Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 17/02/2014, 14:06 PM

Đầu năm Ngọ du Xuân 7 ngôi chùa nhớ lại bảy bước chân nở hoa sen của đức Phật

Những niềm cảm phục biết ơn khi phật tử được trao truyền những lời Pháp nhũ rạng ngời Trí tuệ – Từ Bi từ các quý Thầy, đó là những nụ cười hoan hỷ thắm tình đạo vị

Sáng ngày 17/01/Giáp Ngọ (16/2/2014), các bạn phật tử trẻ đang sinh hoạt tại CLB thanh niên Phật tử Quán Sứ (chùa Quán Sứ - Hà Nội), trên chặng đường du xuân về mảnh đất của những danh lam cổ tự, như: Tổ đình Vĩnh Nghiêm, chùa Bách Môn, chùa Phật Tích, chùa Tiêu Sơn, chùa Dâu, chùa Tổ, chùa Keo...

Điểm dừng chân đầu tiên của chuyến du Xuân là về chốn Tổ Vĩnh Nghiêm (Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), vì :

“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới, Thiền tâm chưa đành”
 Tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm

Ngôi chùa cổ tọa lạc giữa rừng thông chính là một trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo Tăng sinh cho cả nước, nơi phát tích Tam Tổ Trúc Lâm; có thể nói Tổ đình Vĩnh Nghiêm là một viên ngọc sáng chứa cái hồn tâm linh – tình cảm Việt Nam rõ nét nhất trong các danh lam cổ tự nước nhà, với kiến trúc Thượng điện, Bái đường theo lối tàu bảy, đao lá, mái bốn đao tám kèo; trong ba nếp chùa đều có cửa võng chạm khắc họa tiết mềm mại tinh xảo cùng những pho tượng Phật uy nghiêm được sơn son thếp vàng nên càng tăng phần tráng lệ, bên trên các pho tượng là các hoành phi đại tự lớn. 

 Nét đẹp của Tổ đình Vĩnh Nghiêm

Tổ đình Vĩnh Nghiêm tương truyền có từ đầu thời Vua Lý Thái Tổ (1010 – 1028), thời vua Trần Thánh Tông (1258-1278) đều có các vị cao Tăng tu hành nên chùa được tu tạo nguy nga, tráng lệ. Khi vua Trần Nhân Tông (1258-1308) từ bỏ ngôi vua thành người tu hành đã đến chùa Vĩnh Nghiêm thọ giới, rồi lên núi Yên Tử tu hành, rồi sáng lập Thiền Phái Trúc Lâm. Đệ Nhị Tổ Pháp Loa đã về chùa Vĩnh Nghiêm trụ trì, xây dựng nơi đây thành trung tâm Phật giáo đào tạo Tăng đồ và xếp đặt Tăng chức, chỉ đạo các chùa trong cả nước.

Khi đó đệ Tam Tổ Huyền Quang vốn là quan Trạng Nguyên thời Trần một lần hộ giá đến chùa Vĩnh Nghiêm, gặp Đệ Nhị Tổ đang giảng pháp, và tỉnh ngộ, về triều hai lần dâng biểu từ quan, được Đệ Nhất Tổ Hương Vân giao trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm.

Như vậy ba vị Tam Tổ Trúc Lâm đều lấy chùa Vĩnh Nghiêm làm trung tâm hoằng truyền Phật Pháp thời Trần, và cũng là trụ sở của Hệ phái Trúc Lâm thời đó.

 CLB TTN Phật tử Quán Sứ làm lễ tại tổ đình Vĩnh Nghiêm

Chùa Vĩnh Nghiêm còn là nơi tu hành của các bậc Cao tăng: Hòa thượng Phù Lãng Trung Pháp, Hòa thượng Thông Duệ Ứng Duyên, Hòa thượng Thích thượng Thanh hạ Quý, Hòa thượng Tịnh Phương, Hòa thượng Thích Thanh Hanh...

 

Trong tiết trời Xuân, dưới mái chùa cổ kính hội tụ linh khí Thiền môn, thanh niên phật tử Quán Sứ, và đông đảo du khách thập phương đã được Quý thầy Bản tự ban cho những lời Pháp nhũ sách tấn vốn được chắt lọc từ kho tàng 3.050 Mộc bản cổ Vĩnh Nghiêm:

“Đức Phật Thích Ca vốn là người bình thường mang thân tứ đại như chúng ta, và tiến tu thành bậc Giác Ngộ, vậy tại sao chỉ duy nhất có Phật Thích Ca thành tựu quả vị toàn giác, còn những vị tu hành khác có người thành Tổ, có người làm trụ trì, hoặc người chẳng đạt được quả vị nào?

Vì Đức Phật đã trải qua nhiều a tăng kỳ kiếp quá khứ tu Thập Thiện:

1. Không sát sanh: không sát hại tất cả chúng sinh mà còn tu pháp phóng sanh.

2. Không trộm cắp: không trộm cắp tài vật của người khác mà còn làm việc bố thí giúp đỡ người nghèo khổ.

3. Không tà hạnh, tà dâm: không tà hạnh mà còn làm thanh tịnh phạm hạnh.

4. Không vọng ngữ: không nói dối với người mà còn nói lời chân thật.

5. Không nói lưỡi đôi chiều: không ở bên này nói xấu bên, ở bên kia nói xấu bên này, sinh mâu thuẫn trong lòng người khiến phát sanh xung đột và đấu tranh. Phải nói lời hòa hợp lợi ích.

6. Không nói lời hung ác: không nói lời thô bạo độc ác hay sỉ nhục người khác mà còn nói lời nhu nhuyến nhẹ nhàng- ái ngữ.

7. Không ỷ ngữ: không vì quyền lợi riêng mình mà nói hoa mỹ hoặc dùng lý lẽ ngụy biện bóp méo sự thực.

8. Không tham dục: không tham trước tình dục trần cảnh, nuôi lớn tâm thanh tịnh phạm hạnh.

9. Không sân hận: không phẫn nộ oán giận người mà luôn luôn hiền từ nhẫn nại.

10. Không tà kiến: không nên bảo thủ chấp trước mà luôn luôn tu tập chánh kiến.

 

Nhiều nước tạo thành sông biển, những phúc đức trí tuệ nhiều kiếp tạo nên Báo thân của Phật. Ngài giáo hóa thành tựu dễ dàng , vì lời nói – hành động – tâm ý đều xuất phát từ trí tuệ siêu việt và đạo đức hoàn toàn thánh thiện.

Trên bước đường tu, xem Phật và Bố tát đã làm gì, ta cũng làm vậy để nuôi lớn Phật tính trong ta. Đức Phật dạy rằng ai cũng có thể trở thành Phật nếu tu tập đầy đủ Tâm Đại bi, viên mãn hạnh Bồ tát. Vô lượng kiếp quá khứ, Phật – Hiền thánh đều xả thân tu Bồ tát hạnh, làm lợi ích chúng hữu tình, mới thành tựu Vô lượng đẳng giác – một quả vị tối thượng mà con người ai cũng kính trọng và ngày đêm dốc lòng cầu. Vậy nên gieo nhân gì gặt quả nấy, đó là quy luật cốt lõi”.

 CLB tại chùa Bách Môn

Rời Tổ đình Vĩnh Nghiêm với những lời Pháp nhũ khắc sâu vào tâm trí, câu lạc bộ thanh niên phật tử Quán Sứ đến với chùa Bách Môn do Đại Đức Thích Giác Đạt trụ trì. Chùa Bách Môn (còn gọi là chùa Linh Cảm), tọa lạc ở thôn Long Khám, xã Việt Đoàn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Cách chùa Phật Tích (Chùa Vạn Phúc) 2km. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

 

Chùa được dựng từ thời Lý đã được trùng tu nhiều lần. Chùa đã được đại trùng tu vào những năm 1556, 1612. Đến thời Trịnh Sâm (1767 – 1782), bà Chúa Chè Đặng Thị Ngọc Huệ tổ chức kiến thiết quy mô theo quy cách trăm cửa mở ra bốn phía bên ngoài.

Theo sách Mỹ thuật của người Việt (Hà Nội, 1989), còn tồn tại đến những năm 1947 – 1948, đây là ngôi chùa hiếm có, hoành tráng, xây trên núi Khám Sơn rất mát mẻ được thiết kế với kiến trúc lạ mắt được bao bọc bởi rừng cây. Chùa có mặt bằng hình vuông, bàn thờ Phật bày bốn phía hình chữ thập với một hệ thống tượng dày đặc của thế kỷ XVII.

Ngôi chùa mới hiện nay được xây dựng vào năm 1992. Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Chùa được xây trên đồi, có 100 cửa nên gọi Bách Môn. Chùa yên tĩnh, khung cảnh rộng mở, mùi hương hoa dìu dịu như chào đón bước chân các thanh niên phật tử.

 Tác bạch cúng dường thầy trụ trì chùa Bách Môn

Câu lạc bộ đến đúng dịp nhà chùa vừa tổ chức Lễ hội truyền thống, nên câu lạc bộ đã dừng chân thọ trai và thưởng thức trà xanh một cách bình yên trong làn điệu dân ca quan họ cùng không khí trong lành.

 CLB làm lễ tại Tam Bảo chùa Bách Môn

Sau đó CLB lên chính điện tụng kinh Tám Điều Giác Ngộ của bậc Đại Nhân để tỏ lòng kính trọng, biết ơn ân trên chư Phật, chư Tổ đã bố thí bữa trai thanh tịnh cho câu lạc bộ tại chùa này.

Điểm dừng chân thứ 3 là ngôi chùa Phật Tích do Thượng tọa Thích Đức Thiện trụ trì. Chùa Phật Tích còn gọi là chùa Vạn Phúc, là một ngôi chùa nằm ở sườn phía Nam núi Phật Tích (còn gọi núi Lạn Kha, non Tiên), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Trong chùa có tượng đức Phật bằng đá thời nhà Lý lớn nhất Việt Nam. Chùa Phật Tích được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa tại Quyết định số 313/VH-VP, ngày 28 tháng 4 năm 1962 của Bộ Văn hóa.Theo tài liệu cổ thì chùa Phật Tích được khởi dựng vào năm Thái Bình thứ 4 (1057) với nhiều tòa ngang dãy dọc.

Tại chùa Phật Tích - Bắc Ninh

Chùa được xây dựng vào thời nhà Lý nhưng ngôi chùa vào thời Lý hiện nay không còn nữa, nó đã được phá đi xây dựng mới. Khi hòa bình lập lại (1954) đến nay, chùa Phật Tích được khôi phục dần. Năm 1959, Bộ Văn hóa cho tái tạo lại 3 gian chùa nhỏ làm nơi đặt pho tượng A-di-đà bằng đá quý giá.

 Tam Bảo chùa Phật Tích

Hàng năm vào ngày 4 Tết Nguyên Đán, nhân dân Phật Tích thường mở hội truyền thống để tưởng nhớ công lao các vị tiền bối đã khai sinh và tu tạo chùa. Trong những ngày xuân tưng bừng ấy, khách thập phương về đây lễ Phật, hái hoa mẫu đơn, thưởng ngoạn cảnh đẹp vùng Kinh Bắc hoặc tham dự các trò chơi ngày hội như đấu vật, chơi cờ, đánh đu, hát quan họ...

Chùa Phật tích cũng là nơi được cho là địa điểm mà Từ Thức gặp tiên nữ Giáng Hương trong một dịp đầu xuân khi mọi người nô nức xem hoa mẫu đơn.

Ngày nay, các nhà khoa học đã xác định đây là di cốt của thiền sư Chuyết Chuyết, đã viên tịch tại chùa Phật Tích.

 Tác bạch vấn an quý thầy

Trong ngày đầu Xuân, câu lạc bộ thành kính cúng dàng tịnh vật để cầu chúc các quý Thầy. Bên tách trà xanh và cây mai vàng thanh nhã, thầy trò đã ngồi lại với nhau để thăm hỏi và chia sẻ Phật Pháp.

Sau đó, CLB lại tạm biệt chùa Phật Tích để về thăm chùa Tiêu Sơn. Chùa Tiêu Sơn, tên chữ Thiên Tâm tự, nay thuộc xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

 Tại chùa Tiêu Sơn
Lịch sử chùa Tiêu Sơn gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc. Linh khí đất Tiêu Sơn đã sản sinh cho dân tộc một người con ưu tú. Đó là vua Lý Thái Tổ. Đến Tiêu Sơn, ngay trên đường lên nhà Tổ và chùa chính, ta gặp một nhà bia. Ở hai cột nhà bia đắp nổi đôi câu đối:
Lý gia linh tích tồn bi ký,
Tiêu lĩnh danh khu đắc sử truyền.
(Dấu thiêng nhà Lý còn bia tạc,
Danh thắng non Tiêu có sử truyền).
 CLB tụng kinh tại chính điện chùa Tiêu Sơn

Vào những năm 80 của thế kỷ XX, chùa Tiêu Sơn đã được dựng lại đơn sơ trên nền móng cũ. Năm 1992, nhân dân địa phương công đức tiền của dựng ngôi bảo tháp thờ vọng Lý Vạn Hạnh ở trước tòa tam bảo; lại dựng tượng vị thiền sư trên đỉnh núi Tiêu. Tượng Lý Vạn Hạnh tạo ở thế tọa thiền cao 8m, mặt hướng về phía kinh thành Thăng Long. Năm 2001 dựng lầu Bồ Tát giữa hồ nước lớn trước chùa. Năm 2002 dựng nhà Tổ. Năm 2003 dựng tam bảo theo kiến trúc xưa.

 Vấn an Sư Bà chùa Tiêu Sơn

Bên cạnh việc viếng thăm lại cổ tự lưu lại lịch sử dân tộc, câu lạc bộ năm nào cũng muốn được vấn an & chúc Tết Sư Bà nhân từ, vui tính, năm nào thanh niên Phật tử về thăm chùa, Sư Bà cũng hoan hỷ ban những lời Pháp nhũ một cách tự nhiên trong khi ban lộc Phật, khi thanh niên Phật tử ngại ngần trước tấm lòng hỷ xả của Sư Bà, Sư Bà đã dạy “ Lộc Phật bất hưởng tận, chúng ta cần biết chia sẻ với mọi người xung quanh những gì mình có, vì lục hòa đồng tu thì quả tu với viên mãn”.

Sức mạnh lòng từ của Sư Bà lan tỏa vào tâm chúng đệ tử tự nhiên một cách kì diệu, làm các thành viên ai cũng hoan hỷ, an lạc thật sự, bình yên quỳ dưới chân Người, một kỉ niệm đẹp nơi cửa Phật ngày Xuân.

Điểm dừng chân thứ năm của câu lạc bộ là ngôi chùa Dâu. Chùa Dâu, còn có tên là Diên Ứng, Pháp Vân, hay Cổ Châu, là một ngôi chùa nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km. Đây là trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam.

 Tại chùa Dâu
Chùa là một danh lam bậc nhất của xứ kinh Bắc xưa nay. Đây cũng là một di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam được xếp hạng đợt 4. Chùa nằm ở vùng Dâu, thời thuộc Hán gọi là Luy Lâu. Chùa Dâu còn được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là ngôi chùa phát xuất dòng thiền đầu tiên của Việt Nam vào 12/12/2007. 
 Cúng dường quý thầy tại chùa Dâu

Trong không gian cổ kính, linh thiêng, câu lạc bộ thanh niên Phật tử Quán Sứ đã cúng dàng tịnh vật lên Sư thầy trụ trì cùng lời chúc tốt đẹp nhất. Sư thầy cũng đáp lại tình cảm của thanh niên Phật tử cùng lời chúc phúc cùng lộc Phật là bao diêm có in hình chùa Dâu.

Sau đó, câu lạc bộ TNPT Quán Sứ về thăm lại chùa Tổ, do Thượng tọa Thích Thanh Dũng trụ trì. Trong không gian chùa cổ kính nay càng thêm tráng lệ với dãy đèn lồng ngũ sắc, Phật tử thành kính lễ Phật và tụng kinh Bát Nhã, niệm Phật. Rồi câu lạc bộ lên nhà Tổ chúc Tết & cúng dàng Thượng tọa.

 Cúng dường đỉnh lễ Quý thầy trụ trì chùa Tổ
Thượng tọa vô cùng hoan hỷ đón tiếp và ban lộc Phật, chụp ảnh kỷ niệm cùng câu lạc bộ. Năm nào câu lạc bộ về lễ chùa Tổ, câu lạc bộ đều được Thượng tọa hoan hỷ mở rộng lòng Từ đón chào như vậy. 
 Chụp hình lưu niệm với quý thầy chùa Tổ

Điểm dừng chân cuối cùng của câu lạc bộ là chùa Keo do Đại Đức Thích Quảng Thiện làm trụ trì. Chùa Keo Hà Nội, có tên chữ là Báo Ân Trùng Nghiêm tự, nằm ở làng Chè, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Chùa Keo thuộc thôn Giao Tự tức làng Chè. Trước kia cả làng Chè (Giao Tự) và làng Keo (Giao Tất) đều có chung ngôi chùa nên gọi là chùa Keo.

 Tam bảo chùa Keo

Tên Keo bắt nguồn từ nghĩa hai thôn Giao Tự và Giao Tất gắn bó với nhau như Keo Sơn. Làng Chè thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Chùa có tất cả 47 pho tượng Phật, trong đó có nhiều pho tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17 - 18. Trong đó, tượng bà Keo là một tác phẩm nghệ thuật ở thế kỷ 18.

Chùa hiện còn giữ lại được 6 tấm bia đá, trong đó bia Hoằng Định 15 (1615), 1 chuông đúc thời Cảnh Thịnh (1794), 1 khánh đồng, 8 đạo sắc phong cùng nhiều đồ thờ tự, nhiều mảng chạm mang phong cách nghệ thuật thời nhà Lê. Năm 1993, chùa được công nhận di tích lịch sử - văn hóa. Không gian chính điện, nhà Tổ đều mang vẻ uy nghiêm, tráng lệ, khiến Phật tử và khách thập phương phát tâm qui kính Tam Bảo.


Các thanh niên Phật tử sau khi lễ Phật, và  xúc động thành kính chiêm bái tượng Bà Keo quý giá; đã về nhà Tổ để vấn an & chúc Tết Thầy Quảng Thiện. Câu lạc bộ thành kính cúng dàng tịnh vật và chúc Thầy.

 Đỉnh lễ chúc Tết thầy trụ trì chùa Keo

Thầy cũng đáp lại lời chúc và mời cả câu lạc bộ ngồi lại thưởng trà trong không khí nhà Tổ trang nghiêm thanh tịnh vừa kết thúc lễ giỗ Tổ chùa Keo. Kết thúc chuyến viếng thăm chùa Keo trong không khí an lạc thắm tình đạo vị, câu lạc bộ được Thầy phát lộc Phật là 2 thùng bánh.

Bảy ngôi chùa trong chuyến du Xuân, hy vọng đó là bảy bước chân nở hoa sen của những người con Phật trên đường đời, vì cảm giác khi dừng chân lại bảy ngôi chùa là bảy cung bậc khác nhau của khúc nhạc mùa xuân hỷ lạc trong lòng người.

Đó là những niềm cảm phục biết ơn khi phật tử được trao truyền những lời Pháp nhũ rạng ngời Trí tuệ – Từ Bi từ các quý Thầy, đó là những nụ cười hoan hỷ thắm tình đạo vị khi phật tử được vấn an các quý Thầy, tất cả cô đọng lại thành một sự an lạc vi diệu còn mãi trong tâm mỗi thanh niên phật tử.         

Cẩm Vân - Diệu Hòa

TIN BÀI LIÊN QUAN


CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ám áp bên Thầy ngày Nhà giáo Việt Nam

Văn hóa 16:57 20/11/2018

Sáng ngày 20/11/2018 (14/10/Mậu Tuất), phật tử đạo tràng BQT chùa Đức Hòa và Thiên Bửu đã vân tập về Tổ đình Thiên Bửu (thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) để chúc mừng Hòa thượng viện chủ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phật

Văn hóa 12:28 14/11/2018

Phật ngồi trên sườn núi,/Nhìn xuống đường bụi mù,/Phật đang nghĩ gì thế nhỉ!/Thương con người ngược xuôi?

Tọa đàm về tác giả bài thơ bất hủ “Em đi chùa Hương”

Văn hóa 12:18 14/11/2018

Sáng ngày 9/11/2018, Nhà xuất bản Phụ nữ và Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp” về sự nghiệp văn chương, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà thơ tài hoa bạc mệnh.

An lành

Văn hóa 10:12 13/11/2018

Xin cầu thấu rõ chân diệu pháp/Hiện tượng vạn vật luôn biến đổi/Muôn sự hết thảy nương nhau thành/Để tâm tịch lặng an lành nhất/An lành như thế thật an lành!

Xem thêm