Cuộc sống thiện hạnh
Hãy sống như Phật, hãy tu như Phật, hãy mang tất cả lòng từ, bi, hỉ, xả bác ái, vị tha đến với chúng sanh mọi loài.
Cuộc sống của con người thật vô cùng phức tạp, với những biến chuyển không ngừng nghỉ. Hết tham, sân, si, lại đến mạn, nghi, tà kiến. Hết vui, buồn, thương, ghét, lại đến quảng đại, vị tha và bác ái. Hết đẹp, xấu, hay, dở, lại đến hơn thua, thành bại, thiện, ác, không thiện, không ác, vân vân và vân vân. Làm sao biết được những diễn biến trong lòng ta và lòng người? Có lẽ ngoài Phật ra, không ai có được cái khả năng nầy đâu. Tất cả những đẹp, xấu, hay, dở, vui, buồn, thiện, ác... không ở đâu bên ngoài, mà chúng ở ngay trong ta. Đức Từ Phụ đã khẳng định chỉ có mình mới biết được những gì đang xãy ra trong mình, hoặc mình đang suy nghĩ gì, đang toan tính gì? Ngài đã khẳng định những ai đang tự biết mình là những người đang có cuộc sống tự chủ, hoặc giả đang sống đời thiện hạnh. Nhờ vậy mà cuộc sống của họ sẽ vui hơn với chính họ, với tha nhân và với cuộc đời.
Thế nào là cuộc sống thiện hạnh?
Thiện hạnh không phải là một cái gì cao xa khó hiểu, hoặc khó nắm bắt, mà thiện hạnh là cái gì vô cùng đơn giản và dễ thực hiện vô cùng. Thiện hạnh có nghĩa là những hạnh lành trong cuộc sống hằng ngày. Nói cho rõ ra, những gì hợp với chân lý là thiện hạnh.
Như vậy tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, ác kiến, biên kiến, có phải là thiện hạnh hay không? Tự câu hỏi đã trả lời cho chính nó vì những thứ vừa kể, chẳng những không là thiện hạnh, mà chúng còn được xếp vào hàng ác hạnh hoặc tà hạnh. Thiện hạnh, ngược lại, là cuộc sống không tham, không sân, không si, không mạn, nghi, tà kiến. Người có cuộc sống thiện hạnh, mỗi khi gặp chướng duyên nghịch cảnh, luôn đem Phật pháp ra mà ứng dụng, để làm cho hoàn cảnh đỡ trớ trêu và cơ cực hơn. Cuộc sống cuộc tu thiện hạnh là cuộc sống cuộc tu của một vị Bồ Tát. Nghĩ gì làm gì cũng chẳng dám khinh suất để gây ra tổn hại cho ai, vì tất cả mọi người cũng đều sẽ là những vị Phật trong tương lai. Người có cuộc sống thiện hạnh luôn tâm nguyện từng cái đi, đứng, nằm, ngồi đều là đi, đứng, nằm, ngồi trong trống vắng phiền não, trong thanh tịnh và an nhiên tự tại. Người ấy tự xem những ai gây ra chướng duyên nghịch cảnh đều là những Đề Bà Đạt Đa tái thế, giúp ta cảnh giác và thức tỉnh trong mọi hoàn cảnh, hầu chóng đến quả mãn viên thành.
Gieo hạt thiện lành từ việc làm thiện tâm ắt có phúc báo
Tuy nhiên, cuộc sống thiện hạnh không tự nhiên mà có. Chúng ta phải trải qua một quá trình tu tập không ngừng nghỉ và kiên cường, mới mong đạt được hai chữ thiện hạnh. Thói thường, ta luôn mang theo bên ta ác hạnh hay tà hạnh. Chẳng hạn dù là Phật tử thuần thành, dù chúng ta đã mang tiếng thiền hàng chục năm, thế mà làm việc gì hễ được ai khen thì lổ mũi ta nở to ra, lòng lâng lâng như được lên bồng lai tiên cảnh không bằng. Ngược lại, mỗi khi bị ai chê trách, hoặc nghe điều trái tai, thấy điều gai mắt là lập tức ác hạnh, tà hạnh đùng đùng nổi dậy. Thế mới biết lòng dạ của phàm phu. Hãy phản quang tự kỷ rồi sẽ thấy, không chừng chúng ta vẫn còn mắc kẹt vào cái thế nầy nhiều lắm.
Tệ hại hơn nữa, trên đời nầy có lắm kẻ đạo đức giả, bề ngoài thì họ tô son trét phấn cho đời nhìn họ như một kẻ đạo đức. Kỳ thật, bên trong họ chứa đầy những tham lam, bỏn xẻn, đố kỵ, tị hiềm, ganh ghét, ngã mạn, cống cao, nghi hoặc, tà kiến, biên kiến, ác kiến. Thế mà họ tự cho rằng họ hoàn hảo một cách lệch lạc, hoặc họ cứ tư·nghĩ rằng họ là trung tâm của vũ trụ nầy, nên làm bất cứ chuyện gì, họ cũng bắt người khác làm theo họ. Có lắm khi trên thực tế họ hoàn toàn yếu đuối, mà cứ làm bộ ra vẻ ta đây, nên bề ngoài họ vô cùng kiêu hảnh và tự cao. Nhất nhất chuyện gì cũng phải theo ý kiến của họ. Nếu ai không theo là họ kiếm chuyện gây gỗ, hoặc ẩu đả. Loại người nầy chả bao giờ thực sự có ý định tu hành để có được cuộc sống hạnh phúc, hoặc cuộc tu giải thoát đâu. Ngược lại, họ chỉ muốn phô trương bề ngoài để che lấp cho sự tu hành giả trá của họ.
Là người con Phật phải nhìn thấy cho được chính mình. Đừng bao giờ chủ quan cho rằng chỉ có mình là đúng là hay, còn người khác là sai là dở. Mình đúng mình hay, thì có khi người khác cũng đúng cũng hay vậy, chứ có lý nào một mình ta giành hết. Nói cho cùng ra, trong đạo Phật, đúng hay sai, giỏi hay dở, không là đáp số của người tu Phật. Đáp số ở đây là mình có tự biết là mình đã gây ra lầm lỗi hay không mà thôi. Chính Đức Từ Phụ đã khẳng định: "Trên đời nầy có hai hạng người cao quý: một là hạng chưa bao giờ lầm lỗi, hai là hạng có lầm lỗi mà biết nhận và sửa lỗi."
Lý thiện ác nhân quả trong nhà Phật
Hãy can đảm lên hỡi những người con Phật! Hãy quay ngay trở về cuộc sống thiện hạnh, đừng tiếp tục lừa dối chính mình nữa. Hãy mở rộng lòng từ ra mà thông cảm và thương yêu kẻ khác. Cuộc sống nầy vốn dĩ đã là biển khổ rồi; sanh, lão, bịnh, tử, thương yêu, ganh ghét... đều là những nỗi thống khổ có sẳn và bất tận của con người, chúng ta còn tạo chi thêm những nỗi não phiền không cần thiết nữa? Xin hãy lắng lòng nghe theo lời chỉ dạy của Đức Từ Phụ, đừng gây thêm chi đau khổ não phiền cho nhau nữa hỡi những người con Phật! Hãy sống chơn thật với Tứ Diệu Đế, Bát Thánh Đạo, Tứ Chánh Cần, cũng như từ, bi, hỉ, xả, và vạn triệu pháp môn tuyệt kỷ của nhà Phật, hầu góp phần làm vơi đi những nỗi trầm thống của nhân loại. Người con Phật đã từng quan niệm không có kẻ xa người gần, kẻ thân người sơ, bạn hay thù, nghịch hay thuận vì lòng bác ái bao la với chúng sanh mọi loài, thì trong đó cũng phải có vợ chồng con cái của chúng ta nữa chứ! Hãy thực sự can đảm lên! Một khi đã nói tu là phải tu, là phải có cuộc sống thiện hạnh, chứ đừng miệng nói tu mà trong bụng vẫn còn chất chứa cả bồ dao găm, thì quả là tệ hại hơn những người chưa tu bao giờ.
Hãy sống như Phật, hãy tu như Phật, hãy mang tất cả lòng từ, bi, hỉ, xả bác ái, vị tha đến với chúng sanh mọi loài. Mong cho ai nấy đều phát tâm tu hành chân chánh, để một ngày không xa nào đó, chẳng những cá nhân mình hạnh phúc, mà gia đình cũng hạnh phúc và người người đều có cuộc sống thiện hạnh và cuộc tu giải thoát.
Trích "Đạo Phật trong đời sống"
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm