Đệ nhị tổ Trúc lâm Pháp Loa với “Thạch thất mỵ ngữ niệm tụng”
Đề cập về Đệ nhị tổ Trúc lâm từ xưa đến nay các tổ thầy và học giả đều quan tâm tới những tác phẩm có tầm tư tưởng lớn về thiền học cũng như thành quả về việc làm (Phật sự) của tổ Pháp Loa đối với Phật giáo Việt Nam và Thiền phái Trúc lâm Yên Tử.
Nhưng ít người quan tâm đến những tác phẩm thuộc Văn thể - thơ ca (thi kệ, thi tán) của thiền sư trong “Thạch thất mỵ ngữ niệm tụng”. Đây là cuốn sách tập hợp các bài kệ tụng, các thiền ngữ và những vấn đáp giữa Trúc Lâm đại sĩ và các môn đệ; theo đó là cuốn “Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục” ghi lại những ngữ lục của Tuệ Trung (Trần Quốc Tung). Cho dù những sách này không thuộc về lĩnh vực tư tưởng của thiền sư Pháp Loa, nhưng nó cũng góp phần tạo dựng lên nét đăc trưng riêng biệt của Phái thiền nhập thế Trúc lâm Yên Tử.
Tìm hiểu về Đệ nhị tổ Trúc lâm Pháp Loa, qua sử liệu (nội ngoại điển) liên quan tới ngài cho thấy, trong cuộc đời tu hành của mình, Thiền sư đã viết rất nhiều bài thơ và kệ tụng. Dù tất cả những gì ngài viết trong cuốn “Thạch thất mỵ ngữ niệm tụng” và một số cuốn khác hiện đã thất lạc, nhưng chỉ với những gì còn sót lại đến ngày nay cũng đủ để chứng minh rằng, không chỉ là một nhà tu hành, ngài còn là một tác giả tiêu biểu của Văn học Phật giáo thời Lý -Trần. Và cũng qua những bài thi kệ - thi tán này càng phản ánh rõ thêm Thiền phái thanh tịnh Trúc lâm. Đó là dòng thiền kiến tánh “biện tâm” hay còn có tên khác là “Nhất tự thiền”.
Tôn giả Pháp Loa: Hình ảnh của sự đạt ngộ
Để cảm niệm rõ thêm về Đệ nhị tổ Trúc lâm Pháp Loa, chúng ta điểm qua đôi nét về Thiền sư: Sư ra đời mồng 7 tháng 5 năm Giáp Thìn, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (1284). Quê hương sư thuộc thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, Nam Sách, Hải Dương. Cha tên Đồng Thần Mậu, mẹ Vũ Từ Cứu, thế danh ngài Đồng Kiên Cương, là môn đệ của Phật hoàng Trần Nhân Tông và là tổ thứ hai của Thiền phái Trúc lâm. Thực tế về thơ, thiền sư Pháp Loa chỉ còn lại ba bài đó là: bài ca tụng Tuệ Trung Thượng Sĩ ở trong (Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục), bài Thị tịch, bài Lưu luyến cảnh núi xanh được chép trong (Toàn việt thi lục).
Qua các kệ tụng, thơ văn thiền sư đề cập đến nhiều vấn đề; chẳng hạn như khuyến các người xuất gia cần tìm thầy học đạo, phân biệt chân ngụy và thiện ác. Lời Trúc Lâm khai thị đại chúng về tự tính tham tịnh sẵn có trong mỗi con người, khuyên chúng phải thực hành đủ (văn-tư-tu) tức tam vô lậu học.
Trong các tác phẩm của ngài được ghi nhận và điểm tên trong “Tam tổ thực lục” gồm có: “Thiền đạo yếu học”, “Kim Cương đạo tràng đà la ni kinh chú”, “Tán Pháp Hoa kinh khoa sớ”, “Lăng già kinh khoa sớ”, “Bát Nhã tâm kinh khoa sớ”, “Pháp sự khoa văn”, “Độ môn trợ thành lập”. Những cuốn sách này, theo HT Thích Minh Tuệ, đây là những tác phẩm thuộc lĩnh vực tư tưởng của thiền sư Pháp Loa. Còn hai cuốn “Thạch thất mỵ ngữ niệm tụng” và “Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục” không thuộc về lĩnh vực tư tưởng, nhưng mang tính văn học có tính cách phổ đạo và khuyến đạo với môn đệ và kẻ hậu học Phật pháp.
Những tác phẩm nêu trên, một mặt do nhà Minh (giặc phương Bắc) đốt sách hủy diệt văn hóa Đại Việt, mặt khác do thất truyền và đa phần đều thất lạc, chỉ còn một số trong cuốn “Tham thiền yếu chỉ” được chép ở phần cuối của sách “Tam tổ thực lục” với tựa đề chung là “Thiền đạo yếu học”. Đó là các bài “Lời khuyên người xuất gia tinh tấn hành đạo” tức (khuyến xuất gia tấn đạo ngôn), “Buổi khai đường đại tham của Tôn giả Trúc Lâm năm 1304” tức (Trúc Lâm đại tôn giả thượng tòa thỉnh sư thị chúng), “Lời khuyên chúng về tam học của Thượng thừa” (thượng thừa tam học khuyến chúng phổ thuyết), “Yếu thuyết về Đại thừa” (đại thừa yếu thuyết) và “Phải am tường học thuật” tức (yếu minh học thuật).
Căn cứ vào tên sách có thể hiểu: Đệ nhị tổ Pháp Loa viết với nhiều thể văn khác nhau như: lục chú, sớ, luận thuyết, tản văn, tạp văn, vấn đáp và thơ ca. Theo các nhà nghiên cứu cho rằng, riêng về thơ ca của thiền sư Pháp Loa có 3 thể văn chính là thi kệ, thi tán đó là những bài “Nhập tục luyến thanh sơn”, “Tán Tuệ Trung Thượng sĩ”, “Huyền ngôn”, “Thị tịch”, ngữ lục với “Trúc Lâm đại tôn giả thượng tòa thỉnh sư thị chúng”. Về vấn đáp thiền học cùng Huyền Quang và tản văn triết học chúng ta thấy có “Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn”. Nội dung các tản văn triết học khuyên người xuất gia tu tiến việc đạo, hướng dẫn đệ tử tu tập để thành người thấu suốt Phật pháp - tỏ lòng Phật tổ, biết lẽ sống chết. Điều đó đòi hỏi người tu phải đi đến đích con đường giải thoát chứ không phải cư trú ở trên đường mình đi. Tác phẩm “Ngữ lục thiền tông” nói về việc Trúc Lâm đại sĩ lên tòa nghe giảng pháp. Tác phẩm này phần lớn là những vấn đáp giữa sư và tăng nhân về thiền học mà cảm hứng chủ yếu là bày tỏ nhận thức về tánh không.
Giáo hội Trúc Lâm dưới sự lãnh đạo của Đệ nhị Tổ Pháp Loa
Trong số những tác phẩm của thiền sư Pháp Loa, đáng chú ý là thể loại thi kệ. Thi kệ là văn phổ biến và ưa thích của các thiền sư thời Lý-Trần; và đây là thể văn thành công nhất có đóng góp quan trọng vào lịch sử văn học. Thiền sư Pháp Loa chỉ để lại 4 bài thi kệ, không mang tính liên tục. Bài “Nhập tục luyến thanh sơn” nội dung như sau: “Sơ cấu cùng thu thủy / Sàm nham lạc chiếu trung / Ngang đầu khan bất tận / Lai lộ hựu trùng trùng” (Nguyễn Lang dịch: Dòng thu gầy hun hút / Núi cao soi nước trong / Ngửng đầu nhìn bất tận / Đường trước nối muôn từng)
Trong bài kệ nói về huyền ngôn của Phật, ngài đòi hỏi người tu hành phải là thức giả, phải có trí huệ thì mới hiểu hết được lẽ vi tế sâu mầu trong lời kinh. Dưới đây là nội dung Huyền ngôn: “Ma cường pháp nhược đạo hà cô / Phật tổ ân cần tác viễn đồ / Duy hữu huyền ngôn vi quỹ phạm / Thùy năng thức giả giải hành vô” (tạm dịch: Ma quỷ mạnh, phép Phật yếu tại sao đạo chẳng cô độc / Phật tổ ân cần chỉ cho tiền đồ trước mặt / Chỉ có lẽ huyền vi trong lời kinh Phật / Ai là người thức giả có thể giải được hành vô). Theo tổ thầy và các nhà nghiên cứu thì đây là bài kệ quan trọng mang tính dự báo khi mà tình trạng vô minh trong một bộ phận tăng chúng xuất hiện. Còn theo Đệ nhị tổ Pháp Loa thì xây chùa, đúc tượng, đúc chuông khuyến khích dân đi theo Phật là quan trọng; nhưng quan trọng hơn là tu sĩ và tăng chúng phải ngộ đạo, phải biết “xây chùa, đúc tượng” ngay trong chính tâm giác ngộ của mình, tức là phải “biện tâm” kiến tánh để phòng ngừa “bất giác vô minh” chứ không phải chỉ lo dụng công (hình thức) ngồi thiền (suông). Vậy sư dạy “phải giữ giới mà không phải 250 của Tỳ-kheo, 10 giới của Sa-di, mà giữ 6 căn thanh tịnh. Một khi 6 căn mà thanh tịnh thì giới nào mà chẳng thanh tịnh. Vì giới có nghĩa là “phòng phi chỉ ác”, tức là “ngựa quấy dứt ác”. Quấy ác xuất phát từ 6 căn, đó là gốc”. Theo thiền sư Thích Thanh Từ, những điều nhị tổ Pháp Loa dạy nêu trên chúng ta thấy trùng hợp với tinh thần sám hối Trần Thái Tông. Trần Thái Tông dạy lục thời sám hối 6 căn. Biết lỗi của 6 căn chúng ta mới kèm giữ cho nó Thanh tịnh. Nhân giữ giới vững chắc không động, kế đó mới tập thiền. Người tu tập thiền định không được chấp dụng công, dụng mà không chỗ dụng là thiền Thượng thừa. Thiền sư Pháp Loa dung hợp Thiền và Giáo. Qua bài “Lời khuyến chúng về môn học Thượng thừa”. Thiền sư Pháp Loa cũng dạy, khi học kinh điển, hành giả không quên vấn đề cốt lõi là kiến tính. Người học Phật trước tiên phải chú trọng kiến tính, tức (kiến tánh). Thấy tính là thấy cái không thể thấy. Bởi thế, thấy được cái không thể thấy, chân tính sẽ hiện ra. Và thấy tính rồi phải kiên trì tịnh giới. Suốt 24 tiếng đồng hồ trong ngày (đi, đứng, nằm, ngồi) với cảnh bên ngoài không loạn động, nội tâm không lung lay. Tâm không lung lay, cảnh sẽ đạt tới trạng thái nhẹ nhàng thanh tịnh; cái thấy không vì đối cảnh sở duyên mà hướng vào trong. Nhận biết rằng ra và vào không giao tiếp liên hệ (nghe chỉ thấy nghe, thấy không chồng thấy) rỗng lặng hằng tri. Đó là Thanh tịnh thiền vậy!
Nếu trong bài Huyền ngôn dự báo của nhị tổ Trúc lâm về “Ma cường pháp nhược”, thì ở bài “Tuệ Trung Thượng Sĩ” là tác phẩm bày tỏ sự ngưỡng mộ của ngài với Tuệ Trung một cư sĩ cự phách thời Trần có tư tưởng thấu triệt mọi lẽ đời, vô chấp đến độ kiên cường và vững vàng như gang đúc thép ròng về đời và đạo. Được biết, mặc dù sự nghiệp của thiền sư Pháp Loa khi đó không phải là nhỏ, nhưng ngài đã đề cao Tuệ Trung Thượng Sĩ về Phật pháp, điều này cho thấy ảnh hưởng của cư sĩ Tuệ Trung đối với vương triều là to lớn. Chúng ta hãy thưởng thức bài kệ tụng ca ngợi Tuệ Trung Thượng Sĩ của thiền sư Pháp Loa: “Thuần cương đả tựu / Sinh thiết chú thành / Xích thiên thốn địa / Nguyệt bạch thanh phong (Nguyễn Lang dịch: “A! Gang ròng dồi lại / Sắt nóng đúc thành / Thước trời tấc đất / Gió mát trăng thanh. A!).
Theo sử liệu năm Đại Khánh thứ 4 (1317), Đệ nhị tổ Pháp Loa bệnh nặng, sau lời khẩn cầu của sơn môn, ngài để lại cho hậu thế bài “Thị tịch”. Bài kệ này nội dung hàm chứa triết lý của Phật giáo Thiền tông với quan niệm thế giới là vô thường, biến đổi thường hằng và trong sự biến hóa vô thường ấy chữ duyên là đầu mối mọi sự. Nếu muốn giải thoát toàn triệt thì phải buông, dừng, thôi, dứt mọi dính mắc trong Tam giới. Khi thấu triệt tư tưởng này thì tâm sẽ không còn vọng động trước sinh tử hữu vô còn mất. Bài kệ này, Sư viết dưới hình thức thơ thất ngôn điêu luyện, nội dung thể hiện tư tưởng thiền sâu sắc và tài năng văn chương độc đáo của mình gửi đến đồ chúng. Nội dung bài kệ này chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần cuối. Bên cạnh đó, còn một bài kệ ngài viết: “Thu lai bất báo nhạn quy / Lãnh tiếu nhân gian tạm phát vi / Vị báo môn nhân hưu luyến trước / Cổ sư kỷ độ tác kim sư” (tam dịch: Mùa thu về không báo tin cho chim nhạn cùng về / Đáng cười rằng là người đời cứ nảy buồn thường trước cái chết / Khuyên các môn đồ của ta chớ có vì ta ra đi mà luyến tiếc / Thầy xưa đã bao nhiêu lần hóa thân làm thầy nay).
Những bài kệ nhị tổ Pháp Loa viết vào những giây phút cuối của cuộc đời, khác với những lời thống thiết mà ta thường gặp trong cảnh thầy trò chia ly lúc vĩnh biệt nhau. Bài Thị tịch mà chúng ta tìm hiểu dưới đây ngài viết vào đêm mùng 1 tháng 3 năm 1330. Khi ấy sơn môn có cả (Huyền Quang) thấy ngài bất động các đệ tử bạch rằng:
- Bạch thầy, người xưa lúc sắp về đều có lời kệ để lại chỉ bảo, sao chỉ có riêng thầy là không?
Ngài mới xua tay cho đệ tử rời khỏi phòng, gượng dậy vê bút viết:
“Vạn duyên tuyệt đoạn nhất thân nhàn
Tứ thập dư niên mộng ảo gian
Trân trọng chư nhân lưu tá vấn
Ma biên phong nguyệt cánh mai khoan”.
Bài kệ này với nhiều bản dịch, người viết xin được sử dụng bản trong Tam tổ thực lục dưới đây:
“Muôn duyên cắt bỏ được thân nhàn
Hơn bốn chục năm mộng ảo gian
Nhắn nhủ mọi người đừng viếng hỏi
Bên này trăng gió cũng thênh thang”.
Viết xong bài kệ quăng bút, ngài ngồi kiết già rồi viên tịch. Thể theo di chúc, các đệ tử rước nhục thân của ngài về an táng tại chùa Thanh Mại (Hải Dương), đoạn xây bảo tháp Viên Thông để thờ phụng.
Xiển dương công lao to lớn của thiền sư Pháp Loa, trong bài viết tọa đàm về nhị Tổ in tại cuốn Thiền học đời Trần (Nxb.Tôn giáo 2003) HT. Thích Minh Tuệ nhận định “Khởi xướng và làm Sơ tổ là Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông. Kế thừa và làm cho dòng thiền Việt Nam phát triển sâu rộng là thiền sư Pháp Loa. Qua sự đóng góp nhiều mặt cho Phật giáo của thiền sư cho thấy, có lẽ từ xưa đến nay chưa có một thiền sư nào sánh bằng. Vì thế, vua Minh Tông đã ngự bút tán dương thiền sư với bài thơ:
“Tay duổi trần hoàn rủ sạch duyên
Giác Hoàng sự nghiệp đã nên truyền
Chân mộ núi xanh mờ cỏ dại
Xác ve cây biếc tỏa sương mềm.
Giảng đường dọi bóng trăng kim cổ
Thiền thất mờ sương khói nhị biên
Tiếc duyên kim cải ngày xưa đó
Chuốt một bài thơ khác bạn hiền”
(Nguyễn Lang dịch)
Sư ông Trúc lâm Thích Thanh Từ, cũng có bài viết không dài, chỉ điểm qua vài nét đặc thù của thiền sư Pháp Loa đó là, vấn đề Sư ngộ đạo, thành lập sổ bộ tăng chúng (đây là lần đầu tiên Phật giáo Việt Nam có sổ bộ tăng chúng), vấn đề in kinh đúc tượng Phật, và tư tưởng Giới và Thiền của ngài. Nhận định về Nhị tổ Sư ông Thanh Tử nhận định: “Xét qua 4 nét đặc thù trên, chúng ta thấy thiền sư Pháp Loa là con người có tổ chức, mở rộng Phật giáo ở mọi lĩnh vực và hoạt động quên mình. Từ khi nhận trách nhiệm của Điều Ngự giao phó, Sư thuyết pháp độ tăng, cất chùa, xây tháp không biết mệt mỏi. Tuy tuổi thọ của Sư ngắn, song việc làm gấp trăm lần người tuổi thọ dài. Những gì Điều Ngự giao phó, Sư đều làm trọn vẹn. Thật là Điều Ngự có con mắt thấy được người” (tức chỉ Phật hoàng Trần Nhân Tông nhìn thấy pháp khí của sư Pháp Loa ngay từ nhỏ tuổi lúc mới gặp)
Với TT. Thích Phước Sơn cũng có bài viết về Nhị tổ trong cuốn sách nói trên nhận định rằng: “Hiện diện 47 năm trên cõi trần gian, ròng rã suốt 26 năm tận tụy quên mình phụng sự đạo pháp. Việc tự lợi và lợi tha đều hoàn toàn viên mãn. Dù tất cả các pháp hữu vi chung cục đều tan biến theo. Nhưng tấm gương sáng mà Sư đã để lại vẫn là một bài học quý giá, sinh động, khiến cho con cháu nghìn sau mãi xem như một thứ gia tài bất diệt”. Còn PGS. TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông nhận định: “Pháp Loa là một nhà hoạt động chính trị và một nhà văn hóa, một tác gia văn học có nhiều đóng góp”. HT.Thích Minh Tuệ và Cư sĩ Đào Nguyên thì cho rằng: “Thiền sư Pháp Loa không chỉ đóng góp xây dựng thiền phái mang tính Việt Nam mà còn sáng tác các bài thơ ngắn gọn, bóng bẩy, góp phần cho nền văn học Việt Nam thêm phong phú”. Về thi ca-thi kệ, thiền sư Pháp Loa là một gương mặt thi ca tiêu biểu của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ 14 và của văn học Phật giáo Việt Nam thời thịnh Trần.
Cuộc đời tu học và hành đạo của Thiền sư Pháp Loa
Như đã nêu ở tiêu đề, bài viết này với ý định chỉ điểm qua đôi nét những bài thi kệ-thi văn còn sót lại thuộc thể văn chương của Đệ nhị tổ Pháp Loa trong Tam tổ thực lục, nhưng bài “Thị tịch” lại nằm trong số này. Vậy ngang đây người viết xin được nói thêm về bài kệ Thị tịch của Trúc lâm Đệ nhị tổ để chúng ta cùng chia sẻ về một nhận định chưa ổn qua cách nhìn nhận bài kệ này của Thiền sư Pháp Loa. Bởi có học giả (không tiện nêu tên) đã cho rằng: “Pháp Loa trong 22 năm tu hành, Sư chỉ chú trọng vào việc nội tâm hơn là nhập thế. Sư Pháp Loa chỉ muốn buông bỏ rũ sạch việc đời để đi vào cõi tịnh độ như Sư đã trình bầy trong bài kệ “Thị tịch” mà Sư đã đọc trước khi viên tịch “. Lại nữa, “Nói tóm, tư tưởng thiền học của thiền sư Pháp Loa là trầm tư mặc tưởng, không phân biệt mọi pháp, không phân biệt mọi hiện tượng. Sư đã nói: “ngủ với tỉnh như một, “ngủ say với giác ngộ là một” “bịnh (bệnh) với không bịnh giống nhau”.
Y cứ vào nhận định trên, ngang đây (xin được coi là ý kiến cá nhân) chia sẻ đôi lời: nếu chúng ta chỉ dùng tư duy thế trí mà đo lường nhận định về Nhị tổ Trúc lâm qua bài kệ “Thị tịch” mà đã vội vàng cho rằng, Sư chỉ chú trọng vào việc thiền định, tụng kinh, thuyết pháp hướng nội tâm hơn là nhập thế, thì đây chỉ là nhận định về tướng trạng mà chưa thấu triệt câu pháp Phật dạy (tùy duyên nhưng bất biến). Đương nhiên, Thiền tông coi vấn đề (Phật sự) không phải là mấu chốt của giải thoát giới. Nhưng ngay cả thời đức Phật hiện thế, Ngài cũng dạy nhiều pháp môn để đáp ứng tùy duyên của mỗi chúng sinh trên bước đường tu giác ngộ - giải thoát với nhiều cấp độ. Vậy nên mới có: Nhân thừa, Thiên thừa, Phật thừa, để rồi (khu biệt) chỉ còn Nhất Phật thừa. Đề cập về giải thoát rốt ráo, mà nay ta dùng từ hiện đại gọi là giải thoát toàn triệt. Với lòng bi mẫn thương chúng sinh vô lượng (trong 6 nẻo luân hồi khổ đau) Phật cũng đã nói rõ trong Tứ Diệu đế: “Khổ là lẽ thật! Nhưng có chúng sinh không thấy khổ! Và không cho là khổ mà lại vui trong khổ, thì cũng không thể độ - vì người đó không thấy pháp. Vậy, vãng sinh Nhân-Thiên dẫu còn nằm trong tam giới, nhưng đức Phật vẫn chế pháp để cứu độ chúng sinh thoát khỏi đọa lạc tam đồ (súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Dòng thiền nhập thế Trúc lâm mà chúng ta đang nói ở đây là dòng thiền Như Lai thanh tịnh, lấy kiến tánh “biện tâm” để làm giác ngộ hướng tới giải thoát toàn triệt. Vậy Sư Pháp Loa chú hướng vào việc nội tâm để buông, để dừng, để dứt mọi việc dính mắc nơi tam giới - để về “bên này trăng gió cũng thênh thang” sao lại chấp là không nhập thế với nhập thế?
Trở lại nội dung bài kệ nêu trên của Nhị tổ: nếu 2 câu đầu của bài kệ Thị tịch, ngài viết “Muôn duyên cắt bỏ được thân nhàn / Hơn bốn chục năm bóng ảo gian. Ở đây ta nên hiểu là việc nhọc nhằn (hóa thân) xuống Diêm Phù Đề ta đã làm xong, tức (việc phải làm đã làm) nên khi về “nhắn nhủ mọi người đừng viếng hỏi”; có nghĩa là đừng chấp cứng vào cái thân (tứ đại) này ở tam giới mà đem chuyện này ra hỏi, và thử ta. Và ngài nói, ngôi Nhà Pháp thân của ngài đã ở bên kia Phật giới rồi!
Ỏ đây xin được nói thêm, bài kệ do sơn môn (khẩn khoản) mà ngài viết để lại, chứ đâu có muốn dặn dò gì. Bởi ngài đã viết “thầy xưa đã bao nhiêu lần hóa thân làm thầy nay” cớ sao còn dính mắc. Vậy, kệ ngài nói bên này, hay bên kia nghĩa là công đức ngài đã thành tựu để trở về… Chỉ có thấu triệt nền tảng giác ngộ và giải thoát của pháp môn Thiền tông mới hiểu được Dòng thiền này lúc ẩn, lúc hiện qua các đời Tổ truyền nhau. Bởi các ngài nhập thai, hiện thế và lúc ra đi thật (kỳ đặc) không thể dùng biện thông thế trí mà hiểu, mà đo lường được. Trong dòng thiền này, các tổ Trúc lâm của chúng ta cũng không ngoại lệ.
Tài liệu tham khảo:
- Thiền học đời Trần (nhiều tác giả) - Nxb Tôn giáo - 2003.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
HT.Thích Chơn Kim - đời khí phách, tu nghiêm mật
Tăng sĩ 09:47 19/12/2024HT.Thích Chơn Kim thế danh Nguyễn Phúc Liên Phú, Pháp danh Tâm Phú, đời thứ 43 dòng Lâm Tế, xuất thân từ dòng họ Nguyễn ở Gia miêu ngoại trang tỉnh Thanh Hóa. Tiên tổ là ngài Nguyễn Kim bậc đại thần đã tận trung phục hưng lại nhà Hậu Lê là Lê Trung Hưng; tiếp theo là chúa Nguyễn Hoàng cùng 8 đời chúa kế sau đã trấn giữ và mở mang bờ cõi đến tận phương Nam.
Lễ giỗ Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo tại tổ đình Chúc Thánh
Tăng sĩ 13:45 07/12/2024Chư tôn đức Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh sáng 6/12 đã cử hành khóa lễ cung tiến Giác linh Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo và lịch đại Tổ sư, tại tổ đình Chúc Thánh (P.Tân An, TP.Hội An, Quảng Nam).
Thà chết chứ nhất định không phá giới
Tăng sĩ 19:30 27/11/2024“Nếu chết thì xin được chết, chứ không thể phá bỏ giới luật”.
Vài nét về tiểu sử Hòa thượng Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
Tăng sĩ 11:21 27/11/2024Hòa thượng Giới Đức có thế danh Nguyễn Duy Kha, sinh ngày 19 tháng 7 năm 1944 tại Dạ Lê thượng, huyện Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế. Thân sinh Hòa thượng Giới Đức là cụ ông Nguyễn Duy Hoan và mẹ là cụ bà Nguyễn Thị Sừng.
Xem thêm