Đạo Phật trong trái tim tôi, trong trái tim mọi người
Nhà tôi nằm cạnh con sông Thu Bồn hiền hoà mang nặng phù sa, quanh năm tưới mát cho những ruộng lúa nương khoai.
Từ vùng quê Điện Bàn, Duy Xuyên xuôi chảy về Cửa Đại, Hội An, dòng sông hiền hòa bao đời ấy đã đem lại cuộc sống ấm no thanh bình cho người dân nghèo quê tôi. Vào một ngày mùa đông năm Giáp Thìn (1964) con sông Thu bỗng cồn cào dậy sóng, cuốn trôi bao nhiêu gia sản, ruộng vườn. Nhưng cũng trong cơn lũ vô thường ấy, tôi đã hữu duyên tìm thấy cho mình một báu vật của cuộc đời, giúp soi sáng và dẫn lối cho tôi trên con đường giác ngộ.
Ngày nước lũ rút đi, cha tôi phát hiện một chiếc rương bằng gỗ quí đã trôi dạt vào nhà. Đi khắp làng trên xóm dưới để tìm chủ nhân nhưng không ai đến nhận, cha dùng búa khẽ nhẹ vào ổ khoá để mở nắp rương ra. Nhìn vào bên trong, tôi thấy những quyển sách xếp chồng lên nhau ngay thẳng, có tên đề “Liên Hoa Nguyệt Sang”. Khi lật trang đầu tiên, tôi bắt gặp hình ảnh một vị đạo sĩ đang ngồi thiền định dưới cội cây Bồ đề bên một dòng sông, trên bầu trời có vầng trăng soi sáng, chú thích “Kính mừng Phật thành đạo”. Một cách tự nhiên, tôi chắp tay lại, đảnh lễ Ngài tự khi nào mà chẳng hay biết, cứ ngỡ như mình đã kết duyên với đấng thiêng từ thuở nào. Mang tấm hình lên trên căn gác nhỏ, ép vào vách phên tre với ý nghĩ cất giữ bên cạnh mình, cứ như vậy tôi ngắm nhìn Ngài say đắm. Đức Phật đã ngự trị trong trái tim tôi kể từ hôm đó, khi tôi vừa tròn tám tuổi.
Trường tôi học nằm cạnh ngôi chùa cổ, trong lớp có một chú tiểu Điệu Á. Thấy tôi có cảm tình với đạo Phật, chú hay dẫn tôi qua chùa uống nước và giới thiệu với Sư phụ. Nhờ có nhân duyên này, tôi càng được đến gần hơn với Phật và giáo pháp của Như lai. Tôi phát nguyện thọ Tam quy ngũ giới. Đối với tôi, đây là bước ngoặt đầu tiên, mở ra cánh cửa cho sự nghiệp tu nhân học đạo, biết quay về nương tựa ba ngôi báu, là đi vào con đường đạo. Khi ý thức những việc làm tưởng chừng bình thường hằng ngày của mình có thể phạm giới, tôi bắt đầu xa dần những trò chơi ngây ngô cùng chúng bạn như làm ná bắn chim, mò cua bắt ốc, bẻ bắp trộm dưa của nhà hàng xóm. Buổi ban đầu, tôi gặp không ít sự khó chịu từ bạn bè khi họ dần xa lánh. Nhưng đổi lại tôi được các cô chú lớn tuổi trong làng thương quý vì trở thành một cậu bé ngoan, hiền. Khi có quà ngon, cô chú lại dành cho tôi. Những lúc ấy, tôi không quên chia sẻ cùng các bạn. Theo thời gian, khoảng cách xa lánh ban đầu trở nên hẹp lại, tôi dễ dàng trò chuyện với các bạn về những điều được nghe, thấy và học ở chùa. Tôi vui mừng vì biết rằng con đường tu tập của tôi có thể đem lại những niềm vui, điều tốt đẹp cho mọi người xung quanh.
Thời gian trôi qua, càng tu tập, tâm từ của tôi trở nên rộng mở. Trong từng hành vi, suy nghĩ hàng ngày, tôi đặt tình yêu thương lên trên hết. Từ những việc làm nhỏ như gom những mảnh thủy tinh vỡ trên đường, nhặt đinh nhọn trên lối đi, xếp lại gạch vỡ ở vỉa hè hay giúp các cụ già qua đường, tôi đều bớt chút thời gian quan sát và tạo thành thói quen cho hành động của mình. Tôi cũng gần gũi để khuyên nhủ các bạn trẻ, tuổi chừng mười chín đôi mươi làm ở những lò giết mổ, tránh sát sinh mà nên đổi nghề chuyển nghiệp. Trong một lần đi cào lá về đun bếp, phát hiện nhiều bẫy mèo bẫy chó trong khu đất trống, tôi phá đi và lấp lại. Thấy trong khu nhà tập thể nọ có chiếc lồng đang nhốt nhiều chú mèo vừa sập bẫy, tôi lẻn vào mở cửa lồng để chúng vọt chạy đi. “Muôn loài cũng như con người đều ham sống sợ chết vì vậy hãy mở lòng từ bi như lời Phật dạy”, tôi nguyện làm một hạt cát nhỏ trong biển từ bi ấy, mong được chia sẻ với mọi người xung quanh để ai cũng quí kính Tam bảo, trở thành người con Phật, sống tốt đời đẹp đạo.
Giữa những bộn bề cuộc sống, điều khiến tôi trăn trở chính là nhận thức đôi khi còn chưa thấu rõ của những người con Phật. Nhiều Phật tử đến chùa cầu mong tiền tài danh vọng; với hình thức cúng dường, bố thí, phóng sanh nhưng mục đích cuối cùng đôi khi là để có lợi lộc. Họ tính toán, so đo nặng nhẹ trong từng pháp thiện mình làm, hoặc có những đồng đạo thâm niên đi chùa nhưng vẫn đi xem quẻ bói toán, tìm đến nơi đồng bóng mê tín, lo tìm cầu phước báu hữu lậu mà quên đi tự tánh bên trong của mình. Để đủ năng lực lý giải vững vàng cho những bạn đồng tu nhằm thuyết phục họ quay về đúng Chánh pháp, tôi nhận thấy rất khó thành công nếu không kinh qua Trường lớp Phật học. Điều này đã thôi thúc tôi đến gõ cánh cửa tri thức để có thể tự tin hơn trên con đường hoàng pháp lợi sinh. Cho dù cánh cửa đó mở ra khá trễ, khi tuổi đời đã ngả bóng xế chiều, tôi luôn cảm thấy hoan hỉ, coi đây một bước ngoặt quan trọng trên hành trình hành đạo của mình.
Thật diễm phúc cho tôi cùng nhiều cư sĩ Phật tử miền Trung khi hiện diện giữa lòng thành phố Đà Nẵng là ngôi trường Trung cấp Phật học với nhiều hệ cấp đào tạo, giúp bồi đắp cho chúng tôi kiến thức Phật học căn bản sâu sắc. Quí giáo thọ sư có bề dày sư phạm, truyền đạt những kinh nghiệm tu tập, gỡ rối bao điều mà chúng tôi vấp phải trong đời thường thông qua những bộ Kinh, Luật, Luận. “Vui thay Phật ra đời, Vui thay Pháp được giảng, Vui thay Tăng hoà hợp, Hoà hợp tu vui thay!”. Tôi cảm thấy may mắn khi sống giữa một ‘gia đình’ Phật hoá rộng lớn với đỉnh cao là Từ bi và Trí tuệ: lấy Từ bi để sống tốt đời đẹp đạo, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, chuyển hóa thân tâm, tìm về bên bờ giải thoát.
Sau quãng đường ba năm học pháp, tôi có thể dùng tri thức của mình để hoá giải nghi vấn của những người mới bước chân vào đạo. Một lần tình cờ, tôi gặp hai vị khách đến vãng cảnh một ngôi chùa ở Tây Nguyên. Họ tâm sự với tôi về ý định tìm đến với Phật pháp nhưng không may bị dẫn dắt bởi những người tự xưng là con Phật nhưng vẫn chưa đủ minh tâm. “Sáng thì họ dẫn chúng em đi chùa lạy Phật, tối về bảo chúng em “hầu những người khuất mặt””. Tôi hiểu họ đang lạc đường nên đã dùng lời dạy của Đức Phật thông qua bộ kinh “Nền tảng đức tin” của bộ tộc Calama để giải thích cho họ. Về sau, hai vị khách đã quay về đúng với Chánh Pháp và trở thành những Phật tử thuần thành. Con đường hành pháp phía trước tôi đang trải rộng nhưng cũng đầy thử thách. Tôi biết mình cần chuyên tu Giới-Định-Tuệ và hành thâm Tứ hoàng thệ nguyện cùng pháp Tứ trọng ân để bước đi vững vàng trên con đường ấy.
Đón mừng ngày Phật Thành Đạo, gần sáu mươi năm kể từ ngày Phật về bên tôi, mỗi bước chân tôi đi đều in dấu hình ảnh của Ngài, với mỗi phút giây vẫn mong làm những điều nhỏ nhặt nhất, mang hương tình đạo vị đi khắp muôn phương để Đạo Phật càng tỏa sáng trên ngàn lối vạn nẻo thế gian này. Tôi nguyện rằng vạn kiếp vẫn gieo duyên, cho Phật pháp trường tồn, cho chúng sanh nương tựa để Đạo Phật luôn hiện hữu trong trái tim mọi người.
*Bài viết được gửi từ tác giả Ngô Sít; địa chỉ: 75 Nguyễn Tri Phương, TP. Đà Nẵng, Việt Nam.
Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”
Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.
Xem thêm