Không nói nhiều: Nhà tu hành ‘mai mối’ là phạm giới Tăng tàn
Trả lời vấn đáp của HT. Thích Giác Quang khi cho rằng Lễ Hằng thuận là ‘ngược lại giáo lý của Đức Thế Tôn’ có nhiều ý kiến phản biện. Tuy nhiên, để có cơ sở giải đáp tình huống này, xin trích đăng Điều 5 trong 13 Giới tăng tàn để quý vị nhớ lại.
Lễ Hằng thuận là ‘ngược lại giáo lý của Đức Thế Tôn’
GIỚI LÀM MAI MỐI
Khi Phật an trú ở tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Lúc bấy giờ, có trưởng lão Tỳ-kheo tên Ca-la, đến giờ khất thực, thầy bèn khoác y, cầm bát vào thành tuần tự khất thực, đi vào một gia đình nhà nông, người mẹ trong gia đình từ xa trông thấy trưởng lão Ca-la đến, liền đứng dậy ra đón tiếp, cung kính chào hỏi:
- Lành thay sư phụ mới đến, đã lâu ngày không gặp, xin đừng coi xa lạ như những nhà khác, mà hãy xem như nhà mình, mời thầy vào ngồi chơi.
Ca-la liền vào ngồi, Khi ấy người mẹ đảnh lễ dưới chân Ca-la xong, liền đứng qua một bên. Tiếp theo toàn gia nam nữ cũng đều ra đảnh lễ chân Ca-la, rồi đứng qua một bên. Sau cùng, có một cậu con trai luống tuổi cũng đến đảnh lễ chân Ca-la, rồi đứng sang một bên. Ca-la hỏi chủ nhà: "Cậu này là con ai vậy?".
Người mẹ đáp: "Nó là con trai tôi".
Ca-la bèn hỏi: "Ðã lập gia đình chưa?".
Ðáp: "Chưa lập gia đình".
Ca-la nói: "Nên cưới vợ cho nó, không nên để đi ra ngoài, làm những việc tội lỗi, xấu xa.
Ca-la lại hỏi: "Ðã chọn được nơi nào thích hợp chưa?".
Ðáp: "Có một nhà kia có một người con gái, tôi đã nhờ người mai mối đến hỏi cưới mà không được". Lại hỏi: "Vì sao không được?", Ðáp: "Họ nói như sau: Tôi muốn không có con trai mà thành có con trai, không có con gái mà thành có con gái. Tôi đưa ra một điều kiện: Người đó vừa là rể tôi mà cũng vừa là con trai tôi, thì tôi mới gả con gái".
Rồi bà tiếp: "Tôi nay đâu có thể vì con gái họ mà để cho con mình đi ở rể".
Ca-la nói: "Như lời bà nói thì kẻ đó là người ngu. Ai lại vì con gái mà bỏ mất con mình. Như người ta thường nói: "Hễ là con gái thì phải đi đến nhà người khác. Dù sinh trong gia đình hoàng tộc, thì theo luật hôn nhân, cũng phải ra đi, như bà ngày trước cũng từ bên ngoài mà đến đây. Nhưng tôi cũng có ra vào nhà ấy, ta sẽ vì con trai bà mà cầu xin giúp cho".
Bà ấy liền đáp: "Lành thay sư phụ".
Thế rồi Tỳ-kheo Ca-la bèn rời nhà này, đi đến nhà kia. Bà mẹ của gia đình ấy trông thấy Ca-la đến, liền bước ra nghinh tiếp, cung kính chào hỏi: "Lành thay sư phụ mới đến, đã lâu ngày không được thăm hỏi. Xin thầy đừng coi xa lạ như những nhà khác, mà hãy xem nhà con như nhà của thầy, mời thầy vào ngồi chơi".
Khi ngồi xong, bà bèn đảnh lễ dưới chân Ca-la, rồi đứng qua một bên. Sau đó toàn gia nam nữ cũng bước ra đảnh lễ dưới chân thầy, rồi đứng sang một bên. Cuối cùng có một người con gái luống tuổi, đi đến đảnh lễ dưới chân Ca-la. Ca-la hỏi bà chủ: "Ðây là con gái nhà ai?".
Bà chủ đáp: "Con gái tôi đấy".
Lại hỏi: "Ðã gả chồng chưa?"
Ðáp: "Chưa gả chồng"
Ca-la nói: "Nên sắp đặt sớm, đừng để nó đi ra bên ngoài mà rủi ro xảy ra những chuyện không hay".
Rồi Ca-la lại hỏi: "Ðã có ai đến xin cưới chưa?".
Ðáp: "Có một gia đình kia đến xin cưới mà không gả".
Hỏi: "Vì sao không gả".
Ðáp: "Thưa thầy, tôi muốn rằng không có con trai mà thành có con trai, không có con gái mà thành có con gái. Tôi có một điều kiện: Chồng nó vừa là chàng rể mà cũng vừa là con trai tôi, đến nhà tôi ở, thì tôi mới chịu gả nó. Nay tôi lẽ nào vì con trai người ta mà để cho con gái mình rời khỏi nhà".
Ca-la nói: "Thật là quái gở. Bà là kẻ ngu si. Xưa nay có nghe ai nói gả con trai cho con gái bao giờ! Như bà ngày trước vì sao lại đến nhà người khác? Miệng đời thường nói: "Sinh con gái thì phải gả chồng. Dù sinh trong gia đình hoàng tộc, thì theo luật hôn nhân cũng phải rời khỏi nhà. Nhưng gia đình chàng trai kia vốn là thí chủ của tôi. Bà gả con gái cho họ thì có thể được giàu sang sung sướng".
Bà mẹ liền hỏi: "Ý thầy muốn như vậy sao?"
Ðáp: "Muốn như vậy".
Bà liền đồng ý.
Thế rồi, Ca-la trở về lại nhà trai, nói với bà chủ nhà rằng: "Nhà gái đã đồng ý rồi, những gì cần làm hãy làm ngay đi".
Khi ấy, cả hai gia đình đều giàu có, nên họ đưa lễ vật qua lại, rồi cử hành hôn lễ và người con gái đi về nhà chồng. Nhưng sau đó do công việc cực nhọc mà hằng ngày cô ta sinh ra mệt mỏi, nằm ngủ đến khi mặt trời mọc.
Bà mẹ chồng đến gọi: "Vì sao không dậy. Mày không biết phép tắc của người vợ là phải dậy sớm quét tước, làm công việc và trông nom khách khứa sao?". Bà nhắc nhở đến lần thứ ba mà cô vẫn không nghe lời. Cho nên bà rất đau khổ, chán nản, than phiền rằng:
- Vì ông Ca-la mà ta phải chuốc lấy nỗi khổ này, ông đã tìm cho ta một vật không có tay chân.
Bấy giờ cô vợ trẻ cũng khóc lóc than thở: "Vì ông Ca-la mà ta phải chịu đựng nỗi khổ này, vì sao mà đem ta vứt vào trong hầm lửa."
Khi ấy, người mẹ của cô gái nghe được, cũng giận dữ nói: "Con gái ta ở nhà dịu dàng vui vẻ, ít việc, ngày nay ở nhà chồng nhiều việc lao khổ, suốt ngày khóc lóc. Vì sao ông Ca-la lại đem con gái ta ném vào một gia đình tệ ác như thế? Kết cuộc Tỳ-kheo Ca-la làm cho cả hai nhà đều tức giận.
Các Tỳ kheo bèn đem nhân duyên ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Thế Tôn liền bảo gọi Tỳ-kheo Ca-la đến. Họ liền gọi đến.
Phật bèn hỏi Ca-la: "Ông có làm việc đó thật chăng?"
Ðáp: "Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!"
Phật nói: "Ca-la, ông không từng nghe ta dùng vô số phương tiện để chê trách việc hòa hợp dâm dục, và dùng vô số phương tiện khen ngợi sự ly dục là gì? Nay vì sao ông lại làm môi giới cho việc hòa hợp dâm dục? Ðó là việc ác. Nay nhân vì ông mà ta phải chế giới cho các Tỳ-kheo".
Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỳ-kheo sống tại thành Xá-vệ, phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỳ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
- Nếu Tỳ-kheo nhận làm môi giới cho người khác để đưa đến hòa hợp dâm dục, hoặc cưới hỏi, hoặc là tư thông với nhau, dù trong chốc lát thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Giải thích
Sứ giả: Nhận làm công việc sứ giả.
Hành: Ði lại.
Hòa hợp: Hòa hợp nam nữ vậy.
Vợ: Làm vợ suốt đời.
Tư thông: Giao hoan tạm thời.
Dù trong chốc lát: Dù cho họ hòa hợp giao hoan trong khoảnh khắc, thì (Tỳ-kheo) cũng phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Tăng-già-bà-thi-sa: Như trên đã nói.
Hoặc người con gái cô độc, không cha, không mẹ, không thân thích, hoặc không có ai hết, hoặc tự lập, hoặc nương tựa người khác, hoặc nương tựa thân thích, hoặc nương tựa nhiều người...
Con gái mồ côi mẹ: Người con gái không có mẹ, nương tựa vào cha mà sống, đó gọi là con gái mồ côi mẹ. Nếu có người con trai muốn xin cưới cô gái ấy làm vợ rồi nhờ Tỳ-kheo đến cầu hôn, mà Tỳ-kheo nhận lời, thì phạm tội Việt-tỳ-ni.
Nếu đến người ấy nói, thì phạm tội Thâu-lan-giá. Hoặc được hoặc không được mà trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Con gái mồ côi cha: Có những người con gái không có cha, nương tựa mẹ mà sinh sống. Ðó gọi là con gái mồ côi cha.
Nếu có người con trai muốn xin cưới cô gái ấy làm vợ, rồi nhờ Tỳ-kheo thay mặt đến xin cưới cô về làm vợ, mà Tỳ-kheo nhận làm sứ giả cho họ, thì phạm tội Việt-tỳ-ni.
Nếu đến nhà ấy nói thì phạm tội Thâu-lan-giá. Hoặc được hoặc không được, rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Ðối với người con gái không có thân thích và không có ai để nương tựa cũng như thế.
Tự lập: Không cha, không mẹ, không bà con, tự nuôi lấy thân.
Nếu có người con trai muốn cưới cô gái này làm vợ, bèn cậy Tỳ-kheo đến nói với cô gái này, mà Tỳ-kheo nhận làm môi giới, thì phạm tội Việt-tỳ-ni.
Nếu đến nói với cô gái, thì phạm tội Thâu-lan-giá. Hoặc được hoặc không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Sống nương tựa người khác: Nếu có người con gái không có cha mẹ, sống nương tựa người khác, rồi có người con trai muốn cưới cô ta làm vợ, bèn cậy Tỳ-kheo làm môi giới, mà Tỳ-kheo nhận lời, thì phạm tội Việt-tỳ-ni.
Nếu đến nói với người ấy thì phạm tội Thâu-lan-giá. Hoặc được hoặc không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già- bà-thi-sa. Người con gái sống nương tựa cha, mẹ và những người khác cũng như thế.
Hoặc các trường hợp con trai mồ côi không mẹ, không cha, không bà con, hoàn toàn không có ai cả, sống tự lập, hoặc nương tựa vào kẻ khác, hoặc nương tựa cha mẹ, hoặc nương tựa mọi người.
Không có mẹ: Nếu đứa con trai không có mẹ, nương nhờ cha mà sinh sống, muốn xin cưới một cô gái làm vợ, bèn nhờ Tỳ-kheo làm môi giới, mà Tỳ-kheo nhận làm sứ giả thì phạm tội Việt-tỳ-ni.
Nếu đến nói với cô gái ấy, thì phạm tội Thâu-lan-giá. Hoặc được hoặc không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa. Kể cả những người không có ai để nương tựa cũng như thế.
Hoặc có các trường hợp: cùng sinh trong một nhà, trước đã giao kết, trừng phạt, vua thảo khấu, dệt tơ, nấu ăn, lấy nước, không có con, vì thừa kế.
Trong nhà: Nếu có người nuôi trẻ con của người khác, dạy dỗ thành người, và trong nhà cũng có một đứa con gái ruột đã đến tuổi trưởng thành liền suy nghĩ "Con gái ta nay đã khôn lớn, cần phải cho nó lấy chồng. Ngày nay, đứa con trai này do ta nuôi dưỡng cũng đã trưởng thành, vì sao ta không đem con gái mình gả cho nó, để nó trở thành chàng rể, đồng thời vừa là con trai ta?" Thế nhưng người này không thể nói ra được, bèn nhờ Tỳ-kheo thay thế mình nói với đứa con trai ấy như sau: "Ta đã nuôi dưỡng con, cho ăn học thành tựu, nay đã khôn lớn và ta cũng có đứa con gái sắp lấy chồng. Ta muốn con làm rể ta và đồng thời cũng là con trai ta".
Nếu Tỳ-kheo nhận làm môi giới cho người ấy, thì phạm tội Việt-tỳ-ni.
Nếu đến nói với cậu ấy, thì phạm tội Thâu-lan-giá. Hoặc được hoặc không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa. Hoặc giả đứa con nuôi ấy trước đó muốn cưới cô ấy, rồi nhờ Tỳ-kheo làm môi giới đến thưa với cha cô cũng như thế.
Cùng sinh: Nếu có 2 anh em ruột mà anh chết, em muốn lấy chị dâu làm vợ, rồi nhờ Tỳ-kheo làm môi giới đến nói với chị dâu... cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Trước đã giao kết: Nếu có một chàng trai cùng với vợ người thông giao, rồi người đàn bà ấy nói với chàng trai:
- Nếu chồng tôi nổi giận trị tội tôi khốc liệt rồi đuổi ra khỏi nhà, thì anh hãy lấy tôi.
Ðáp: "Có thể được".
Khi ấy, người vợ đó cố tình xúc não chồng mình, để cho anh ta nổi giận trừng trị cô rồi đuổi đi.
Chàng trai ấy biết được việc đó, nhưng không thể đích thân đến nói, bèn nhờ Tỳ-kheo thay lời mình đến nói với người đàn bà ấy rằng: "Cô đã bị chồng trừng trị khổ sở rồi đuổi đi, vậy hãy đến với tôi", mà Tỳ-kheo nhận làm sứ giả, cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Hoặc có một người phụ nữ thích một người con trai mà không thể tự nói, liền nhờ Tỳ-kheo thay lời mình đến nói với người con trai ấy: "Tôi bị chồng trừng phạt nặng rồi đuổi đi, nay muốn đến anh, lấy anh làm chồng", mà Tỳ-kheo nhận làm sứ giả cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Hoặc có trường hợp có người đàn bà muốn tái hợp với chồng cũ mà không thể nói được, bèn nhờ Tỳ-kheo thay lời mình đến nói với người chồng ấy: "Cho tôi cùng trở lại để cùng sống bên nhau, tôi hứa sẽ không phạm sai lầm nữa", mà Tỳ-kheo nhận làm sứ giả, cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Hoặc có trường hợp người chồng muốn trở lại với vợ cũ mà không thể tự nói được, bèn nhờ Tỳ-kheo thay lời mình đến nói với bà ấy rằng: "Nay cho phép cô trở về, nhưng đừng có phạm tội nữa", mà Tỳ-kheo nhận làm sứ giả, cho đến được hoặc không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Trừng phạt: Nếu vua muốn cưới con gái người ta, nhưng không thể tự nói được, bèn nhờ Tỳ-kheo thay lời mình đến nói với gia đình ấy: "Tôi có thể phạt gia đình ông, rồi bắt con gái ông, nhưng tôi không muốn thế. Nếu ông cho con gái ông cho tôi, thì cô ấy sẽ được y phục, ẩm thực và những vật trang điểm tự nhiên không thiếu thứ gì, lại còn ích lợi cho nhà ông nữa", mà Tỳ-kheo nhận lời làm sứ giả, cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Vua thảo khấu: Tức chúa trại. Nếu chúa trại muốn lấy con gái người ta, nhưng không thể tự nói, bèn nhờ Tỳ-kheo thay lời mình đến nhà ấy nói rằng: "Tôi là vua trong rừng, có thể gây cho ông những điều bất lợi, ông phải đưa con gái ông đến cho tôi thì cô ấy sẽ được y phục, ăn uống và các vật trang sức thoải mái và nhà ông cũng được bảo vệ", mà Tỳ-kheo nhận làm sứ giả, cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Dệt tơ: Nếu có người quả phụ làm nghề dệt tơ lụa để sinh sống, rồi có người đàn ông muốn cưới bà ta mà không thể tự nói được, bèn nhờ Tỳ-kheo thay lời mình đến nói với bà quả phụ ấy: "Tôi muốn lấy bà làm vợ". Người quả phụ ấy nói: "Nếu tôi về đó thì không thể làm việc gì khác mà chỉ biết dệt tơ thôi, nếu có cần thì tôi sẽ đến", mà Tỳ-kheo nhận làm sứ giả, cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Nấu ăn: Có một người đàn ông kia muốn lấy một quả phụ làm vợ, nhưng không thể đến nói trực tiếp được, bèn cậy Tỳ- kheo thay lời mình đến nói với quả phụ ấy: "Hãy đến chung sống với tôi".
Quả phụ nói: "Tôi chỉ có thể nấu ăn, ngoài ra không thể làm gì khác, có cần thì tôi sẽ đến", mà Tỳ-kheo nhận lời... cho đến hoặc được hoặc không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Lấy nước: Có một gã đàn ông muốn hỏi cưới một quả phụ nhưng không thể đến nói trực tiếp được, bèn cậy Tỳ-kheo thay lời mình đến nói với quả phụ: "Hãy đến sống chung với tôi". Quả phụ đáp: "Tôi chỉ có thể lấy nước, ngoài ra không thể làm việc gì khác, có cần thì tôi sẽ đến", mà Tỳ-kheo nhận lời... cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Không có con: Có một người đàn ông không có vợ con muốn cưới một quả phụ cũng chẳng có chồng con gì, nhưng không thể tự mình nói ra, bèn cậy Tỳ-kheo thay lời mình đến nói với quả phụ ấy: "Hai chúng ta đều không có con cái gì, bà hãy đến sống chung cùng tôi", mà Tỳ-kheo nhận lời làm sứ giả, cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Hoặc bà quả phụ ấy muốn lấy ông kia nhưng không thể tự mình nói trực tiếp được, bèn cậy Tỳ-kheo đến... thì cũng như vậy.
Thừa kế giỗ quải: Nếu có người đàn ông đàn bà đều không có con cái gì, sợ sau khi chết trở thành quỉ đói không có ai thừa kế, giỗ quải, rồi người đàn ông ấy muốn lấy quả phụ đó nhưng không thể đến nói trực tiếp, bèn nhờ Tỳ-kheo thay lời mình đến nói với bà quả phụ: "Bà hãy đến sống chung cùng tôi. Nếu tôi chết trước hóa thành quỷ đói thì bà cúng quải tôi. Nếu bà chết trước, thì tôi sẽ kỵ giỗ bà", mà Tỳ-kheo nhận lời... cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa. Hoặc bà quả phụ ấy muốn lấy người đàn ông đó cũng như vậy.
Hoặc có các trường hợp: Có người con gái được cha bảo vệ, mẹ bảo vệ, anh em bảo vệ, chị em bảo vệ, tự bảo vệ, dòng họ bảo vệ, nhờ tiền bạc bảo vệ, hoặc là bé gái, hoặc là quả phụ, hoặc là gái có chồng...
Mẹ bảo vệ: Có người con gái sống nương tựa vào mẹ, rồi có người muốn cưới cô ta, bèn nhờ Tỳ-kheo thay lời mình đến nói với mẹ cô: "Tôi muốn cưới cô này làm vợ", mà Tỳ-kheo nhận lời, cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Trường hợp được cha bảo vệ, anh em, chị em bảo vệ cũng như thế.
Tự bảo vệ: Có người con gái không có cha mẹ bà con, phải tự mình mưu sinh và trì giới, giữ mình. Rồi có người con trai muốn cưới cô ấy, liền nhờ Tỳ-kheo thay lời mình đến nói... cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Dòng họ bảo vệ: Có người con gái không có cha mẹ, phải sống nương tựa những người cùng họ hàng... cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Tiền bạc bảo vệ: Nếu có người con gái nợ tiền người ta mà chưa trả đủ, rồi có người con trai muốn cưới cô ấy, bèn cậy Tỳ-kheo thay lời mình đến nói với gia đình cô ta: "Cho tôi cô gái này, tôi sẽ thay thế để trả món tiền mắc nợ", mà Tỳ-kheo nhận lời... cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Bé gái, quả phụ, đàn bà có chồng cũng như vậy.
Hoặc có các trường hợp: Có người con gái do dùng lúa mà đổi được, hoặc dùng tiền mua được, hoặc thuê nuôi bằng tiền, hoặc thuê nuôi nửa thời gian, hoặc thuê nuôi trọn thời gian, hoặc ở một tháng, hoặc ở tùy hứng, hoặc do cướp được, hoặc nhận lấy vòng hoa, không có họ, chốc lát...
Dùng lúa mà đổi được: Hoặc có người dùng lúa đổi được cô gái, rồi có chàng trai muốn lấy cô, bèn nhờ Tỳ-kheo thay lời mình đến nói với cô ta: "Cô hãy làm vợ tôi", mà Tỳ-kheo nhận lời... cho đến được hay không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Dùng tiền mua được: Giống như trường hợp trên.
Thuê bằng tiền: Có người nuôi con gái người ta để lấy tiền công. Số tiền ấy trừ khoản cung cấp cô ta, còn thừa thì lấy hết. Rồi có chàng trai muốn lấy cô ấy, bèn nhờ Tỳ-kheo thay lời mình đến nói... cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa. Nuôi thuê nửa thời gian hoặc toàn thời gian đều như thế cả.
Ở một tháng: Hoặc có chàng trai muốn cưới một quả phụ làm vợ, bèn nhờ Tỳ-kheo thay lời mình đến nói với quả phụ ấy, rồi quả phụ đáp: "Tôi không thể ở lâu dài được, mà chỉ có thể ở chừng một tháng, có cần thì tôi sẽ đến",... cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Ở tùy hứng: Có chàng trai muốn xin cưới một quả phụ, bèn nhờ Tỳ-kheo thay lời mình đến nói với quả phụ ấy, rồi bà ta đáp: "Tôi không thể ở mãi được, ý tôi chỉ muốn ở chừng ấy thời gian thôi, có cần thì tôi sẽ đến"... cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Do cướp được: Hoặc có người phá xóm làng người ta, cướp được một cô gái, rồi có chàng trai muốn xin cưới cô ta, bèn nhờ Tỳ-kheo thay lời mình đến nói... cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Do nhận lấy vòng hoa: Có những nước có phong tục: Khi con trai muốn xin cưới con gái thì phải sai người đem vòng hoa đến gia đình nhà gái.
Nếu họ nhận vòng hoa, thì biết họ đã đồng ý.
Nếu họ không nhận vòng hoa, thì biết họ không đồng ý.
Bấy giờ, nhà trai bèn nhờ Tỳ-kheo mang vòng hoa đến gia đình nhà gái..., cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Người không có họ: Hoặc có chàng trai không cha, không mẹ, không bạn bè và một cô gái kia cũng thế. Rồi chàng trai nọ muốn cầu hôn cô gái, bèn nhờ Tỳ-kheo thay lời mình đến nói... cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Trong chốc lát: Có một chàng trai kia muốn thông giao với một cô gái đoan chính trong chốc lát, bèn nhờ Tỳ-kheo thay lời mình ngỏ ý..., cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Hoặc có các trường hợp: Ðàn bà không có con, nô tỳ gái, người xuất gia, người bị bỏ (đuổi) dâm nữ, người hầu dâm nữ, dâm nữ đứng đường, người hầu dâm nữ đứng đường, cô gái bị vứt bỏ, cô gái xin được, cô gái bị thải hồi, hạ tiền nữ.v.v...
Ðàn bà không con: Có những gia đình giàu có, cưới vợ cho con lúc còn bé. Sau đó, con chết, rồi nàng dâu sống nương tựa mẹ chồng cho đến lúc khôn lớn. Thế rồi có chàng trai muốn lấy cô, bèn nhờ Tỳ-kheo thay lời mình đến nói với mẹ chồng: "Con bà đã qua đời, tôi nay cũng như con bà, vậy xin bà hãy cho nàng dâu bà cho tôi. Tôi sẽ cung cấp y phục ẩm thực, để nàng cùng chung sống với tôi"... cho đến trở về báo lại, thì Tỳ-kheo phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Người đàn bà nô tỳ: Như nhiều quốc gia, có tục lệ bán bớt miệng ăn (cho con gái đi ở đợ) rồi có chàng trai muốn chuộc cô ta về làm vợ, nhưng sợ khoản tiền hơi nhiều, bèn nhờ Tỳ-kheo bí mật đem lời mình đến nói với cô ta: "Nay tôi chuộc cô về làm nô tỳ, nhưng kỳ thực là để làm vợ"... cho đến trở về báo lại, thì Tỳ-kheo phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Xuất gia: Có cô gái đoan chính xuất gia với ngoại đạo, rồi chàng trai muốn cưới cô ta về làm vợ, bèn nhờ Tỳ-kheo thay lời mình để ngỏ ý..., cho đến trở về báo lại, thì Tỳ-kheo phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Người bị bỏ: Bị bỏ có 2 trường hợp: hoặc bán, hoặc ly hôn.
Bán: Theo luật pháp của nước Pha Lợi, hễ người vợ có tỳ vết, thì liền bị đem bán.
Ly hôn: Có những quốc gia được luật pháp qui định, hễ vợ chồng sống không hạnh phúc, thì bèn dẫn nhau đến tòa án, mua 2 lá đơn ba đồng rưỡi để nhờ quan tòa xử cho ly hôn. Hoặc có người vợ trẻ tư thông với người khác, rồi cùng giao kết: "Nếu tôi được ly hôn với chồng tôi, thì tôi sẽ lấy anh".
Ðáp: "Ðược đó".
Rồi cô ta bỏ tiền ra lo kiện và được ly hôn. Thế rồi, chàng trai kia nghe được, bèn nhờ Tỳ-kheo thay lời mình đến nói với cô ta: "Cô đã ly hôn, vậy hãy đến làm vợ tôi"..., cho đến trở về báo lại, thì Tỳ-kheo phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa. Hoặc giả cô ấy nhờ Tỳ-kheo đem lời mình đến nói với anh ta: "Tôi đã ly hôn, vậy anh hãy cưới tôi"..., cho đến trở về báo lại, thì Tỳ-kheo phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Dâm nữ: Có chàng trai nhờ Tỳ-kheo môi giới để được tư thông với dâm nữ..., cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Con hầu của dâm nữ: Tức là nô tỳ của dâm nữ, cũng như trường hợp đã nói ở trên.
Dâm nữ đứng đường: Có những hạng dâm nữ thường đón khách ở dọc đường, rồi một chàng trai nhờ Tỳ-kheo làm môi giới để mình được tư thông với cô ta..., cho đến trở về báo lại, thì Tỳ-kheo phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Con hầu của dâm nữ đứng đường: Trường hợp này cũng như ở trên.
Con gái bị vứt bỏ: Có người con gái bị người ta hiếp dâm có thai, rồi sau đó xuất gia trong hàng ngũ ngoại đạo, đến ngày mãn nguyệt, liền sinh ra bé gái. Người mẹ ấy bèn đem con bỏ ở ngã tư đường, rồi có người nhặt về nuôi dưỡng cho đến khi khôn lớn. Ðoạn có chàng trai muốn cưới cô ấy, bèn nhờ Tỳ-kheo thay lời mình đến nói giúp..., cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Cô gái do xin được: Có người nhiều con trai mà không có con gái, bèn xin con gái người khác đem về nuôi dưỡng đến tuổi trưởng thành. Rồi có chàng trai muốn cưới cô ta làm vợ, bèn nhờ Tỳ-kheo đến nói giúp..., cho đến trở về báo lại, thì Tỳ-kheo phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Con gái bị thải hồi: Có người con gái lúc chưa lấy chồng đã tư thông với người khác, đến khi về nhà chồng, chồng biết cô ta không phải đồng nữ (không còn trinh), bèn đuổi cô trở về nhà cha mẹ, rồi đòi lại những lễ vật trước kia. Thế rồi, người con trai từng tư thông với cô ngày trước nghe cô bị trục xuất, bèn suy nghĩ:"Người con gái này do ta mà bị trục xuất, vậy ta nên nhận lấy cô", rồi nhờ Tỳ-kheo đến nói với cha mẹ cô..., cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Hạ tiền nữ: Có chàng trai muốn cưới vợ mà nạp tiền cheo chưa đủ, rồi cha mẹ cô gái ấy nhiều lần đòi tiền mà chàng trai ấy không thể trả nổi nên không cưới được vợ, và cô gái ấy cũng không thể lấy chồng. Thế rồi có một chàng trai khác muốn cưới cô ta, bèn nhờ Tỳ-kheo đem lời mình đến nói với cha mẹ cô "Gả cô này cho tôi, tôi sẽ đưa tiền cho ông để ông trả lại cho người chồng trước"..., cho đến trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Hoặc có một chàng trai hay tớ trai của chàng nói với Tỳ-kheo mà Tỳ-kheo nghe theo lời thì phạm tội Việt-tỳ-ni.
Nếu đến nói với người kia, thì phạm tội Thâu-lan-giá.
Nếu tự mình đến nói, hoặc sai người đến nói, rồi được hay không được mà trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Hoặc có cô gái mồ côi sống với ông bà ngoại, hoặc sống với ông bà cố ngoại, hoặc sống với cậu, hoặc sống với dì, hoặc sống với ông bà nội, hoặc sống với ông bà cố nội, hoặc sống với cậu của cha, hoặc sống với dì của cha, cũng đều như trên đã nói.
Lại có các trường hợp: Nói thẳng, nói quanh co, ra dấu, kham năng, ra vào, bệnh, nhà vua, pháp sư, bè đảng, cùng chung, phức tạp...
Nói thẳng: Có một chàng trai muốn cưới con gái người ta mà không thể cầu hôn trực tiếp được, bèn nhờ Tỳ-kheo làm mai mối, mà Tỳ-kheo nhận lời thì phạm tội Việt-tỳ-ni.
Nếu đến nói với họ, thì phạm tội Thâu-lan-giá.
Nếu gia đình nhà gái nói: "Nhà đó thuộc dòng Sát-đế-lợi, còn tôi thuộc Bà-la-môn, nhà đó thuộc Tỳ (Phệ) Xá, còn tôi là Bà-la-môn; nhà đó thuộc Thủ-đà-la, còn tôi là Bà-la-môn."Hoặc nói: Tôi là Sát Ðế Lợi, còn nhà đó là Bà-la-môn. Tôi thuộc Tỳ Xá còn nhà đó là Bà-la-môn. Tôi là Thủ-đà-la, còn nhà đó là Bà-la-môn".
Hoặc giả nói: "Nhà đó là Sát-đế-lợi, còn tôi là Tỳ-xá. Nhà đó là Sát-đế-lợi, còn tôi Thủ-đà-la".
Hoặc nói: "Nhà đó là Bà-la-môn, tôi cũng là Bà-la-môn. Nhà đó là Sát-đế-lợi, tôi cũng là Sát-đế-lợi. Nhà đó là Tỳ-xá, tôi cũng là Tỳ-xá. Họ là Thủ-đà-la, tôi cũng là Thủ-đà-la..."
Nếu được hoặc không được, rồi trở về báo lại thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Nói quanh co: Có một chàng trai muốn cưới con gái người ta mà không thể tự mình đến cầu hôn, bèn nhờ Tỳ-kheo giúp, rồi Tỳ-kheo nói: "Ðức Thế Tôn chế giới, Tỳ-kheo không được làm sứ giả". Miệng tuy không hứa, nhưng trong lòng mặc nhiên đồng ý, thì phạm tội Việt-tỳ-ni.
Nếu đến nói với họ thì phạm tội Thâu-lan-giá. Hoặc được, hoặc không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Ra dấu: Có chàng trai muốn cưới con gái người ta mà không thể tự đến cầu hôn, bèn nhờ Tỳ-kheo đi giúp, rồi Tỳ-kheo nói: "Phật chế giới: Tỳ-kheo không được làm sứ giả, nhưng tôi sẽ ra dấu cho anh biết. Nếu anh thấy tôi mặc y phục bẩn thỉu cầm bát rổng và vỡ ngồi trên giường thấp, nói chuyện với những bọn nô tỳ thì nên biết là không được. Trái lại, nếu anh thấy tôi mặc y mới và sạch, cầm bát đẹp, ngồi trên giường lớn, miệng nói những chuyện trai gái vợ chồng với cô gái ấy thì anh nên biết đó là dấu hiệu đã thành công".
Nếu Tỳ-kheo ra dấu như thế, hoặc được, hoặc không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Kham năng: Nếu chúng Tỳ-kheo đông đúc, đến nhà thí chủ thọ trai và sau khi ăn xong, Ưu-bà-di bạch với các Tỳ-kheo: "Tôi muốn cưới con gái của nhà kia về làm dâu, nhờ quí thầy nói giúp giùm tôi". Rồi các Tỳ-kheo nói: "Ưu-bà-di! Ðức Thế Tôn chế giới: các Tỳ-kheo không được làm sứ giả."Nhưng trong đó có hai, ba Tỳ-kheo lại chấp nhận làm sứ giả, thì phạm tội Việt-tỳ-ni.
Nếu đến nói với họ, thì phạm tội Thâu-lan-giá.
Nếu trở về báo lại thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Ra vào: Khi Tỳ-kheo lui tới nhà người ta nhận sự cúng dường, rồi chủ nhà nói: "Tôi muốn cưới con gái nhà kia cho con trai tôi, xin tôn giả hãy ngỏ lời giúp". Tỳ-kheo nói: "Bà cho tôi ăn uống, tôi sẽ nói giúp cho bà". Chủ nhân nói: "Khi nào con tôi được vợ, tôi sẽ mời tôn giả dùng cơm". Tỳ-kheo nói: "Tôi đã mở miệng, thì không gì là không thành công. Nhưng phải mời cơm trước đã". Thế rồi, chủ nhà sửa cơm, thì Tỳ-kheo phạm tội Việt tỳ ni.
Người ta mà không thể tự mình đến cầu hôn, bèn nhờ Tỳ-kheo giúp, rồi Tỳ-kheo nói: "Ðức Thế Tôn chế giới, Tỳ-kheo không được làm sứ giả". Miệng tuy không hứa, nhưng trong lòng mặc nhiên đồng ý, thì phạm tội Việt-tỳ-ni.
Sau đó Tỳ-kheo đến nhà ấy nói: "Bà có biết không?". Chủ nhà hỏi: "Biết việc gì?". Tỳ-kheo nói: "Tôi có điều muốn nói, nếu bà chịu nghe lời tôi, thì tôi sẽ nói". Chủ nhân nói: "Nhưng hãy nói đi đã". Tỳ-kheo nói: "Có người muốn xin cưới con gái bà". Hỏi: "Ai vậy?". Ðáp: "Con trai nhà đó". Chủ nhân nổi giận nói: "Thà tôi đem con gái bỏ vào trong chỗ nước lửa tối tăm, chứ không bao giờ gả cho hạng ấy". Nếu Tỳ-kheo hoảng sợ liền bỏ đi, thì phạm tội Thâu-lan-giá.
Nếu cô ấy vẫn chưa lấy chồng, mà Tỳ-kheo vì trước đó khoa trương để người ta cho ăn nên cảm thấy xấu hổ, rồi trở về báo lại rằng không được, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Nếu cô ấy hoặc đã đi lấy chồng, hoặc đã chết, rồi Tỳ-kheo trở về báo lại, thì phạm tội Thâu-lan-giá.
Bệnh: Nếu Tỳ-kheo thường ra vào một nhà kia, rồi gia chủ nói với Tỳ-kheo: "Tôi muốn cưới con gái nhà kia cho con trai tôi, nhờ thầy mai mối giúp". Rồi Tỳ-kheo nhận lời thì phạm tội Việt-tỳ-ni.
Nếu đến nói với họ, thì phạm tội Thâu-lan-giá.
Nếu nhà ấy nói: "Con gái tôi đang bệnh, không biết sống chết lúc nào". Hoặc người con trai kia có bệnh, rồi nhà gái nói: "Con trai nhà ấy bị bệnh, không biết sống chết lúc nào! Nếu gả con cho nó, mà rủi ro nó chết, thì con gái tôi sẽ thành quả phụ". Tỳ-kheo lại nói: "Hễ ai mắc bệnh đều chết hết cả sao?. Rồi tự nhiên sẽ lành thôi, nên gả cho họ đi". Khi nói như vậy thì phạm tội Thâu-lan-giá.
Hoặc được hoặc không được rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Vua: Nếu vua muốn lấy con gái người ta, bèn nói với các Tỳ-kheo:"Nay tôi muốn được con gái của nhà kia, nhờ chư Tăng mai mối giúp", mà tất cả chư Tăng đều hứa giúp, thì tất cả đều phạm tội Việt-tỳ-ni.
Nếu tất cả Tăng chúng đều đến đó ngỏ lời, thì tất cả chúng Tăng đều phạm tội Thâu-lan-giá. Hoặc được, hoặc không được, rồi trở về báo lại, thì tất cả Tăng chúng đều phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Nếu chúng Tăng sai sứ giả đến nói với nhà ấy, thì tất cả chúng Tăng phạm tội Việt-tỳ-ni.
Khi sứ giả nói với họ, thì tất cả chúng Tăng phạm tội Thâu-lan-giá. Hoặc được, hoặc không được rồi trở về nói lại, thì tất cả chúng Tăng phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Nếu sứ giả được sai đi suy nghĩ: "Nếu ta về lại trong chúng, thì mọi người sẽ sai ta đến tâu với vua, chi bằng ta đến tâu thẳng với vua, vua sẽ biết ta". Suy nghĩ thế rồi, vị Tỳ-kheo ấy đi làm mai mối, và việc được hay không được mà đi đến báo với nhà vua, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa. Còn tất cả chúng Tăng vì trước đó đã có ý giúp nên phạm tội Thâu-lan-giá.
Pháp sư: Có một gia đình Ưu-bà-tắc muốn cưới con gái của một Ưu-bà-tắc khác nhưng gia đình ấy không chịu gả, bèn nói: "Thà tôi gả con cho kẻ ngoại đạo tà kiến còn hơn là gả con cho gia đình Ưu-bà-tắc ấy". Bên nhà trai bèn suy nghĩ: "Ai có thể giúp ta để mà đứng ra tác hợp? Có lẽ chỉ có Sa-môn có lắm phương tiện giỏi thuyết pháp mới tác hợp giúp được thôi", bèn đến tinh xá, bạch với pháp sư: "Tôi xin cưới con gái nhà ấy, nhưng họ không chịu gả". Pháp sư liền hỏi: "Họ nói thế nào?". Ðáp: "Họ nói thế này: Thà gả cho kẻ ngoại đạo tà kiến, chứ không gả cho nhà ấy". Nhờ pháp sư đem nghĩa vụ đồng đạo ra nói giúp để họ gả con cho tôi."Nếu Tỳ-kheo hứa khả, thì phạm tội Việt-tỳ-ni.
Nếu thỉnh chung đồ chúng mình đi mà họ đi, thì cả chúng phạm tội Việt-tỳ-ni.
Nếu vào dịp thuyết pháp mồng 8, 14 và rằm hằng tháng, cả hai gia đình nhà trai, nhà gái đều đến nghe pháp, nhân dịp đó pháp sư thuyết rằng: Như trong Khế kinh Phật nói với các Tỳ-kheo: "Các chúng sinh tùy theo tánh mà không có lòng tin, không có lòng tin mà kết thân hảo với nhau, như thế là phạm giới; Phạm giới mà kết thân với nhau thì không có oai nghi; không có oai nghi mà kết thân với nhau là không biết xấu hổ, không biết xấu hổ mà kết thân với nhau thì sinh ra lười biếng; Lười biếng mà kết thân với nhau thì thành ra loạn tâm; Loạn tâm mà kết thân với nhau thì thành vô trí. Thế rồi những kẻ vô trí bèn kết thân hảo với nhau tùy theo chủng loại. Quá khứ, hiện tại và vị lai, các chúng sinh đều như thế cả. Ví như 2 vật hôi thối bất tịnh hòa hợp cùng nhau cũng như vậy. Và này các Tỳ-kheo! Các chúng sanh tùy theo mỗi loài có niềm tin vững chắc. Những kẻ có niềm tin vững chắc mà kết thân hảo với nhau như thế là trì giới. Trì giới mà kết thân hảo với nhau thì có oai nghi; có oai nghi mà kết thân hảo với nhau là biết hổ thẹn; biết hổ thẹn mà kết thân hảo với nhau thì sẽ tinh tấn; Tinh tấn mà kết thân hảo với nhau thì có thiền định; có thiền định mà kết thân hảo với nhau thì có trí tuệ. Thế rồi những kẻ có trí tuệ cùng kết thân hảo với nhau. Quá khứ, hiện tại và vị lai, các loài chúng sanh đều như thế cả. Ví như những vật trắng sạch được ướp hương thơm, rồi cho hòa hợp cùng nhau". Pháp sư thuyết pháp như thế xong, liền hỏi gia đình nhà gái: "Tôi nghe nói con trai nhà kia muốn xin cưới con gái bà, bà liền nói với họ: Thà gả con cho kẻ ngoại đạo tà kiến, chứ không gả cho nhà ấy". Có đúng như thế chăng? Bà không nghe Thế Tôn nói: "Có kẻ sát nhân và lũ oan gia tay cầm kiếm sắc, lăm lăm thường tìm cơ hội để giết người hay sao? Ðứa con oan gia của bà nên cho vào gia đình ấy, chứ không nên cho vào gia đình ngoại đạo tà kiến. Nay vì sao bà lại muốn gả con gái mình cho một gia đình tà kiến? Nếu gả cho Ưu-bà-tắc thì thường thường có thể gặp được các Tỳ-kheo trì giới thọ trai."Lúc ấy, bà ta nói: "Thưa thầy, thầy muốn như vậy sao?". Ðáp: "Muốn như vậy". Bà ấy liền nói: "Tôi sẽ gả". Nếu lúc ấy, pháp sư im lặng không nói gì cả thì phạm tội Thâu-lan-giá.
Nếu pháp sư không nhẫn nại được bèn ngồi trên tòa nói: "Nhà kia đã được rồi", thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Nếu pháp sư xướng lớn trong đồ chúng: "Ðã được rồi"thì cũng phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Cùng chung: Có các trường hợp: Nhận lời chung rồi nói riêng; nhận lời riêng rồi nói chung; Nhận lời chung rồi nói chung; Nhận lời riêng rồi nói riêng.
Nhận lời chung rồi nói riêng: Tỳ-kheo, sau khi an cư mùa hạ xong, bèn đi đến các thôn xóm để từ biệt các gia chủ quen biết, rồi đi sang các nước khác. Bấy giờ, các Ưu-bà-di nơi các thôn xóm bèn nhờ cậy: "Thầy hãy hỏi giùm vợ cho con trai tôi, hãy hỏi giùm vợ cho anh em tôi, hãy hỏi giùm vợ cho chú tôi".
Như vậy các Ưu bà di mỗi người nói với Tỳ-kheo một lần, rồi Tỳ-kheo đáp: "Ðược thôi!" thì phạm một tội Việt Tỳ Ni.
Nếu Tỳ-kheo đến nơi ấy, rồi ngỏ ý từng nhà, thì mỗi chỗ phạm mỗi tội Thâu-lan-giá.
Nếu trở về báo lại từng nhà, thì mỗi chỗ phạm mỗi tội Tăng-già bà-thi-sa.
Nhận lời riêng rồi nói chung: Tỳ-kheo sau khi an cư mùa hạ xong, bèn du hành trong nhân gian để từ biệt các thí chủ mà đi đến nước khác. Thế rồi các Ưu-bà-di có người nói với Tỳ-kheo: "Nhờ thầy hỏi giùm vợ cho con trai tôi", có người nói: "Nhờ thầy hỏi giùm vợ cho anh em tôi, hỏi giùm vợ cho chú tôi". Rồi Tỳ-kheo mỗi mỗi đều hứa giúp thì mỗi mỗi đều phạm tội Việt-tỳ-ni.
Nếu đến từng nhà hỏi giùm vợ cho họ, thì mỗi chỗ phạm mỗi tội Thâu-lan-giá. Nhưng nếu khi trở về chỉ thông báo một lời cho tất cả, thì phạm một tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Nhận lời chung rồi nói chung: Tỳ-kheo, sau khi an cư mùa hạ xong, bèn du hành trong nhân gian để từ biệt các thí chủ mà đi đến nước khác. Thế rồi, các Ưu-bà-di bèn nói với Tỳ-kheo: "Nhờ thầy hỏi giùm vợ cho con trai tôi, hỏi giùm vợ cho anh em tôi, hỏi giùm vợ cho chú tôi". Nếu Tỳ-kheo đáp chung một lời: "Có thể được", thì phạm một tội Việt-tỳ-ni.
Nếu đến đó hỏi riêng từng nhà, thì mỗi chỗ phạm mỗi tội Thâu-lan-giá.
Nếu trở về đáp chung một lời: "Ðược", thì phạm một tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Nhận lời riêng rồi nói riêng: Tỳ-kheo sau khi an cư mùa hạ xong, bèn du hành trong nhân gian để từ biệt các thí chủ, rồi có Ưu-bà-di nói: "Nhờ thầy hỏi giùm vợ cho con trai tôi, hỏi giùm vợ cho anh em tôi, hỏi giùm vợ cho chú tôi". Rồi Tỳ-kheo đáp riêng từng người: "Có thể được", thì mỗi chỗ phạm mỗi tội Việt-tỳ-ni. Nếu đến nơi đó hỏi riêng từng nhà thì mỗi nơi phạm mỗi tội Thâu-lan-giá.
Nếu khi trở về, báo riêng từng chỗ thì mỗi chỗ phạm mỗi tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Phức tạp: Có một Tỳ-kheo có nhiều người quen biết, bèn dẫn đồ chúng đến một nhà xin ăn. Khi ăn xong bà chủ nhà bạch với thượng tọa: "Tôi muốn xin cưới con gái nhà kia cho con trai tôi, nhờ thượng tọa nói giúp cho". Thế rồi, Thượng tọa vì không am tường giới luật, bèn hứa khả, thì phạm tội Việt-tỳ-ni.
Khi ấy, đồ chúng vì ít rành giới luật, sợ mất lòng họ nên không dám can gián, đến lúc rời khỏi nhà, liền chất vấn thượng tọa: "Sao thượng tọa lại làm thế?"Hỏi: "Việc gì nào?". Ðáp: "Há Thượng tọa không biết rằng đức Thế Tôn chế giới Tỳk-heo không được làm mai mối cho nam nữ lấy nhau hay sao?"
Thượng tọa đáp: "Không biết". Trong số đó có một Tỳ-kheo nói: "Thượng tọa chớ có ngỏ lời, để con nói giúp cho", thì Tỳ-kheo ấy phạm tội Thâu-lan-giá. Hoặc được, hoặc không được, rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa. Còn thượng tọa thì phạm tội Việt-tỳ-ni.
Nếu trước đó Ưu-bà-di nói với đồ chúng rằng: "Tôi muốn cưới con gái nhà kia cho con trai tôi, xin quý thầy mai mối giúp cho". Khi ấy đồ chúng không rành giới luật liền đáp: "Có thể được", thì phạm tội Việt-tỳ-ni.
Thế nhưng thượng tọa cũng ít biết giới luật, sợ mất lòng họ, nên không khiển trách, ngăn chận kịp thời, đến khi ra khỏi nhà liền nói với đồ chúng: "Các ngươi bất thiện nên mới làm việc đó". Hỏi: "Làm việc gì?". Thượng tọa nói: "Các ngươi không biết rằng đức Thế Tôn chế giới các Tỳ-kheo không được làm sứ giả sao?". Ðáp: "Không biết". Thượng tọa lại nói: "Các ngươi đừng ngỏ lời, để ta ngỏ lời cho". Rồi thượng tọa đi làm mai mối, thì phạm tội Thâu-lan-giá. Hoặc được, hoặc không được, rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Còn đồ chúng của thầy thì phạm Việt-tỳ-ni.
Nếu trước đó Ưu-bà-di bạch chung cả đại chúng mà đại chúng đều hứa khả, thì tất cả đều phạm tội Việt-tỳ-ni.
Nếu tất cả cùng đi làm mai mối, thì tất cả đều phạm tội Thâu-lan-giá. Hoặc được, hoặc không được, rồi trở về báo lại, thì tất cả đều phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Có một người đàn ông có nhiều vợ, bà thì được sủng ái, bà thì bị lạnh nhạt. Khi Tỳ-kheo đến nhà ấy, có một bà ra đảnh lễ dưới chân Tỳ-kheo cung kính vấn an. Rồi Tỳ-kheo hỏi: "Con có được yên ổn an lạc không?". Bà liền đáp: "Ðược an lạc chỗ nào?". Hỏi: "Vì sao vậy?". Bà bèn nói: "Người đàn ông ấy (ông chồng) thường cùng ngồi, cùng nằm chung với một người, riêng con bị ông ấy bạc đãi, ví như vật dụng đã lủng, trở thành vô dụng, làm sao mà không khổ được?". Tỳ-kheo bèn an ủi: "Con chớ có ưu sầu. Ta sẽ bảo chồng con đối xử bình đẳng giữa các bà vợ". Rồi thầy nói với ông chồng ấy: "Ngươi không biết gì cả. Vì sao bắt chước người ta lấy nhiều thê thiếp mà không đối xử bình đẳng lại thiên vị một người cùng ngồi cùng nằm?". Ðáp:
"Vậy phải làm sao?". Tỳ-kheo nói: "Phải xem nhau bình đẳng, chia đều công việc". Ðáp: "Tôi sẽ làm theo lời thầy dạy", thì Tỳ-kheo ấy phạm tội Thâu-lan-giá.
Có người đã có nhiều vợ mà còn muốn tìm thêm gái trinh khác, nhưng không thể đến nói trực tiếp, bèn nhờ Tỳ-kheo đến nói giúp..., cho đến được hay không được, rồi trở về báo lại, thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Có hai vợ chồng kia gây lộn với nhau mà Tỳ-kheo khuyên bảo họ hòa hợp, thì phạm tội Thâu-lan-giá. Nhưng nếu cặp vợ chồng ấy vì việc Phật, việc Tăng mà bất hòa, gây gổ nhau, rồi vì việc phước đức mà khuyên họ hòa hợp thì không có tội.
Nếu có một người đàn bà bồng con trở về nhà cha mẹ, rồi Tỳ-kheo đến nhà ấy, và các trai gái trong nhà ra đảnh lễ, Tỳ-kheo thấy hai mẹ con bà ấy, bèn nói: "Ngươi muốn ở mãi đây sao? Không nên ở lâu. Chồng ngươi xuất tiền ra cưới ngươi là để làm gì vậy? Ngươi nên trở về lại nhà ấy". Khi nói những lời ấy, thì phạm tội Thâu-lan-giá.
Có người nuôi nhiều ngựa, nhưng không có ngựa giống tốt, bèn nhờ Tỳ-kheo đi tìm giúp con ngựa giống tốt tại một nhà kia, mà Tỳ-kheo nhận làm, thì phạm tội Thâu-lan-giá.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, có hai người Ma-ha-la, một người thì bỏ vợ và con trai đi xuất gia, còn một người thì bỏ vợ và con gái đi xuất gia. Họ đều đi du hành trong nhân gian, rồi trở về thành Xá-vệ, cùng ở chung một phòng. Người bỏ vợ và con gái bèn suy nghĩ:"Ta phải trở về nhà thăm vợ và con ta". Thế rồi, thầy khoác y trở lại nhà cũ. Người vợ từ xa trông thấy Ma-ha-la tới, liền nổi giận nói: "Ông là tên Ma-ha-la bạc phước, vô tích sự, đã không thể nuôi sống vợ con mà còn trốn nghĩa vụ quan dịch, bỏ nhà đi xa. Con gái đã đến tuổi khôn lớn mà không lấy chồng được. Tôi định đến tu viện lôi ông về nhà. Nếu ông không về thì tôi sẽ bẻ gãy cặp giò ông, xem ai còn thích trông thấy ông nữa!". Lúc ấy Ma-ha-la bèn trở về lại trụ xứ, mặt mày bí rị, sầu khổ như khách buôn bị mất của.
Bấy giờ, người bỏ vợ và con trai đi xuất gia trở về thăm nhà cũng gặp trường hợp như thế. Nhưng thầy ít trí tuệ, bèn nói với thầy kia: "Trưởng lão! Vì sao mà ưu sầu, đau khổ như thế". Ðáp: "Trưởng lão! Cần gì phải hỏi đến việc ấy!". Người kia lại nói: "Tôi muốn biết rõ những việc cần biết. Vì sao hai chúng ta cùng ở chung một phòng mà những việc xấu không cho nhau biết? Không nói với tôi thì nói với ai?".Ông Ma-ha-la này bèn nói rõ sự việc ở trên. Thế rồi, ông Ma-ha-la bỏ con trai đi xuất gia nói: "Thầy buồn rầu làm gì? Nhà tôi cũng thế thôi. Nay thầy có biết tương kế tựu kế không? Thầy có thể đem con gái mình gả cho con trai tôi". Thầy kia đáp: "Tốt". (Nếu sự kiện diễn tiến như vậy, thì) cả hai đều phạm tội Việt-tỳ-ni.
Thế rồi, cả hai Ma-ha-la sáng sớm hôm sau, khoác y trở về nhà. Thầy Ma-ha-la bỏ con gái đi tu nói với vợ: "Tôi đã tìm được chàng rể cho bà rồi".
Bà vợ liền hỏi: "Con trai nhà ai vậy?". Ðáp: "Con trai nhà kia". Thầy Ma-ha-la bỏ con trai đi tu cũng nói với vợ: "Tôi đã tìm được vợ cho con bà rồi". Bà vợ hỏi: "Con gái nhà ai vậy?". Ðáp: "Con gái nhà đó". Nếu nói như vậy thì cả hai đều phạm tội Thâu-lan-giá.
Lúc bấy giờ, hai đứa con trai con gái ấy đang chạy chơi trong xóm, rồi một Ma-ha-la chỉ cho con gái mình nói: "Thằng kia là chồng con đó". Thầy Ma-ha-la thứ hai cũng chỉ cho con trai mình nói: "Con kia là vợ con đó". Nếu cả hai cùng nói như thế, thì cả hai đều phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa.
Hai Ma-ha-la sau khi làm suôi gia với nhau, ai nấy đều hoan hỷ như người nghèo được châu báu, họ yêu kính nhau như anh em ruột. Các Tỳ-kheo nghe sự tình như vậy, bèn đem việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn, rồi hỏi rằng: "Bạch Thế Tôn! Vì sao hai thầy Ma-ha-la ấy sau khi kết làm suôi gia, họ rất hoan hỷ và yêu kính nhau đến như thế?"
Phật liền nói với các Tỳ-kheo: "Hai ông Ma-ha-la này không những ngày nay mới làm cái việc như vậy, mà trong thời quá khứ cũng đã từng như vậy".
Rồi Phật kể lại với các Tỳ-kheo: "Trong thời quá khứ, tại thành Ba-la-nại, nước Già-thi có một người Bà-la-môn, ông ta có loại đậu ma sa cũ kỹ nấu mấy cũng không chín, bèn bày trước cửa hàng để bán cho người ta, nhưng không có ai mua cả. Bấy giờ, có một người khác có con lừa đực đem ra chợ bán cũng rất khó khăn. Thế rồi, người có đậu ma sa cũ kỹ liền suy nghĩ: "Ta hãy đem loại đậu này đi đổi lấy con lừa kia đem về dùng". Bèn đến người kia nói: "Ông có thể đổi con lừa để lấy thứ đậu này được không?"
Người chủ con lừa bèn suy nghĩ: "Dùng lừa đực này để làm việc gì? Ta hãy đem đổi thứ đậu ấy", liền đáp: "Có thể được". Ông ta được lừa rồi, rất hoan hỷ. Bấy giờ, người có đậu bèn suy nghĩ: "Nay ta đã được mi", liền nói kệ:
"Phép Bà-la-môn khéo bán buôn
Ðậu chai để dành mười sáu năm
Ðốt bao nhiêu củi cũng không chín
Lớn bé nhà ngươi gãy hết răng".
(276a) Khi ấy chủ con lừa cũng đọc kệ:
"Này Bà-la-môn, sao vui thế?
Tuy có bốn chân lông đẹp tuyệt
Chở nặng đi đường hết chỗ chê
Kim châm lửa đốt không nao núng".
Thế rồi, người chủ đậu lại đọc kệ:
"Con độc sinh ngàn năm
Ðầu mọc sừng bốn tấc.
Ðánh bại con lừa ngu
Lo chi chẳng hàng phục".
Bấy giờ, người chủ con lừa nổi giận liền đọc kệ:
"Trụ vững hai chân trước
Song phi hai móng sau
Hàm răng ông sẽ gãy
Ðể rồi ông biết tay".
Người chủ đậu bèn đọc kệ nói với con lừa:
"Nọc độc loài muỗi mòng
Chỉ cong đuôi đề phòng
Ðuôi ngươi phải chặt đứt.
Ðể ngươi biết khổ đau".
Con lừa liền đáp:
"Từ tiên tổ đến nay
Nghề đá hậu tuyệt hay
Nay tôi cố gìn giữ
Ðến chết không đổi thay".
Bấy giờ, người chủ đậu biết đó là giống súc sinh tệ ác, nhưng không thể thốt lời cay đắng, trái lại còn đọc kệ ca ngợi:
"Âm thanh kêu tuyệt hảo
Mặt trắng như tuyết pha.
Ngươi sẽ được cưới vợ
Ðể rong chơi rừng già"
Con lừa nghe lời nói nhã nhặn thân ái liền đọc kệ:
"Tôi chở được tám đấu
Ngày đi sáu trăm dặm
Bà-la-môn biết không?
Nghe được vợ mừng lắm".
Theo cuốn Luật Ma Ha Tăng Kỳ, tập 1, Thích Phước Sơn (dịch), NXB Tôn giáo 2011).
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ý nghĩa của việc tụng Kinh, trì Chú và niệm Phật
Kiến thức 08:54 04/11/2024Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, đức Phật không hề viết sách. Tất cả kim ngôn hay lời dạy của Ngài được truyền thừa lại nhờ vào truyền thống tụng đọc thuộc lòng, của các vị đệ tử của Ngài truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Duyên khởi là cốt tủy, là hạt nhân của mọi triết lý Phật giáo
Kiến thức 11:20 03/11/2024Các triết lý quan trọng của Phật giáo như Vô ngã, khổ, vô thường, tính không, nhân quả đều được đặt trên nền tảng cơ sở của duyên khởi.
Tìm lại chính mình
Kiến thức 09:00 03/11/2024Một lần Đức Phật đang tĩnh tọa ở bìa rừng thì có 30 thanh niên từ đâu chạy tới, thấy Đức Phật, họ hỏi: Thưa Sa-môn, Ngài có thấy một cô gái chạy qua đây không?
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Xem thêm