Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 21/10/2022, 09:01 AM

Diễn giả Trần Việt Quân: Thành công một bước, cái tôi sẽ leo lên một bước

Trong đời sống hằng ngày, đứng trước những hành động/những phát ngôn có phần chua ngoa, quá khích, đôi khi chúng ta thấy xuất hiện lời khuyên: Cẩn thận, kẻo tạo nghiệp!

Trong kinh viện Phật giáo, chữ 'nghiệp' cũng lặp đi lặp lại và được luận bàn ở rất nhiều góc độ khác nhau. Trong bạn và trong tôi, ai cũng có một nghề, một nghiệp và chúng ta vẫn hay nghe những nhận xét về chuyện 'sinh nghề tử nghiệp'.

Cuộc đối thoại của tôi với diễn giả Trần Việt Quân - người nghiên cứu Phật giáo dưới góc nhìn ứng dụng cũng khởi đi từ một chữ tưởng là rất đơn giản nhưng hóa ra lại không đơn giản này.

Có những nguồn năng lượng cần quy hoạch

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa diễn giả Trần Việt Quân, có một câu chuyện thiền học tôi đọc được từ lâu và nhớ mãi. Đó là, lần nọ, một thiền sinh hỏi vị thầy của mình rằng: Thưa thầy, người ta cứ nói đến một chữ "nghiệp", rằng tạo nghiệp xấu sẽ nhận quả xấu. Nhưng, rốt cuộc, có ai nhìn thấy nghiệp đâu. Giả dụ như thiền sinh đang hỏi mình như vậy, ông sẽ trả lời thiền sinh thế nào?

- Diễn giả Trần Việt Quân: Đứng trên quan điểm Phật giáo thì chữ "nghiệp" hiểu ra cũng đơn giản thôi. Chẳng hạn như chúng ta hay nói đến "nghề nghiệp" thì đấy chính là một công việc làm từ năm này qua năm khác và nó là một quá trình tích lũy nghiệp. Hằng ngày mua bán, trao đổi món đồ gì đó, vô tình chúng ta sát sinh, rồi cứ tích lũy thì dần dần sẽ sinh ra nghiệp. Tóm lại, bất cứ một hành vi nào ta gieo xuống thì đều có thể coi là một nghiệp. Đạo Phật chia ra làm 3 loại hành vi, cũng có nghĩa là 3 loại nghiệp: Thân (tay chân tạo tác làm ra), khẩu (lời nói), ý (đầu suy nghĩ).

Screenshot_34

- Vâng! Thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.

- Như vậy, một ý nghĩ xấu ác sẽ liên đới tới một nghiệp xấu ác. Một lời nói xấu ác sẽ liên đới tới một sự xấu ác. Khi ta nói một lời xấu ác, có thể nó chưa trổ quả liền lúc ấy nhưng nó sẽ trổ quả trong tâm. Một người nói lời xấu ác thường là trong tâm họ có một sự khó chịu nào đó rồi. Sau đó mới trổ ra miệng, mới tác động ra bên ngoài, trở thành một trường năng lượng xấu ác tỏa ra xung quanh. Một hai lần, những người đón nhận trường năng lượng ấy sẽ cảm thấy bình thường, nhưng nếu họ đón nhận hàng trăm nghìn lần thì họ sẽ rời xa mình. Nhiều khi một năm sau mình mới nhận quả và thấy không còn ai bên cạnh mình nữa. Còn có những trường hợp mình nhận nghiệp xấu đến độ, nói lời ác đến lần thứ 5 thì người ta đã tát mình một cái.

Vậy đấy, chúng ta không thấy được ý nghiệp nhưng khẩu nghiệp và thân nghiệp thì sẽ thấy ngay. Tuy nhiên, ngay cả với nghiệp thì trong góc nhìn nhân tướng học, nó vẫn có thể toát lên qua thần và khí. Thần thể hiện ở ánh mắt, khí thể hiện ở lời nói. Vậy nên dù ý nghiệp không sờ không nắn được nhưng nếu tinh ý thì vẫn có thể cảm nhận được.

- Trong câu chuyện mà tôi dẫn ở trên, vị thầy đã trả lời thiền sinh một ý rằng: Bạn thử pha trà vào một cái ấm cũ và một cái ấm mới, đảm bảo trà trong ấm cũ sẽ ngon hơn trà trong ấm mới. Bởi vì, ấm trà cũ vốn có sự tích tụ của rất nhiều nước trà từ trước đó rồi. Sự tích tụ đó không nhìn thấy được bằng mắt thường nhưng nó có tác dụng thật. Nghiệp cũng vậy. Ý nghiệp không nhìn thấy được vì nó là cái hiện hữu trong đầu mỗi người. Nhưng, không phải vì không nhìn thấy mà cho là nó không có. Cá nhân tôi nghĩ rằng, đây là một luận điểm có ý nghĩa giáo dục lớn, vì nó nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả khi mới chỉ nảy lên một ý nghĩ xấu, xin nhấn mạnh, chỉ là ý nghĩ thôi, chứ chưa phải hành vi, thì chúng ta cũng phải đối diện với một nguy cơ nào đó. Và, sự nhắc nhở này giúp chúng ta có ý thức quy hoạch các ý nghĩ của mình một cách tốt đẹp nhất có thể. Nhìn rộng hơn nữa, tôi thấy có rất nhiều cái vô hình nhưng đầy ý nghĩa nhắc nhở. Ông nghĩ gì về những cái vô hình như vậy?

- Không khí là hữu hình hay vô hình? Vô hình đúng không? Và, ngày xưa, khi khoa học chưa phát triển, người ta cho rằng không khí là cái... không có gì. Nhưng, sau này khoa học phát triển thì người ta đo được chỗ này có oxy, chỗ này có carbonic.

Như vậy, cái không thấy của ngày trước là do trình độ của mình chưa tới nên chưa thấy mà thôi. Hay như số âm trong toán học cũng vậy, nó cũng là một thứ vô hình nhưng đâu phải vì nó vô hình mà các nhà toán học tin rằng nó không có. Tất cả những thứ trên mặt bàn mà tôi và anh đang nhìn thấy đều là con số dương: Dương 1 cái chén, dương 1 cái ấm. Nếu ta dẹp hết mọi thứ trên bàn đi thì sẽ thành con số 0. Vậy thì số âm ở đâu? Âm 1 cái chén sẽ như thế nào? Âm 1 cái ấm sẽ như thế nào? Có những thứ chúng ta không nhìn thấy được nhưng các nhà khoa học đã chứng minh được có vật thể này thì cũng sẽ có vật thể khác đối xứng với nó. Tương tự, có trường năng lượng sờ nắn được thì cũng có những trường năng lượng không sờ nắn được.

Phân tích một ví dụ đời sống cho dễ hiểu: Chẳng hạn như tại đây hội tụ những con người thiện lành và mọi thứ xung quanh nghiêng về những điều tốt đẹp thì lâu ngày những trường năng lượng tốt đẹp sẽ được tích lũy và nó sẽ hút những trường năng lượng tương tự về mình. Người ta gọi là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” là vì thế.

Ngược lại, khi bước vào quán nhậu sẽ không bao giờ có được trường năng lượng ấy. Kể cả khi 12h đêm, 1h sáng, khi quán nhậu đã đóng cửa, ta bước vào cũng không cảm thấy bình an được. Tất cả những cuộc vui, ăn chơi, nhảy múa, nhậu nhẹt đều là những trường năng lượng tiêu cực và bị nhiễm từ năm này qua năm khác, tích tụ tại đây. Vậy, khoa học chưa đo lường được nhưng chúng ta - con người có thể cảm nhận được. Nói tóm lại, bên trong mình có năng lượng gì thì mình sẽ hút về những năng lượng tương xứng như vậy.

Nhìn tướng đoán tâm là chưa đủ

- Ông làm tôi chợt nhớ về thời Khai sáng ở châu Âu, đấy là thời kỳ khoa học phát triển rực rỡ so với trước và con người có tham vọng muốn lý giải mọi thứ bằng khoa học. Khoa học hiểu theo nghĩa duy vật, duy lí và thực chứng. Nhưng, bây giờ nhiều nhà khoa học cho rằng, duy vật, duy ý, thực chứng có thể cũng sẽ đi tới giới hạn rồi. Để giải quyết những bài toán phức tạp của vũ trụ, người ta cần bổ sung những con đường nhận thức khác hoặc một thứ khoa học khác và những gì diễn ra trong thế giới luận phương Đông từ cả trăm, cả ngàn năm trước là một gợi ý không tồi. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, có một tích truyện nổi tiếng thế này: Một bậc thầy hoa đạo đi xem triển lãm tranh và nhìn thấy bức vẽ một bông hoa huệ. Vị này liền hỏi ông họa sĩ rằng có phải bông hoa huệ trong tranh được vẽ từ một bông hoa bị ngắt khỏi cây chứ không phải một bông hoa vẫn còn trên cây? Ông họa sĩ rùng mình thừa nhận và hỏi ngược lại tại sao bậc thầy hoa đạo lại nhận ra điều đó. Câu trả lời: "Nếu bông huệ trong tranh được vẽ từ một khuôn mẫu còn ở trên cây thì nó sẽ tỏa ra một nguồn sáng vô hình và người xem tranh có thể cảm nhận được. Còn ở đây, khí quyển toát ra chỉ là khí quyển của một bông huệ chết mà thôi". Là một người nghiên cứu Đạo học phương Đông và có nhiều quan sát trong đời sống, ông nghĩ gì về điều này và có thể lấy những ví dụ đời sống rất cụ thể để độc giả cảm nhận rõ được không?

- Đơn giản thế này nhé: Một người tối hôm trước vừa xung đột gia đình thì hôm sau họ sẽ mang đến cơ quan một gương mặt bí xị, họ thở dài rồi ngồi phịch xuống ghế, không chuyện trò với ai. Nguồn năng lượng ấy của họ sẽ tỏa ra khắp căn phòng, khiến mọi người xung quanh chán nản. Những tình huống như vậy tôi tin rằng ngoài đời ai cũng gặp rồi. Hoặc, bạn đang ngồi, tự nhiên có người đứng nhìn bạn từ khoảng cách 10m, bạn cảm thấy gáy nóng ran và cảm nhận được ngay. Vì vậy, tôi đặc biệt nhấn mạnh vào chuyện quy hoạch năng lượng, quy hoạch tâm thức của mỗi người nói riêng và cộng đồng nói chung. Khi trong tâm con người còn đầy năng lượng xấu ác thì những hận thù, chiến tranh, ghen tị, đố kị... tự nó sẽ xảy ra ngay bên trong mình. Bạn chỉ cần ngồi trong phòng, không cần nói chuyện với ai thì cũng sẽ tự mình tức mình, tự mình bức bối với mình. Khi có một ai đó bước vào phòng thì sự tức tối đó sẽ chuyển từ mình sang người đối diện và việc gây hấn rất dễ xảy ra. Cái gốc do vậy phải là việc sửa chữa cái ở bên trong mình. Khoa học có phát triển tới đâu, có giúp con người làm được những điều kỳ vĩ tới đâu nhưng tự thân con người không sửa chữa được những hỏng hóc trong tâm thức thì cuộc sống vẫn đầy bi kịch. Thánh nhân nói: "Chiến thắng ngàn quân địch không bằng chiến thắng bản thân mình" là vì thế.

- Ông vừa nhấn mạnh tới ý nghĩa của chuyện sửa chữa, quy hoạch, xây dựng tâm thức trong cuộc đời mỗi con người. Thật lòng mà nói, tâm cũng là một thứ không nhìn thấy được. Sẽ có những phát ngôn rất hay được bung ra từ một cái tâm rất xấu. Sẽ có những phát ngôn bình thường, lặng lẽ được bung ra từ một cái tâm rất tốt. Tâm có thể được chứa đựng ở ý thức hoặc ở vô thức, nhưng ở đâu thì cũng không dễ thấy. Dù vậy, người đời lại hay nói "tâm sinh tướng", tức là có thể qua hình tướng nào đó của một người để đoán tâm. Ông nghĩ sao?

- Đúng là người ta thường có xu thế nhìn tướng để đoán tâm, ví dụ như người có trán cao là thông minh, có mũi cao là nghị lực, môi mỏng là nói nhiều... Nhưng, tất cả đều rất dễ gây hiểu lầm vì hình tướng chỉ là "bộ ngọn" chứ không phải "bộ gốc", do vậy, trọng số của nó không nặng. Bên cạnh hình tướng, người ta phải nhìn vào điều thứ hai nữa, đó là cốt cách, thể hiện qua đi, đứng, nằm, ngồi. Cái này phương Tây gọi là ngôn ngữ cơ thể. Bước thứ ba là phải căn cứ vào thần khí. Thần là ánh mắt, khí là giọng nói. Ánh mắt là cửa sổ của tâm hồn, ánh mắt thay đổi thì tâm thay đổi. Tâm buồn thì ánh mắt buồn, tâm vui thì ánh mắt vui. Giọng nói cũng thế. Một người đang giận thì giọng nói to, lớn, gấp gáp. Một người bình an thì giọng nói từ tốn, hòa nhã. Thần khí quan trọng hơn bộ vị rất nhiều. Cuối cùng, bước thứ tư là phải xem những phản ứng trong đời sống, đặc biệt là những tình huống bất ngờ, khó khăn. Khi gặp phải những tình huống này thì những tố chất tiềm ẩn, những hạt giống ủ ngầm mới bộc lộ hết. Phải cẩn thận nhìn đủ 4 bước này thì mới tạm gọi là có quan sát đa chiều và từ đó mới có những đúc kết về tính cách và nội tâm một con người.

Bài học sâu sắc từ thất bại

- Mỗi ngày, mỗi người cần ý thức như thế nào về những cái không nhìn thấy? Nghĩa là phải quy hoạch làm sao để mình có thể tiếp xúc được với những cái không nhìn thấy tích cực, tránh xa được những cái không nhìn thấy tiêu cực?

- Trong đạo học, có một câu kệ rất đơn giản: "Không làm các điều ác, luôn làm các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, là lời chư Phật dạy". 3 ý đầu nhắc đến những lời cốt tủy mà tất cả các bậc thánh nhân đều dạy chứ không riêng gì Đức Phật. "Không làm các điều ác", "luôn làm các hạnh lành" thì rõ rồi, mình thấy được, người khác cũng thấy được thông qua việc mình làm. Nhưng, "giữ tâm ý trong sạch" thì chỉ có mình biết được mà thôi. Một điều gì xấu ác khởi lên trong tâm, nếu ta không có năng lực nhận diện và xử lí thì ta sẽ nuôi dưỡng những điều xấu ác ấy. Ví dụ, khi ta tham mà không biết mình tham thì ta sẽ nuôi dưỡng cái tham. Nuôi dưỡng đến cùng cực thì ta sẽ đi tranh giành với người khác, bất chấp thủ đoạn. Vì ta giỏi và có thế lực hơn người khác nên tranh giành được và ta gọi cái được ấy là thành công. Có người thắng ắt sẽ có kẻ thua, vậy vô tình ta đã biến cuộc đời thành một canh bạc thắng - thua. Rồi đến một lúc ta chẳng thế thắng mãi được, sẽ có người thắng lại ta. Từ canh bạc, ta lại biến cuộc đời thành chiến trường. Vậy thì cái gốc không phải nằm ở bên ngoài mà nằm ở bên trong, nghĩa là bạn có giữ được tâm ý trong sạch hay không. Khi giữ được như vậy thì ta sẽ làm việc lành và tránh xa việc xấu một cách rất tự nhiên.

Giờ đây, khi đã ngoài 50 tuổi, tôi thấy rằng để sống tốt với nhau không quá phức tạp đâu, chẳng qua trong suốt 12 năm phổ thông và 4 năm đại học chúng ta không được giáo dục về chữ "tử tế" một cách sâu sắc mà thôi. Chúng ta không nắm được phương pháp làm việc thiện, ngăn việc ác và quan trọng là ngăn cái ác trong tâm. Hi vọng, thời gian tới, phong trào sống tử tế trên thế giới sẽ được nở rộ qua ứng dụng trong hiện tại của rất nhiều trường học. Được như vậy chúng ta sẽ có một cộng đồng hoặc xa hơn là những quốc gia "tử tế".

- Chúng ta đều đồng ý với nhau là phải "giữ tâm ý trong sạch" và hi vọng là thông qua con đường giáo dục, một đứa bé khi trưởng thành sẽ làm được điều ấy. Nhưng, thực tế cuộc sống với hàng trăm, hàng nghìn va đập khôn lường, việc giữ tâm ý trong sạch là vô cùng khó khăn. Thậm chí, có những lúc phải bước qua một trận chiến tâm tưởng hết sức dữ dội mới giữ được tâm ý trong sạch. Xin hỏi thật là trong cuộc đời mình, đã bao giờ ông phải trải qua những cuộc chiến như vậy chưa? Hay là mọi thứ với ông rất xuôi chèo mát mái: Cứ muốn trong sạch là trong sạch được ngay?

- "Giữ tâm ý trong sạch" ở đây chỉ là một câu kệ thôi. Khi dịch câu ấy ra ngoài đời sống thì phải là một hành trình rèn luyện để giữ tâm ý trong sạch, chứ không phải cứ giữ là giữ được ngay, vì trong tâm mình ủ rất nhiều hạt giống xấu ác. Trong đạo gọi là tiến trình gọt giũa bản ngã, tiến trình thuần hóa cái tôi. Người có tiến trình rèn luyện hiệu quả là những người ít xung đột hơn, ít gây hấn hơn, ít so bì hơn, ít ganh tị hơn. Vậy đã là ổn rồi, chứ ta đừng đòi hỏi hoàn hảo quá, bởi nếu thế thì ta đã trở thành một nhà tu hành chuyên nghiệp rồi.

Không lấy cái tôi làm trung tâm

Phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng trò chuyện cùng diễn giả Trần Việt Quân

Phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng trò chuyện cùng diễn giả Trần Việt Quân

- Tôi vẫn muốn hỏi là cá nhân ông đã đối diện với điều này ra sao? Liệu có một ví dụ cụ thể nào không?

- Thời chưa tu tập được nhiều, khi còn hàn vi, đang làm ăn thì mấy anh em chúng tôi làm việc với nhau rất dễ. Mươi, mười lăm năm sau, khi kinh tế đã vững, có đồng ra đồng vào, để có thể hòa thuận và tìm ra tiếng nói chung lại rất khó, bởi cái bản ngã lúc đó quá lớn. Anh cứ tưởng tượng như thế này, ngày xưa thì “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Còn bây giờ ba cây tách ra vẫn có thể trở thành những hòn núi riêng lẻ.

- Và, khi đó ông mất bạn?

- Không mất! Nhưng, đúng là có những rạn nứt khó hàn gắn và cứ xa nhau ra. May mắn, chúng tôi là những con người rất chịu tầm sư học đạo để hiểu lỗi ấy là do tâm mình chứ không phải do công việc làm ăn. Tôi sửa sai bằng cách học thiền Vipassana, chịu khó quán chiếu bản ngã của chính mình. Tôi nhận ra điều này: Khi mình thành công một bậc thì bản ngã cũng bước lên một bậc. Mình thành công bậc nữa, bản ngã lại bước lên bậc nữa. Vậy, làm thế nào để chúng ta bước lên những thành công mới trong cuộc đời mà bản ngã không bước theo lên? Người ta thường bảo "lúa chín thì cúi đầu" nhưng "cúi đầu" đâu có dễ. Nhiều khi hành vi ta cúi đầu nhưng tâm ta có cúi không lại là chuyện khác. Không có năng lực của thiền, đặc biệt là thiền Vipassana thì ta khó để biết tâm mình có cúi hay không. Hành vi cúi mà tâm không cúi, ta gọi là kĩ năng chào hỏi khéo léo. Lâu ngày quá sẽ trở thành vỏ bọc, mặt nạ. Mà lâu ngày vỏ bọc, mặt nạ ấy được đắp dày lên thì cũng rất nguy hiểm. Quay trở lại, những thất bại trong hành trình mưu sinh mà tôi vừa kể, ở góc độ đời sống, rõ ràng đó là không thành công, nhưng trong đạo học tôi lại thấy những thất bại ấy sâu sắc vô cùng.

Xin nhấn mạnh lại, nó giúp tôi nhận ra rằng phần bên trong chưa được sửa, thế giới bên trong chưa được tu tập mới là điều đáng nói, chứ không phải là những biến động của thế giới bên ngoài. Bài học về bản ngã, về một cái tôi vi tế ngủ ngầm bên trong, cái tôi tự nhảy ra bào chữa, vinh danh bản thân là một bài học rất khó học.

Sự nguy hiểm của cái tôi

- Phải rồi! Cái tôi ấy ve vuốt ta, nịnh bợ ta, phỉnh phờ ta, khiến ta không nhìn thấy đúng - sai của đời sống thực và cũng không nhìn thấy những cạm bẫy nguy hiểm ở bên trong mình. Tự nhiên tôi nhớ tới câu chuyện trong phần đầu tác phẩm "Muôn kiếp nhân sinh" của tác giả Nguyên Phong. Rằng, một nhà du hành vũ trụ người Mỹ tới gặp một nhà tu hành phương Đông, kể lại cảm giác khoan khoái, nhiệm mầu khi bay ra ngoài Trái đất. Lúc đó, nhà tu hành nói rằng, hãy cẩn thận với ngay cả cảm giác khoan khoái nhiệm mầu đó. Vì nó là vô thường, là bất chợt, là khoảnh khắc, là không vĩnh viễn. Mà tâm ta cứ phải đánh đu với những khoảnh khắc như vậy thì bất ổn. Cũng vì thế chăng mà Đức Phật chủ trương trung đạo, tức là phải cố gắng giữ một cái tâm cân bằng, tỉnh táo, không bị nghiêng về bất cứ thái cực nào?

- Đúng! Và, Đức Phật cũng không chỉ nêu vấn đề một cách chung chung, mà còn dạy chúng ta các bước cụ thể để thực hành trung đạo. Giữ chánh niệm là phải giữ như thế nào? Thế nào là tâm quan sát? Tâm quan sát vận hành ra sao?... Khi niềm vui đến, mình quan sát niềm vui. Nỗi buồn đến, mình quan sát nỗi buồn. Một lời khen, một lời chê đến, mình cũng quan sát một lời khen, một lời chê. Cái cảm giác khoan khoái khi ngồi trên tàu vũ trụ để bay ra ngoài Trái đất cũng chỉ nên là một đối tượng để mình quan sát, chứ không phải đối tượng để đồng nhất, chìm vào. Tâm quan sát càng ngày càng mạnh thì người ta gọi là sống tỉnh thức. Từ cánh cửa của tâm quan sát, của chánh niệm thì những cánh cửa còn lại trong bát chánh đạo mới mở dần ra, từ đó mới đến con đường trung đạo được!

- Xin hỏi câu cuối cùng, nếu con người không có tâm quan sát, không nhìn ra được sự phỉnh phờ nguy hiểm của cái tôi, không ý thức được việc quy hoạch những nguồn năng lượng vô hình, nhưng cực kỳ quan trọng thì điều nguy hiểm nào sẽ xảy ra?

- Nếu chỉ nhìn được những thứ ngắn hạn mà không nhìn được những điều dài hạn thì đấy là thân người - tâm thú. Như con chó không có khái niệm hữu hình hay vô hình. Người ta quăng cho cục xương là nó gặm, hết xương là hết gặm. Nếu chúng ta thân người - tâm thú thì đã xứng đáng sống một kiếp con người hay chưa?

- Xin cảm ơn ông!

(Ảnh trong bài: DTA).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thiền và tập tạ

Góc nhìn Phật tử 09:30 23/11/2024

Nếu ai thực tập 2 môn này cùng một lúc chắc chắn sẽ cảm nhận được rất nhiều điểm tương đồng.

Tuổi nào cho em

Góc nhìn Phật tử 13:43 22/11/2024

Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.

Đạo Phật là lối sống đẹp để hướng đến việc hoàn thiện bản thân

Góc nhìn Phật tử 10:24 22/11/2024

Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.

Để Sư nấu

Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024

Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.

Xem thêm