Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 15/08/2022, 15:54 PM

Đại đức Thích Minh Niệm: 'Ai cũng có tổn thương tâm lý'

Đại đức Thích Minh Niệm cho rằng ai cũng có tổn thương tâm lý, dù nhẹ hay nặng và "đứa trẻ bên trong" luôn tồn tại cùng mỗi người.

Đại đức Thích Minh Niệm dẫn dắt ý trên khi mở đầu tọa đàm "Nghệ thuật chữa lành đứa trẻ bên trong" lúc 14h ngày 14/8, trực tiếp trên Fanpage VnExpress và Fanpage chùa Giác Ngộ. Chương trình nằm trong khuôn khổ "Việt Nam ước mong" - chuỗi hoạt động vì trẻ yếu thế.

Theo Đại đức, "đứa trẻ bên trong" (Inner child) sẽ cùng ta đi qua năm tháng và có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào. Một người dù đã trưởng thành, được ăn học đến nơi đến chốn, có hiểu biết, tri thức và công việc ổn định... đôi lúc vẫn có thể hành xử như trẻ con, mắc kẹt bởi nỗi đau quá khứ. Lời nói, sự xúc phạm, bạo hành hay thái độ chưa đúng mực của người lớn có thể in hằn trong tâm thức, nhất là giai đoạn trẻ chưa vững thân tâm, mong manh, dễ vỡ.

Hơn 500 người lắng nghe phần trình bày của Đại đức Thích Minh Niệm. Ảnh: Nhật Thực

Hơn 500 người lắng nghe phần trình bày của Đại đức Thích Minh Niệm. Ảnh: Nhật Thực

Đại đức Minh Niệm dẫn chứng nhiều trường hợp thầy từng tiếp xúc, trong đó có nữ dược sĩ công việc tốt, sinh hai con... bỗng một ngày hành xử như đứa bé mấy tuổi, không thể kiểm soát được cảm xúc (nóng giận bất thường), hành vi, về sau phải vào bệnh viện tâm thần. Thời thơ ấu, chị từng chịu nỗi đau bị bạo hành, luôn ám ảnh quá khứ.

Các khách mời xúc động khi nghe câu chuyện thanh niên 18 tuổi sụp đổ hoàn toàn lúc biết mẹ sắp xếp để cậu du học. Đại đức tiết lộ bố mẹ cậu ly hôn khi con 2-3 tuổi, mẹ vì bận công việc đã gửi con cho bà ngoại và hứa sẽ đón bé về. Nhưng năm này qua tháng nọ, người mẹ thất hứa, đứa trẻ lớn lên với trái tim thương tổn, luôn có tâm lý bị bỏ rơi. Cậu không muốn du học và cho rằng đây là cách mẹ muốn đẩy mình ra khỏi cuộc đời mẹ một lần nữa. Một ngày nọ ở xứ người, thanh niên ấy đã nhảy xuống từ ban công, kết thúc cuộc đời ở độ tuổi đẹp nhất.

Đại đức Minh Niệm nhận định đứa trẻ bên trong thanh niên trên đã kết nối với ký ức ấu thơ, không thể thoát khỏi nỗi đau bị bỏ rơi. "Khi người lớn bỗng dưng trở thành đứa bé, ta không thể biết chuyện gì xảy ra với mình, dẫn đến kết cục đau lòng", Đại đức nói.

Đại đức Minh Niệm cho rằng thế hệ 7x, 8x tâm thân vững vàng hơn lứa 9x hay 2000 trở về sau vì trưởng thành trong hệ sinh thái, môi trường an lành, thiên về nghĩa tình hơn là vật chất, không tivi hay internet. Tuổi thơ dù có bão giông, biến cố, cha mẹ nghiêm khắc... nhưng họ đủ lý trí để nhận diện cảm xúc, có bộ lọc tốt để sàng lọc lời mắng nhiếc, cái tát tai ấy tốt hay xấu. Khi trưởng thành, họ dần thấu hiểu tình yêu thương, chở che con của cha mẹ chứ không hẳn nhìn thấy những điều tiêu cực.

Hiện nay, hội chứng tâm lý lan tràn hơn xưa vì nhiều lý do: thời đại kinh tế bùng nổ, mọi người bận rộn kiếm tiền, không đủ thời gian chăm sóc gia đình hay quan sát con trẻ. Bên cạnh đó, công nghệ lên ngôi, liên tục kích hoạt cảm xúc, não bộ con người không kịp thích ứng nên dễ hình thành tổn thưởng.

Đại đức Minh Niệm phân tích dù tuổi tác tăng lên, hoàn cảnh sống lẫn nhận thức thay đổi, em bé bên trong mỗi người vẫn ở đó. Khi gặp biến cố hay sự việc không như mong muốn, đứa trẻ ấy sẽ trỗi dậy, dẫn đến lối hành xử không như ngày thường, thậm chí họ không còn là chính mình. Ảnh: Nhật Thực

Đại đức Minh Niệm phân tích dù tuổi tác tăng lên, hoàn cảnh sống lẫn nhận thức thay đổi, em bé bên trong mỗi người vẫn ở đó. Khi gặp biến cố hay sự việc không như mong muốn, đứa trẻ ấy sẽ trỗi dậy, dẫn đến lối hành xử không như ngày thường, thậm chí họ không còn là chính mình. Ảnh: Nhật Thực

Theo Đại đức, khi gặp bất ổn tâm lý, mọi người cần buông bỏ vật ngoài thân (điện thoại, công việc, chuyện tình cảm...) để nhìn sâu, tập trung quay về tìm hiểu chính mình. Nếu không thể tìm được câu trả lời, bạn cần đi gặp chuyên gia, nhờ họ gọi tên chính xác tổn thương, vấn đề bất thường đang gặp phải.

Có bốn bước chữa lành đứa trẻ bên trong: nhận diện (gọi đúng tên tổn thương); chấp nhận (ghi nhận trung thực tổn thương bên trong, không khinh ghét bản thân, không trốn tránh và thừa nhận vấn đề đang gặp phải... để có sự giúp đỡ cần thiết); thẩm nghiệm (nhìn sâu vấn đề, tập trung, quan sát); không đồng nhất (tách biệt với em bé bên trong, không để đứa trẻ ấy giật dây và trở thành chủ thể quan sát vấn đề).

Đại đức Minh Niệm khuyên mọi người thiết lập lại đời sống giàu phẩm chất, tiếp nhận nguồn năng lượng an lành để em bé bên trong không có cơ hội quay lại. Chỉ khi có khả năng "ngồi chơi với bất ổn tâm hồn", nhận diện nỗi đau và luôn trong tâm thế chủ động đón nhận đứa bé bên trong quay lại... ta mới có thể làm chủ hành vi, cảm xúc.

"Thừa nhận mình có vấn đề tâm lý (tức đứa bé bên trong) là bước đầu tiên của hành trình chữa lành. Nếu không thể tự vượt qua, bạn cần lên tiếng nhờ những người có khả năng, chuyên môn, hiểu biết phương diện này giúp đỡ mình. Không ai thương mình bằng chính mình", sư Minh Niệm cho hay.

Đại đức cũng chỉ ra những lưu ý trong quá trình chữa lành. Quan niệm Phật giáo áp dụng liệu pháp tự nhiên, không dùng tác động bên ngoài mà do chính tâm thân mỗi người. Nếu tâm lành mạnh, cách bạn nhìn thế giới sẽ khác. Nếu tâm chất chứa nỗi đau, cách nhìn nhận mọi thứ xung quanh cũng khác. Cụ thể, cha mẹ nên tăng cường kiến thức nuôi dạy con, tìm hiểu tâm lý trẻ và tránh tối đa làm tổn thương con. Bên cạnh đó, bé cần hệ miễn dịch tâm hồn thật tốt, thiết lập cấu trúc thân tâm vững vàng, bộ lọc tốt để sàng lọc các tác nhân đến trong đời.

Đại đức Minh Niệm nhấn mạnh tâm là nguồn gốc khổ đau nhưng cũng chứa nhiều dược liệu như: hỷ, xả, từ bi, thảnh thơi, bình an... Nếu có thể gợi lên những tố chất đó, tâm sẽ được chữa lành. Bạn không thể vượt qua nếu cứ tìm tòi nguyên nhân gây khổ đau, truy cứu, đổ thừa hay có tâm thế trừng phạt người lớn...

Trước phần tọa đàm, ban tổ chức dành thời gian trò chuyện với ba khách mời gồm: Tiến sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy - tác giả 10 quyển sách về tâm lý trẻ em, cô giáo Kim Phấn - đã nghỉ hưu, có gần 15 năm dạy học cho bệnh nhi tại bệnh viện Ung Bướu và mệ Tuyết xứ Huế - luôn giúp đỡ trẻ bị ung thư.

Tiến sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy cũng nhận định con trẻ cần nhất tình yêu thương vô điều kiện của cha mẹ và hiểu nhu cầu, đặc điểm tính cách con, nhất là lứa 0-6 tuổi. Hành vi, thái độ, cảm xúc của người lớn... sẽ ảnh hưởng đến bé, tạo nên đứa trẻ bên trong (đủ đầy hạnh phúc hay mong manh, dễ vỡ) và đi theo họ suốt năm rộng tháng dài.

"Hãy để đứa trẻ được là chính mình, được ghi nhận, công nhận, động viên, khích lệ. Ngoài ra, cha mẹ cần học kỹ năng, kiến thức, thái độ yêu thương trẻ đúng cách", tiến sĩ nói và cho rằng không khó để biết đứa trẻ đang trưởng thành vui vẻ hay tổn thương. Phụ huynh cần quan sát bằng cả 5 giác quan, biểu cảm, cảm xúc của trẻ đều thể hiện rõ qua việc ăn, ngủ, nghỉ, khóc, vui chơi...

Các tiết mục nghệ thuật tạo điểm nhấn cho chương trình. Mở màn, ca sĩ Quách Tuấn Du trình diễn nhạc phẩm về mẹ do anh sáng tác - Mẹ thật tuyệt vời. Nhóm đạo ca chùa Giác Ngộ thể hiện Vì trẻ em hôm nay và ngày mai (Thượng tọa Thích Nhật Từ sáng tác).

17h cùng ngày, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư TP HCM - ghé thăm chùa Giác Ngộ và thưởng lãm triển lãm tranh "Việt Nam ước mong" tại đây. 150 bức tranh thể hiện tinh thần lạc quan, vượt khó khăn, kêu gọi cộng đồng thương yêu, đồng hành, che chở thiếu nhi, nhất là trẻ yếu thế. Ông Nên cũng đánh giá cao thành quả Phật sự dưới sự lãnh đạo của thầy Thích Nhật Từ, điển hình là các chương trình an sinh xã hội, trao học bổng, lớp ngoại ngữ miễn phí, ấn tống kinh sách, hiến máu nhân đạo hàng tháng, hiến mô tạng và thi thể cho y khoa...

Bí thư TP HCM Nguyễn Văn Nên chụp ảnh kỷ niệm với ban đạo ca Búp sen và trẻ mồ côi vì Covid-19. Ảnh: Nhật Thực

Bí thư TP HCM Nguyễn Văn Nên chụp ảnh kỷ niệm với ban đạo ca Búp sen và trẻ mồ côi vì Covid-19. Ảnh: Nhật Thực

"Việt Nam ước mong" diễn ra từ 22/7 đến 31/8, gồm các hoạt động: triển lãm tranh (tại chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Giác Ngộ); Lễ cầu siêu cho trẻ không may mắn; chuỗi talkshow xoay quanh chủ đề chữa lành tâm hồn, thể xác. Ban tổ chức còn trưng bày, bán gây quỹ 27 tác phẩm nghệ thuật của 20 họa sĩ nổi tiếng như Thành Lễ, Lê Bá Đảng, Lưu Công Nhân... Toàn bộ tiền thu được sẽ hỗ trợ bệnh nhi ung thư, trẻ mồ côi, cơ nhỡ hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.

Hoạt động do chương trình Ông Mặt trời (do ông Minh Nhân sáng lập) phối hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel), Trường Đại học Ngoại thương, Quỹ Hy Vọng, Quỹ Mái ấm hạnh phúc, Truyền hình Quốc hội, tổ chức.

Thi Quân 

Nguồn: VnExpress

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?

Kiến thức 20:09 02/11/2024

Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.

Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp

Kiến thức 14:50 02/11/2024

Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.

Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa

Kiến thức 13:29 02/11/2024

Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.

Nói về Tứ niệm xứ

Kiến thức 10:40 02/11/2024

Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.

Xem thêm