầm nghĩ:"Ta là kẻ bất thiện, rất trái với luật pháp. Vì sao kẻ thiện nam tử có lòng tin xuất gia, biết Phật chế giới mà cố ý vi phạm, rồi che giấu? Giả sử những người sống phạm hạnh không biết đi chăng nữa, thì chư Thiên biết được tâm người khác, há lại không biết hay sao? Giá như Chư thiên không biết thì đức Thế Tôn há lại không biết hay sao?. Thế rồi, thầy liền nói với các Tỳ kheo: "Cho tôi pháp Ma ha đỏa". Các Tỳ kheo hỏi: "Vì sao thầy cầu xin pháp Ma ha đỏa?".
Ðáp: "Tôi phạm tội Tăng già bà thi sa". Các Tỳ kheo hỏi: "Từ lúc phạm đến giờ đã bao lâu?".
Ðáp: "Chừng ấy thời gian".
Lại hỏi: "Vì sao không nói liền với người khác?".
Ðáp: "Vì tôi hổ thẹn, nên không nói liền. Nhưng tôi lại nghĩ: "Ðức Thế Tôn chế giới, ai phạm tội Tăng già bà thi sa thì phải thi hành pháp Ma ha đỏa 6 ngày 6 đêm.v.v"... cho đến nghĩ: "Nếu Chư Thiên không biết đi chăng nữa, thì đức Thế Tôn há lại không biết hay sao? Vì lẽ đó mà nay tôi nói với các trưởng lão".
Các Tỳ kheo bèn đem việc này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Phật dạy: "Hãy gọi Thi Lợi Da Bà đến". Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi đầy đủ các việc trên: "Ông có thật thế chăng?". Ðáp: "Có thật như thế, bạch Thế Tôn".
Phật nói: "Này kẻ ngu si! Ðó là việc ác. Ðã phạm giới mà không biết hổ thẹn, sám hối".
Thế rồi Thế Tôn đọc kệ:
Che giấu thì hoen ố
Bày tỏ không hoen ố
Thế nên ai che giấu,
Phải khiến họ bày tỏ.
Phật liền nói với các Tỳ kheo:
- Từ nay trở đi, ai phạm tội Tăng già bà thi sa mà che giấu thì phải bắt họ thực hiện pháp Ba Lợi Bà Sa. Thực hiện pháp Ba Lợi Bà Sa xong phải bắt họ thi hành 6 ngày 6 đêm pháp Ma ha đỏa. Sau khi thi hành pháp Ma ha đỏa phải cho họ xuất tội giữa 20 vị Tỳ kheo. Nếu thiếu một người trong số 20 Tỳ kheo mà làm pháp xuất tội, thì Tỳ kheo ấy không khỏi tội, mà các Tỳ kheo còn bị khiển trách.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá vệ, nói rộng như trên, lúc ấy có hai người còn phải học, hai người còn là phàm phu, nằm mộng xuất tinh. Họ đều suy nghĩ: "Ðức Thế Tôn chế giới, ai cố ý làm xuất tinh thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Nay chúng ta có lẽ đã phạm tội Tăng già bà thi sa chăng? Ta phải đem việc này thưa đầy đủ với tôn giả Xá Lợi Phất. Xá Lợi Phất sẽ hỏi Thế Tôn, Phật có dạy thế nào thì ta sẽ phụng hành". Thế rồi các Tỳkheo bèn đi đến chỗ tôn giả Xá Lợi Phất, đem mọi sự tình trình bày với Xá Lợi Phất. Xá Lợi Phất liền dẫn các Tỳ kheo đến chỗ đức Thế Tôn.
Rồi tôn giả Xá Lợi Phất bạch với Đức Phật: "Bạch Thế Tôn! Bốn Tỳ kheo này bị xuất tinh trong giấc mộng, liền sinh nghi ngờ rằng: "Thế Tôn đã chế giới, vậy có lẽ ta đã phạm tội Tăng già bà thi sa chăng?"Cho nên con đến đây bạch với Thế Tôn. Bạch Thế Tôn! Vậy việc ấy như thế nào?". Phật liền bảo với Xá Lợi Phất: "Mộng vốn là hư vọng, không thật; nếu mộng mà chân thật, thì những người tu phạm hạnh trong giáo pháp của ta sẽ không có ai giải thoát. Này Xá Lợi Phất! Vì tất cả mộng mị đều không chân thật, cho nên những người tu phạm hạnh trong giáo pháp của ta dứt được cội nguồn đau khổ. "Rồi Phật truyền lệnh cho các Tỳ kheo đang sống tại thành Xá vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỳ kheo như sau:
- Nếu Tỳ kheo cố ý làm xuất tinh thì phạm tội Tăng già bà thi sa, trừ ra trong giấc mộng.
Giải thích
Cố ý: Cố tình tìm phương tiện.
Xuất tinh: Chảy ra những thứ bất tịnh.
Trừ ra trong giấc mộng: Ðức Thế Tôn nói: Xuất tinh trong giấc mộng không có tội.
Tăng già bà thi sa: Tăng già là bốn pháp Ba La Di (?); Bà thi sa là tội còn lại cần phải làm pháp yết ma trị phạt, nên gọi là Tăng già bà thi sa. Lại nữa, tội ấy phải phát lồ sám hối giữa tăng, nên cũng gọi là Tăng già bà thi sa.
Mộng: Gồm có năm thứ sau đây:
1- Mộng thật.
2- Mộng không thật.
3- Mộng không rõ ràng.
4- Mộng trong mộng.
5- Trước tưởng đến rồi sau mới có mộng. Ðó là năm thứ mộng.
Nhưng thế nào là mộng thật?
Mộng thật: Ðó là đức Như Lai khi làm Bồ tát thấy năm giấc mộng như thật không khác chút nào. Ðó gọi là mộng thật.
Mộng không thật: Khi (người ta nằm ngủ) thấy mộng, nhưng lúc thức dậy thì không thật. Ðó gọi là mộng không thật.
Mộng không rõ ràng: Như giấc mộng không ghi nhớ được đầu, giữa và cuối. Ðó gọi là mộng không rõ ràng.
Mộng trong mộng: Như nằm thấy mộng rồi đem giấc mộng ấy nói với người khác cũng trong mộng. Ðó gọi là mộng trong mộng.
Trước tưởng đến rồi sau mới có mộng: Như ban ngày tưởng đến việc gì rồi ban đêm nằm thấy mộng việc đó. Ðó gọi là trước tưởng rồi sau mộng.
Bây giờ nói về năm nguyên nhân phát sinh dâm dục: Mắt thấy sắc đẹp sinh ra nhiễm trước, ưa thích, rồi tưởng đến sự dâm dục. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân trước tơ tưởng giao hoan với người nữ, rồi sau nung nấu liên tục mà sinh tâm dâm dục. Ðó gọi là năm nguyên nhân phát sinh sự dâm dục.
Còn nam căn (dương vật) cương cứng có năm nguyên nhân: Do tâm ham muốn mà cương cứng, do đi cầu mà cương cứng, do đi tiểu mà cương cứng, do bệnh phong mà cương cứng, hoặc do loài phi nhân xúc chạm mà cương cứng. Ðó gọi là năm nguyên nhân khiến cho nam căn cương cứng.
Thủ dâm cho xuất tinh có ba việc: Vì có tâm dâm dục, vì muốn lấy tinh dịch, hoặc vì muốn khoái lạc nên thủ dâm. Hoặc tự nghĩ: "Lâu nay không thông thoát nên sinh ra bệnh hoạn", hoặc vì muốn được thông thoát, hoặc vì đùa nghịch, hoặc để thí nghiệm, hoặc chưa từng làm nên làm thử, hoặc tự mình thủ dâm cho xuất tinh". Ðó gọi là thủ dâm cho xuất tinh. Tinh có các màu: màu sữa tươi, màu sữa chua, màu sữa đông lạnh, màu dầu, hoặc màu xanh, vàng, đỏ, trắng. Nếu một trong các màu ấy vọt ra thì phạm tội Tăng già bà thi sa.
Trong tâm khởi dâm dục làm cho nam căn cương cứng, tưởng chừng như sẽ xuất tinh, nhưng nếu không thủ dâm thì tinh không xuất. Ðó là do lỗi của tâm. Nếu dục tâm sinh khởi nam căn như muốn xuất tinh, rồi thủ dâm nhưng tinh không xuất, thì phạm tội Thâu Lan Giá. (263c) Vì dục tâm sinh khởi, nam căn muốn xuất tinh, rồi thủ dâm mà tinh xuất thì phạm tội Tăng già bà thi sa.
Nếu dục tâm sinh khởi, nam căn không muốn xuất tinh và không cố ý thủ dâm nên tinh không xuất, thì không có tội. Khi đi đại tiện, tiểu tiện, hoặc bị bệnh phong hoặc phi nhân xúc chạm mà nam căn cương cứng cũng đều như thế.
Nếu dục tâm sinh khởi, bèn tưởng đến nam căn xuất tinh, rồi cố ý thủ dâm, tinh sắp vọt ra, nhưng không vọt ra ngoài, thì phạm tội Thâu Lan Giá.
Nếu dục tâm sinh khởi, rồi tưởng tượng nam căn xuất tinh, nhưng không thủ dâm, nên tinh không xuất, thì phải trách tâm.
Nếu dục tâm sinh khởi, nhưng không tưởng tượng nam căn xuất tinh, rồi thủ dâm mà tinh không xuất, thì cũng phải trách tâm.
Nếu dục tâm sinh khởi, nhưng không tưởng tượng nam căn xuất tinh, không cố ý thủ dâm mà tinh xuất, thì cũng phải trách tâm.
Nếu dục tâm sinh khởi, bèn tưởng đến xuất tinh, rồi thủ dâm mà tinh xuất, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Cho đến trường hợp phi nhân xúc chạm.v.v.. cũng như vậy.
Trường hợp xuất tinh hoặc thân, hoặc thân phần, hoặc thân hợp.
Thân: tất cả toàn thân dao động, khi ấy tạo điều kiện cho tinh xuất, và tinh xuất ra, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.
Thân phần: Hoặc dùng tay, hoặc dùng gót chân, hoặc dùng bắp tay, khuỷu tay, tạo điều kiện cho tinh xuất thì phạm tội Tăng già bà thi sa.
Thân hợp: Gồm có các chất địa, thủy, hỏa, phong.
Chất địa: Như giường, hoặc mền, hoặc vách tường, hoặc bộng cây, hoặc ống tre.v.v.. nếu dùng các vật cứng ấy chạm vào nam căn để cho xuất tinh, mà tinh xuất ra thì phạm tội Tăng già bà thi sa.
Chất nước: Hoặc dùng các dòng nước chảy ngược chạm vào nam căn, hoặc dùng nam căn nhúng vào các chất sữa dầu hay các vật ẩm ướt ở trong nước, muốn cho tinh xuất mà tinh xuất, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.
Chất lửa: Hoặc để nam căn vào chỗ nóng, hoặc áp vật nóng vào nam căn, hoặc hướng đến ngọn lửa, hướng về ánh nắng, muốn cho tinh xuất mà tinh xuất, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.
Chất gió: Hoặc dùng miệng thổi, hoặc dùng quạt quạt, hoặc dùng vải phất qua, chạm đến nam căn muốn cho tinh xuất, mà tinh xuất thì phạm tội Tăng già bà thi sa.
Nếu Tỳ kheo bảo người khác: "Ông hãy thủ dâm tôi để cho xuất tinh", mà tinh xuất, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.
Hoặc nói với người ta: "Ông chớ đợi tôi phải nói, ông từng biết việc đó mà". Sau đó, người ấy thủ dâm giúp mà tinh xuất, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.
Nếu Tỳ kheo ở những nơi thanh vắng, trông thấy cầm thú giao phối, thấy rồi dục tâm sinh khởi, rồi bị xuấ tinh thì phải trách tâm. Nếu vì thích hưởng khoái lạc mà tìm cách chạy theo xem cầm thú giao phối, muốn cho tinh xuất, mà tinh xuất thì phạm tội Tăng già bà thi sa.
Nếu có người dùng sức mạnh thủ dâm Tỳ kheo khiến cho xuất tinh, thì Tỳ kheo phải tự trách tâm. Nếu vì muốn khoái lạc, bèn đến người kia bảo họ thủ dâm giúp, mà tinh xuất thì phạm tội Tăng già bà thi sa.
Nếu Tỳ kheo vào xóm làng, thấy kẻ nam nữ hành lạc, thấy rồi, dục tâm sinh khởi nên xuất tinh, thì phải tự trách tâm. Nếu vì muốn khoái lạc mà chạy theo xem, khiến cho tinh xuất thì phạm tội Tăng già bà thi sa.
Nếu Tỳ kheo thấy thợ cất nhà cho dâm nữ, liền suy nghĩ : "Nơi đó chính là để làm việc dâm dục chứ đâu có việc gì khác nữa", do thế, dục tâm sinh khởi, rồi xuất tinh, thì phải tự trách tâm mình. Nhưng nếu vì ham vui cố ý đến xem, khiến cho tinh xuất, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.
Nếu Tỳ kheo trông thấy phụ nữ tắm lõa thể, thấy rồi dục tâm sinh khởi mà xuất tinh, thì phải tự trách mình. Nhưng nếu vì ham vui cố ý đến xem, khiến cho tinh xuất thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Hoặc thấy đàn ông lõa thể... cũng như thế.
Nếu Tỳ kheo đang đi đường mà dục tâm sinh khởi, rồi xuất tinh thì phải tự trách tâm mình. Nhưng nếu trong khi đi cố tạo điều kiện khiến cho tinh xuất, rồi tinh xuất ra thì phạm tội Tăng già bà thi sa... Như lúc đi, đứng, ngồi, nằm... cũng như thế. Nếu do thoa dầu để tắm mà tinh xuất thì phải tự trách tâm mình. Bằng cố ý tạo phương tiện thoa dầu để tắm mà tinh xuất, thì phạm tội Tăng già bà thi sa.
Thế nên, Đức Thế Tôn nói:
- Nếu Tỳ kheo cố ý thủ dâm mà tinh xuất, thì phạm tội Tăng già bà thi sa, ngoại trừ trong giấc mộng.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Phật giáo thường thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Cầu an có phải là pháp của đạo Phật?
Phật giáo thường thức 15:05 22/11/2024Hỏi: Tôi là người theo đạo Phật và muốn hiểu rõ hơn về giáo pháp. Tôi muốn hỏi là cầu an có phải là pháp của đạo Phật? Nếu có thì xin vui lòng chỉ giúp Đức Phật dạy trong những kinh nào?
Có phải con đang né tránh bài học của pháp không?
Phật giáo thường thức 13:00 22/11/2024Con thấy được những ràng buộc nơi tâm và thân trong đời sống gia đình, nên con không muốn kết hôn, không muốn bị ràng buộc. Những nhân duyên đến để con hình thành một mối quan hệ tình cảm thì con thường tìm cách thoát khỏi trước khi mối quan hệ có thể bắt đầu.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Phật giáo thường thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Xem thêm