Cội tùng Phật giáo Việt Nam: Bồ-đề nở hoa tâm (Kỳ 6)
Ngược dòng thời gian về những năm tháng đầu thế kỷ XX, tại làng Phùng Thiện, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, một vị chân tu đã khởi sự cuộc hành trình tìm đạo từ khi còn rất nhỏ. Đó chính là Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - một bậc thượng sĩ xuất trần, người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh và gìn giữ giáo pháp của đức Phật.

Người giữ trọng trách
Sinh thời, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đảm nhiệm nhiều chức vụ trong các cấp Giáo hội: Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tây (1993 - 2008); Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Hà Tây (1993 - 2008); Ủy viên Kiêm soát Hội đông Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN (1997 - 2007); Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội (2003 - 2007); Tổng Biên tập tạp chí Nghiên cứu Phật học (2003 - 2007); Phó Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN; Phó ban Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN (1997 - 2007); Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2002 - 2007).
Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VI (2007), Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ được Đại hội suy tôn ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, trở thành Pháp chủ thứ ba của GHPGVN. Trải qua các nhiệm kỳ Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (2012), VIII (2017), Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ luôn được Đại hội suy tôn ngôi vị Thiền gia Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cũng nhiều năm liền giữ ngôi vị Đường chủ của các trường hạ tại Hà Nội, Hưng Yên... cũng như ngôi Đàn đầu Hòa thượng trong rất nhiều Đại Giới Đàn tại các tỉnh, thành phố.
Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ còn tích cực tham gia tổ chức xã hội như: Ủy viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tây; ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nhiều khoá).
Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ là bậc cao Tăng thông tuệ am hiểu Tam tạng Thánh giáo, thông kim cổ và là người có những đóng góp không nhỏ trong việc biên soạn, dịch thuật và trước tác loạt tác phẩm về Phật học ở Việt Nam như: Đại Từ điển Phật học, Đề cương kinh Pháp Hoa, Kinh Bách Dụ, Phật Tổ tâm kinh, Phật học là tuệ học, Kinh Di Đà Viên Trung sao, Bát Nhã Dư Âm, Luật Tỷ Khiêu Ni lược ký.
Cố Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ trải qua 105 năm hiện diện ở cõi Sa-bà với 85 hạ lạp trên ngôi vị Đức Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam một vị cao tăng, cả đời dành trọn tâm huyết để tu hành, truyền đạo, giảng giải kinh Phật cho toàn thể chư Tăng Ni, Phật tử.
Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (1917 - 2021) là Đệ tam Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài là bậc tùng lâm thạch trụ của Phật giáo Việt Nam, là bậc cao Tăng có nhiều đóng góp cho Giáo hội, thông tuệ và am hiểu Tam tạng Thánh giáo, có nhiều đóng góp quan trọng trong biên soạn, dịch thuật và trước tác các tác phẩm Phật học đồ sộ giá trị cho Phật giáo Việt Nam. Ngài được Nhà nước trao tặng: Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Ngôi chùa gắn với cuộc đời bậc chân tu

Nhân duyên lành, người viết đã được ghé thăm, vãn cảnh Viên Minh cổ tự hay còn gọi là chùa Giáng. Ngôi chùa nằm giữa vùng chiêm trũng nông thôn Bắc Bộ, được xem là tổ đình của Phật giáo Việt Nam - nơi có bậc chân tu đạo hành, lấy việc cày cấy làm vui, coi chuyện kinh sách làm nghiệp, buông tay cày, cầm tay bút, sáng kinh tối kệ, một lòng thành kính hướng Phật với tâm niệm: “Tuổi thọ không phải là thước đo giá trị của đời người, vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì mang lại lợi ích gì cho đời, cho đạo.” Viên Minh cổ tự không chỉ là nơi tu hành, mà còn là một minh chứng cho tinh thần “tu đạo nhưng không quên đời, gần đời mà không tầm thường đạo”.

Chùa Giáng nằm ngay sát ngay đê sông Hồng, gần nơi giáp danh với huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Hằng ngày, gió lộng thổi và thường xuyên mang hương phù sa nên rất trong lành, thoáng đảng, tạo ra một không gian yên bình, thanh tịnh. Cổng chùa là một cổng ngũ quan khá lớn hướng về phía Tây. Đằng sau ngũ quan là một chiếc cầu bắc qua một hồ nhỏ. Giữa hai hồ đều có tượng Bồ-tát nét mặt hiền hậu hướng về phía nhà Tam bảo. Giữa sân chùa là bảo tháp cao 9 tầng mà đứng từ xa vẫn có thể nhìn thấy. Chùa có các chuông lớn, mỗi khi chuông được đánh lên là âm vang cả một vùng, thậm chí có người còn bảo tiếng chuông chùa vang vọng ra cả ba tỉnh đó là Hà Tây cũ, Hương Yên và Hà Nam - 3 tỉnh giáp danh gần chùa. Nhà Tam bảo với các ban thờ tự luôn ngăn nắp gọn gàng. Và đặc biệt không có chuyện đặt tiền lẻ vàng mã hay mâm cao cỗ đầy.
Tòa Đạo Tràng Viên Minh nằm ở phía sau nhà Tam Bảo là một tòa nhiều vách có các tượng hộ pháp sừng sững xung quanh. Trên từng cạnh của tòa đều khắc kinh và lời dạy của Phật. Tòa có 3 tầng và 12 mái màu vàng và màu xanh làm chủ đạo. Quan viên của chùa dợp bóng cây xanh, không gian yên bình thường thấy của một ngôi chùa bắc bộ với sân gạch, giếng nước bám màu rêu, nếp nhà ngang đã cũ, cây xanh và mùi thơm của hoa cỏ. Nét cổ kính của kiến trúc xưa dường như vẫn còn giữ nguyên vẹn ở ngôi chùa này.

Sơn môn Viên Minh Đa Bảo do Pháp sư Nguyên Uẩn sáng lập năm 1900. Năm 1902 Pháp sư Nguyên Uẩn mở Đạo tràng Viên Minh, Pháp Hội Quy tụ được hơn 100 tăng ni giảng dạy và tu học. Trong 12 năm từ năm 1903 đến năm 1915, Đạo tràng Viên Minh trở thành một trong ba trung tâm Truyền dạy Phật giáo lớn nhất thời đó. Sau đó do Đệ Nhị Tổ Thích Quảng Tốn trụ trì. Năm 1961 Hòa thượng Thích Quảng Tốn viên tịch, Ngài Thích Phổ Tuệ về kế vị Thầy Tổ của mình làm trưởng Sơn môn thứ ba của Sơn môn Viên Minh Đa Bảo.
Thầy Thích Thanh Tuyên là người đã gắn bó với Đức Pháp Chủ cho đến nay đã được 27 năm. Từ năm 1993 khi Thầy vào chùa và được Đức Pháp Chủ nhận làm đệ tử. Mỗi lần chăm sóc vườn rau cây quả Thầy vẫn nhớ như in những lời Sư tổ dạy. Thầy Thanh Tuyên kể:
"Ngài luôn luôn dạy là những việc mình làm, mình sử dụng giống như mình đang tích lũy công đức, còn cái gì mình cũng nhờ vào người ta giống như là người ta đem đến cho mình, mình hưởng giống như là mình chỉ có biết hưởng phúc chứ mình không tạo ra cái phúc. Các quý thầy ở chùa ngoài cái việc tu tập nghiên cứu kinh điển ra cũng làm, lao động thêm để cho rèn luyện sức khoẻ.
Thêm nữa là cũng có cái nguồn thực phẩm để cho chùa sử dụng cho nó tốt. Bản thân mình sử dụng nó sẽ tốt hơn. Trong mắt người dân vùng này thì Hoà thượng Thích Phổ Tuệ không chỉ là một vị cao tăng uyên thâm Phật pháp, đức hạnh vẹn toàn mà còn là một nông dân thực thụ. Với đức tính hay lam hay làm, cần cù và giản dị, trước đây khi sức khỏe còn tốt ngoài việc sớm hôn đèn hương kinh sách hầu Phật, Hoà thượng còn tự trăm lo cày cấy nuôi thân đến năm 80 tuổi mới chịu thôi cày ruộng nhưng vẫn liên tục trồng rau làm vườn, Phật tử và người dân trong làng vẫn thường đến chùa để giúp việc chăm sóc ruộng vườn.
Ngẫm lại thấy hạnh phúc trên đời của người thường trong một trừng mực nào đó cũng giống như sự đạt đạo của bậc chân tu đó là không phụ thuộc quá nhiều vào hoàn cảnh và phương tiện sống. Bấy giờ, thời mới có điện, trong chùa thắp những cái bóng đèn chỉ có cái bóng 10W thôi, nó đỏ đỏ tối tối đấy. Nhưng bởi vì là đệ tử của Thầy thì khi ăn cơm cùng Thầy bao giờ cũng hơi ngại vì khi ăn uống không có thầy thì có khi mình còn thoải mái hơn nhưng có thầy thì mình lại phải e gượng hơn một chút mặc dù là Thầy không có nghĩ như vậy. Nhưng tâm lý làm đệ tử là đều có cái ý nghĩ đấy. Thế thì Ngài nói là nếu mà các vị bê cơm riêng, tôi không ăn, Ngài bảo là bê cơm riêng một mình thôi là ngọn điện nó phí. Thế nên vào những hôm mà mất điện, tất cả 4 năm thầy trò chỉ được chung một ngọn nến để ăn cơm… Tất cả những việc làm, những việc học hành cũng vậy, Ngài là người rất là thông tỏ. Chính vì thế Ngài cũng truyền dạy lại cho các hàng đệ tử.
Các vị đệ tử như chúng tôi thì thời kỳ đó, sáng ngày còn phải làm cho nên chỉ có lúc 4 giờ sáng dạy tụng niệm, sau đó tranh thủ lúc sáng sớm, Ngài dạy học và chúng tôi lĩnh hội được. Đức Pháp chủ luôn luôn truyền dạy với đệ tử của Ngài rằng người xuất gia phải có trách nhiệm hiểu giáo lý của Đạo Phật, phải hiểu giáo lý của Phật tổ ra đời vì lẽ gì để cho người ta có thể chuyên tâm phụng đạo giữ gìn Phật pháp. Chúng ta xuất gia không phải để cầu an thân cho chính chúng ta mà xuất gia để làm những điều Phật tổ dạy chúng ta làm những điều ích nước lợi dân cứu khổ độ mê".
Trong mối quan hệ với các đệ tử, Đức Pháp chủ luôn quan niệm đệ tử cùng thầy, hai bên đều chân thành, Bậc thầy cho ra bậc thầy, Người làm trò cho đáng người làm trò thì mới được. Giữa đạo và đời nó có mối mật thiết với nhau, tức là về đạo Ngài dạy dỗ hướng dẫn chỉ bảo trong việc tu tập hành trì, còn về đời thì tình cảm nó gắn bó thân thiết rồi sớm tối có nhau, rồi lúc khỏe lúc yếu.

Đạo tình của nhị vị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Khi hồi tưởng về Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Pháp chủ GHPGVN đã có những chia sẻ sâu sắc: "Trong ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng thì Tăng bảo giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển Đạo pháp. Bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào có những vị cao tăng thạc đức xuất hiện thì nơi đó và khi đó kỷ cương được thiết lập, Phật pháp được xương minh, chúng sinh được an lạc. Việc hiện thân hóa độ của các bậc cao tăng thạc đức là một phước duyên thù thắng và việc được diện kiến, thân thừa quý ngài lại là một phước duyên hy hữu trong nhiều đời nhiều kiếp. Nhờ thắng duyên đó, tôi được thân cận Đức Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ (1917-2021) nhiều lần và mỗi lần thân cận, qua nhiều hình thức khác nhau, ngài đã để lại trong tôi những bài học vô giá cho bước đường hoằng pháp độ sinh.
Sau khi Giáo hội được thành lập, với cương vị là Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, tôi thường được mời đi thuyết giảng tại các trường hạ khắp nơi từ miền Nam ra miền Bắc; mỗi chuyến hoằng pháp như thế, tôi thường hướng dẫn Phật tử đạo tràng Pháp Hoa cùng đi để cúng dường gieo duyên.
Một hôm, khi đoàn đến thăm và cúng dường trường hạ chùa Phúc Chỉnh, Ninh Bình, lại gặp đúng ngày giỗ Tổ, và tại đây, lần đầu tiên tôi được diện kiến Đức Đệ tam Pháp chủ. Khi đó, tuy ngài chưa tham gia hoạt động Giáo hội nhưng ngay giây phút đầu tiên, tôi cảm nhận: “Đây là bậc long tượng thiền lâm, Pháp chủ Thiền gia”. Ngài đi đứng trang nghiêm, từ hòa chân chất, giản dị khiêm tốn, không cậy thế quyền, giới thân thanh tịnh. Ngài rất ít nói nhưng khi nói, từng câu từng chữ đều đầy đủ ý nghĩa, thấm đẫm đạo vị: “Ngôn giản lý tận”.
Thời đó đất nước còn khó khăn, phương tiện giao thông rất hiếm, thầy trò chúng tôi cùng đi chung trên một chiếc xe khách 50 chỗ. Biết chúng tôi về Hà Nội, ngài ngỏ ý quá giang. Trên xe, ngài kể cho tôi nghe thời gian tu đạo của ngài trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước: “Hạt gạo cắn hai”. Để duy trì chốn Tổ, ngài tham gia hợp tác xã nông nghiệp như bao xã viên khác. Nhưng có điều, mỗi sáng khi vác cuốc ra đồng, ngài không quên mang theo quyển kinh. Tranh thủ giờ giải lao hay lúc chăn trâu, ngài mở kinh ra, ôn lại những lời dạy vàng ngọc của Đức Từ phụ. Ngài kể tới đâu, lòng tôi tràn ngập xúc động đến đó.
Chính hành trạng gian lao, khổ nhọc trên bước đường hành đạo của ngài đã trở thành động lực vô cùng quý báu đối với tôi trên con đường hoằng pháp lợi sinh. Ngay lúc ấy, tôi phát tâm Bồ-đề, nguyện dấn thân hơn nữa trên con đường truyền bá Chánh pháp, lợi lạc chúng sinh: Nơi nào Phật tử cần, tôi đến; nơi nào Tăng Ni thỉnh, tôi đi… Khi xe đến con đường dẫn vào chùa Ráng (tổ đình Viên Minh), ngài xuống xe, từ biệt, rồi đi bộ về chùa. Nhìn dáng ngài thong dong nhẹ bước trên con đường quê, tôi cứ ngỡ như áng mây tự tại đang thênh thang giữa hai bến bờ sinh tử.
Lần thứ hai tôi được gặp ngài tại hội nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Lúc này ngài đã tham gia hoạt động của Giáo hội. Tranh thủ giờ giải lao, tôi thăm hỏi và trao đổi với ngài nhiều vấn đề.
Có lần, tôi hỏi ngài về vai trò và tầm quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sinh hoạt của Phật giáo. Ngài nói một câu rất đặc biệt mà tôi nhớ mãi đến hôm nay: “Sinh hoạt trong Mặt trận Tổ quốc chúng ta mới có dịp gặp gỡ, quan hệ tốt với các đoàn thể, các tôn giáo bạn; làm cho tâm hồn chúng ta cởi mở hơn, cuộc sống chúng ta hài hòa hơn; giúp chúng ta phụng sự nhân sinh tốt đẹp hơn”.
Tôi nhớ mãi câu nói của ngài nên trong đạo từ tại Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM lần thứ X ngày 18 tháng 6 năm 2022 tôi có nhắc lại ý này. Trong thế giới duyên sinh vô cùng vô tận này, chúng ta hãy từ bỏ mọi hình tướng sai biệt, từ bỏ mọi phân biệt vùng miền; cùng tôn trọng, cùng nương tựa vào nhau mà tồn tại và phát triển. Chỉ khi nào chúng ta thật sự hiểu nhau, tôn kính nhau trong bản thể hòa hợp thì cuộc sống này mới hài hòa, tốt đẹp.
Như những gì tôi đã cảm nhận trong lần diện kiến đầu tiên, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI (2007), ngài được suy tôn lên ngôi vị Pháp chủ. Do Phật sự của Giáo hội, tôi thường xuyên gặp ngài và có nhiều kỷ niệm quý báu nhưng có một kỷ niệm tôi không thể quên. Đó là một buổi chiều nắng hanh vàng cuối thu năm 2019 trên đất Thần kinh. Trong chuyến từ thiện tại các tỉnh Tây Bắc, tôi ghé thăm ngài - khi ấy đã hơn 100 tuổi. Vừa bước vào cổng chùa, tôi thấy ngài đã ngồi đợi từ lâu trước cửa phương trượng. Lòng tràn ngập xúc động. Gặp tôi, ngài ôm thật chặt, thật thân thiết. Tất cả ngôn ngữ, hình tướng khác biệt đã tan chảy; chỉ còn lại đây sự cảm thông của hai tâm hồn vì Đạo và hình như đã gặp nhau từ nhiều đời nhiều kiếp trước.
Trong thiền thất đơn sơ, bên chiếc bàn ọp ẹp được đóng từ thời bao cấp, ngài nhắc đến công đức cao cả của Đức Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận (1897-1993), đến Lời đề nghị mở trường Phật học để đào tạo Tăng tài của Đức Đệ nhất Pháp chủ tại Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981. Ngài bày tỏ ưu tư về thực trạng của Giáo hội, mong muốn duy trì, bảo đảm sự hòa hợp thanh tịnh của Giáo hội, kỷ cương của tùng lâm.
Khi nghe ngài bàn đến việc thành lập Hội đồng Giám luật, tôi rất cảm động. Đã hơn trăm tuổi mà ngài vẫn đau đáu lo lắng cho sự tồn vong và phát triển của Giáo hội. Do đó, tôi đã quyết tâm cùng chư tôn Hòa thượng trong Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh thành lập Hội đồng Giám luật và soạn thảo, ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng Giám luật.
Hôm nay ngài đã ra đi, tưởng chừng như câu chuyện cổ tích đã khép lại nhưng thực sự mạch sống của ngài vẫn tồn tại, hiển hiện trong tôi, trong thế giới tâm linh không thể nghĩ bàn; Đạo nghiệp của ngài vẫn còn đó trong lòng Đạo pháp và Dân tộc như tôi đã chia sẻ trong bài tưởng niệm nhân lễ nhập bảo tháp của ngài: “Việc thành lập Hội đồng Giám luật là di sản vô giá mà ngài đã để lại cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau”.
Kính nguyện Giác linh Đức Đệ tam Pháp chủ thùy từ chứng giám."

Hình ảnh của Cố Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ - một bậc chân tu, một tấm gương sáng - không chỉ để lại trong lòng tăng ni, Phật tử Việt Nam mà còn là nguồn cảm hứng cho những ai đang dấn thân trên con đường tìm đạo giữa đời thường. Cuộc đời của Ngài như một bông hoa Bồ-đề nở rộ giữa lòng đời, mãi là hình ảnh cao quý để chúng ta học hỏi, tôn kính và tri ân.
>>> Cội tùng Phật giáo Việt Nam: Thầy là bóng tùng che mát (Kỳ 5)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn


Cội tùng Phật giáo Việt Nam: Bồ-đề nở hoa tâm (Kỳ 6)
Cội tùng Phật giáo
Ngược dòng thời gian về những năm tháng đầu thế kỷ XX, tại làng Phùng Thiện, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, một vị chân tu đã khởi sự cuộc hành trình tìm đạo từ khi còn rất nhỏ. Đó chính là Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - một bậc thượng sĩ xuất trần, người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh và gìn giữ giáo pháp của đức Phật.

Cội tùng Phật giáo Việt Nam: Đức Đệ tam Pháp chủ và giai thoại “Cỗ Tết nhà chùa” (Kỳ 3)
Cội tùng Phật giáo
Những ngày giáp Tết Ất Tỵ 2025, tôi đến chùa Đại Từ Ân, được Thượng toạ Thích Tiến Đạt - Phó Viện trưởng Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội kể về những năm tháng theo học Hoà thượng Thích Phổ Tuệ, với những hồi ức rất sâu sắc và xúc động.
Xem thêm