Cuộc Cách mạng Một-Cọng-Rơm – cuốn kinh Phật viết bằng ngôn ngữ của nhà nông
Đọc "Cuộc cách mạng một cọng rơm", bạn sẽ có cảm giác đọc một cuốn kinh Phật viết bằng ngôn ngữ của nhà nông.
Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 1978, bổ sung đôi lời tái bút năm 1986 và tái bản ở Nhật năm 2004, nhưng ý tưởng làm nông “chẳng-làm-gì-cả” của tiên sinh Masananobu Fukuoka thì đã nhen nhóm từ những năm thứ 13 của Thiên hoàng trị vì ở Nhật (khoảng 1938)
Nghĩa là còn ngay cả trước khi nền nông nghiệp Nhật Bản nói riêng, và nền nông nghiệp thế giới nói chung có xu hướng rơi vào cãi bẫy của thương mại hóa phi tự nhiên – một hệ quả của việc hiện đại hóa nông nghiệp đã sớm lan rộng ở Âu-Mỹ suốt những năm đầu thế kỉ XX; đã chính thức bùng phát ở Nhật sau Thế chiến Hai với khao khát đuổi kịp Âu-Mỹ; và hiện tại đang là khởi bùng mang tính thời sự ở những nước đang phát triển nền nông nghiệp thương mại hóa, như ở Việt Nam chúng ta hiện nay.
Tôi đang khái quát bối cảnh chính xác của cuốn “Cuộc Cách mạng Một-Cọng-Rơm” này, để người đọc khỏi cảm thấy vô định thời gian khi lần đầu cầm cuốn sách trên tay, và đồng thời, để nhấn mạnh một thực tế rằng, tuy cuốn sách được viết ra cách đây đã hơn bốn chục năm, thậm chí cái ý tưởng nảy ra còn lâu hơn thế, nhưng tất cả những hiện trạng nhức nhối về nền nông nghiệp thương mại phi tự nhiên chạy theo lợi nhuận, kèm theo những hệ quả thực phẩm bẩn tràn lan và giống nòi con người bị ảnh hưởng, dẫn tới những phong trào trồng rau sạch, ăn tự nhiên “vegan”… nửa mùa mà cuốn sách đề cập, thì lại chính đang là vấn đề thời sự nóng hổi ở Việt Nam, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.
Nhưng ta hãy khoan nói về những khía cạnh nông nghiệp – xã hội – môi trường rộng lớn mà người đọc có thể dễ dàng nhận thấy khi bắt đầu đọc cuốn sách ấy, hay thậm chí còn có thể luận bàn một cơ số vấn đề to tát về khoa học – lịch sử – Einstein được gợi lên qua cuốn sách.
Ở đây, tôi chỉ muốn tập trung đề cập đến hai nguồn cảm hứng cốt lõi, giản đơn mà sâu sắc chảy xuyên suốt cuốn sách làm nông – triết học tuyệt vời này của bác nông dân – triết gia Masanobu Fukuoka.
Nguồn cảm hứng thứ nhất mà cuốn sách khơi mào, chính là câu chuyện làm nông tự nhiên – làm mà không làm gì cả – điều mà chính tác giả đã thực hành thành công và trực tiếp tận hưởng những mùa lúa gạo, rau trái tự nhiên ngọt lành từ phương pháp làm nông “phi phương pháp” đó.
Ngay ở những phần đầu cuốn sách, tiên sinh Fukuoka nêu ra và phân tích bốn nguyên tắc của nông nghiệp tự nhiên thuần túy – phân biệt với nông nghiệp thương mại phi tự nhiên và nông nghiệp bán tự nhiên nửa mùa – thứ mà sẽ khiến tất cả người đọc, từ người bình thường như chúng ta cho tới những ai đang làm nông hay các chuyên gia nông nghiệp và các nhà khoa học, cảm thấy bất ngờ và khó tin, đặt trong bối cảnh loài người từ hàng trăm năm này đã quen với các kĩ thuật canh tác hiện đại hóa theo thời gian.
Bốn nguyên tắc đó là:
1. Không cày xới đất
2. Không dùng phân hóa học hay phân ủ nhân tạo
3. Không làm cỏ bằng cày xới hay dùng thuốc diệt cỏ
4. Không hóa chất trừ sâu bệnh
Bốn cái KHÔNG bất ngờ ấy đi ngược hoàn toàn với những hiểu biết bị áp đặt bởi khoa học hạn hẹp và những tầm nhìn lợi nhuận ngắn hạn của con người, thậm chí còn đi ngược lại hẳn hiểu biết sơ đẳng của chúng ta về trồng trọt. Ai mà chẳng biết đã trồng trọt thì cơ bản là phải cày cấy, đào xới và làm cỏ?!
Nhưng Nhà nông tự nhiên học Fukuoka thì khẳng định và lí giải hoàn toàn thuyết phục (bằng chính thành tựu sản lượng lúa gạo và lúa mạch theo phương pháp tự nhiên của ông đã đứng top đầu nước Nhật thời ấy), rằng, con người hoàn toàn chẳng cần phải can thiệp vô duyên và thô bạo vào tiến trình phát triển của tự nhiên ấy bằng những nỗ lực vô dụng, chỉ cần bắt đầu hiểu, thuận theo và “phụng sự tự nhiên thì mọi chuyện đều tốt đẹp cả”.
Tất nhiên khi đọc tỉ mỉ cuốn sách, bạn sẽ hiểu rằng, nông nghiệp tự nhiên với nguyên tắc 4 KHÔNG ấy không có nghĩa là bỏ mặc cây lúa, rau trái cho ra sao thì ra, mà sẽ được tác giả chỉ dẫn cụ thể về những phương pháp thuận tự nhiên, không tốn quá nhiều công sức chi phí, chẳng hạn như những bí quyết gieo hạt trực tiếp (không đào lỗ, cày rãnh vun thửa), cách sử dụng rơm tươi trả về cho cánh đồng (RƠM chính là vật liệu và phương pháp chính yếu trong phương cách làm nông mà cụ Fukuoka nhấn mạnh) hay những cách kiểm soát cỏ dại và sâu bệnh một cách hài hòa thiên nhiên, không bao giờ cần động chạm đến một chút hóa chất!
Cái hay ở đây của cuốn sách, là trong khi luận giải về bốn nguyên tắc của nông nghiệp tự nhiên, thì tác giả không chỉ đơn thuần chia sẻ các kĩ thuật, kinh nghiệm “vô canh”, mà trên hết, còn là kể một câu chuyện chân thật về một con người tìm về với cội nguồn tự nhiên, sống hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng lối sống tự cung tự cấp với những ngũ cốc rau màu bản địa, mùa nào thức nấy, ăn uống lành mạnh theo kiểu là một phần của tự nhiên hoang dã.
Chính trong lối sống làm nông phụng sự thiên nhiên và chế độ ăn uống tự nhiên toàn phần tuân theo ý muốn của tạo hóa này, tác giả Fukuoka đã tỏ ý phê phán những chế độ ăn hiện đại theo kiểu: Ăn vô bổ rỗng tuếch theo thị hiếu và ý muốn tùy tiện; Ăn duy vật kiểu khoa học đòi hỏi các tỉ lệ dinh dưỡng máy móc; Ăn duy tâm kiểu ép mình theo nguyên tắc ăn chay hay tôn giáo. Tất cả ba chế độ ăn uống đó đều là phi tự nhiên, xuất phát từ các nhu cầu hiện đại và hiểu biết ngắn hạn của con người, dẫn đến vô số bệnh tật của con người và ngày càng chia cắt sâu sắc con người với nguồn gốc tự nhiên, cân bằng của mình.
Chính ở trong câu chuyện về lối sống làm nông phụng sự thiên nhiên và việc ăn uống tận hưởng tự nhiên ấy, Nguồn cảm hứng thứ hai mà cuốn sách khơi dậy lại trực tiếp liên quan đến trường phái triết học Vô Vi – Thuận Theo Tự Nhiên của Lão Tử – một điều mà ít người đọc nào để ý tới nếu chưa thực sự biết tới Đạo Đức Kinh của Lão Tử.
Mặc dù thông qua những đề cập tới Phật học trong cuốn sách, sẽ có người ví von rằng “Cuộc Cách Mạng Một-Cọng-Rơm” giống như một cuốn Kinh Phật được viết bằng ngôn ngữ trồng trọt và kỹ thuật nông nghiệp. Nhưng theo cảm nhận của riêng tôi, một người bấy lâu vẫn kiếm tìm một hình hài minh họa trực tiếp cho học thuyết “Đạo thường Vô Vi” – Thuận Tự Nhiên (Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp Tự Nhiên) của Lão Tử, thì cuốn sách này chính là một ví dụ cốt lõi và chính xác nhất cho học thuyết kinh điển ấy, một sự thực hành giản đơn và cội nguồn nhất của tư tưởng Lão Tử, một cuốn Đạo Đức Kinh phiên bản thực hành!
Lão Tử vẫn cứ nói “Xử vô vi chi sự” (Không làm gì cả mà xử sự), “Vạn vật tác yên nhi bất từ” (Để cho vạn vật nên mà không cản/Để tự nhiên mà không bỏ mặc), “Đạo pháp Tự Nhiên” (Thuận theo Tự Nhiên) hay “Vô vi nhi vô bất vi” (Không làm mà thành ra làm nên tất cả).
Liệu có ai thuần túy thực hành được điều giản đơn mà tưởng như không tưởng ấy trong bối cảnh xã hội đang phi tự nhiên hóa này? Làm thế nào để áp dụng thuyết toàn năng ấy vào một khía cạnh đời sống cụ thể? Và thế là cuốn sách “Cuộc Cách mạng Một-Cọng-Rơm” của cụ Fukuoka xuất hiện, rõ nét và toàn vẹn, như một minh họa trực tiếp và nghĩa đen cho thuyết Lão Tử, một gợi ý hoàn hảo cho nhưng ai thực sự muốn sống một lối sống cân bằng thuận tự nhiên – một đời sống phong phú chân thật, cảm nhận và để cho bản thể tự nhiên của mình dẫn dắt xuôi theo dòng của tạo hóa, để mở ra suối nguồn cảm hứng và tiềm năng sống vô tận trong mỗi con người…
Vậy tổng kết lại, “Cuộc Cách mạng Một-Cọng-Rơm” đã đồng thời gợi lên ba ý nghĩa chủ đạo:
1. Khơi gợi ý tưởng về làm nông thuần tự nhiên, không can thiệp bằng cày xới, hóa chất, tạo ra thực phẩm lành sạch
2. Khơi dậy cảm hứng về một lối sống cân bằng, thuận tự nhiên, vượt lên trên trí năng phân biệt cứng nhắc để cảm nhận theo bản năng tự nhiên, dẫn dắt ta tới với đời sống phong phú, đầy cảm hứng và ý nghĩa.
3. Một minh họa sáng rõ và mang tính thực hành trực tiếp cho thuyết Vô Vi của Lão Tử
ST
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tranh cãi và yêu thương
Sống an vui 13:15 23/11/2024Sống trong thế giới thật giả lẫn lộn này, chúng ta rất khó xác định được những lời ngon ngọt thường ngày của người với ta có phải chân tâm thật ý?! Chỉ khi đứng trước quyền lợi hoặc phát sinh mâu thuẫn, đôi bên có sự tranh chấp mới có dịp nhìn rõ nội tâm đối phương.
Thiết lập một đời sống an lành
Sống an vui 09:22 23/11/2024Trong cuộc đời đầy biến động, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng ao ước một cuộc sống an lành, nơi tâm hồn không còn bị cuốn theo những lo toan, phiền muộn. Là một Phật tử, tôi nhận ra rằng an lành không phải điều gì quá xa vời.
Bình yên của hiện tại
Sống an vui 08:08 23/11/2024Sau những cơn bão đời, khi tâm hồn tôi dường như chẳng còn gì ngoài những vết thương chằng chịt, tôi mới nhận ra một điều: bình yên chẳng nằm ở đâu xa, mà là trong chính giây phút hiện tại này.
Bạn đối xử tốt với ai?
Sống an vui 07:30 23/11/2024Sống ở đời, chờ người khác biết điều với mình, chi bằng tự biết điều với mọi người, và cả với bản thân mình trước.
Xem thêm