Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 30/07/2024, 17:00 PM

Đạo lý “vô ngã” là gì?

Chúng ta học Phật mà chưa hiểu thuyết “Vô ngã” là chưa hiểu gì về Phật giáo. Nền giáo lý thâm uyên của đạo Phật xây dựng trên thuyết Vô ngã.

Đạo lý tu hành có được giải thoát hay không, do chúng ta có phá được ngã chấp hay không.

Vấn đề này người ta đã từng tiêu hao bao nhiêu giấy mực, tranh luận nhau, nhưng cũng chưa được mấy người lấy làm thỏa mãn.

Hôm nay, trong thời gian ngắn - một tiếng đồng hồ mà tôi dám đề cập đến đề tài khó giải này, chỉ vì tôi thấy nó rất quan trọng trên bước đường tu học của hàng Phật tử.

Chắc rằng tôi sẽ không trình bày đầy đủ được, chỉ nêu ra những lý do tôi thâu lượm được trong thời gian tu học, đem cống hiến quý vị. Tùy quý vị lãnh hội được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu.

1. Khảo sát về hai lối chấp thường và đoạn. 

Trước khi muốn hiểu Vô ngã, chúng ta phải hiểu chữ Ngã.

Ngã nói cho đủ là “tự ngã” do dịch chữ Atman ra.

Theo Bà-la-môn giáo chủ trương trong con người chúng ta có cái “tự ngã”.

Cái “tự ngã” này có đầy đủ ba nghĩa: đồng nhất, bất biến và tự tại.

Bởi thừa nhận có cái tự ngã nên tiến dần đến chấp “thường kiến”.

Nghĩa là chấp có phần tinh thần ẩn náu trong xác thân này, nó thường còn mãi mãi, dù xác thân này chết, hư hoại nó vẫn thường không biến đổi, nó hằng tự tại không bị chi phối.

Tương tự lối chấp linh hồn thường còn của người bình dân Việt Nam.

Ngược lại, có phái chấp con người chỉ do vật chất cấu hợp thành.

Khi thể xác tan hoại thì hết không còn biết chi nữa. Cuộc đời có giá trị hay không là do sự thụ hưởng nhiều ít, sau khi chết không còn có tội phúc quả báo.

Đây là phái chấp “đoạn kiến”. Giống với thuyết Duy vật hiện tại.

Qua hai lối chấp ấy, đức Phật cho là hai thái độ cực đoan, đưa con người đến chỗ trầm luân đau khổ.

Nếu thừa nhận có một tinh thần làm chủ ngự trị trong con người, thường còn không biến đổi, dù có đổi thay ngàn vạn xác thân, nó vẫn là nó, không bị cái gì chi phối, không đổi thay chút nào; đã có quan niệm này thì sự tu thiện, làm phúc cũng bằng thừa.

Vì có tu cho mấy cũng không tiến, trụy lạc đến đâu cũng không lùi.

Do đó, luân thường đạo lý bị đảo ngược.

Căn cứ trên thật lý mà xét, phần tri giác của con người thuở bé thơ, khác hơn ngày khôn lớn, thời trẻ khác hơn lúc già, nó có khi tăng khi giảm.

Gần người tốt lần lần tâm tính chúng ta trở thành tốt, ở chung kẻ ác tâm tính bị nhiễm xấu ác.

Như thế thuyết nói tâm tính đồng nhất bất biến là sai.

Chấp chết rồi mất hẳn cũng vậy.

Trên thực tế không có cái gì là mất hết cả.

Ví dụ một ly nước đầy, chúng ta đem đổ trong thau phơi ngoài nắng, từ sáng đến chiều trở ra xem lại sẽ không còn thấy nước. Ở trường hợp này, nếu người nông dân chưa từng học lý-hóa, họ sẽ kết luận là “nước mất hẳn”.

Ngược lại, người thông thạo về lý-hóa, họ sẽ giải thích “nước không phải mất, chỉ thay đổi trạng thái từ thể lỏng biến thành thể hơi...”.

Tất cả sự vật cũng thế, không có cái nào gọi là mất hẳn, chỉ tùy duyên chuyển biến từ hình thức này qua hình thức khác, từ trạng thái này qua trạng thái nọ mà thôi.

Vật chất là phần thô trọng còn không mất, tinh thần là phần tinh tế làm gì mất hẳn được ?

Đứng về đạo đức luân lý mà xét, chấp “đoạn diệt” đem đến tai hại cho xã hội cũng như lối chấp “thường còn” ở trên.

Ứng dụng lý vô ngã vào cuộc sống

1909769_457094104482536_7776006217764328709_n (1)

2. Định nghĩa vô ngã. 

“Vô ngã” nghĩa là trong con người chúng ta không có cái đồng nhất, bất biến và tự tại.

Phật giáo chủ trương trong con người do hai phần tâm lý và vật lý phối hợp.

Cả hai đều tùy duyên chuyển biến khi thăng khi trầm, nhưng không phải mất hẳn.

Chẳng những chỉ con người là “vô ngã”, đức Phật nói: “Tất cả pháp đều vô ngã” (chư pháp vô ngã).

Vì tất cả pháp không pháp nào không bị sanh diệt, tất cả pháp đều chuyển biến và không độc lập.

Ví dụ một chiếc áo, một cái bàn từ mới đến cũ nó chuyển biến từng giây phút, sự thành hình của nó là do nhiều nhân duyên kết hợp.

Nhận xét như trên, chúng ta thấy thuyết “vô ngã” là một chân lý phổ biến, không phải chỉ hạn cuộc trong phạm vi đạo đức luân lý.

3. Vô ngã thuyết minh trung đạo. 

Để phá hai lối chấp cực đoan Thường và Đoạn, Phật giáo chủ trương vô ngã.

Thuyết vô ngã vừa hợp chân lý, vừa dung hòa được hai cực đoan.

Chủ trương của đạo lý vô ngã là phủ nhận Thường và Đoạn, thuyết minh Hằng và Chuyển.

Đứng về con người, từ vật lý đến tâm lý đều chuyển biến, nhưng không phải tiêu diệt.

Đứa bé tiến đến người lớn và trở thành ông già là do chuyển biến không dừng.

Nếu đồng nhất, đứa bé không thể thành người lớn được vì trước sau như một.

Tinh thần tri giác cũng thế, nếu đồng nhất thì cái hiểu biết lúc trẻ đến lúc già cũng như một.

Trên thực tế không phải vậy. Đó là “Chuyển”.

Nhưng không phải ly khai đứa bé A mà có ông già A, hay ly khai tri giác thuở nhỏ mà có tri giác ngày khôn lớn.

Tuy nó biến chuyển, nhưng liên tục không mất.

Đó là “Hằng”.

Chuyển phá được cái chấp Thường, Hằng phá được chấp Đoạn. Hằng và Chuyển là giữa hai cực đoan Thường và Đoạn. Ấy là Trung Đạo của Phật giáo.

452847800_989374072655050_4270425745893546148_n

4. Có trí tuệ mới nhận chân vô ngã. 

Thuyết lý vô ngã rất khúc chiết, tinh tế nếu người không có trí tuệ khó thu nhận.

Lâu nay con người đã quen theo tính chấp sai lầm, nhận bừa trong con người có cái ngã rồi lẫn lộn khổ đau gây nên muôn vàn tội lỗi cũng vì nó.

Như câu chuyện sau:

“Xưa nước Càn-đà-vệ (Gandhara) có bọn con hát, nhân thời đói kém họ rủ nhau đi sang nước khác kiếm ăn. Đi qua núi Bà-la-tân là núi có rất nhiều quỉ dữ La-sát ăn thịt người. Bọn con hát tới đây phải ngủ đêm dưới chân núi, gió rét đốt lửa sưởi.

Trong bọn có một người rét quá ngủ không được mới dậy lục rương áo vội lấy cái áo mặc vào, ngồi bên cạnh đóng lửa sưởi ấm.

Không ngờ chiếc áo ấy mang hình quỉ La-sát. - Có một người ngủ tỉnh dậy trông ra đóng lửa thấy quỉ La-sát ngồi sưởi. Sợ quá, anh vùng chổi dậy chạy làm kinh động cả những người đang ngủ.

Những người đang ngủ chổi dậy trông thấy đua nhau chạy. Người mặc áo quỉ La-sát không hiểu sao cũng chạy theo. Những người trong bọn thấy quỉ La-sát đuổi theo sau cho là nó muốn ăn thịt mình, càng kinh hoảng chạy bất kể hầm hố gai gốc.

Họ chạy toát cả chân, trầy cả trán, có người ngã xuống hố, té trong hầm khổ sở đau đớn không thể tả. Đến sáng ra nhìn kỹ con quỉ La-sát mới biết đồng bọn. Tất cả sợ sệt đau khổ liền dứt sạch. (Kinh Bách Dụ, bài số 63)

Cổ lai mọi người đều âm thầm chấp ta, thân ta, của ta... nhưng kỳ thật có người nào thấy được cái ta ấy cho rõ ràng.

Cũng như nghe đồn có quỉ La-sát, song đoàn ca hát này nào thấy quỉ La-sát ra sao. Bất chợt vừa trông thấy người mặc áo trò quỉ La-sát, lầm chấp là quỉ La-sát thật rồi họ sanh ra kinh khủng sợ sệt, chạy trốn chịu vô lượng khổ đau.

Con người lầm chấp có cái ta thực thụ khiến phải kinh khủng khổ đau cũng như thế.

Nhưng sau khi ánh thái dương đã lộ, họ nhìn thấy là đồng bọn và tự biết cái sai lầm của mình, thì mọi đau khổ đều dứt bặt.

Sau khi chúng ta có trí tuệ nhìn thấy mình thật là vô ngã thì mọi đau khổ không còn.

Ban đêm thí dụ mê mờ, mặt trời lên thí dụ trí tuệ.

Do mê mờ, chúng ta nhận giả làm thật, thân và cảnh vô ngã mà thấy là ngã.

Khi trí tuệ phát sanh mới thấy được sự thật, chừng ấy chúng ta không còn bị vô minh ám ảnh, không còn nhận chấp sai lầm, thân và cảnh mới thật là vô ngã.

Trích trong: Vài vấn đề Phật Pháp.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Trăm năm trong cõi người ta

Kiến thức 07:28 19/09/2024

Một thời, Thế Tôn ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Ở đấy, Thế Tôn dạy các Tỷ kheo:

Không quyến luyến, không trốn tránh

Kiến thức 19:21 18/09/2024

Tuy giáo lí Phật-đà bàn nhiều về các nỗi khổ của chúng sinh nhưng không có nghĩa là những người học Phật nhất định phải trốn đời, trốn tránh hiện thực một cách tiêu cực để lánh khổ tìm vui.

Chuyển tâm tham thành tâm nguyện

Kiến thức 19:02 18/09/2024

Phật pháp nói tham là gốc khổ, chúng ta muốn giải quyết vấn đề khổ thì trước tiên phải bắt đầu từ “biết tham”.

Học làm người

Kiến thức 13:50 18/09/2024

Đại sư Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học liền học thạc sĩ, rồi lại học tiến sĩ, sau nhiều năm đèn sách cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui.

Xem thêm